Chỉ khoảng hai thập kỷ trước, câu hỏi được đặt ra thường xuyên nhất ở gian hàng mỹ phẩm đó là “Sản phẩm này không chứa dầu phải không?”. Những món mỹ phẩm in chữ “oil free” thời đó bán chạy như tôm tươi. Tuy nhiên, công nghệ làm đẹp thay đổi không ngừng, ngày nay, chăm sóc da từ tinh dầu, chiết xuất dầu hay các loại dầu nền bỗng trở nên được săn đón.
Thực ra, việc dùng dầu trong quy trình làm đẹp không có gì mới, trái lại, dầu được xem là một trong những món “mỹ phẩm” đầu tiên được sử dụng tại Ai Cập, Trung Hoa, Ấn Độ, Hy Lạp và La Mã từ năm 3.500 trước Công Nguyên. Khi phương pháp chưng cất dầu được ghi nhận đã thành công. Không chỉ dưỡng da, với thành phần giàu dưỡng chất, dầu được dùng rộng rãi cho tóc, móng tay, chân hay thậm chí thanh lọc cơ thể.
Phân biệt những loại dầu thiên nhiên phổ cập
Có ba loại dầu thường được nhắc tới trong quy trình làm đẹp: Tinh dầu (essential oil), dầu nền (carrier oil), và dầu khoáng (mineral oil).
• Tinh dầu (essential oil): được chiết xuất từ rễ, vỏ, thân, lá và những bộ phận có mùi thơm của các loại thảo mộc, hoa cỏ thiên nhiên. Có nhiều phương pháp chiết xuất tinh dầu như: chưng cất, ép lạnh và tách chiết bằng dung môi. Tinh dầu nguyên chất thường khá lỏng với mùi hương nồng nàn và bay hơi rất nhanh. Tuy nhiên, có một số tinh dầu nguyên chất nếu được sử dụng trực tiếp trên da sẽ dễ gây kích ứng và mẩn đỏ, do thành phần hoạt tính hoạt động mạnh.
• Dầu nền (carrier oil): thường được lấy từ những loại quả, hạt giàu chất béo thực vật bằng phương pháp ép lạnh. Dầu nền chứa rất nhiều dưỡng chất để nuôi dưỡng da, đặc biệt là những chất chống lão hóa. Ngoài ra, dầu nền có thể được sử dụng để pha loãng cùng tinh dầu để làm giảm bớt độ kích ứng của tinh dầu nguyên chất.
• Dầu khoáng (mineral oil): Được tinh luyện và chiết xuất từ dầu mỏ. Nó không phải thành phần dưỡng da, mà là nguyên liệu khóa ẩm (occlusive). Vì vậy, dầu khoáng thường xuất hiện trong các loại mặt nạ và kem dưỡng, ví dụ như vaseline. Kem dưỡng thần thánh của La Mer cũng chứa dầu khoáng, vì vậy mà có khả năng giữ ẩm cho làn da suốt đêm.
Dưỡng da, tóc và móng tay với dầu: Phương pháp dưỡng da thiên nhiên an toàn cho mọi loại da
Khi nói về dầu dưỡng da tốt nhất, chúng ta đang thảo luận chủ yếu về dầu nền. Đây là các loại dầu bạn có thể dùng để dưỡng da, tóc và móng một cách an toàn hàng ngày.
Nói dầu nền thì nghe có vẻ khó hiểu. Chi bằng tôi nói rằng, đây chính là dầu dừa, dầu bơ, dầu mè, dầu oliu… nghe quen thuộc hơn, phải không?
Những loại dầu nền tự nhiên rất bổ dưỡng, chứa nhiều chất chống lão hóa và có khả năng chữa trị một số loại bệnh về da. Mỗi loại dầu nền tuy chứa tính năng ưu việt và thành phần dinh dưỡng khác nhau, nhưng đều có hàm lượng axít béo thiết yếu cao, giàu vitamin, chất chống lão hóa, từ đó giúp dưỡng ẩm, chống lão hóa, bảo vệ và tái sinh.
Dầu nền cũng là loại mỹ phẩm đặc biệt tốt cho làn da nhạy cảm. Vì nó là mỹ phẩm chỉ chứa một thành phần duy nhất. Bạn không sợ sản phẩm chứa nhiều chất phụ liệu gây kích ứng da, nếu chọn được loại dầu tinh khiết từ nguồn đáng tin cậy.
Những loại dầu nền dưỡng da tốt nhất và hợp túi tiền nhất
Có rất nhiều loại dầu phù hợp để dưỡng da ngày nay. Tuy nhiên, không phải loại dầu nào cũng hợp túi tiền, hoặc dễ dàng để sử dụng hàng ngày. Ví dụ, dầu quả bơ rất tốt nhưng giá khá đắt đỏ vì không dễ dàng chiết xuất ở Việt Nam. Hoặc, dầu mè thì mang theo mùi mè rất nồng và khó chịu.
Top 5 loại dầu dưỡng da tốt nhất, theo Harper’s Bazaar đánh giá là: dầu dừa, dầu argan, dầu oliu, dầu nụ tầm xuân (rosehip), dầu jojoba.
Dầu dừa: Loại dầu dưỡng da hợp túi tiền nhất
“Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” là châm ngôn tôi nghĩ đến khi nói về dầu dừa. Thứ dầu quen thuộc với văn hóa Việt, dùng để nấu ăn, làm bánh kẹo dân dã, cũng rất tốt cho da và tóc. Gồm hơn 90% chất béo bão hòa, vitamin E, K và các khoáng chất, giúp mái tóc đẹp tự nhiên. Đây được xem như một loại thần dược giúp tóc hư tổn mọc mới. Đặc biệt, dầu dừa còn cung cấp các protein cần thiết để nuôi dưỡng, làm mềm tóc và bảo vệ da đầu.
Lưu ý điều gì? Dầu dừa có khả năng khóa ẩm rất cao. Vì vậy, không nên dùng dầu dừa để dưỡng da, vì nó có khả năng gây bít lỗ chân lông và gây mụn. Tuy nhiên, dầu dừa an toàn để tẩy trang, vì dù sao thì bạn cũng sẽ rửa lại mặt với kem rửa mặt và tẩy tế bào chết sau đó.
Dầu oliu: Thích hợp cho mọi làn da và mái tóc
Được mệnh danh là chất lỏng vàng của Ý, dầu oliu thượng thặng nhất đến từ các quốc gia bên bờ biển Địa Trung Hải: Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha. Trong dầu oliu giàu các vitamin A, D, K và vitamin E, đều là các chất chống ôxy hóa tốt cho làn da và tóc. Dầu oliu có tính chất kháng khuẩn, vì vậy giúp chống vi khuẩn gây mụn bọc trên da. Ngoài ra, dầu oliu giúp ngăn ngừa và chữa trị rụng tóc bởi khả năng ức chế hormone DTH gây suy giảm tuyến nang lông.
Dầu argan: Chống lão hóa, an toàn cho da mụn
Được ví như là chất lỏng vàng, dầu argan được nhiều phụ nữ tin dùng vì nó chứa chất béo omega-6 và omega-9, cùng với vitamin E chống lão hóa. Vì thế, dầu argan hoàn toàn phù hợp với những phụ nữ trung niên và những người sở hữu làn da khô, có dấu hiệu lão hóa.
Dầu jojoba: Dầu dưỡng da tốt nhất cho da dầu, mụn
Dầu jojoba là một loại chất giữ ẩm siêu việt. Trong dầu có nhiều vitamin E, khi tiếp xúc với da trở thành một chất chống ôxy hóa, giúp bảo vệ da khỏi các tác động từ môi trường. Khác với dầu dừa, dầu jojoba không gây tắc nghẽn lỗ chân lông, vì vậy mà an toàn cho làn da dễ bị mọc mụn. Ngoài ra, trong dầu jojoba có khả năng điều tiết lượng dầu nhờn tiết ra dưới da, vì nó mô phỏng loại dầu tự nhiên của làn da. Làn da dầu, khi tiếp xúc với dầu jojoba sẽ cho rằng da đã đủ lượng bã nhờn cần thiết, vì thế mà không tiết thêm dầu nữa.
Dầu nụ tầm xuân (rosehip oil): Dầu dưỡng da tốt nhất để chữa lành sẹo mụn
Chiết xuất từ cây hoa hồng leo/bụi, dầu tầm xuân giàu axít trans-retinoic (một loại vitamin A), một phiên bản chuyển hóa của retinol, từ đó giúp chống lão hóa. Trong loại dầu này có Omega-3 và 6, có tác dụng đẩy nhanh tốc độ chữa lành của làn da sau khi bị thương tổn, lên sẹo. Tại Việt Nam, Đà Lạt bây giờ đã bắt đầu trồng rất nhiều loại hoa hồng bụi/leo có thể được dùng để chiết xuất dầu, vì vậy mà giá thành của loại dầu này sẽ hợp lý hơn các loại phải nhập khẩu.
>>> Xem thêm: DẦU TẦM XUÂN, MÓN QUÀ DƯỠNG NHAN QUÝ TỪ HOA HỒNG ÍT AI BIẾT ĐẾN
Những cách kết hợp dầu vào quy trình dưỡng da hàng ngày
• Dưỡng da mặt: Sau khi bạn đã dưỡng da với serum và kem dưỡng da, cho một ít vài giọt dầu ra tay và massage lên da mặt sạch để cảm nhận sự mềm mại và mịn mướt ngay lập tức. Nên chú ý những vùng có nếp gấp nhiều như khóe mắt, khóe môi và chỗ nối giữa môi và cánh mũi. Dầu thẩm thấu nhanh vào da giúp phục hồi làn da bạn qua đêm dài.
*Lưu ý, không áp dụng cho dầu dừa.
• Dùng tẩy trang: Thấm một chút dầu vào bông trang điểm và nhẹ nhàng lau đi lớp mỹ phẩm hoặc có thể cho dầu trực tiếp lên da. Dầu dễ dàng làm lớp mỹ phẩm trôi đi. Ngay cả với những sản phẩm chống nước nữa, bạn cũng chẳng cần phải chà xát da mặt nhiều.
• Mặt nạ tóc: Khi mái tóc của bạn bị phá hỏng bởi hoá chất, uốn, duỗi hay cháy nắng, chỉ cần dùng xoa dầu ấm để làm mặt nạ tóc 1 tuần 1 lần. Tóc bạn sẽ trở lại đẹp như xưa!
• Sữa tắm ẩm da: Dù rất ít nàng biết đến công thức này, song nó mang lại hiệu quả cao cho người sử dụng. Nếu bạn cảm thấy sữa tắm hiện tại của mình gây khô da, hãy pha nó với dầu oliu theo tỉ lệ 50:50. Dùng công thức mới, bạn sẽ cảm thấy làn da được dưỡng ẩm ngay sau khi tắm xong.
• Tự làm kem dưỡng thể tại nhà: Bạn đun nóng bơ hạt mỡ (shea butter) lên với loại dầu tuỳ chọn, sau đó dùng máy đánh và đánh bông lên, là bạn sẽ ngay lập tức có kem dưỡng thể tươi mới tại nhà.
Lưu ý: Bạn cần lưu ý luôn chọn cho mình loại dầu hữu cơ được ép lạnh để có thể bảo toàn dưỡng chất tự nhiên, không bị nhiệt lượng hoặc các phương pháp xử lý hóa học làm thay đổi chất.
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam