Không biết từ bao giờ, hoạt động mua sắm đã gắn liền với phụ nữ như một luật bất thành văn. Tác giả nổi tiếng với phong cách hài hước Erma Bombeck từng bình luận: “Mua sắm là một chuyện rất phụ nữ, tương tự như bóng đá đối với đàn ông vậy. Trong lúc mua sắm, phụ nữ sẽ tận hưởng việc phải tranh cướp, chen lấn giữa đám đông hỗn loạn, nguy cơ bị đè bẹp tới chết và cảm giác hân hoan khi đạt được thành quả”.
“Đàn ông quyết mua, phụ nữ chọn mua”
Theo một nghiên cứu năm 2013 của Đại học Wharton, Mỹ, đàn ông sẽ “phát ốm” chỉ sau 26 phút lượn lờ mua sắm với vợ/bạn gái, trong khi phụ nữ có thể bỏ ra 2 giờ cho chuỗi hoạt động “ngắm – chọn – thử” lặp đi lặp lại mà không biết chán. Trung tâm nghiên cứu hành vi mua bán lẻ Jay H. Baker Retail Initiative và Công ty Tư vấn Chiến lược Verde Group (Toronto, Canada) cũng đã thực hiện một cuộc khảo sát chứng minh rằng: “Đàn ông quyết mua. Phụ nữ chọn mua”. Theo đó, phụ nữ coi hoạt động mua sắm như một cuộc dạo chơi và sẽ mất nhiều thời gian để “nâng lên đặt xuống” trước khi chi tiền (thậm chí sau rốt sẽ không chi); đàn ông thì ngược lại, họ coi mua sắm là một công việc cụ thể và sẽ đến đúng nơi có món đồ họ cần để “đánh nhanh thắng gọn”. Từ thời tiền sử cách đây hàng trăm ngàn năm, phụ nữ và đàn ông đã được phân công hai nhiệm vụ khác biệt: đàn ông phụ trách việc săn thú, phụ nữ lo việc hái lượm trái cây, rau củ. Bản năng của đàn ông là săn mồi, vì vậy, họ sẽ vào rừng để săn rồi đi thẳng về nhà. Nhưng phụ nữ thì cần phải chọn lựa, kiểm tra, loại bỏ để thu hoạch được rau trái tốt nhất. Đây được coi như nguyên nhân chính dẫn đến sự khác biệt trong hành vi mua sắm của hai giới.
Nàng mua sắm vì ai?
Thu lượm, sắm sanh thực chất là thói quen đã được quy định sẵn trong gen của phụ nữ do tổ tông truyền lại. Mới đây, công ty Tài chính GE Money, Thụy Sỹ thực hiện một cuộc khảo sát cho thấy, phụ nữ mất trung bình 399 giờ 46 phút để đi mua sắm mỗi năm. Nhưng trong đó, có tới 1/4 thời gian (94 giờ và 55 phút) là để chọn mua nhu yếu phẩm cho gia đình; tiếp đến là 36 giờ và 17 phút để mua quà cáp cho người thân và bạn bè.
Tất nhiên phụ nữ mua sắm cũng chính là để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên ở đây có một điểm đáng lưu ý: hoạt động mua sắm giúp giải quyết nhu cầu cảm xúc của các nàng nhiều hơn nhu cầu sử dụng thực sự. Từ lâu khoa học đã chứng minh rằng, mua sắm là một trong những cách tốt nhất để chị em giảm stress. Sự thỏa mãn khi được “vung” tiền sắm sanh sẽ giúp phụ nữ tự thấy mình “quyền lực”, từ đó có thể giải tỏa bớt những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống thường ngày. Và điều quan trọng là, việc mua sắm không gây ra cảm giác “tiền đi là mất luôn” mà có thể quy đổi thành hiện vật để mang về nhà. Đó là yếu tố có thể trấn an phụ nữ khi các nàng lỡ “vung tay quá trán”.
Nếu phụ nữ không mua sắm…
Các nhà nghiên cứu thị trường thường đùa rằng: “Nếu bỗng một ngày phụ nữ không còn bản năng mua sắm nữa, có thể toàn bộ nền kinh tế sẽ sụp đổ”. Phụ nữ thực sự là “thượng đế” của các doanh nghiệp vì việc mua sắm của các nàng diễn ra trên phạm vi hàng hóa rất rộng và liên quan trực tiếp đến một loạt các khách hàng tiềm năng khác. 5 thống kê dưới đây cho thấy khả năng tác động của phụ nữ lên nền kinh tế:
1. Bằng sức mua và khả năng tác động của mình, phụ nữ có thể ảnh hưởng khoảng 70 – 80% tổng lượng tiêu thụ hàng hóa.
2. Khoảng 75% phụ nữ nhận mình là người mua sắm chính cho gia đình.
3. Phụ nữ ảnh hưởng đến 70% trong quyết định chi tiền đi du lịch.
4. Phụ nữ mua hàng trực tuyến (online) nhiều hơn nam giới (12,5% so với 9,3%).
5. Từ năm 1979, bình quân thu nhập của phụ nữ đi làm toàn thời gian đã tăng lên 31%, trong khi bình quân thu nhập của nam giới chỉ tăng 2%.
Có lẽ đã đến lúc cánh mày râu nên thấy thoải mái hơn về sở thích mua sắm mà các chàng vẫn gọi là “phung phí” của các nàng. Phụ nữ thông minh sẽ luôn biết mua đúng thứ mình cần cũng như rất thích việc lựa chọn, trả giá.
Hãy nghe nàng nói
Lê Ngọc Thanh – Á khôi doanh nhân
Bazaar (BZ): Thứ gì chiếm thời gian mua sắm và chi phí mua sắm của chị nhất?
Á khôi doanh nhân 2014 Lê Ngọc Thanh (LNT): Trang phục đi dự sự kiện: đầm dạ hội hay đầm cocktail. Ngoài ra, thứ mà Thanh đã sắm cho mình nhiều và vẫn muốn mua thêm là trang sức lấp lánh để đi dự sự kiện và phụ kiện dễ thương để phối với đồ streetstyle.
BZ: Khi mua sắm, điều vui nhất với chị là gì, điều đáng tiếc nhất là gì?
LNT: Khi mua sắm Thanh luôn thấy rất vui vì thêm trang phục đẹp cho mình và cũng góp phần tự tin thêm cho Thanh trong công việc. Còn điều đáng tiếc là chưa có vì Thanh luôn chọn rất kỹ lúc mua sắm và mua là thích.
Bà Lưu Nga – Tổng giám đốc công ty thời trang Elise
Bazaar (BZ): Chị nhận xét sao về việc mua sắm của khách hàng hiện nay?
Lưu Nga (LN): Khách hàng hiện nay với chiếc smartphone trong tay, họ có đủ thông tin, nhiều lựa chọn để mua sắm đúng giá trị hữu hình và vô hình của sản phẩm thời trang. Khách hàng không đơn giản chỉ mua quần áo, họ mua cả linh hồn của nó mà chúng tôi đã thổi vào, cái tại sao chúng tôi lại tạo ra sản phẩm như vậy. Với cùng một mức giá họ luôn tìm đúng sản phẩm số 1 và chúng tôi phải ở đó để không là người đến sau.
BZ: Đâu là những lý do “quyến rũ’” khách hàng?
LN: Lý do duy nhất là đẳng cấp. Nếu không tạo được đẳng cấp thương hiệu thì sản phẩm nào cũng như nhau, chỉ để mặc cho kín. Đẳng cấp định vị giá trị, giá trị quyến rũ khách hàng. Để có đẳng cấp phải chi trả bằng trí tuệ, đạo đức, công sức và thời gian.
BZ: Trong kinh doanh, chị chú trọng tạo ra thị hiếu hay chạy theo nhu cầu khách hàng?
LN: Tạo ra thị hiếu mới khó vì khách hàng sẽ chạy theo mình. Thời trang nếu không mới và độc đáo sẽ trở nên nhàm chán. Nếu không tạo ra sản phẩm dẫn đầu xu hướng mới mẻ, khác biệt, mang lại sự tự tin, hãnh diện và thỏa mãn các phong cách họ muốn thể hiện thì tôi không bán được.
Bài: Hải Âu, Hải Dương. Ảnh: Getty Images
Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 9/2015