Đi theo hương mùa hè ở Berlin

Tôi vẫn nhớ về Berlin và những con đường có hàng cây linden tỏa bóng xanh thơm ngát mùi hương

Cổng thành Brandenburg, một biểu tượng kiến trúc chính của Berlin

Thành phố lớn nhất Đức với gần 4 triệu dân không hề làm ai ngộp thở. Bạn có thể đi xe đạp trong mọi dịp, từ sáng sớm đến tối khuya. Berlin là nơi thuận tiện và thoải mái cho việc đạp xe hơn nhiều thành phố châu Âu khác. Những con đường ở Berlin không gập ghềnh hay lên dốc xuống dốc, không quá rộng hay chật, không quá gần hay quá xa. Xe dựng la liệt ngoài phố, làm cho các khu nhà bớt vẻ lạnh lẽo cô đơn, ngay cả trong những ngày thiếu mặt trời.

Bia và xe đạp

Bạn có thể bảo rằng bia Pháp, Hà Lan, Tiệp hay Bỉ ngon không kém bía Đức, nhưng uống bia Đức vào buổi xế chiều ở thủ đô lâu đời của nước Đức luôn đem lại cảm giác thảnh thơi khó tả. Không giống bữa nhậu sớm hay một bữa ăn tối quá no, tất cả như thân thiện hơn trong hơi men mới ngấu. Vào một buổi chiều hè, khi trời còn lãng đãng chưa thưa nắng, chúng tôi ghé vào quán Brauhau Georgbraeu ven sông Spree, cao giọng gọi một mét bia.

Uống bia ở Đức, đặc biệt ở Berlin, bạn sẽ không có cảm giác quá xô bồ hay kiểu cách. Không hề uống nhanh mà bỗng chốc chúng tôi nhận ra mình đã nốc hết vại này đến vại khác. Những vại bia được nấu tại chỗ, sắp trong những khay gỗ dài từng mét một, dùng kèm món chân giò nướng với bắp cải muối chua Schweinshaxe mit Sauerkraut, dường như chỉ vừa đủ làm bạn lâng lâng. Ngoài bia và xe đạp, Berlin còn có rất nhiều thứ hơn thế ngay ngoài kia thôi, bên bờ sông đã nhòa dần trong ánh hoàng hôn.

“Nếu không đạp xe, bạn sẽ không thể thấy hết Berlin muôn mặt”

“Nếu không đạp xe, bạn sẽ không thể thấy hết Berlin muôn mặt”

Linden giấu mặt và dấu tích lịch sử

Hãy tưởng tượng lúc sáng sớm, đang khi lướt qua đại lộ Karl Marx rộng rãi và thẳng tắp, được coi là đẹp nhất Berlin, bạn bỗng ngửi thấy mùi thơm nồng nàn. Đại lộ đang được sửa chữa, chỉ có một hàng cây non cao quá đầu người. Những cây lớn ven đường đều không có hoa. Bạn phát hiện ra mùi thơm đó là mùi hoa linden thoảng sang từ những con phố bên cạnh. Linden ở Berlin từng bị đốn sạch trong Thế chiến thứ hai để dùng làm củi nên những hàng cây xanh um tỏa hương đó đều được trồng vào sau những năm 1950. Cũng như mùi hương đang nhẹ nhàng lan tỏa, hoa linden có màu nhàn nhạt, khi ánh xanh khi ánh vàng hoặc tím, khá mơ hồ.

Qua bao thăng trầm của lịch sử, những tòa nhà ở Berlin được xây mang dáng dấp pha trộn cũ và mới, từ hậu Phục hưng đến tân cổ điển. Rồi kiểu cách thực dụng của nhiều công trình kiến trúc đơn điệu của Đông Âu thời chiến tranh lạnh ẩn trong dáng dấp những chung cư từng được xếp “hạng sang” trên đại lộ này. Song, chính những bức tường và ban-công hơi thô, những lan can và cầu thang kềnh càng cũ kỹ dường như thật sự tỏa hương. Cả đại lộ Unter den Linden dài dằng dặc và buồn tẻ cũng tỏa hương thơm lừng. Berlin với vẻ hơi ngái ngủ bỗng trở nên sống động hơn nhờ mùi linden kỳ diệu ấy.

House of world cultures, một trong những Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Thế giới ở Berlin

House of world cultures, một trong những Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Thế giới ở Berlin

Xe lướt nhanh hơn tới quảng trường

Alexanderplatz lúc nào không biết. Lúc này, chúng tôi cũng vừa kịp nhìn thấy từ xa tòa thị chính cổ kính nhưng không mấy ấn tượng, rồi cung Cộng hòa đã được phá dỡ, nhường chỗ cho một công trình mới và bất ngờ thấy hai pho tượng của Karl Marx và Friedrich Engels. Chung quanh hai bức tượng vẫn còn những phù điêu trưng bày nhiều hình ảnh lịch sử, trong đó có cả hình ảnh của cuộc chiến tranh Việt Nam. Lịch sử đã sang trang, bức tường Berlin đã sụp đổ song rất nhiều hình ảnh của quá khứ vẫn được gìn giữ ở đây.

Berlin không chỉ có những khu mua sắm sầm uất, nhà hát opera lúc nào cũng có các chương trình nổi tiếng thế giới, như các buổi hòa nhạc của David Garett, hay những gallery hết sức đặc biệt ở Kunsthaus Tacheles, là khu trưng bày vô vàn tác phẩm đặc sắc của các họa sỹ đương đại mà còn chứa đựng nhiều dấu tích của quá khứ qua những thăng trầm lịch sử, như lâu đài Charlottenburg cổ kính, tráng lệ chẳng hạn.

Một phần khác của lịch sử Berlin còn nằm trong các khu chợ trời bán đồ xưa khá phong phú và hấp dẫn với cổng vào được trang trí như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt cùng những họa tiết graffiti sinh động. Tôi nghĩ rằng, nếu không đạp xe thì tôi không thể thấy hết Berlin muôn mặt.

Berlin Dom trong ánh hoàng hôn đẹp rực rỡ

Berlin Dom trong ánh hoàng hôn đẹp rực rỡ

Đậm đà hương vị Berlin

Sau khi đã ngắm nhìn đã mắt những kiến trúc cổ, chúng tôi mới quay xe trở lại con đường Unter den Linden và dựng xe mua một ly cà-phê ở quán Einstein. Cà-phê Đức không đậm đà như cà-phê Pháp nhưng món bánh ngọt Berliner thì rất đặc biệt. Quán cà-phê này khá đông vì có view nhìn về Brandenburger, cổng thành là biểu tượng cho sự thống nhất của nước Đức nằm trên quảng trường Pariser Platz. Trong buổi chiều cuối tháng Sáu lất phất mưa hôm đó, chúng tôi ngồi thưởng thức cà-phê, xem bóng đá và nghe dân Đức chung quanh bàn tán râm ran đủ thứ chuyện từ thời tiết đến bóng đá và cả chính trị. Mưa tạnh, chúng tôi còn kịp đảo một vòng và nhìn thấy tòa Nghị viện Đức, một công trình kiên trúc được kiến trúc sư lừng danh Norman Foster chủ trì cải tạo vào những năm 1990, với mái vòm bằng kính rất đẹp, rực lên trong ánh chiều tà.

Berlin tạm yên ngủ sau một ngày hè khá dài và nhiều sự kiện. Thành phố của những công sở nhà nước, của các hãng du lịch không được giàu có và có nhiều công ăn việc làm như Munich hay Hamburg, song có lẽ nét đẹp và sức hấp dẫn của Berlin lại đậm nét hơn. Thành phố “thở” nhẹ nhàng và bình thản. Dù người Đức ở đâu có thể cũng vậy, nhưng ở Berlin đầy ắp hình ảnh và sự kiện lịch sử, phong thái ấy có vẻ rõ nét hơn.

DẤU TÍCH LỊCH SỬ BERLIN WALL

Bức tường Berlin chia cắt nước Đức thành hai phần Đông – Tây đã sụp đổ, phần còn lại dài khoảng 1.316m, nằm trên phố Mühlenstraße, có nhiều bức tranh tường, trên đó vẽ hình cánh chim hòa bình và những khẩu hiệu vì tự do.

BZ_Escape_Berlin-1

Thành phố nghệ thuật

Với hơn 170 viện bảo tàng và gallery, thủ đô Berlin của nước Đức là thành phố giàu tính văn hóa, nghệ thuật và lịch sử, thu hút hàng triệu du khách đến thăm mỗi năm.

1. MUSEUM ISLAND: nằm trên một đảo nhỏ trên sông Spree, bảo tàng mở cửa triển lãm lần đầu tiên vào năm 1797. Museum Island gồm 5 bảo tàng: Old Museum, New Museum, Old National Gallery, Bode Museum hay Kaiser-Friedrich-Museum và Pergamon Museum. Cụm bảo tàng này của Berlin đã được bình chọn vào danh sách World Heritage Sites của UNESCO năm 1999.

Museum Island – Đảo bảo tàng nằm trên con sông Spree

Museum Island – Đảo bảo tàng nằm trên con sông Spree

2. JEWISH MUSEUM: đây là một trong những bảo tàng về người Do Thái lớn nhất châu Âu, do kiến trúc sư Daniel Libeskind thiết kế. Nơi đây có trưng bày những bộ sưu tập lớn tranh ảnh, tài liệu, sách về người Do Thái – Đức.

3. BAUHAUS: là một trong những ngôi trường dạy về xây dựng, kiến trúc và nghệ thuật hội họa nổi tiếng nhất thế giới. Trường Bauhaus xuất hiện lần đầu tiên ở Weimar, sau đó dời đến Dessau rồi chuyển đến Berlin (1932–1933). Các tòa nhà của trường Bauhaus được xây dựng từ năm 1919 đến năm 1933. Vào đầu thế kỷ XX, trường phái kiến trúc Bauhaus là một trào lưu và từ đó trở thành hình mẫu của kiến trúc hiện đại. Nghệ thuật Op-Art cũng là một trong những xu hướng nghệ thuật xuất phát từ trường Bauhaus. Ngày nay, trường Bauhaus ở Berlin trở thành bảo tàng Bauhaus-Archiv, trưng bày rất nhiều bộ sưu tập tượng điêu khắc, đồ gốm, đồ nội thất và hình mẫu kiến trúc của Walter Gropius, László Moholy-Nagy, Paul Klee, Wassily Kandinsk và nhiều nghệ sỹ khác thuộc thời kỳ thế giới mới.

Trường Bauhaus ở Berlin, nay là bảo tàng Bauhaus-Archiv

Trường Bauhaus ở Berlin, nay là bảo tàng Bauhaus-Archiv

4. GERMAN MUSEUM OF TECHNOLOGY: nơi lưu giữ và trưng bày những tác phẩm Khoa học – Kỹ thuật của nước Đức từ cổ xưa đến hiện đại.

Bảo tàng Kỹ thuật Đức ở Berlin

Bảo tàng Kỹ thuật Đức ở Berlin

Bài: Hải Phương. Ảnh: Tư Liệu

Xem thêm