Dịp Tết này, rạp chiếu phim Việt có một lựa chọn mới: Nhà không bán. Bộ phim Nhà không bán xoay quanh câu chuyện bán đi căn nhà được thừa kế của chị em bà Ngọc, ông Ngà. Các nhân vật có số phận, tính cách đa dạng góp phần hé lộ những bí ẩn của ngôi nhà cổ bí ẩn này. Những ai yêu thích tuýp phim kinh dị xen lẫn yếu tố gia đình, xã hội, tâm lý hẳn không thể qua bộ phim chiếu Tết này.
Ông Ngà (nghệ sỹ Minh Hoàng) gắn bó với nhà cổ lâu nhất
Ông Ngà là một trong hai chủ nhân của căn nhà nhiều bí ẩn. Trước đây ông làm nghề buôn hàng chuyến ở các vùng lân cận. Khi về già, để chăm sóc người vợ thường đau yếu, ngơ ngẩn nên ông chuyển sang nghề làm nhang tại nhà.
Khi đảm nhiệm hai nhân vật ở hai giai đoạn lịch sử khác nhau, nghệ sĩ Minh Hoàng không gặp nhiều khó khăn do đã có nhiều năm kinh nghiệm diễn xuất ở lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, truyền hình. Thế nhưng, anh cho biết nhân vật ông Ngà vẫn còn ẩn chứa nhiều điều bí mật mà bản thân cảm thấy thích thú muốn khám phá.
Nhân vật Ông Ngà cùng với kịch bản cuốn hút của phim Tết Nhà Không Bán chính là yếu tố hấp dẫn khiến anh vui vẻ trở lại nghệ thuật ở tuổi U70 sau thời gian dài tạm ở ẩn. Nghệ sĩ Minh Hoàng là diễn viên có nhiều phân cảnh nhất trong phim với những trường đoạn tâm lý phức tạp nhưng anh luôn là người nhiều năng lượng trên phim trường. Khác với ngoại hình khắc khổ, trầm tư của nhân vật ông Ngà trên phim, ngoài đời anh là người vui vẻ, thân thiện, luôn tận tình hướng dẫn các bạn diễn viên trẻ trong các phân đoạn khó.
Bà Ngọc (NSND Kim Xuân) mong muốn sớm bán được căn nhà thừa kế
Người phụ nữ sang trọng từ Mỹ về thăm nhà sau nhiều năm xa quê. Bà dẫn theo cháu ngoại Betty là một cô gái từ nhỏ đã lớn lên ở nước ngoài. Lần trở về này, bà Ngọc mang theo nỗi buồn khó nói là muốn bán căn nhà thừa kế cùng người em để trang trải những khó khăn nơi xứ người. Thế nhưng, lần trở lại này của bà lại xảy ra rất nhiều điều bất ngờ.
Thúy Liễu (Việt Hương) bị nhát ma
Người phụ nữ lỡ thì Thúy Liễu là bà con xa của Betty, ở Sài Gòn theo bà cháu Việt kiều về quê để bán nhà. Khi đến ngôi nhà, người phụ nữ này đã tò mò khám phá khắp mọi ngóc ngách để tìm hiểu những bí ẩn như lời đồn đại của mọi người.
Để hoá thân vào nhân vật này, nghệ sĩ Việt Hương đã đặt để nhiều tâm huyết. Chị chia sẻ:
“Thúy Liễu là dạng đàn bà con gái hơi hớ hênh vô duyên, khó đó cười đó, gặp gì không ưng ý là la làng. Những từ ngữ tôi dùng cho nhân vật này được chọn lọc cho phù hợp nên đôi khi có thể hơi phô, thô tục. Tôi cũng hơi lo khi phim ra mắt nếu khán giả không hiểu rõ thì lại thắc mắc tại sao Việt Hương nói chuyện như thế. Đó thật sự là con dao hai lưỡi nhưng tôi mong khán giả sẽ hiểu chỉ là Thúy Liễu trên phim mà thôi”.
Betty (Khánh Uyên) luôn tò mò với mọi thứ xung quanh
Betty từ nhỏ sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng lại có hứng thú với văn hoá Việt Nam nên theo bà ngoại về thăm quê. Cô bé xinh xắn, thông minh, hồn nhiên, dạn dĩ với chiếc máy ảnh và máy nghe nhạc hiện đại luôn kè kè theo bên mình đã đi chơi khắp nơi để khám phá quê hương.
Lần đầu tiên chạm ngõ điện ảnh, Khánh Uyên (được biết đến trên mạng xã hội là hotgirl Na Tây) đã vượt nhiều thử thách để hoàn thành vai diễn. Cô nàng cho biết mình được cả đoàn phim thương yêu như em út và tận tình chỉ bảo rất nhiều điều. Không chỉ nhập tâm để diễn xuất, Khánh Uyên còn phải học luôn cách nói tiếng Việt lơ lớ của Việt kiều khi đóng vai Betty.
Hạnh (NSƯT Hạnh Thuý), người đàn bà điên trong ngôi nhà ma
Hạnh là người phụ nữ trung niên có tâm thần không ổn định, suốt ngày vật vờ trong ngôi nhà cổ cũ nát khiến nhiều người sợ hãi. NSƯT Hạnh Thuý tự nhận mình “đẹp lạ” trong phim mới vì ngoại hình đen đúa, rách rưới của nhân vật Hạnh. Do là người gốc Khmer nên bà Hạnh có làn da ngăm đen đặc trưng.
Những ngày quay phim, Hạnh Thuý đến đoàn từ rất sớm để tự hoá trang. Thời gian này trường học vẫn trong giai đoạn giãn cách nên những lúc hoá trang, nghỉ ngơi thì chị lại tất bật bên máy vi tính, điện thoại để dựng vở, tập bài, chấm điểm, góp ý vở diễn với sinh viên của mình.
Thạch Dên (Hữu Tín) có ngoại hình ấn tượng
Thạch Dên là người Khmer, bà con xa với bà Mỹ Hạnh, phụ giúp việc lặt vặt trong nhà ông Ngà, tính tình vui vẻ. Hữu Tín đã có sự lột xác mạnh mẽ về ngoại hình trong phim này với làn da nâu đen, mái tóc xù. Để hoá trang da đen, Hữu Tín phải liên tục dặm phấn trong thời gian quay. Những chiếc áo của anh mặc dần dần cũng bị nhuộm màu nâu vì dính bụi phấn quá nhiều.
Khó khăn lớn nhất của Hữu Tín là những lời thoại bằng tiếng Khmer trong phim. Anh may mắn có một cô phụ việc trong gia đình nhiều năm là người gốc Khmer nên tự tin nhận vai diễn này vì có người phụ đạo đặc biệt. Tất cả các lời thoại tiếng Khmer đều được anh cẩn thận ghi chú và học cách phát âm cùng với cô Tư ở nhà mình.
Hữu Tín bị Việt Hương “tố” là người tiêu thụ thực phẩm nhiều nhất phim trường. Mỗi khi đàn chị mang đồ ăn lên mời đoàn phim thì bao giờ Hữu Tín cũng là người thưởng thức nhiệt tình nhất.
Cô Trinh (Nam Em) đại diện cho nét đẹp phụ nữ thời xưa
Cô Trinh 20 tuổi mang nét đẹp trong sáng, thanh thoát của người phụ nữ những năm 1950. Cô là con gái của bạn ông Cả, do gia đình có việc nên đến ở nhờ trong nhà một thời gian.
Nam Em cho biết ban đầu cô nhận lời đóng phim chỉ vì Việt Hương rủ rê: “Em ơi nhân vai này đi dễ thương lắm bé!”. Mà không ngờ đã ấn tượng ngay từ buổi đầu tiên. Vào ngày Nam Em đến thử vai cũng là lúc đoàn phim đang chụp poster nên tái hiện thử nhiều phân cảnh đặc biệt trong phim. Mặc dù đạo diễn Hoàng Tuấn Cường đã ưng ý với tạo hình đúng như mong muốn với vai cô Trinh, nhưng anh vẫn muốn thử thách khả năng diễn xuất của Nam Em nhiều hơn vì chưa từng làm việc chung.
Anh đã nói Top 8 Miss Earth 2016 thử diễn cảnh nhảy xuống giếng nước. Để tạo hiệu ứng đặc biệt, đạo diễn là đổ thẳng một chai nước lớn từ trên đầu xuống người Nam Em. Dù vô cùng bất ngờ nhưng cô vẫn hoàn thành phần thử vai đúng như yêu cầu. Đây chính là yếu tố quyết định giúp người đẹp nhận được vai diễn quan trọng trong phim, cũng là vai diễn có nhiều ứng cử viên nhất của phim Tết Nhà Không Bán.
Đạo diễn Hoàng Tuấn Cường cho biết diễn viên đóng vai cô Trinh vừa phải mang nét đẹp đài các, vừa phải có khả năng chịu cực khổ cùng nhân vật. Sau buổi thử vai đặc biệt, anh nhận thấy những tố chất này ở Nam Em nên khá ưng ý.
Cô Thuý (Văn Phượng), bà chủ tiệm may trên nền đất nhà cổ
Cô Thuý là người có lai lịch không rõ ràng, xinh xắn, hiền lành nên được ông Ngà bán cho một góc nhỏ cất nhà trong khu đất gia đình để lấy tiền trang trải cuộc sống.
Vốn là người yếu bóng vía, sợ ma và không bao giờ xem phim ma nên Văn Phượng từng muốn từ chối khi nhận lời mời. Thế nhưng do yêu thích các bộ phim trước đây của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường nên cô đánh liều tham gia. Những lúc phim trường vui vẻ, đông người thì Văn Phượng rất tự tin, nhưng có lần đoàn kết thúc buổi quay vào gần một giờ sáng, nữ diễn viên phải đi bộ một đoạn từ bối cảnh ngôi nhà để ra phía đường lớn để lên xe về nhà. Đang đi dọc đường, cô chợt thấy ớn lạnh vì xung quanh không một bóng người. Cảm giác có ai ở phía sau gáy khiến Văn Phượng sợ hãi bỏ chạy thục mạng không dám quay đầu nhìn lại.
Cậu Huy (Bạch Công Khanh) điển trai
Bạch Công Khanh trở lại điện ảnh sau vai diễn trong các phim Oán, Đích tôn độc đắc. Vào vai cậu Huy, nhân vật sống ở thời kỳ những năm 1950 của phim Nhà Không Bán, anh có tạo hình của một chàng trai tân thời trong giai đoạn Pháp thuộc với trang phục lịch lãm. Huy là một kỹ sư từ Pháp về, vị hôn phu của cô Trinh.
Bạch Công Khanh cho biết:
“Tuy vai Huy xuất hiện không nhiều nhưng có rất nhiều cung bậc cảm xúc để khán giả có thể hiểu và cảm nhận nhiều vấn đề xoay quanh số phận, cuộc sống của nhân vật này. Tôi chưa bao giờ tự nhận vai diễn nào đơn giản hay vừa sức với mình. Tôi cũng không tự tạo áp lực cho bản thân để ảnh hưởng đến sự sáng tạo, thoải mái trong diễn xuất. Với bất kỳ vai diễn nào, tôi cũng hết mình với các nhân vật, dù thời gian “sống” cùng Huy rất ngắn”.
Phim điện ảnh Nhà Không Bán của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường công chiếu mùng 1 Tết Nhâm Dần 2022.
TOP 38 PHIM KINH DỊ HÀN QUỐC HAY VÀ RÙNG RỢN NHẤT MỌI THỜI ĐẠI
TỔNG HỢP NHỮNG BỘ PHIM KINH DỊ HAY NHẤT MỌI THỜI ĐẠI
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam