Gió biển có tốt cho sức khỏe không? Câu hỏi này là vấn đề khiến hai vị phụ huynh nhà tôi tranh cãi. Một người thì bảo rằng, gió biển “độc”, dễ gây cảm cúm, lạnh phổi. Người còn lại thì nhất quyết rằng gió biển rất tốt cho sức khỏe vì mùi…ozone, khi hít vào sẽ mang lại tác động tốt cho cơ thể. Cũng chính vì điều này, các khu du lịch nghỉ dưỡng thường được xây dựng sát biển để tận dụng tối đa nguồn không khí biển trong lành.
Nếu tìm kiếm Google về hiệu ứng sức khỏe của gió biển, những câu hỏi như “gió biển có tốt không” và “gió biển có độc không” được tìm kiếm nhiều. Vậy chính xác câu trả lời là gì? Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu.
Giải đáp về giả thuyết gió biển chứa ozone
Từ điển Collins định nghĩa ozone “là không khí sạch làm khỏe người được tìm thấy ở ven biển”. Trong khi từ điển Macquarie gọi ozone “là loại không khí trong lành có tác dụng tiếp thêm sinh lực”.
Bầu khí quyển của chúng ta được tạo thành từ 78% khí nitơ và 20% khí ô-xy. Các phân tử ô-xy này được tạo thành từ hai nguyên tử ô-xy liên kết với nhau. Nhưng cũng có một dạng khí ôxy khác được gọi là ozone – với ba nguyên tử ô-xy liên kết với nhau.
Mùi của ozone lần đầu tiên được ghi nhận xung quanh các nhà máy điện vào năm 1785. Thực tế là nó đã được tạo ra từ ba nguyên tử ôxy vào năm 1872. Ozone đã trở nên phổ biến trong vài thập kỷ qua do hiện tượng lỗ thủng tầng ozone.
Ở tầng bình lưu cách mặt đất khoảng 8–30km, ozone bảo vệ chúng ta khỏi bức xạ tia cực tím. Nhưng ở dưới mặt đất, lượng ozone cao có thể gây kích ứng mắt và niêm mạc. Không có thông tin xác thực cho thấy khí ozone xuất hiện sát mặt biển. Có thể nhiều người đã cho rằng ozone có thêm một nguyên tử ô-xy, và vì thế nó sẽ mang lại lợi ích tốt hơn các phân tử ô-xy thông thường trong không khí.
Ozone có mùi tựa như mùi Clo pha rất loãng. Và tại bờ biển thi thoảng bạn cũng có thể ngửi được mùi như thế này. Có lẽ sự tương đồng này đã tạo nên giả thuyết khí ozone sát mặt biển rất tốt cho sức khỏe.
Vậy liệu gió biển có chứa ozone? Thực tế không phải vậy. Giáo sư Andrew Johnson từ trường Đại học East Anglia nói rằng mùi đặc trưng khi ta ngửi được bên bờ biển không phải là ozone, mà là Dimetyl Sulphide. Và không nhất thiết phải hít khí này mới có tác động tốt đến sức khỏe. Giáo sư Johnson đã phát hiện ra điều này khi phân tích mùi từ bùn của đầm lầy mặn Stiffkey trên bờ biển Norfolk tại Anh.
Gió biển có tốt không? Có, vì gió biển giàu DMS – khí thải từ sinh vật biển
Dimethyl Sulphide hay còn gọi là DMS. DMS đã trở nên nổi tiếng trong giới khoa học trong vài thập kỷ qua vì tác động của nó đến khí hậu trên trái đất. DMS là chất lỏng dễ cháy dưới 38°C. Tuy nhiên, nó có thể tồn tại dưới dạng khí ở nhiệt độ thấp hơn.
DMS có một số ứng dụng trong công nghiệp như tăng cường vị bắp trong thực phẩm đến lọc dầu. Đây cũng là một trong những mùi hương chính của nấm truffle đen. Nấm truffle đen là “kim cương đen” dưới lòng đất. Nhưng mùi hương này sẽ nhanh chóng biến mất khi tiếp xúc với không khí.
Trong hệ sinh thái biển, nhiều sinh vật có thể tạo ra khí DMS. Điển hình, các sinh vật phù du sẽ giải phóng DMS khi bị tấn công bởi những sinh vật lớn hơn.
Một số loài động vật giáp xác và chim biển có thể cảm nhận DMS dù ở nồng độ rất thấp. Và chúng đi theo nơi phát ra mùi DMS ấy để săn bắt các sinh vật lớn hơn này. Ngay cả những sinh vật nhỏ bé như vi khuẩn cũng giải phóng DMS.
Trên thực tế, một lượng lớn khí DMS khoảng 30–50 triệu tấn/năm được thải ra từ đại dương. Con số này đủ lớn để làm ảnh hưởng đến thời tiết. Trong khí quyển, khí DMS được chuyển đổi thành hóa chất khác, kích thích sự sản sinh các đám mây. Các đám mây sau đó có thể phản chiếu ánh sáng mặt trời và làm mát Trái Đất.
DMS không phải thành phần duy nhất tạo nên mùi của gió biển. Gió biển bao gồm nhiều yếu tố tạo mùi khác như tảo, sản phẩm chống nắng… Tuy nhiên, ozone không là một trong số những yếu tố đó.
Gió biển mang lại lợi ích tốt cho sức khỏe ra sao?
Tuy không chứa khí ozone như lời đồn, các nhà khoa học đã xác nhận rằng hít thở không khí biển hoặc dành thời gian thư giãn tại bãi biển mang lại nhiều lợi ích sức khỏe thể chất và tinh thần. Bên cạnh đó, ngoài việc cải thiện chức năng phổi, tắm biển còn có thể giảm các triệu chứng của một số bệnh da liễu như bệnh chàm da.
Lợi ích cho phổi
Không khí biển giúp cải thiện chức năng phổi, làm loãng chất nhầy và giảm ho ở những người có bệnh về phổi hoặc có vấn đề về đường hô hấp. Lý do vì không khí biển chứa những giọt nước biển siêu nhỏ gồm muối, i-ốt và ma-giê. Những hạt nước siêu nhỏ này khi vào phổi sẽ kích thích hệ thống miễn dịch và loại bỏ cặn bẩn trong phổi.
Lợi ích về da
Ở mức độ vừa phải, nước muối có thể là chất hỗ trợ làm đẹp tuyệt vời cho da. Nước biển chứa muối giúp giải độc da, giảm sưng tấy, điều trị vết thương, làm sạch da và cân bằng độ pH. Nước biển cũng chứa ma-giê, giúp làm đầy và cấp nước cho làn da.
Lợi ích sức khỏe tinh thần
Khoa học đã chứng minh rằng đại dương có tác dụng làm dịu thần trí, chữa bệnh và phục hồi. Tắm biển có tác dụng làm dịu tâm trạng và cải thiện sức khỏe tinh thần. Sự nhấp nhô của sóng biển có tác động đến thính giác và thị giác, đưa tâm trí vào trạng thái thiền định. Khi kết hợp với hơi ấm từ ánh nắng mặt trời, và không khí trong lành nơi biển cả, tinh thần của bạn sẽ được làm dịu.
LÀN DA RÁM NẮNG: KHI ĐỊA VỊ XÃ HỘI BIỂU LỘ QUA MÀU DA
KEM CHỐNG NẮNG BẠN SỬ DỤNG CÓ LÀM HẠI SAN HÔ ĐẠI DƯƠNG?
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam