HERMÈS THU ĐÔNG 2020: BIỂU TƯỢNG CỦA LỐI SỐNG THƯỢNG LƯU XA XỈ THẬP NIÊN 70′

Hermès Thu Đông 2020 trở lại với phong cách trung - thượng lưu xa xỉ thập niên 70'

Previous Next

 

Không thỏa hiệp với thời trang đường phố dễ dãi đương đại, Hermès Thu Đông 2020 duy trì bản sắc và quan niệm riêng về cái đẹp. Bộ sưu tập là sự trở lại của phong cách “bourgeoisie” – những trang phục biểu tượng của lối sống trung – thượng lưu xa xỉ.

Giao hòa của những đối cực

Hermès mùa Thu – Đông 2020 là minh chứng cho mệnh đề “đối cực làm nên chuyện”. Bộ sưu tập kết hợp nhuần nhuyễn chất tối giản hợp với chủ nghĩa thị dân thượng lưu kiểu cách. Phải nói rằng, Nadège Vanhee-Cybulski đã chứng tỏ óc sáng tạo bài bản của bản thân thông qua việc vận dụng kỹ thuật chế tác đặc trưng về da, lông và vải từ nhà Hermès trong BST lần này. Trọn bộ sưu tập đều gợi nhớ về thời kỳ hoàng kim của phong cách bourgeoisie vào những năm 70. Nhưng phủ lên những chiếc áo khoác lông; trench-coat; boots da một diện mạo hiện đại, tươi mới.

Kiểu cách phức tạp đi kèm với lối pha màu tối giản. Hermès không cố gắng trưng ra nội tại giàu có của người mặc. Trái lại, hãng đưa tới quan niệm về cái đẹp chỉn chu có phần cầu kỳ. Chúng có thể dễ dàng được kết hợp trong cuộc sống ngày thường.

Chất thượng lưu trong mạch đập Hermès

Sàn diễn Thu – Đông 2020 bỏ bớt chất lãng mạn mộng mơ. Thay vào đó dựng nên tấm màn của một trang viên khá giả. Những gia đình sở hữu đàn ngựa; sân đua; nền tảng giáo dục toàn diện cho những đứa trẻ sẵn sàng lớn lên từ chiếc nôi Hermès. Chiếc áo choàng lông ngựa phối cùng túi da màu nâu cổ điển. Áo choàng đi đường màu trắng tinh khôi chỉ dành cho những quý cô di chuyển bằng xe riêng. Hay chiếc quần da ấn tượng tôn lên đôi chân thanh thoát, mạnh mẽ của nàng kị mã. Hermès Thu Đông 2020 không dành cho đường phố suồng sã. Thay vào đó thể hiện quan điểm sắt đá của thương hiệu nước Pháp về “cái đẹp đích thực”.

“Tôi muốn sử dụng các tông màu cơ bản và chủ nghĩa cổ điển.” – Vanhee-Cybulski phát biểu về Hermès Thu Đông 2020 trong hậu trường sàn diễn. Có lẽ, đó cũng là lý do để bà mời NTK Jean-Charles de Castelbajac tới tham dự show.

Phải, chính là người đàn ông từng chinh phục làng thời trang thế giới với chiếc áo khoác Teddy-bear độc nhất vô nhị. “Ông ấy là một NTK vĩ đại, đối với tôi mà nói. Một người theo chủ nghĩa hiện đại trong những năm 80’. Kẻ có thể dung họa sự tươi mới, lạc quan với tính gợi cảm dị thường trong mỗi trang phục.” – Vanhee-Cybulski nói về Jean-Charles de Castelbajac như vậy. Đó cũng chính là lý do để trang phục của Vanhee-Cybulski đạt được trạng thái dung hòa tuyệt hảo giữa công năng và tính thẩm mỹ trong mùa này thay vì gồng mình gánh vác triết lý viển vông của một bộ sưu tập.

Những trang mô tả trang phục thường thấy ở mùa này đã bị loại bỏ. Bởi tự thân các món đồ đã hiển nhiên chứng minh giá trị của chúng. Theo trường phái Bauhaus mà nói, trang phục thực sự cần phải lột bỏ sự hời hợt thường thấy để phục vụ công năng cơ bản nhất của chúng. Đó cũng là triết lý thiết kế của Vanhee-Cybulski, rằng “Những gì đẹp thì phải có ích.”

Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm