Đi xem triển lãm tranh Mai Trung Thứ quý hiếm cùng Jenny Kim

Tại Pháp đang tổ chức một buổi triển lãm đặc biệt, trưng bày những tác phẩm quý hiếm của danh họa Việt Mai Trung Thứ, mà chị Jenny Kim, giám đốc điều hành và sáng tạo của thương hiệu Cashew, đã có dịp đến chiêm ngưỡng

Chị Jenny Kim bên con gái. Hai mẹ con cùng nhau đi xem triển lãm tại Pháp, từ triển lãm Chanel ở Paris đến triển lãm Mai Trung Thứ ở Mâcon. Ảnh: Jenny Kim

Chị Jenny Kim, người điều hành thương hiệu Cashew, đang có một mùa hè đầy nghệ thuật ở Pháp. Thời điểm này, Pháp đã tiến hành mở cửa hậu đại dịch. Hàng loạt các triển lãm nghệ thuật được tung ra khắp mọi miền quốc gia thời trang này. Tại Paris có triển lãm Gabrielle Chanel: Manifeste de Mode về cuộc đời của Coco Chanel. Còn tại Mâcon, thành phố nơi chị Jenny Kim sinh sống, thì có triển lãm tranh hiếm của danh họa Mai Trung Thứ.

Trò chuyện với Harper’s Bazaar, chị Jenny Kim bảo thật bất ngờ vì triển lãm của Mai Trung Thứ được tổ chức tại bảo tàng Ursulines de Mâcon cách nhà riêng có 300 mét! “Trước đó, chị thấy cộng đồng mạng ở VN đưa tin nóng hổi về bức tranh Mai Trung Thứ vừa đạt mức giá 3,1 triệu đô-la Mỹ trong buổi bán đấu giá ở Hồng Kông. Nên chị rất nôn nóng ngày triển lãm mở cửa để đi xem.”

Đây là lần đầu tiên chị Jenny Kim có cơ hội thưởng lãm tranh của cố họa sỹ. Vốn Việt Nam cũng từng có triển lãm ở Hà Nội năm 2015, nhưng lúc ấy “đang có bầu, bị hành lắm nên chẳng đi được đâu”, chị cười lớn.

Triển lãm Mai Trung Thứ về cuộc sống một họa sỹ Việt tại thành phố Pháp

Mai Trung Thứ có nhiều tranh đặc tả phụ nữ Pháp theo phong cách Á Đông. Ảnh: Jeune Fille (1941), Christie’s.

Mai Trung Thứ được xem là một trong những họa sỹ có sức ảnh hưởng nhất trường phái nghệ thuật hội họa Đông Dương thời đầu thế kỷ Việt Nam. Xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông lĩnh hội phong cách mỹ thuật của Tây phương, nhưng rồi kết hợp cùng văn hóa Việt để tạo nên những bức tranh sơn dầu rất đậm tính Á Đông.

Lý do Mâcon được chọn để làm nơi triển lãm tranh hiếm của Mai Trung Thứ vì đây là thành phố mà cố danh họa đã định cư khi đến Pháp. “Chị rất bất ngờ khi biết thông tin này”, chị Jenny Kim bảo. Điều này cũng dễ hiểu, vì Mai Trung Thứ đã tạo dựng sự nghiệp lừng lẫy sau khi chuyển tới Paris vào giai đoạn cuối đời. Còn Mâcon chỉ là một điểm trung chuyển của ông tại Pháp mà thôi.

Một bức họa Mai Trung Thứ được trưng bày tại Pháp lần này: Mère et Enfant, Panier de Fruits (1946). Ảnh: Musée des Ursulines

Cố họa sỹ đã dành hơn nửa cuộc đời tại Pháp. Năm 1937 khi mới 30 tuổi, ông rời Việt Nam sang Pháp. Ông gia nhập quân đội Pháp năm 1939, nhưng đến năm 1940 đã rời ngũ và định cư ở Mâcon. Quãng thời gian sinh sống ở Mâcon đánh dấu một sự chuyển biến rõ rệt trong phong cách hội họa của Mai Trung Thứ. Ông bắt đầu vẽ tranh trên nền là lụa tơ tằm, thay vì vải bố (canvas) chuyên dụng trong mỹ thuật Tây phương.

“Thành phố này rất hiếm có người châu Á sinh sống nói chung và người Việt nói riêng”, chị nói với tôi. Vì vậy, thấy khắp Macon treo đầy áp phích giới thiệu về triển lãm khiến chị cảm thấy thật tự hào.

Đi xem triển lãm tranh Mai Trung Thứ quý hiếm cùng Jenny Kim

Khuôn viên bên ngoài bảo tàng Pháp cổ kính treo áp phích to quảng bá cho triển lãm về họa sỹ Việt. Ảnh: Jenny Kim

Những bức tranh quý hiếm trong triển lãm Mai Trung Thứ: Écho d’Un Vietnam Rêvé

Tại triển lãm này có đến 140 tác phẩm quý hiếm của Mai Trung Thứ. Đa số tác phẩm thậm chí chưa từng một lần được trưng bày trước công chúng. Triển lãm do bảo tàng Ursuline de Mâcon kết hợp cùng bảo tàng Cernuschi (bảo tàng chuyên về nghệ thuật châu Á tại Paris), cùng con gái của ông là bà Mai Lan Phương tư vấn, hỗ trợ tham gia thực hiện.

140 tác phẩm được chia làm ba phần rõ rệt. Phần đầu mô tả tuổi trẻ của Mai Trung Thứ ở Việt Nam (1906 – 1937). Sau đó là giai đoạn định cư ở Mâcon (1940 – 1942) đánh dấu những chuyển biến trong phong cách mỹ thuật. Phần cuối cùng nói về sự nghiệp họa sỹ của ông ở Pháp đến những năm cuối đời (1938 – 1980).

Đi xem triển lãm tranh Mai Trung Thứ quý hiếm cùng Jenny Kim

Con gái chị Jenny Kim mê mẩn ngắm tranh. Chị chia sẻ rằng bé rất mê vẽ nên đặc biệt thích các triển lãm nghệ thuật. Ảnh: Jenny Kim.

Đi xem triển lãm tranh Mai Trung Thứ quý hiếm cùng Jenny Kim

Một góc trong triển lãm Mai Trung Thứ ở Mâcon. Ảnh: Jenny Kim

140 tác phẩm, nghe thì tưởng nhiều, nhưng thực ra không đáng kể, vì nhiều tác phẩm khá nhỏ. Ngoài tranh sơn dầu còn có bức phác thảo tay, ảnh chụp, tranh in kiểu lithographe. “Nhìn bên ngoài khu vực triển lãm thì thoạt nhiên cảm thấy hơi nhỏ. Nhưng khi bước vào bên trong thì chị thấy thật ấm cúng”, chị Jenny Kim chia sẻ.

Đặc biệt, khi được chiêm ngưỡng những tác phẩm vẽ trên nền lụa của cố họa sỹ thì chị không khỏi bồi hồi xúc động. “Chị mê nét vẽ yêu kiều của ông. Thiếu nữ với đôi mắt thật có hồn, ướt át và khuôn mặt bầu bĩnh đậm chất Á Đông. Nhìn xa, nhìn gần gì đều quá đẹp”.

Những chuyển biến trong phong cách hội họa của Mai Trung Thứ. Từ trái sang: La Mariée (1935), Jeune Femme Lissant (1937), Portrait d’Un Jeunne Femme Blonde (1941). Ảnh: Musée des Ursulines.

Vào giai đoạn cuối, phong cách vẽ tranh trên nền lụa đã trở thành một đặc điểm giúp ông nổi bật, khác hẳn những họa sỹ Pháp cùng thời. Mai Trung Thứ sở hữu kỹ thuật tô màu thượng thặng giúp đề cao độ bóng bẩy của nền lụa tơ tằm. Ông sử dụng kiểu vẽ phẳng chứ không tạo hình khối 3D, giống với lối vẽ tranh sơn mài của người Nhật, hay kiểu tranh châu Âu cũ từ trước năm 1400. Nhưng nhân vật chính luôn là một người phụ nữ Việt, đại diện cho nỗi thương nhớ của ông về một Việt Nam bình lặng và an yên.

Đi xem triển lãm tranh Mai Trung Thứ quý hiếm cùng Jenny Kim

Chị Jenny Kim chụp hình kỷ niệm bức họa yêu thích nhất của mình tại triển lãm. Ảnh: Jenny Kim.

“Chị thích bức tranh ông vẽ cô gái ngồi trên chiếc đò, mặc áo dài, tay che nghiêng nón lá và tay kia cầm điếu thuốc quấn”, chị Jenny Kim chia sẻ. “Càng xem càng thích vì màu sắc ông dùng rất nhẹ nhàng, thật nhẹ nhàng, tinh tế, đầy chất thơ”.

Triển lãm có trưng bày những tác phẩm rất giống với các bức vẽ của Mai Trung Thứ đã được bán đấu giá đi toàn cầu. Ảnh: Admiring a Painting (1940), Christie’s

Một ngày đi chơi ở Mâcon cùng “hướng dẫn viên du lịch” là chị Jenny Kim

Những ai mê tranh của Mai Trung Thứ không thể bỏ qua thành phố Mâcon, chị Jenny Kim nói. Vì tại đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng bức bích họa tưởng niệm Thế chiến I trong nhà thờ Saint-Pierre do chính ông vẽ.

Ngoài ra, thành phố này “nhỏ nhắn, rất đáng yêu, với nhiều công trình kiến trúc văn hóa lịch sử lâu đời”, chị Jenny Kim bật mí. Bạn có thể đến đây thăm thú dễ dàng từ Paris.

Các địa điểm đáng quan tâm gồm: nhà thờ Saint-Pierre (nơi có bích họa của Mai Trung Thứ); Maison de Bois, ngôi nhà gỗ cổ nhất Mâcon, đã được xây dựng từ thế kỷ 16; nhà thờ cổ Saint-Vincent (xây dựng từ năm 1000); bệnh viên Hotel–Dieu (kiến trúc cổ từ những năm 1770); và cây cầu Saint Laurent bằng đá, băng ngang nhánh sông Saone, có lịch sử từ những năm 1000. Tất cả những kiến trúc cổ ở trên rất gần nhau, nên đi tản bộ tham quan vô cùng thuận tiện.

Muốn ngắm toàn cảnh thanh bình của thành phố, bạn có thể lên tầng thượng khách sạn Panorama 360. Ngôi nhà cổ đã được biến thành nhà hàng – khách sạn sang trọng và tiện nghi.

THÔNG TIN CHO BẠN

Tờ rơi quảng cáo triển lãm Mai Trung Thứ: Écho d’Un Vietnam Rêvé tại bảo tàng Ursulines de Mâcon. Ảnh: Musée des Ursulines

Thời gian & địa điểm: Triển lãm Mai Trung Thứ: Écho d’Un Vietnam Rêvé diễn ra ở bảo tàng Ursulines de Mâcon từ 16/6/2021 đến hết 24/10/2021.

Vé vào cửa: 3 Euro cho người lớn. Miễn phí cho nhiều đối tượng như trẻ em, người già, dân địa phương, khách chuyên môn như báo giới…

Hoạt động: Triển lãm sẽ kết hợp cùng nhiều hoạt động chia sẻ về văn hóa Việt, ví dụ buổi tọa đàm về áo dài, workshop về vẽ tranh chữ, kể truyện cổ tích Việt Nam, diễn tấu nhạc Việt… Lịch trình cụ thể xin liên lạc bảo tàng.

Cách đi du lịch: Bạn có thể bắt tàu TGV từ Paris đến thẳng trung tâm Mâcon. Chuyến đi một chiều là 339km, mất khoảng 1,5 tiếng đồng hồ.

>>> Xem thêm: CÁC HỌA SỸ TIÊU BIỂU CỦA TRƯỜNG PHÁI ẤN TƯỢNG: MONET, RENOIR, NAM SƠN VÀ TÔ NGỌC VÂN

Lời kể của nhân vật đã được biên tập và cô đọng
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm