Đứng sau một loạt các MV indie triệu view Chuyện rằng, Tình yêu xanh lá, Thanh của Thịnh Suy, Do ai của Vũ, Đừng hát về cơn mưa của Trang, Một giấc mơ của Mademoiselle, đạo diễn trẻ Ngạc Lâm Vũ được nhiều người biết đến với lối tư duy thẩm mỹ hiện đại, có chất riêng và chiều sâu. Nhiều ca sỹ trẻ cảm thấy may mắn khi được hợp tác với Lâm Vũ vì cách làm việc cũng như thái độ nghiêm túc trong nghề, luôn đưa ra những ý tưởng vô cùng sáng tạo và độc lạ.
Thế nhưng cũng mới đây thôi, anh chàng đã khiến rất nhiều người hâm mộ bất ngờ khi rẽ ngang sang hội hoạ, gần như là người đầu tiên tại Việt Nam sáng tác tranh hoàn toàn từ rác thải, chất thải nhựa bỏ đi như túi nilon, vỏ chai, ống hút, hộp mì, muỗng đũa dùng một lần…
Thoạt nhìn các tác phẩm đấy, chúng ta sẽ không thể nhận ra được việc sử dụng, tái chế rác thải lại có thể làm ra được những bức tranh như thế. Thậm chí họa cụ mà anh dùng cũng lấy từ chai Aquafina bỏ đi, cái muỗng, cái đũa ở trong bếp, chứ không hẳn là phải dùng đến cọ.
Ngạc Lâm Vũ là sinh viên ngành mỹ thuật công nghiệp nhưng lại bỏ giữa chừng đi làm đạo diễn
Thực chất cậu bé Ngạc Lâm Vũ đã có niềm đam mê với mỹ thuật từ khi còn nhỏ. Được mẹ động viên, anh thi đậu vào khoa Mỹ thuật Công nghiệp nhưng lại bỏ học giữa chừng đi theo ngành đạo diễn. Bởi anh cảm thấy mình không phù hợp. Hồi đó Lâm Vũ cho rằng những bài giảng về hội họa không làm anh thấy lý thú, việc gò bó bản thân vào những khuôn khổ khiến mình chán chường.
Mặt khác, điểm số và sức ép tại trường học cũng là yếu tố khiến một anh chàng mộng mơ quyết định nghỉ học. Từ đó Lâm Vũ đã bỏ hẳn niềm đam mê hội họa, không còn đụng tới bất cứ họa cụ nào, bảng màu nào suốt 5, 6 năm. Anh chỉ chú tâm đến việc làm phim và MV như hiện tại.
Lockdown khiến chàng đạo diễn một lần nữa trở lại tuổi thơ
Vì ở nhà nghỉ dịch quá lâu, đang sẵn nhiều thời gian rảnh, vào một lần tình cờ ngang qua trường đại học cũ, Ngạc Lâm Vũ nghĩ “hay vẽ lại cho vui”. Rồi lúc đó đi mua màu vẽ, cọ vẽ, toan vẽ… mới phát hiện ra mọi thứ liên quan đến hội hoạ sao mà đắt thế. Thế là ý tưởng sử dụng lại những đồ nhựa dùng một lần, dùng các thứ rác thải tưởng chừng phải bỏ đi đã “loé sáng” trong đầu của anh đạo diễn trẻ.
Ngạc Lâm Vũ đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu và mày mò những chất liệu mới, thậm chí đun chảy cả nhựa để dùng làm chất liệu vẽ. Anh sử dụng tất cả những món đồ xung quanh mình như túi nilon, cốc giấy, chai nước, ống hút, bất cứ thứ gì mà con người không dùng nữa. Điều này vô tình lại mang đến sự độc – lạ cho các tác phẩm của anh.
Thời gian đầu, anh chỉ nghĩ vẽ cho vui, giết thời gian vì dịch không có việc. Vậy nhưng về sau, từ bạn bè đến những người yêu tranh, rất nhiều người đã tìm đến anh mới mong muốn mua lại các tác phẩm mà anh cho là vẽ chơi ấy. Thế là danh xưng “họa sỹ trẻ” đã ra đời với chàng đạo diễn trẻ. Gần đây, anh đã mở hẳn một tổ hợp gallery kết hợp không gian mở làm việc, quán cà phê mang tên Ngạc Gallery & Coffee. Đây là không gian giành cho sở thích của Lâm Vũ cũng như biến chúng thành sân chơi cho các bạn trẻ yêu nghệ thuật, yêu sáng tạo tại thủ đô.
Nghệ thuật là ngành nghề duy nhất cho phép bạn được sai, chủ trương làm việc để tạo cảm hứng
Khi hỏi cảm hứng lấy từ đâu để vẽ tranh, Ngạc Lâm Vũ chia sẻ “tôi không tìm cảm hứng để làm việc, tôi làm việc để tìm thấy cảm hứng”. Đạo diễn trẻ khám phá rất nhiều ý tưởng sáng tác xung quanh, bằng góc nhìn, đôi mắt của mình. Đề tài anh muốn vẽ nhất chính là “ký ức” – vừa khó vừa dễ, khiến anh luôn day dứt, trăn trở.
Ngạc Lâm Vũ thấy may mắn khi được sống trong môi trường nghệ thuật, một môi trường mà cho phép bạn được sai, được sửa, được thoả sức làm điều mình yêu thích. Thế nhưng, dù đã có nhiều khách mua tranh, anh vẫn nghĩ hội họa chỉ là niềm đam mê bên cạnh nghề đạo diễn. Anh cũng cảm ơn quãng thời gian lockdown đã khai phá được khả năng tiềm ẩn trong mỗi người. Vẽ cũng như là một không gian riêng – không thể xâm phạm – giúp anh được nói lên tiếng lòng mình, những suy nghĩ của bản thân.
Với những kế hoạch tương lai, anh vẫn sẽ giành toàn bộ thời gian để phát triển sự nghiệp đạo diễn của mình. Vẽ tranh vẫn chỉ là sở thích và anh chưa bao giờ nhận mình là họa sỹ. Thế nhưng, dù hội họa chỉ là cuộc dạo chơi rất tình cờ nhưng những điều mà anh được trải nghiệm suốt khoảng thời gian qua, với Lâm Vũ, là vô cùng đắt giá. Chúng chính là liều thuốc tinh thần chữa lành tâm hồn, giúp chúng ta sống tích cực, vui vẻ, nhất là trong cuộc sống đầy biến động, căng thẳng hiện tại.
HOM NGUYỄN: NGƯỜI ĐÁNH GIÀY GỐC VIỆT TRỞ THÀNH DANH HỌA NỔI TIẾNG CỦA PHÁP
ĐI XEM TRIỂN LÃM TRANH MAI TRUNG THỨ QUÝ HIẾM CÙNG JENNY KIM
Bài: Anh Phạm
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam