Vụ kiện tụng giữa Hermès và nghệ sỹ Mason Rothschild, người sáng tạo nên các NFT MetaBirkin, là một trong những vụ kiện đầu tiên về việc bảo vệ bản quyền thương hiệu trong địa hạt công nghệ NFT. Và trong tuần này, tòa án Manhattan nước Mỹ đã nghiêng về phía Hermès, phán quyết rằng các NFT MetaBirkin có thể khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn rằng NFT này do Hermès phát hành.
Kết lại phiên tòa hôm thứ Tư, 8/2 (theo giờ địa phương), tòa án yêu cầu Mason Rothschild bồi thường 133.000 đô-la Mỹ cho Hermès, vì vi phạm bản quyền thương hiệu và đăng ký sở hữu website MetaBirkins.com.
Khái quát về dự án MetaBirkin của Mason Rothschild
Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, cả thế giới rơi vào cơn sốt NFT. Theo trào lưu này, Mason Rothschild (tên thật Sonny Estival) đã dùng hình ảnh túi xách Birkin nổi tiếng của Hermès làm nền tảng cho các tác phẩm đồ họa số hóa của mình. Với những chiếc túi ảo có hình dáng giống Birkin, nghệ sỹ này ghép lên chất liệu lông vũ đa sắc và gọi chúng là NFT MetaBirkin.
Khi được giới thiệu ở sự kiện nghệ thuật Art Basel tại Miami vào tháng 12/2021, mỗi chiếc túi MetaBirkin được Mason Rothschild bán với mức giá 0.1 đồng Ethereum (trị giá khoảng 450 đô-la Mỹ tức 10 triệu đồng ở giai đoạn này). 100 NFT mau chóng được bán hết, sau đó sang tay với mức giá lên đến hàng chục ngàn đô-la Mỹ.
Cứ mỗi lần NFT được bán sang tay thì Mason Rothschild lại được ăn phần trăm hoa hồng, do đó dĩ nhiên anh vui vẻ khi thấy tác phẩm của mình được chào đón. Theo văn bản trên tòa án ghi nhận, tổng mức sang tay của các NFT MetaBirkin đạt 1 triệu đô-la Mỹ, giúp nghệ sỹ thu về khoảng 87.700 đô-la Mỹ (khoảng 2 tỷ đồng).
>>> XEM THÊM: NFT LÀ GÌ? GIẢI MÃ BÍ ẨN CỦA NON-FUNGIBLE TOKEN MỘT CÁCH DỄ HIỂU
Hermès gọi nghệ sỹ NFT MetaBirkin là kẻ đầu cơ trên mạng tham vọng làm giàu nhanh
Khi phát hiện ra dự án MetaBirkin, Hermès cho rằng nghệ sỹ này vi phạm bản quyền của mình và yêu cầu anh hủy các NFT. Tuy nhiên, Mason Rothschild từ chối. Anh cho rằng tác phẩm của mình được bảo vệ bởi quyền tự do ngôn luận trong Tu chính án 1 thuộc Hiến Pháp Hoa Kỳ, nơi anh là công dân:
“Mỗi tác phẩm trong series MetaBirkin là một cách nhìn mới lạ, hài hước về túi Birkin. Việc bao phủ các chiếc túi này trong họa tiết lông thú là cách để tôi chê trách hành động ngược đãi động vật của Hermès, thương hiệu vẫn sử dụng da thật trong chế tác túi xách xa xỉ. Những hình ảnh này và NFT chứng minh nguồn gốc của chúng không phải là túi xách. Chúng chẳng đựng được vật gì ngoài những ý nghĩa cao thượng”.
Cuối cùng, Hermès quyết định đệ đơn kiện Mason Rothschild sau khi nhiều kênh truyền thông bị nhầm lẫn rằng dự án MetaBirkin do chính Hermès phát hành. Thương hiệu Pháp khẳng định Mason Rothschild là kẻ đầu cơ trên mạng ăn theo giá trị hàng trăm năm mà hãng đã tạo ra. “[NFT này] đơn giản là sao chép lại chiếc túi Birkin rồi thêm chữ Meta ở đằng trước. Sự thành công của nó phụ thuộc hoàn toàn vào tên tuổi của dòng túi Birkin”, Hermès ghi nhận. Trong phiên tòa, luật sư Hermès còn tìm ra bằng chứng rằng Mason Rothschild hy vọng sẽ làm giàu nhanh dựa trên sản phẩm nổi tiếng của thương hiệu, khi ghi chú điều này qua một tin nhắn.
Dựa trên các chứng cớ đưa ra, bồi thẩm đoàn quyết định rằng các sản phẩm NFT nói chung và MetaBirkin nói riêng mang tính chất sản phẩm thương mại hơn là tác phẩm nghệ thuật, do đó vi phạm chính sách bảo vệ bản quyền và thương hiệu mà Hermès sở hữu.
>>> XEM THÊM: 7 ĐIỀU THÚ VỊ VỀ CHIẾC TÚI HERMÈS BIRKIN
Vụ kiện có thể đặt ra tiền đề bất ổn cho các nghệ sỹ NFT
Theo Bloomberg Law ghi nhận, có lẽ Mason Rothschild sẽ không thua kiện nếu như một nhân chứng của anh kịp thời tham gia buổi hầu tòa hôm thứ Tư. Vốn, anh được sự bảo hộ của Blake Gopnik, một nhà phân bình nghệ thuật nổi tiếng ở New York. Blake Gopnik cho rằng tác phẩm MetaBirkin không khác gì với các tác phẩm trường phái Pop Art của Andy Warhol, biến sản phẩm thương mại thành nghệ thuật.
Dẫu vậy, chiến thắng của Hermès trước nghệ sỹ MetaBirkin cho thấy rằng những ai mong muốn tạo tác phẩm nghệ thuật ở định dạng NFT sử dụng những sản phẩm được bảo hộ bản quyền cần phải suy nghĩ lại.
Ngoài vụ kiện giữa Hermès và Mason Rothschild, còn có một vụ kiện trong địa hạt NFT khác giữa thương hiệu Nike và sàn bán hàng second hand StockX. StockX cũng bán ra NFT mang hình hài đôi giày thể thao Nike với lời hứa rằng chúng có thể được đổi bằng giày thể thao thật. Vụ kiện này hiện vẫn đang hạ hồi phân giải.
>>> XEM THÊM: NIKE KIỆN BAPE SAO CHÉP BẢN QUYỀN THIẾT KẾ GIÀY THỂ THAO
Trích dẫn CNN, Reuters, Bloomberg Law
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam