NANCY RIEGELMAN – Người thổi hồn cho thời trang

Cuối tháng 9.2018 vừa qua, Bazaar đã có dịp phỏng vấn giáo sư Nancy Riegelman. Cô đã từng làm việc với nhiều trung tâm thời trang quốc tế như Neiman Marcus, Frederick’s of Hollywood và tư vấn thiết kế cho Azzedine Alaïa và Jean-Charles de Castelbajac

Như đến từ giấc mơ, những bản diễn họa của giáo sư Nancy Riegelman thể hiện không chỉ thời trang mà còn cả chất thơ và chất trữ tình của thiết kế. Hiện thực và lãng mạn thăng hoa trong những bản vẽ của người nghệ sỹ, cố vấn, và giáo sư nổi tiếng toàn cầu này.

Là giáo sư tại Art Center và Học viện Thiết kế và Kinh doanh Thời Trang (Fashion Institute of Design and Merchandising) tại Los Angeles. Cô Riegelman đã cộng tác với những nhà thiết kế huyền thoại như Azzadine Alaïa và Jean-Charles de Castelbajac. Cô cũng được chào đón và mời thỉnh giảng tại các trường đại học danh tiếng từ Paris, Tokyo đến Thượng Hải và Stockholm. Với lời mời từ Học viện Thời trang Việt Nam (VFA) và House of Première, cô đã đến Việt Nam tháng 9 vừa qua.

giáo sư Nancy Riegelman

Tác phẩm diễn họa thời trang của giáo sư Nancy Riegelman

Trong chuyến viếng thăm này, cô Riegelman đã gặp gỡ và truyền cảm hứng cho những người yêu thích thời trang. Cùng Harper’s Bazaar trò chuyện với giáo sư Nancy Riegelman về quá trình sáng tạo nghệ thuật và cảm hứng đằng sau các tác phẩm của cô.

>>Xem thêm: buổi học khởi nghiệp với ngành thời trang

Thời trang thăng hoa nhờ trí tưởng tượng

“Tôi luôn giành đam mê cho nghệ thuật và thời trang. Theo học luật tại trường đại học được một thời gian ngắn, tôi chuyển sang học mỹ thuật. Sau khi tốt nghiệp, để tự lập, tôi nhận việc dạy vẽ tại một trường thời trang”, giáo sư Nancy Riegelman nhớ lại bước khởi đầu của mình. Năm 2005, cô đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa Khoa thời trang và minh họa thời trang tại Art Center. Đến nay, cô đã gắn bó với trường hơn 25 năm. Cô là người thầy và người truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ những nhà thiết kế trẻ. Cô cho biết: “Tôi truyền tải cho những nhà thiết kế trẻ cách vẽ thời trang – không phải là thời trang có sẵn mà thời trang mới, chỉ tồn tại trong tưởng tượng”.

giáo sư Nancy Riegelman

Một số tác phẩm diễn họa thời trang được chắp bút bởi giáo sư Nancy Riegelman.

Cảm hứng từ lịch sử, nghệ thuật và điện ảnh

Khi được hỏi điều gì ở một thiết kế thu hút ánh nhìn của cô đầu tiên, cô trả lời: “Sự thuần khiết, giản đơn, nét độc đáo, sức cuốn hút. Ngoài ra, đó còn là tay nghề và sự thông minh trong đường nét, cảm xúc và tâm trạng mà trang phục truyền tải”. Cô cũng đặc biệt chú ý đến sự gợi cảm của trang phục: Từng chi tiết ôm sát hay buông rủ đều góp phần tạo nên thần thái cho người mặc.

giáo sư Nancy Riegelman

Giáo sư Nancy Riegelma chia sẻ với Bazaar rằng bản thân là người rất ít khi chụp ảnh lưu niệm.

giáo sư Nancy Riegelman

“Tôi truyền tải cho những nhà thiết kế trẻ cách vẽ thời trang – không phải là thời trang có sẵn mà thời trang mới, chỉ tồn tại trong tưởng tượng”

Cái nhìn đa chiều này cũng khiến cô Riegelman cảm thụ thời trang từ góc độ của mỹ thuật, kiến trúc và điện ảnh. Những nghệ sĩ truyền cảm hứng cho giáo sư Nancy Riegelman phải kể đến những nhà thiết kế từ cổ điển cho đến đương đại: Valentino, Rick Owens, và Rei Kawakubo, người sáng lập nhà mốt avant-garde Comme des Garçons). Cô cho biết: “Valentino, đối với tôi, là người đặt lại định nghĩa cho cái đẹp. Ông cũng là người giới thiệu bảng màu của nghệ thuật Phục Hưng tới thời trang hiện đại”. Chưa hết, đạo diễn người Vương Gia Vệ còn là nguồn cảm hứng bất tận đối với Riegelman: “Những bộ phim của ông luôn có thiết kế cùng trang phục trang nhã. Mỹ cảm và khao khát cái đẹp đồng điệu với những người trong thế giới thời trang.”

Từ minh họa đến thổi hồn vào trang phục

Với lối vẽ 3D chân thực, các bức diễn họa của cô thể hiện cá tính rõ nét của mỗi bộ trang phục qua từng chi tiết. Tuy nhiên, linh hồn của chúng lại nằm ở các diễn cảm gương mặt và mái tóc. Đây chính là sự khác biệt đã làm nên tên tuổi của giáo sư Nancy Riegelman. Cô chia sẻ: “Bản chất của trang phục có thể được thể hiện rõ qua gương mặt, mái tóc, cũng như ngôn ngữ cơ thể và chuyển động của người mẫu. Tôi luôn kết hợp chủ nghĩa hiện thực với nét hân hoan nữ tính và quyến rũ của người phụ nữ”.

Giáo sư Nancy Riegelman cũng là tác giả của nhiều cuốn sách về vẽ diễn họa và thiết kế thời trang. Trong đó có 9 đầu – Con đường đến Vẽ Diễn họa Thời trang (9 Heads – A Guide to Drawing Fashion), Sắc màu cho Thời trang (Colors for Fashion), và Thời trang trên Gương mặt (Face Fashion). “Tôi viết và vẽ 9 đầu một phần vì chuẩn mực dạy vẽ trong các trường thời trang khi đó còn chưa được hoàn thiện.

Hơn tất cả, tôi muốn đơn giản hóa quá trình học vẽ thời trang”. Sau 9 đầu – Con đường đến Vẽ diễn họa Thời trang, học trò của cô cải thiện vượt bậc kỹ năng minh họa trang phục mà quên mất cách thể hiện gương mặt. “Nghe thật buồn cười, nhưng các bản vẽ thời trang của họ lại gặp khuyết tật ở gương mặt. Thời trang trên Gương mặt là nỗ lực để chỉnh sửa điều đó,” giáo sư Nancy Riegelman điểm lại những cuốn sách được coi như kinh thánh của diễn họa thời trang.

Bút vẽ trong thời đại Instagram

Khi được hỏi về sự khác biệt giữa camera và bản vẽ, cô Riegelman nhắc lại câu nói của nghệ sỹ diễn họa thời trang lớn nhất trong lịch sử David Downton: “Bản vẽ có thể diễn tả sự thật trong khi không cần chính xác”. giáo sư Nancy Riegelman cho biết thêm: “Nhiếp ảnh thời trang cũng giống như tranh vẽ. Nó cũng là một nghệ thuật. Các bức ảnh có thể được tạo kiểu, chỉnh sửa, và chụp từ nhiều góc độ khác nhau khiến chúng khác biệt với hiện thực. Diễn họa thời trang khác ở chỗ nó chỉ thể hiện những tác phẩm trong trí tưởng tượng của nhà thiết kế. Cho tới nay vẫn chưa ai có thể chụp ảnh tâm hồn”.

“Tôi luôn vẽ với bút chì, bút mực, và bút kẻ trên giấy. Tôi không vừa lòng với kết quả vẽ trên máy tính, cho dù chúng có vai trò nhất định trong thương mại”, cô chia sẻ về quá trình sáng tạo của mình. Sự gợi tả, cuốn hút trí tưởng tượng của đường nét trên giấy mực cũng là tài hoa của người nghệ sĩ. “Tôi thường đi qua rất nhiều bản phác thảo để có tác phẩm hoàn thiện”. Giáo sư Nancy Riegelman tự nhận mình là người rất “tốn giấy”. “Đối với tôi, quá trình vẽ thực chất là một cách để nghiệm ra điều mình muốn nói. Một khi có vóc dáng cơ bản đúng, tôi bắt đầu lên lớp với màu sắc và họa tiết. Tôi luôn cố gắng truyền tải cảm xúc của mình và sắc thái của thiết kế: thanh lịch, xu thời, kiêu hãnh”.

Thời trang Việt Nam: bản sắc và tương lai

Là người yêu quý đất nước Việt Nam, giáo sư Nancy Riegelman cũng dành nhiều lời ưu ái đối với thời trang trong nước: “Thời trang nơi đây có sự nữ tính đặc biệt. Người phụ nữ Việt Nam có hình thể đẹp và phù hợp với các thiết kế gợi cảm, tôn dáng. Các nhà thiết kế hiện đại đang thấm nhuần những ý tưởng từ thời trang châu Âu và khiến chúng thăng hoa trong những thiết kế mang đậm bản sắc Việt Nam.

Ở đó có phong vị hoài cổ với ảnh hưởng từ Pháp, cũng như những kỹ thuật tinh xảo như thêu tay và cách phối màu độc đáo”. Lời khuyên với những nhà thiết kế trẻ đang theo đuổi giấc mơ thời trang? “Nhẫn nại. Kiên trì. Giữ bút chì thật sắc. Đừng dựa vào internet, hãy tìm cảm hứng ở thế giới xung quanh”.

>>XEM THÊM: XU HƯỚNG THỜI TRANG 2019 | BÍ QUYẾT LÀM ĐẸP 2019

BÀI: LACE NGUYỄN.
ẢNH: NVCC.
CẢM ƠN HỌC VIỆN VIETNAM FASHION ACADEMY ĐÃ HỖ TRỢ CHÚNG TÔI THỰC HIỆN BÀI PHỎNG VẤN NÀY.
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 11/2018.

Xem thêm