Thời còn trẻ, tôi luôn nghĩ rằng một phụ nữ hoàn hảo thì sẽ tìm thấy niềm vui trọn vẹn. Thế nhưng cho đến lúc này, khi nhan sắc đã chín, đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp, có được sự kính trọng của mọi người, tôi vẫn chưa bao giờ thấy vui trong cuộc sống riêng. Về mặt tình cảm, dường như việc tìm ra người đàn ông làm mình hạnh phúc là một điều không thể. Dù đã có từng ấy mối tình, tôi vẫn chẳng thể tìm được ai hiểu mình. Mà chẳng phải riêng đàn ông, dường như không ai có thể làm tôi thực sự vừa lòng. Tôi cần sự yên tĩnh, họ lại dẫn tôi đến nơi ồn ào. Tôi cần được chia sẻ, họ lại bận đi chơi golf với bạn bè.
Thất vọng hết lần này sang lần khác, tôi đâm ra nghi ngờ và hết hứng thú với việc đi tìm một ai đó tri kỷ. Khi rảnh rỗi, tôi tiêu tiền vào shopping, vào bar, đi du lịch… Cuộc vui nào cũng đáng nhớ, nhưng khi trở về căn nhà rộng lớn, tôi lại cảm thấy thế giới của mình thật lạnh lẽo, vậy là tôi lại muốn có cuộc vui tiếp theo…
Mọi sự cứ luẩn quẩn như vậy cho đến ngày cô bạn cho tôi xem một bộ phim tài liệu ngắn mà cô tự thực hiện.
Tự đi tìm hạnh phúc
Nhân vật trong phim của bạn tôi là một phụ nữ đã tìm thấy lối thoát cho sự bế tắc. Ở tuổi 40, chị có tiền để mua mọi thứ mình muốn, trừ hạnh phúc. Tất cả mọi người xung quanh chị làm gì, chị cũng không thấy hài lòng. Vì thế, chị ngày càng mất hứng thú với công việc và hay tủi thân, để bụng trước những lỗi nhỏ của chồng. Thế nhưng, khi anh hỏi chị muốn anh làm gì để cải thiện tình hình, chị cũng chẳng biết trả lời ra sao.
Thế rồi một ngày nọ, khi đi ngang qua một ga tàu trong chuyến đi công tác, chị chợt bắt gặp một nghệ sỹ violin đường phố. Vốn say mê violin từ nhỏ nhưng từ bỏ để theo đuổi nghiệp kinh doanh, giờ đây, chị ngẩn người ngắm nhìn người chơi đàn đang đắm chìm theo giai điệu. Anh ta ăn mặc rách rưới, khác xa với bộ trang phục sành điệu chị đang diện, nhưng gương mặt ngập tràn hạnh phúc.
Và trong khoảnh khắc ấy, chị nhận ra mình không thể sống tốt nếu để hạnh phúc của bản thân phụ thuộc vào người khác. Sự tự do đúng nghĩa chỉ đến khi ta tìm thấy niềm vui riêng bên trong chính con người mình. Ta không nên chờ chồng hay bất cứ người nào khác làm mình hạnh phúc. Cuối cùng, người phụ nữ ấy đã tìm thấy niềm vui khi quay lại với đam mê chơi violin của mình.
Tôi nhận ra chính mình trong bộ phim ấy, và tôi cũng hiểu lý do cho sự bất mãn của mình. Bao lâu nay, tôi không tìm ra ai làm mình vui bởi tôi không vui từ trong chính bản thân. Không chỉ vậy, ngay cả trong lối sống và suy nghĩ của tôi cũng có những rào cản khác ngăn cách tôi với hạnh phúc.
Nói ra điều mình muốn
Trong nhiều năm liền, tôi trải qua ngày sinh nhật, đêm giao thừa buồn chán và thất vọng vì tôi đặt quá nhiều hy vọng vào người xung quanh. Tôi cho rằng, trong những dịp đặc biệt như vậy, họ phải có trách nhiệm khiến tôi vui vẻ. Tuy nhiên, vấn đề là tôi không bao giờ nói cho bạn bè, người thân biết mình muốn gì, thích gì.
Mỗi khi bạn trai hỏi chúng ta nên đi xem phim gì, tôi đều nhún vai tỏ vẻ thờ ơ, thậm chí không thèm tìm hiểu những bộ phim nào đang chiếu. Hay những lúc bạn bè hỏi nên đi ăn ở đâu, tôi trả lời “ăn gì cũng được” hay “sao cũng được” mặc dù tôi đang rất muốn ăn món Ý.
Thế nhưng, khi không hài lòng với điều gì đó, tôi thường quên mất sự im lặng, phó mặc của mình và đổ lỗi cho mọi người. Đổ lỗi cho kẻ khác lúc nào chẳng dễ? Có lẽ cũng vì thế, tôi đã có tới năm mối tình mà đến giờ cô đơn vẫn hoàn cô đơn.
Cách đây không lâu, khi đọc quyển sách How To Be Single của nhà văn người Mỹ Liz Tuccillo, tôi thấy đồng cảm với nhân vật Alice, một nữ luật sư chấp nhận rời bỏ công việc để toàn tâm toàn ý cho việc hẹn hò. Thế nhưng, tìm hiểu bao người đàn ông, Alice vẫn chưa tìm được người có thể khiến cô vui vẻ. Sự thất vọng của cô ngày càng tăng lên theo số lượng cuộc tình.
Có lẽ tôi và nhiều người khác cũng như Alice, hiếm khi chia sẻ với người khác điều mình muốn. Ngược lại, tôi cứ hy vọng họ đoán ra những điều mình không nói thành lời. Thế nhưng, con người đâu có thể đọc được tâm trí của người khác. Vì thế, muốn được người khác mang lại hạnh phúc, chúng ta cần phải nói cho họ nghe nhu cầu của mình.
Và hơn hết, bạn vẫn là người phải biết cách tự tạo ra niềm vui. Tác giả Stacey Charter từng nói: “Đừng mong chờ một người nào đó sẽ tạo niềm vui và hạnh phúc cho bạn. Chỉ bạn mới có thể chịu trách nhiệm cho điều đó. Nếu bạn không thể yêu thương và quý trọng bản thân mình, không ai có thể thay bạn làm điều đó”. Không phải cha mẹ, bạn bè, vị hôn phu, chồng, người yêu, đồng nghiệp hay tử vi trong tháng, bạn chính là người phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của mình.
Không chần chừ thêm nữa, tôi bắt đầu hành trình đi tìm hạnh phúc và phát hiện không ít điều thú vị.
Trân trọng niềm vui nhỏ
Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện hạnh phúc của con người có 50% là do gien quy định, 10% do hoàn cảnh, bao gồm nơi chúng ta sống, số tiền chúng ta có và sức khỏe. Còn lại 40% hạnh phúc là do chúng ta quyết định. Có thể chúng ta không được sinh ra với một bộ gien thần kỳ giúp mình lúc nào cũng vui vẻ, tuy nhiên, nên nhớ rằng 40% không phải là con số nhỏ.
Các chuyên gia còn đưa ra một nghịch lý, những điều không vui thường ảnh hưởng đến chúng ta lâu hơn những chuyện vui. Thông thường, chúng ta vượt qua nỗi buồn trong vòng một đến hai năm nhưng chỉ mất sáu tháng để quên đi những điều khiến chúng ta vui vẻ.
Nữ nhà báo Regina Brett, người từng hai lần được đề cử giải thưởng Pulitzer danh tiếng đã chia sẻ bí quyết giữ niềm vui rất thú vị. Mỗi khi rơi vào trạng thái buồn rầu, bế tắc, chúng ta hãy hỏi chính mình: “Tôi có muốn vui vẻ hay không?”. Một khi câu trả lời là có, ta hỏi câu tiếp theo: “Một người vui vẻ sẽ làm gì bây giờ?”. Sau đó, ta chỉ cần cư xử như mình đang cảm thấy hạnh phúc.
Tự tôi đã thực hành theo cách làm đơn giản ấy, và kết quả thật bất ngờ, mỗi ngày tôi lại thấy mình có thêm một niềm vui. Nghĩ mà xem, chúng ta có thể tự làm cho mình cười hoặc khóc, vậy sao không biến việc thực hành hạnh phúc thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống mỗi ngày?
Tìm lại niềm vui
Niềm vui có thể đến với bạn trong chớp mắt bằng các việc làm nhỏ sau đây:
– TĂNG CƯỜNG CÁC HOẠT ĐỘNG THỂ CHẤT: Chỉ cần chúng ta thực hiện một số động tác thể dục nhỏ mỗi ngày, tâm trạng sẽ thoải mái hơn nhiều. Khi nghe điện thoại, bạn nên đứng thay vì ngồi, đi cầu thang bộ thay vì thang máy…
– ĐI DẠO: Ánh nắng mặt trời có tác dụng kích thích não sản sinh các hóa chất giúp chúng ta vui vẻ hơn. Thời điểm đi dạo tốt nhất là buổi sáng.
– VƯƠN VAI: Chuyên gia thể dục Jonathan Troen, Mỹ, cho biết một trong những nơi tích tụ sự căng thẳng và nỗi buồn của chúng ta là dưới cánh tay. Do vậy, động tác vươn vai giúp các cảm giác tiêu cực được giải phóng và chúng ta sẽ vui vẻ hơn.
– KẾT BẠN: Gửi e-mail cho một người bạn đã lâu không gặp hoặc làm quen với những người mới. Tình cảm gắn bó với người khác là một trong những chìa khóa quan trọng nhất để chúng ta có được hạnh phúc.
– TÌM HIỂU MỘT ĐIỀU MỚI: Nghĩ về một chủ đề bạn muốn biết và dành 15 phút để tìm hiểu về nó qua Internet, tài liệu hay sách. Bạn nên bắt đầu với vấn đề mình thực sự cảm thấy hứng thú chứ không phải điều bạn nghĩ “nên” hoặc “cần phải” tìm hiểu.
Bài: L.N