Thành phố Thượng Hải là nơi đầu tiên tôi đặt chân đến khi vào đất nước Trung Quốc. Dù đã được nhắc nhở trước từ người yêu, tôi vẫn bị bất ngờ bởi tiết trời giá lạnh dù đã cuối đông, đầu xuân. Vừa xách giùm tôi hành lý, anh vừa cười bảo càng về đêm nơi này càng lạnh, không hề giống với cái lạnh buốt giá ở nhà (Hà Nội) nhưng cũng đủ để tôi run lên bần bật. Trên đường về khách sạn Peace, nơi đã hàng trăm năm tuổi, tôi kịp ngắm những hàng phong đỏ rực chìm vào bóng tối. Thành phố rực rỡ dần trong những ánh đèn màu.
Không gian bắt đầu ngập tràn tiếng Trung, từ bài hát trong xe taxi, đến tiếng vọng từ ngoài phố xá. Vốn tiếng Trung của tôi không đủ để nghe hiểu hết những điều bác tài đang giới thiệu về thành phố. Bạn tôi cười bảo người Trung Quốc là như vậy đấy, ngay cả ở Thượng Hải hay Thẩm Quyến, Bắc Kinh – những thành phố lớn và du lịch cực kỳ phát triển – thì người Trung Quốc không bao giờ nói bất kỳ thứ tiếng nào khác ngoài tiếng mẹ đẻ của họ. Nếu muốn làm ăn hay đến tham quan đất nước họ, hãy học tiếng Trung.
Phố Đông và phố Tây
Sáng hôm sau, tôi đến Bến Thượng Hải hay còn được gọi là bến Hoàng Phố. Đó là một thương cảng lớn của Trung Quốc, địa danh nổi tiếng trong nhiều bộ phim và những quyển sách tôi đã đọc. Đó cũng là nơi sông Hoàng Phố chảy qua, chia Thượng Hải thành hai khu riêng biệt: Đông – Tây; kim – cổ; phát triển nhưng vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị bền vững. Khu phố Đông như một ốc đảo hiện đại với những tòa nhà chọc trời, lấp lánh tỏa sáng trong nắng sớm. Nổi bật giữa những tòa nhà cao tầng ấy là tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu, một biểu tượng cho sự phồn hoa của khu phố mới. Không cần nói nhiều về tòa nhà này, vì gần như ai đến Thượng Hải cũng sẽ mang về một tấm ảnh mà tòa tháp đó nổi bật ở nền trời phía sau. Đông Phương Minh Châu ở Thượng Hải giống như tháp Rùa ở Hà Nội, tháp Eiffel ở Paris hay Golden Gate ở San Francisco vậy. Tôi gặp rất nhiều khách du lịch đang đi bộ chụp ảnh. Ai cũng muốn lấy trọn cả ốc đảo phồn hoa cùng tòa tháp của khu phố Đông vào trong khung hình.
Khu phố mua sắm nhộn nhịp nhất Thượng Hải là Nam Kinh. Tại đây, bạn có thể tìm thấy bất cứ thứ gì bạn muốn mua. Những trung tâm mua sắm đồ sộ nằm dọc hai bên đường, nối nhau bày bán mọi thứ hàng hóa từ các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Chanel, Cartier, Prada… đến những nhãn hàng địa phương bên ngoài vỉa hè.
Từ phía công viên Nhân Dân đến phố Nam Kinh luôn nhộn nhịp người tới mua sắm. Đông nhất là những cô gái mắt một mí, mũi cao, ăn mặc thời trang, đúng tinh thần “Shanghai Baby” mà Vệ Tuệ đã miêu tả. Tôi cũng hòa vào làn gió trẻ trung và sôi động ấy để mua được cặp kính Miu Miu và đôi giày Chanel mới. Trong lúc chờ, người yêu tôi đã chuẩn bị cho điểm hẹn hò tiếp theo: khu phố Tây lãng mạn.
Khu phố cổ bên kia sông Hoàng Phố mang đến cảm giác hoàn toàn khác biệt. Những tuyến đường nhiều ngã rẽ nhưng ít tiếng ồn. Tôi thích thú khi nhìn thấy những hàng xe đạp xanh đen xếp dài bên ngoài một bưu cục cũ, những ông lão kê ghế ngồi đọc báo bên cửa trong nắng chiều. Những hình ảnh ấy khiến tôi bỗng nắm chặt tay anh để cùng cảm nhận niềm hạnh phúc viên mãn và đủ đầy. Chúng tôi đến thăm vườn Dự Viên, chùa Phật Ngọc để ngắm nhìn những ngôi nhà còn giữ nguyên kiến trúc cổ Trung Quốc, nơi mà trước nay hay được xem trong phim cổ trang.
Cuối chiều, dừng chân ở Shanghai Tang Cafe, tôi tự thưởng cho mình những phút nhàn rỗi ngắm phố phường. Buổi tối trên những con đường phố Tây, người dân Thượng Hải vẫn giữ thói quen treo đèn lồng đỏ trước cửa mỗi nhà, khiến du khách cứ ngỡ đang sống trong không gian của hơn trăm năm trước…
Thành Venice của Trung Hoa
Điểm đến không thể bỏ qua của tôi là Bảo tàng Nghệ thuật Thượng Hải, nơi có kiến trúc tuyệt đẹp với những hình khối hiện đại và màu đỏ ấn tượng. Bên trong bảo tàng lưu giữ nhiều tác phẩm giác trị của nghệ thuật cổ điển Trung Hoa. Tôi được chiêm ngưỡng rất nhiều bức tranh, phù điêu, các bình gốm cổ… tuyệt đẹp chỉ có phiên bản duy nhất tại Bảo tàng này. Những bảo vật ấy khiến tôi thêm hiểu về nền tảng văn hóa đồ sộ của Trung Quốc.
Rời khỏi Bảo tàng, chúng tôi đến làng cổ Chu Gia Giác (Zhujiajiao) để chiêm ngưỡng những ngôi nhà cổ tồn tại hơn 1700 năm. Được mệnh danh là thành Venice của Thượng Hải, Zhujiajiao là trải nghiệm lạ lẫm với tôi. Thị trấn này vẫn mang hình thái của Trung Hoa cổ xưa: thiên nhiên trong lành, những con thuyền tấp nập đi lại trên sông dưới hai hàng dương liễu, 36 cây cầu đá lớn nhỏ nối hai bờ, những ngôi nhà gỗ mái cong vút treo đèn lồng đỏ…
Biểu tượng của Chu Gia Giác là một trong những cây cầu đá năm nhịp lớn nhất còn tồn tại cho tới ngày nay. Dưới chân cầu, du khách có thể dễ dàng mua những con cá, rùa bé xíu đủ màu rồi thả chúng về với sông nước. Có lẽ chính vì thế mà cả cây cầu lẫn ngôi đình cạnh đó đều mang tên Phóng Sinh, với ý nghĩa tích thêm công đức theo lời Phật dạy.
Chưa có một nơi nào tại Thượng Hải bán nhiều đồ lưu niệm với giá phải chăng như ở Chu Gia Giác. Tôi đã mua được những món quà từ da làm bằng tay cho bạn bè ở Việt Nam và một chiếc phong linh bằng sứ kết tua đỏ cho riêng mình để ghi nhớ khu phố cổ bên sông này. Đến khi lên xe trở lại trung tâm Thượng Hải, tôi vẫn thấy luyến tiếc khoảng sông rực sáng đèn lồng phía sau lưng.
Thượng Hải về đêm
Đêm xuống, thành phố này mang vẻ đẹp quyến rũ của hàng trăm nghìn ánh sáng rực rỡ. Bạn có thể chiêm ngưỡng Thượng Hải về đêm khi ăn tối trên du thuyền du lịch đi dọc sông Hoàng Phố. Đơn giản hơn, bạn có thể đi dạo bộ ven sông, ghé vào một quán bar bên đường và thưởng thức một ly cocktail đậm đà men say.
Những điểm đến thú vị tại Thượng Hải
Khách sạn cổ
Nằm trên bến Thượng Hải với tầm nhìn bao quát sông Hoàng Phố, khách sạn Swatch Art Peace đã tồn tại hàng trăm năm (từ năm 1906). Kiến trúc cổ xưa nơi đây được lưu giữ và cải tạo thành không gian mua sắm và sắp đặt nghệ thuật hấp dẫn.
Tiệc trà chiều
Nằm ở quận Jiading khu phố Đông, khách sạn Crowne Plaza Shanghai Anting Golf có kiến trúc hiện đại, sân golf và các nhà hàng món Tây nổi tiếng. Trong đó, Eagle Lobby Lounge là địa điểm lý tưởng để du khách thưởng thức tiệc trà chiều. Không gian thư giãn tuyệt vời hơn với âm nhạc và các món ăn nhẹ được chế biến tinh tế, trình bày đẹp mắt.