Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng xúc động ngày khai máy “Đất Rừng Phương Nam”

Bản điện ảnh "Đất Rừng Phương Nam" khai máy cảnh quay đầu tiên với hơn 300 diễn viên tại rừng tràm Trà Sư, An Giang

Harper's Bazaar_Phim Đất Rừng Phương Nam của Nguyễn Quang Dũng_03

Đất Rừng Phương Nam phiên bản điện ảnh được kế thừa và phát triển từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và tác phẩm truyền hình nổi tiếng Đất Phương Nam của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Sau gần 2.000 ngày chuẩn bị, phim điện ảnh Đất Rừng Phương Nam chính thức khai máy vào ngày 18 tháng 12 vừa qua, với những cảnh quay đầu tiên ở Rừng tràm Trà Sư.

Rừng tràm Trà Sư là một trong những bối cảnh đầu tiên của “hành trình chú bé đi tìm cha”

Harper's Bazaar_Phim Đất Rừng Phương Nam của Nguyễn Quang Dũng_04

“Tôi ngồi đong đưa hai chân trên chiếc mui thuyền chở gạo ngóng lên chợ. Đèn măng-sông ở các hiệu buôn, các tiệm ăn của người Hoa kiều thắp lên sáng rực.”

Cậu bé An, linh hồn của tiểu thuyết Đất Rừng Phương Nam, đã được giới thiệu ở những trang đầu tiên với bối cảnh là xóm chợ sôi nổi như thế, nơi đêm đêm cậu “nằm nghe tiếng gió rít thê lương từ các cánh đồng xa mông quạnh và lắng nghe tiếng nước chảy ào ào” từ con kênh thẳng tắp dưới chân.

Để khởi động cho dự án chứa đựng tinh thần của một vùng đất địa linh nhân kiệt ở giai đoạn chống Pháp hào hùng, phim điện ảnh Đất Rừng Phương Nam đã chính thức khai máy vào ngày 18 tháng 12 vừa qua bằng những cảnh quay tái hiện khu chợ nổi nhộn nhịp tại rừng tràm Trà Sư, An Giang.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng chia sẻ, vì điều kiện không cho phép mà phiên bản truyền hình đành phải ngậm ngùi bỏ đi yếu tố “rừng” trong tiểu thuyết Đất Rừng Phương Nam, và chỉ được mang tên Đất Phương Nam. Với phiên bản điện ảnh, anh cho biết, sau nhiều ngày khảo sát bối cảnh, ê-kíp quyết định lựa chọn rừng tràm Trà Sư để thể hiện chất “rừng” như trong tiểu thuyết vì nơi đây vẫn còn lưu giữ nét đẹp hoang sơ và hùng vĩ về rừng Nam Bộ qua ngòi bút miêu tả của nhà văn Đoàn Giỏi. Đập vào mắt chúng ta mỗi sáng thức giấc là những đàn chim bay về tổ, bên trên những đồng nước mênh mông rợp bóng tràm.

Harper's Bazaar_Phim Đất Rừng Phương Nam của Nguyễn Quang Dũng_01

Cảnh quay đầu tiên của Đất Rừng Phương Nam sẽ tái hiện một chợ nổi đặc trưng của miền Tây Nam Bộ vào thập niên 1920 với hơn 300 diễn viên quần chúng. Từ hình ảnh hậu trường được đoàn làm phim chia sẻ, có thể thấy một cổng chợ bề thế được dựng lên với biển hiệu của các cửa tiệm được vẽ tay mang nét cổ xưa như “Tiệm vàng – cầm đồ Kim Sang”… Hệ thống kênh rạch của rừng tràm cũng giúp đoàn làm phim dàn cảnh hàng chục chiếc ghe thuyền tập hợp, làm nên một chợ nổi đậm chất miền Tây.

Hoạ sĩ thiết kế Bùi Bảo Quốc cho biết, vì hiện tại rừng tràm Trà Sư đang được khai thác làm khu du lịch sinh thái, có một số cơ sở vật chất không hợp với không khi phim nên bối cảnh chợ nổi này phải dựng mới 70% và đây được xem là một trong những đại cảnh lớn nhất của phim.

Phim Đất Rừng Phương Nam quy tụ lượng diễn viên quần chúng lớn nhất, tái hiện Sài Gòn thập niên 1920

Harper's Bazaar_Phim Đất Rừng Phương Nam của Nguyễn Quang Dũng_05

Sau gần 2.000 ngày chuẩn bị, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng không khỏi xúc động vào ngày khai máy của phim, khi cuối cùng cũng nhìn thấy dự án ấp ủ đã “thành hình thành tiếng”. Anh cho biết, một số nhân sự của phim bao gồm các diễn viên chính đã đến bối cảnh từ mấy ngày trước để tập dợt với máy quay, nhưng vào ngày quay chính thức, nhìn chợ nổi đông đúc và nhộn nhịp anh thấy mình lạc vào không gian miền Tây những năm 1920 chống Pháp khốc liệt.

“Tôi cảm thấy rất vui vì mọi chuyện rất suôn sẻ trong ngày quay đầu. Mọi thứ thể hiện rõ không khí miền Tây Nam Bộ, nên tôi tin rằng bộ phim sẽ thể hiện được tinh thần và vẻ đẹp của vùng đất vừa hào hùng vừa thân thương gần gũi này.”

Giám đốc sản xuất Nguyễn Trí Viễn cũng chia sẻ cảm xúc vỡ oà sau ngày quay đầu tiên. Anh tiết lộ đội ngũ thiết kế và sản xuất đã dành 1 tháng rưỡi để xây dựng đại cảnh chợ nổi, xây mới rồi lại phủ lên một lớp màu thời gian, cùng với chi tiết nội thất, phụ kiện được sưu tầm kỳ công để đảm bảo tính lịch sử.

Qua màn hình, chợ nổi với hàng trăm con người sinh hoạt và mua bán hiện lên đầy chân thật khiến toàn bộ ê-kíp phải “nổi da gà” vì “sướng”.

Harper's Bazaar_Phim Đất Rừng Phương Nam của Nguyễn Quang Dũng_02

Theo hoạ sĩ thiết kế Bùi Bảo Quốc, sau đại cảnh ở rừng tràm Trà Sư, ê-kíp sẽ đến với một thách thức khác là phục dựng bối cảnh Sài Gòn thập niên 1920 diễn ra ở thị xã Tân Châu, An Giang. Anh Nguyễn Trí Viễn chia sẻ, nơi đây vẫn còn giữ được nhiều kiến trúc nhà cổ để tái hiện Sài Gòn hoa lệ một thời, và ê-kíp rất cảm kích chính quyền và người dân ở đây đã hỗ trợ nhiệt trình cho quá trình xây dựng bối cảnh.

Bên cạnh đó, anh tiết lộ dọc theo hành trình đi tìm cha của chú bé An, Đất Rừng Phương Nam sẽ có những bối cảnh trải dài từ Sài Gòn đến các tỉnh miền Tây. Rất nhiều đại cảnh với số lượng diễn viên quần chúng lên đến hàng trăm và sau nhiều lần nâng lên đặt xuống, ê-kíp vẫn quyết tâm tìm ra giải pháp để không bỏ một bối cảnh nào của câu chuyện.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm