Những tháng cuối năm 2016, Môi Điên – một thương hiệu thời trang có cái tên lạ lẫm của nhà thiết kế (NTK) trẻ Tom Trandt – đã tạo nên làn sóng râm ran trong giới sáng tạo Sài thành qua bộ sưu tập (BST) đầu tiên, với sự góp mặt của người mẫu Trang Khiếu. Nó là thành quả ấp ủ sau 5 năm học tập và sinh sống tại New York của Tom (tên thật là Trần Minh Đạo), NTK sinh năm 90 với bằng tốt nghiệp thời trang từ trường Parsons danh giá.
Bazaar: Bài học lớn nhất sau khi bạn sống, học tập và làm việc ở New York là gì?
TOM TRANDT: Đó là cuộc sống không nợ mình điều gì. Ở New York, dù gia thế ra sao, bạn cũng chỉ là phần tử nhỏ trong một tổ hợp rất lớn. Bạn không thể ỷ lại vào ai khác được, mà phải dựa vào chính bản thân mình, lao động hết sức và chủ động trong công việc.
Bazaar: Lý do gì khiến bạn chọn khởi nghiệp tại Việt Nam thay vì New York?
TOM TRANDT: Tôi rất thích làm việc với người trẻ, đặc biệt là những bạn chưa bị thỏa hiệp về tư duy bởi môi trường làm việc. Những cái đó tôi không nghĩ mình làm được ở New York, khi áp lực về tài chính và tình cảm gia đình còn đè nặng. Về nước cũng là cơ hội để tôi thả lỏng bản thân và tập trung hơn vào công việc.
Bazaar:Quá trình học và làm việc từ đó đến nay đã ảnh hưởng như thế nào đến tư duy thiết kế của bạn hiện tại?
TOM TRANDT: Khởi điểm của tôi vốn không phải là nghệ thuật, tôi luôn nhìn mọi thứ dưới góc độ khoa học và tất cả những gì tôi làm đều theo logic. Khi mới bắt đầu, tôi phải đấu tranh rất nhiều với bản thân vì thành phẩm mình làm ra tuy có kỹ thuật tốt, nhưng vẻ ngoài của chúng lại quá bình thường. 4 năm học của tôi là quá trình thả lỏng bản thân, làm sao để sự “chưa hoàn hảo” là điểm dừng.
Bazaar: Đâu là giá trị đại diện cho tinh thần của Môi Điên?
TOM TRANDT: Tôi luôn muốn thúc đẩy tính phổ quát trong thời trang. Sự khác biệt lớn nhất giữa nghệ thuật và thiết kế là nghệ thuật được làm ra bởi một nhóm nhỏ cho một nhóm nhỏ, còn thiết kế là khi bạn có thể sản xuất hàng loạt. Tôi muốn thiết kế của mình có giá thành và kích cỡ mang tính dân chủ hơn, để bất kỳ ai thích đều có thể sở hữu và mặc nó.
Bazaar: Mỗi BST sẽ được bạn phát triển như thế nào?
TOM TRANDT: Đó là sự tìm tòi và đào sâu ý tưởng đến tận cùng, tối đa hóa cho đến thời điểm kết thúc, đi theo xu hướng tối giản. Môi Điên không phải là tôi, mà là sự kết hợp của nhiều nhà thiết kế, là thành quả của cả một đội ngũ.
Bazaar: Bạn có đặt nặng giá trị về bản sắc dân tộc trong thiết kế của mình?
TOM TRANDT: Tôi tự hào mình là người Việt Nam. Cuộc sống ở New York giúp tôi hiểu được bản sắc văn hóa là một vũ khí mạnh. Việt Nam không chỉ có mỗi hoa sen hay áo dài, tôi muốn đào sâu và phát triển những ý tưởng ít ai khai thác như sự tái sinh, tinh thần chiến đấu… để kể một câu chuyện mới và hiện đại về đất nước. Từ đó, khi người ta nghĩ đến thời trang Việt Nam, họ có một hình ảnh cụ thể trong đầu và biết chúng ta đang cố thúc đẩy hình ảnh văn hóa đi đến đâu.
“ĐỐI TƯỢNG KHÁCH HÀNG CỦA MÔI ĐIÊN LÀ NHỮNG NGƯỜI TRẺ CÓ NHẬN THỨC VỀ CÁ TÍNH CỦA CHÍNH MÌNH VÀ MUỐN THỂ HIỆN NÓ QUA THỜI TRANG”
Bazaar: Trong mắt bạn, điều gì làm nên giá trị của thời trang?
TOM TRANDT: Thời trang là một ngành công nghiệp, và cũng là thái độ sống. Ít ngành nào đóng vai trò là thứ ngôn ngữ tức thời giúp người ngoài xác định bạn là ai và thuộc nhóm nào như thời trang. Một cái áo sơ mi trắng không đơn thuần là thứ che đậy cơ thể bạn, nó là cách thể hiện bạn là ai. Theo một cách nào đó, bản thân tôi không khác gì một nhà lập trình ngôn ngữ.
Bazaar: Công thức để bạn cân bằng giữa giá trị nghệ thuật và thương mại là gì?
TOM TRANDT: Sự tiết chế trong thiết kế là điều bất kỳ ai cũng phải đối mặt trong kinh doanh. Tôi thích đón nhận những lời nhận xét thông minh và bình luận thẳng thắn từ khách hàng, những người trong và ngoài nghề để cân bằng được giá trị thị giác và chức năng trong từng sản phẩm. Nếu không có những lời khuyên giá trị từ đội ngũ và bên ngoài, tôi vẫn sẽ bị mắc kẹt trên những trang giấy thiết kế mà thôi.
Tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 3/2017