Các nhà nghiên cứu ở Đại học Royal Melbourne Institute of Technology (RMIT) ở Úc đã chế tạo nên một miếng cảm biến co giãn có thể dán lên da, có khả năng dò ra bức xạ của tia cực tím (UV) và khí gas độc hại.
Theo Tiến sỹ Philipp Gutruf cho biết, nhóm của ông đã sử dụng một nguyên liệu thông dụng là oxít kẽm, thành phần chính trong kem chống nắng, để tạo nên miếng dán cảm ứng điện linh hoạt không gãy và cực mỏng, có độ dày nhỏ hơn 1mm.
Để dụng cụ cảm biến này có độ co dãn và linh động, các nhà khoa học đã đưa oxít kẽm vào trong một miếng nền bằng cao su silicone, loại vật liệu dùng trong sản xuất kính áp tròng. Khi nhìn kỹ, lớp oxít kẽm này trông giống như những mảng kiến tạo của bề mặt trái đất trên quy mô nhỏ.
Nghiên cứu này có thể được ứng dụng với nhiều mục đích khác nhau. Với khả năng cảm biến bức xạ của tia UV, nó có thể được dùng làm miếng dán để đeo trong các hoạt động ngoài trời, đặc biệt là ở những nước có tầng số UV cao như Úc. “Miếng dán có thể tích hợp trong một chiếc băng đeo tay để mang khi ra biển. Thiết bị điện thoại smartphone sẽ nhận tín hiệu và báo cho bạn biết khi nào bạn đã hoạt động dưới nắng quá lâu, từ đó sẽ tránh được tình trạng da bị cháy nắng.
Ngoài ra, miếng cảm biến này còn có thể cảm nhận được một số thành phần trong khói, trong đó có nitơ dioxít, nhờ đó người đeo có thể kiểm soát lượng khói mà họ đã hít phải.
Một lợi ích khác từ nghiên cứu của Đại học RMIT là thiết bị này sẽ có giá không đắt, do những nguyên liệu làm nên nó như silicone có giá thành rất rẻ, còn oxít kẽm thì hiện đã được sản xuất với số lượng lớn dùng trong kem chống nắng.
Các nhà khoa học ở RMIT đang tiến hành nghiên cứu sâu hơn với mục tiêu biến thiết bị này tích hợp liền mạch hơn với cơ thể con người. “Những thiết bị cứng, thô không tốt lắm”, ông Gutruf nói, “Sẽ tuyệt hơn nhiều khi bạn có thể đeo chiếc điện thoại thông minh trên người, ví dụ như vậy. Đó là những gì chúng ta đang hướng tới trong tương lai”.
Theo: Mashable