Từ xưa đến nay, dù là trong thời trang hay nội thất, vải gấm (jacquard) luôn ẩn chứa nét đẹp tinh tế, sang trọng, cổ điển. Bên cạnh đó, gấm có độ bền cao nên được nhiều người ưa chuộng.
Gấm là gì? Lịch sử của vải gấm
Jacquard là các loại vải dệt có hoa văn. Không như thêu hay in, hoa văn trên gấm tạo ra do cách dệt vải. Trên nguyên tắc, sợi nào cũng có thể dùng để dệt gấm. Nhưng hai loại sợi tự nhiên hay dùng nhất là cotton và tơ tằm.
Gấm là loại vải có kỹ thuật dệt tinh xảo và phức tạp nhất trong các phương pháp dệt. Sợi nhuộm trước rồi mới dệt để tạo ra các hoa văn hai da cầu kỳ, màu sắc bắt mắt, khi sờ vào đem lại cảm giác mịn và mượt. Bề mặt vải có độ bóng nhẹ, óng ánh tự nhiên, độ bền cao nên được ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Theo ghi chép lịch sử, gấm xuất hiện đầu tiên từ thời Chiến Quốc ở Trung Quốc, khoảng năm 475–211 trước Công Nguyên. Tuy nhiên việc sản xuất và sử dụng chỉ giới hạn ở Trung Quốc mãi cho đến vài thế kỷ đầu sau Công Nguyên khi giao thương lụa tơ tằm được mở rộng.
Lúc này, gấm và các kiểu vải lụa khác ngày càng được nhiều người biết đến trên khắp lục địa Á-Âu. Tuy nhiên, ngoại trừ Trung Quốc, không nơi nào biết cách sản xuất sợi tơ tằm.
Thế kỷ thứ VI sau Công Nguyên, hai tu sĩ của Đế quốc Byzantium đánh cắp được bí mật cách sản xuất tơ tằm mang về nước. Byzantium trở thành trung tâm dệt tơ lụa đầu tiên của châu Âu. Gấm Byzantium cũng trở thành chất liệu may mặc cho giới quý tộc châu Âu và Trung Á cho đến thời Trung Cổ. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là giữ vị trí độc tôn trong giao thương gấm lụa khắp Đông Á.
Đầu thế kỷ XIX, Joseph Marie Jacquard phát minh ra máy dệt jacquard. Nhờ đó, quy trình sản xuất gấm trở nên đơn giản và hiệu quả hơn nhiều. Gấm trở nên phổ biến với công chúng chứ không chỉ dành riêng cho giới quý tộc và thượng lưu như ngày xưa. Đồng thời, máy dệt jacquard giúp tạo ra các mẫu mã hoa văn phức tạp và đa dạng hơn. Nhờ đó, gấm càng đẹp kiêu sa. Hiện nay, hầu hết các nhà máy dệt hiện đại đều sử dụng máy dệt jacquard để tự động hoá quá trình dệt gấm.
Quy trình làm nên mảnh gấm đẹp
Vải gấm được dệt từ 3 cuộn chỉ dệt. Hai cuộn chỉ dệt ngang và dệt dọc bắt buộc phải có để tạo nên cấu trúc cơ bản của tấm vải. Quy trình dệt gấm đòi hỏi thêm cuộn chỉ dệt ngang thứ ba để tạo nên hoa văn trang trí. Tùy vào vị trí hoa văn xuất hiện, chỉ dệt ngang này được thêm vào ở những vị trí nhất định hoặc có thể dệt liên tục trong quá trình dệt vải.
Để có thể tạo nên mảnh vải gấm nhiều màu sắc, quy trình dệt thủ công đòi hỏi một khung cửi phức tạp hai tầng. Quá trình dệt gấm cần 2 người thợ: một người ngồi trên và một người ngồi dưới. Cả 2 người thợ này phải có chuyên môn kỹ thuật cao để có thể phối hợp nhuần nhuyễn với nhau. Sự phối hợp này phải đồng nhất, không được sai sót thì mới tạo ra được hoa văn chính xác.
Ưu/nhược điểm của vải gấm trong thiết kế nội thất
ƯU ĐIỂM CỦA VẢI GẤM
- Gấm là một trong những chất liệu có độ bền cao và lâu nhăn. Sợi vải và màu sắc của gấm rất bền màu.
- Với thành phần chủ yếu từ thiên nhiên nên vải gấm thường thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, gấm không gây kích ứng, dị ứng cho da nhạy cảm.
- Gấm có khả năng giữ nhiệt tốt.
- Hoa văn tinh xảo, cầu kỳ cùng màu sắc đa dạng và bắt mắt, mang giá trị thẩm mỹ cao.
NHƯỢC ĐIỂM CỦA VẢI GẤM
- Gấm có khuynh hướng co rút khi bị ướt. Ngoài ra, gấm dày nên phơi lâu khô và khá kỳ công khi phơi.
- Gấm tuy lâu nhăn, nhưng khi đã nhăn thì khó làm thẳng. Như các loại vải bọc khác, nội thất bọc gấm dễ thấm nước và không thể vệ sinh bình thường. Do dễ bám bẩn, ố vàng bởi trà hay cà-phê nên khi bị bám bẩn sẽ khó tẩy rửa để giữ được vẻ đẹp ban đầu của chất liệu bọc.
Các loại vải gấm thường thấy trong thiết kế nội thất
Gấm được tạo ra nhờ kỹ thuật dệt. Bất kỳ chất liệu sợi dệt gì cũng có thể dùng để dệt gấm. Vì thế, việc phân loại gấm phụ thuộc vào loại sợi dệt nên tấm vải đó.
- Gấm cotton nhẹ hơn và có hoa văn ít phức tạp như gấm lụa. Loại gấm này khá thoải mái, nên được dùng để may trang phục truyền thống, thời trang, và cả ngày thường.
- Gấm lụa dệt từ sợi tơ tằm có bề mặt mềm mịn, óng ả nhất. Đây là loại gấm được dệt đầu tiên của con người.
- Gấm Himru kết hợp lụa và cotton, nên vải này co giãn, thoáng khí, mềm đẹp. Gấm Himru chủ yếu sản xuất ở Ấn Độ.
- Gấm tổng hợp làm từ polyester hoặc sợi tổng hợp. Đây là loại rẻ nhất và có quá trình sản xuất gây độc hại đối với công nhân sản xuất và môi trường.
- Gấm Zari còn gọi là gấm hoàng gia. Gấm Zari truyền thống được kết hợp với các loại chỉ từ đồng, bạc hay vàng thật. Tuy nhiên ngày nay, loại gấm này thường dùng chất liệu tổng hợp có vẻ ngoài trông như kim loại quý.
Hoa văn và màu sắc của gấm
Mẫu mã vải gấm rất đa dạng và khác nhau nhiều tùy thuộc vào độ phức tạp của hoa văn. Loại hoa văn gấm đơn giản nhất chỉ thêm vào một màu đơn sắc. Ngược lại, những mẫu có hoa văn phức tạp trông như tấm kính vạn hoa dệt từ rất nhiều loại chỉ màu khác nhau.
Cho dù thợ dệt chọn chất liệu gì để dệt gấm, thì sợi dệt phải nhuộm màu trước khi dệt. Việc nhuộm chỉ giúp tấm vải gấm đa dạng màu sắc và có chiều sâu ánh sáng hơn so với việc vải dệt xong mới nhuộm.
Gấm trong nội thất
Trước kia, vải gấm thường chỉ sử dụng phổ biến trong thời trang. Ngày nay, chất liệu này được áp dụng rộng rãi trong ngành sản xuất chăn ga gối đệm, rèm cửa… Gấm được ưa dùng trong nội thất hay trang trí cho những không gian trang trọng. Gấm có nhiều kiểu hoa văn đẹp, lộng lẫy và có độ nặng tốt nên khi dùng làm rèm sẽ tạo cho không gian vẻ đẹp thanh lịch, quyền quý. Đặc biệt, gấm rất dày nên rèm cửa gấm có khả năng che ánh sáng tuyệt vời.
Chất liệu thiên nhiên mềm mượt, khả năng giữ nhiệt và thoáng khí khiến gấm phù hợp làm tấm phủ giường hay chăn ga, đem lại cho phòng ngủ vẻ ấm cúng, sang trọng.
Thoáng mát, mềm mại, lại bền, gấm là chất liệu bọc nội thất được yêu thích.
Các nhà thiết kế nội thất sử dụng sofa bọc gấm trong phong cách cổ điển, tân cổ điển, đặc biệt là maximalism. Hiện nay, mẫu vải gấm được người dùng chọn lựa làm sofa vải gấm là loại vải có hoa văn, cả cổ điển lẫn hiện đại. Một ứng dụng đơn giản cho gấm nhưng tạo nên tính thẩm mỹ cao là sử dụng những áo gối trang trí bằng chất liệu này cho bộ sofa.
Màu sắc của gấm vô cùng đa dạng từ gam màu lạnh cho đến tông màu nóng ấm. Bạn dễ lựa chọn tùy vào lối thiết kế không gian và sở thích của mình. Hoặc bạn cũng có thể chọn sofa vải gấm với các gam màu đơn sắc. Dù đơn giản nhưng không hề đơn điệu, ngược lại rất thu hút và vô cùng tinh tế.
Vệ sinh và bảo quản chất liệu vải gấm
- Luôn đọc hướng dẫn giặt ủi của sản phẩm. Tùy vào chất liệu sợi dệt tạo nên gấm mà sản phẩm có thể giặt bằng tay, còn những loại khác phải giặt khô.
- Nếu sản phẩm giặt được bằng tay, cần giặt nhẹ nhàng với nước lạnh. Sử dụng các chất tẩy rửa nhẹ hữu cơ thiên nhiên hoặc dầu gội đầu dịu nhẹ. Chú ý không được xoắn vải để tránh làm nhăn vải, làm chùng, làm đứt những sợi chỉ nổi trên bền mặt vải.
- Vải gấm khi gặp nước sẽ trở nên khá nặng, vì thế không được phơi treo vì dễ làm đứt gãy chỉ dệt. Trải sản phẩm ra bề mặt phẳng, cuộn tròn chiếc khăn khô rồi lăn lên sản phẩm. Lặp lại như vậy vài lần với nhiều chiếc khăn khô khác cho đến khi vải không còn sũng nước. Để khô tự nhiên ở nơi thoáng mát, lưu ý tránh xa nơi có nắng và nhiệt độ cao. Tuyệt đối không làm khô bằng máy sấy quần áo vì như thế dễ làm bung và rách chỉ dệt.
- Đối với sản phẩm nội thất bọc gấm, bạn nên gọi các dịch vụ vệ sinh chuyên nghiệp để vệ sinh định kỳ hoặc xử lý các vết dơ, vết ố.
THỔ CẨM: TINH HOA CỦA NGÀNH DỆT MAY THỦ CÔNG ĐẤT VIỆT
SIXDO GỢI Ý: MUỐN ĐI TRÀ CHIỀU SANG CHẢNH HÃY MẶC ĐẦM VẢI GẤM
Bài: Anh Phạm. Ảnh: Shutter Stock, Park Hyatt Saigon
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam