Nếu có ai hỏi, trong những vùng đất đã bước chân qua, nơi nào là nơi tôi muốn quay lại nhất? Hình ảnh xuất hiện trong đầu tôi chính là những ngôi nhà thơ mộng, nâng mình lên trên làn nước của ngôi làng cổ tích Giethoorn. Ở châu Âu không thiếu những ngôi làng cổ kính, thơ mộng. Nhưng Giethoorn lưu lại trong tôi một cảm giác rất đặc biệt. Giethoorn như sự hiện thân của những nét tính cách của tôi. Đó là sự pha trộn của nếp truyền thống, văn hóa. Xen lẫn với các đường nét đương thời. Ban ngày sôi nổi, rộn ràng, nhưng đêm đến lại chìm vào sự tĩnh lặng, riêng tư.
Lịch sử thú vị của ngôi làng cổ Hà Lan
Tôi đến làng vào những ngày cuối thu. Những bông hoa xinh xắn vẫn còn đua nở. Lá cây vẫn mang sắc xanh mơn mởn. Tiết trời khi ấy chỉ vừa đủ lạnh để làm tăng hương vị cho tách cappuccino nóng hổi.
Từ thủ đô Amsterdam của Hà Lan, tôi và những người bạn khởi hành từ sáng sớm đến Giethoorn. Sau hơn một tiếng đồng hồ di chuyển bằng tàu điện và xe bus, chúng tôi đã đến ngôi làng xinh như bước ra từ câu chuyện cổ này.
Làng Giethoorn được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 13. Khi đang làm việc trên những cánh đồng, cư dân ở đây đã vô tình phát hiện nhiều sừng dê trong lòng đất. Đây có thể là tàn tích của trận lụt lịch sử năm 1170. Vì vậy, ngôi làng được đặt tên là “Geytenhoren”. Có nghĩa là nơi khai quật sừng dê. Sau này tên làng được rút gọn là Giethoorn. Sau khi xuất hiện trong bộ phim hài Fanfare vào năm 1958, làng Giethoorn trở thành địa điểm thu hút rất nhiều khách du lịch.
Ngôi làng của những con kênh
Ngôi làng mở lối chào đón tôi bằng vô số con kênh lớn nhỏ và nụ cười của người địa phương. Rất nhiều người đang lái những chiếc “whisper boat” (thuyền thì thầm). Đây là những chiếc thuyền chạy bằng động cơ máy. Tuy nhiên chúng không phát ra tiếng động nào ngoài tiếng rẽ nước. Điều này nhằm đảm bảo sự yên tĩnh tối đa cho ngôi làng.
Làng Giethoorn còn được nhiều người ví như “Venice của Hà Lan” vì có nhiều kênh rạch uốn lượn và vô vàn chiếc cầu gỗ lớn nhỏ. Nhưng theo tôi, Giethoorn và Venice khác nhau nhiều lắm. Venice là một thành phố du lịch, trong khi Giethoorn mang vẻ kín đáo và chỉ mở cửa cho khách đến thăm vào ban ngày.
Chèo thuyền kayak hoặc đi thuyền máy là những hoạt động không thể bỏ qua khi đến thăm Giethoorn. Đây cũng chính là phương tiện di chuyển chính của người dân trong làng. Trên một chiếc thuyền nhỏ lướt êm ru qua những nhánh kênh, bạn có thể thỏa thích ngắm nhìn nơi đây. Bác thuyền trưởng của tôi vừa lái thuyền, vừa nói về lịch sử ngôi làng và những điều thú vị nên khám phá khi ở đây bằng giọng kể vô cùng dí dỏm. Khi đến bến tôi còn được bác mời một cốc bia mát lạnh do đã năng nổ tham gia trò chơi lúc trên thuyền.
Mỗi ngôi nhà ở Giethoorn như một ốc đảo vô cùng xinh đẹp, được bao bọc bởi rất nhiều khóm hoa tươi và cây xanh. Mái nhà đa phần được lợp tranh, một số còn được gìn giữ từ thế kỷ 18. Gọi là làng nhưng những dịch vụ tiện nghi và hiện đại đều được khéo léo lồng ghép vào nếp sống tại đây. Từ nhà hàng, quán cà phê, khách sạn, cho đến quầy lưu niệm.
Nhịp sống trầm lắng của người làng Giethoorn
Cư dân của ngôi làng hầu hết là những người bản xứ đã ở đây qua nhiều thế hệ. Vì thế, khách viếng thăm ngôi làng không được bước vào những ngôi nhà mà người dân sinh sống nhằm tôn trọng sự riêng tư của họ. Người dân ở Giethoorn rất xem trọng sự tĩnh lặng. Trừ khi được mời vào nhà, tuyệt nhiên bạn không nên bước vào không gian sinh hoạt riêng của họ.
Mật độ dân số tại đây chỉ hơn 2.500 người. Vậy mà Giethoorn có trường tiểu học cho con cái người dân địa phương, nhà thờ Công giáo và cả bảo tàng. Het Olde Maat Uus và Schelpengalerie Gloria Maris là hai bảo tàng khác mà tôi đã tham quan.
Sau cả ngày mải mê ngắm cảnh, đi dạo quanh làng, mặc dù tôi vẫn đang rất hứng thú nhưng mặt trời cũng bắt đầu đổ bóng. Chúng tôi dừng chân tại một nhà hàng khá nổi tiếng trong làng để dùng bữa. Đa số những nhà hàng ở đây đều phục vụ ẩm thực phong cách châu Âu với nhiều loại thịt cá, phô-mai… Thức ăn Hà Lan hầu hết đều được sử dụng gia vị rất tiết chế. Đây được xem là loại thức ăn tuyệt vời để kết hợp cùng món bia tươi – đặc sản Hà Lan. Những nhà hàng tại Giethoorn được bày biện theo kiểu sân vườn vô cùng ấm cúng. Chúng tôi đã có một bữa ăn tràn ngập tiếng cười sau một ngày dài khám phá.
Sự hiện đại khoác trên mình chiếc áo cổ kính
Sau khi ăn xong thì trời cũng sang tối. Chúng tôi chọn một quán cà phê xinh xắn gần đấy để tận hưởng bầu không khí bình yên trước khi về lại thủ đô. Tại châu Âu, những quán cà phê cũng có chức năng như một quán bar. Những quán “cà phê” tại đây đều có phục vụ món uống có cồn như rượu vang, cocktail hoặc rượu mạnh.
Lúc này, những cư dân trong làng cũng bắt đầu hết giờ làm việc và quay về nhà. Họ đi ô tô, mặc những trang phục văn phòng hiện đại và mang vali xách tay. Những hình ảnh đối lập này trông rất thú vị trên nền ngôi làng cổ kính. Những ống khói bắt đầu nhả ra các gợn mây trắng khiến khung cảnh nơi đây càng hư ảo hơn. Qua ô cửa kính, tôi nhìn thấy những gia đình đang cùng nhau chuẩn bị bữa tối.
>>>Xem thêm: Những điểm đến tuyệt vời nhất thế giới
Quá đắm mình trong bầu không khí quá đỗi nên thơ nơi đây, chúng tôi đã bỏ lỡ chuyến xe buýt cuối. Quả thật, Giethoorn vừa cổ kính mà cũng rất hiện đại: Taxi và Uber có mặt khắp nơi. Chúng tôi đón một chiếc Uber để trở về trạm tàu gần nhất về Amsterdam.
Chưa bao giờ tôi có cảm giác lưu luyến nơi nào nhiều như Giethoorn. Có người hỏi, khi ở đây, tôi thích làm gì nhất. Tôi trả lời: “Không cần phải làm gì cả”. Chỉ cần có mặt ở đây là tôi đã thấy tâm hồn mình bay bổng và thi vị rồi. Có dịp được quay trở lại, tôi nhất định sẽ ở lại Giethoorn qua đêm. Chắc chắn tôi sẽ đi vào một mùa khác. Hy vọng tôi sẽ được thấy một chiếc áo thiên nhiên khác của ngôi làng cổ tích này.
BÀI & ẢNH: NHƯỜNG BÙI
Harper’s Bazaar Việt Nam