Harper’s Bazaar đã tiến rất xa trong thời kỳ mà nhà thiết kế (NTK) Christian Dior gọi là “thời kỳ hoàng kim” của thời trang. Đó cũng là thời điểm mà bản thân Christian Dior đã có cú nhảy vượt bậc, với sự ra mắt của bộ sưu tập huyền thoại New Look vào tháng 2–1947. “Dior đã làm ra những chiếc váy tung xòe, vô vàn lớp xếp pli, rộng đến 40m”, Bazaar đã không tiếc lời ca ngợi trong số báo phát hành vào tháng 10–1947.
Hơn thế nữa, Harper’s Bazaar còn thể hiện sự kinh ngạc trước cách sử dụng chất liệu quá đỗi phóng khoáng của Dior. Bởi trong thời kỳ chiến tranh căng thẳng lúc đó, vải may quần áo là một điều xa xỉ. Cùng thời điểm đó, Hoa Kỳ đang ở trên đỉnh cao của sự thịnh vượng. Tuy nhiên, Chiến tranh thế giới thứ 2 và những hậu quả của nó đã làm đảo lộn hoàn toàn định nghĩa về một “cuộc sống bình thường”. Những giá trị từng được khao khát hết mực, nay mất đi chỗ đứng trong xã hội. Cuộc chạy đua hạt nhân nhen nhóm. Chiến tranh Lạnh ngấm ngầm sôi sục. Làn sóng phản văn hóa bắt đầu hình thành. Và chủ nghĩa McCarthyism bước vào giai đoạn cao trào.
Ấy vậy mà, khó khăn xảy đến càng dồn dập, tạp chí Harper’s Bazaar lại càng vươn lên mạnh mẽ. Bằng sự xuất chúng của Carmel Snow; trí tưởng tượng ngông cuồng của Diana Vreeland và óc sáng tạo thiên tài của Alexey Brodovitch. Bazaar đã một lần nữa trở thành định nghĩa về thời trang lúc bấy giờ. Nhưng họ đã không làm điều đó một mình.
Nhiếp ảnh gia Richard Avedon
Năm 1944, Richard Avedon đến với Bazaar. Ngay khi ông vừa nghỉ việc tại Công ty vận tải biển Merchant Marine của Hoa Kỳ. Trước khi Richard Avendon bắt đầu làm việc ở Merchant Marine, cha của ông – Jack; đã tặng con trai một chiếc máy ảnh Rolleiflex làm quà chia tay. Nhờ món quà ấy, Richard đã nộp đơn xin việc tại bộ phận nhiếp ảnh.
Gia đình Avedon từng sở hữu một cửa hàng bách hóa ngay trên đại lộ Fifth Avenue ở Manhattan giàu có. Tuy nhiên, họ đã đánh mất tất cả trong thời kỳ Đại khủng hoảng ở Mỹ từ năm 1929 đến 1939. Cha của Richard làm công việc nhập quần áo cho các cửa hàng thời trang. Còn mẹ ông có niềm đam mê vô bờ bến đối với các nền văn hóa. Chính vì vậy, thỉnh thoảng trong căn nhà của gia đình Avedon lại có vài quyển tạp chí Bazaar.
Sau này, Richard kể lại rằng có thời điểm tài chính gia đình ông trở nên vô cùng tồi tệ. Họ buộc phải chuyển đến một căn hộ nhỏ hơn. Bản thân Richard phải ngủ trong một góc của phòng ăn, với những bức ảnh do nhiếp ảnh gia Martin Munkacsi chụp được xé từ tờ Bazaar, dán trên tường. “Bazaar đối với tôi như một ánh sáng rực rỡ.” Richard Avedon chia sẻ với Harper’s Bazaar vào năm 1994. “Những cuốn tạp chí ấy là sự kết hợp của tất cả những điều mà cha mẹ tôi trân quý về một cuộc sống trên đất Mỹ.”
Đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh
Niềm yêu thích dành cho nhiếp ảnh của Richard bắt đầu nhen nhóm từ khi ông còn rất trẻ. Một trong những nàng thơ đầu tiên của ông chính là người chị ruột Louise Avedon. “Chị ấy đáng yêu và nhút nhát đến nỗi không ai có thể nhận ra nỗi đau vẫn luôn ngự trị và nằm ở đó. Louise đã vào viện tâm thần ở tuổi 20 và qua đời tại đó năm 42 tuổi. Chính sắc đẹp đã làm chị ấy tổn thương. Tôi tin rằng cái đẹp là con dao hai lưỡi. Sắc đẹp cũng giống như một trí óc thiên tài, nó có thể cô lập bạn nhưng lại chẳng mang đến chút phần thưởng nào.” Avedon chia sẻ.
Sau khi rời khỏi Công ty vận tải biển Merchant Marine, Richard Avedon quyết định tìm gặp Brodovitch. Ông đã đăng ký theo học lớp mà Brodovitch dạy tại New School. Richard đã cố gắng đặt ít nhất 14 cuộc hẹn với Brodovitch nhưng tất cả đều bị hủy bỏ. Richard không hề chùn bước, ông kể: “Tôi biết Brodovitch sống ở đâu, và tôi đã để lại những tác phẩm của mình trước cửa nhà ông ấy.”
Cuối cùng, Brodovitch cũng đồng ý gặp Richard. Trong lần gặp gỡ đầu tiên ấy, Brodovitch ngay lập tức chú ý đến bức hình mà Richard đã chụp trong thời gian làm việc ở Merchant Marine. Trong tấm hình là một cặp song sinh – một người rõ nét, cận cảnh và người còn lại chỉ thấy hơi mờ phía sau. “Brodovitch muốn tôi áp dụng chính phong cách này vào nhiếp ảnh thời trang”, Richard kể lại.
Thay đổi định nghĩa hình ảnh thời trang Harper’s Bazaar
Khi chính thức làm việc cho Harper’s Bazaar, Richard chỉ mới 21 tuổi. Shoot hình đầu tay của ông được chụp cho phần phụ trang đặc biệt của tạp chí. Đăng trên số tháng 11 năm 1944, mang tên Junior Bazaar. Phụ trang này đưa ra lời khuyên cho các cô gái tuổi teen về thời trang; phong cách make-up và những băn khoăn tuổi mới lớn. “Lúc nhỏ, ước mơ của tôi là trở thành lính cứu hỏa”, Richard nói đùa như vậy trong đoạn chia sẻ ở mục Editor’s Guest Book trong số báo đó. “Ai mà ngờ được bây giờ tôi lại ở đây; với chiếc Rolleiflex trong tay và ôm trên người cả chục chiếc váy!”
Những bức hình của Richard Avedon dần dần tái định hình phong cách cho cả tờ tạp chí. Trong các tác phẩm của ông, người phụ nữ không còn bị đóng khung cứng nhắc. Họ sống động trong lăng kính như đang nhảy múa, đang khát khao và luôn chuyển động không ngừng.
Những nàng thơ của nhiếp ảnh gia tài năng
Richard luôn bị thu hút bởi những nhân vật từng trải. Một trong hai người mẫu yêu thích của ông vào thời đó là Dorian Leigh – bà mẹ hai con ở độ tuổi 20, người đã nói dối tuổi để có thể đi làm. Người còn lại là Dorothy Virginia Margaret Juba – một cô gái với mái tóc nâu quyến rũ đến từ Queens. Dorothy tự gọi mình là “Dovima” – đặt theo tên của “người bạn” mà cô tự tưởng tượng ra trong cơn bạo bệnh hồi còn bé.
Sau đó, Suzy Parker – em gái út của Dorian Leigh, qua ống kính của Richard cũng đã vụt sáng. Parker trở thành một trong những người mẫu thành công nhất thời kỳ 1950. Suzy Parker từng đóng một vai phụ trong bộ phim Funny Face (1957). Bộ phim này khai thác mối quan hệ của Richard Avedon với người vợ đầu tiên – người mẫu Doe Avedon, do huyền thoại Audrey Hepburn thủ vai. Người mẫu Doe Avedon cũng là một nàng thơ từng được Richard chụp rất nhiều. Bà đã xuất hiện trên một loạt ảnh bìa và shoot hình thời trang của Harper’s Bazaar.
Bức ảnh kinh điển của Avedon và Harper’s Bazaar
Dovima là người đã góp mặt trong tấm hình thời trang nổi tiếng; được coi như một biểu tượng kinh điển của tạp chí Bazaar. Tấm hình được trích từ loạt ảnh do Richard chụp tại Cirque d’Hiver ở Paris. Một ngày nắng ấm áp giữa tháng 8–1955, ghi lại khoảnh khắc Dovima đang tạo dáng giữa hai con voi trong chiếc đầm Dior.
Ngày nay, bức ảnh “Dovima bên những chú voi” vẫn luôn là một tượng đài về quyền lực; sắc đẹp và tính thần thoại; bí ẩn trong thời trang. Bức ảnh hiện được lưu trữ trong bộ sưu tập vĩnh viễn của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York. Tuy nhiên, bất chấp sự nổi tiếng của nó, Richard vẫn “tự chê” khi đang treo bức ảnh này cho một cuộc triển lãm diễn ra 3 năm trước khi ông mất vào 2004, rằng: “Dải khăn trông không được ổn cho lắm, đáng ra nó phải hơi cong, giống như chân của con voi đứng phía bên phải.”
Bài: Stenphen Mooallem. Chuyển ngữ: Đức Huy, Vân Anh
Trích đăng từ tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 7/2017