Hoạ sỹ Trần Trung Lĩnh: Hội họa với tôi chỉ là một cuộc chơi!

Triển lãm cá nhân của Trần Trung Lĩnh mang tên "Van Gogh ở Sài Gòn" diễn ra từ ngày 13 đến 23/5 tại SiLart Station (139 Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh, TP. HCM)

Họa sỹ Trần Trung Lĩnh bên một tác phẩm trong triển lãm Van Gogh ở Sài Gòn

Hoạ sỹ Trần Trung Lĩnh vừa tạo sự chú ý với giới hội họa Việt Nam khi ra mắt triển lãm cá nhân Van Gogh ở Sài Gòn. Triển lãm giới thiệu 13 bức tranh theo phong cách pop-art (nghệ thuật đại chúng), lấy cảm hứng từ danh họa người Hà Lan.

Van Gogh ở Sài Gòn không dừng lại ở việc lấy cảm hứng, hoặc sáng tạo phái sinh, mà dùng ngôn ngữ, bút pháp pop-art để đưa Van Gogh về Sài Gòn, cùng ông dạo phố, sinh hoạt như người Sài Gòn.

Van Gogh ảnh hưởng rõ rệt lên Trần Trung Lĩnh qua việc anh dùng các hình ảnh trong tranh của Van Gogh như là những pop-icon, cưỡng đoạt (impasto) nó để đưa vào một ngữ cảnh mới, câu chuyện khác. Các hình ảnh starry night, hoa hướng dương… được thể hiện dưới bút pháp impasto của Van Gogh trong tranh Trần Trung Lĩnh rất sống động.

Harper’s Bazaar đã có cuộc trò chuyện cùng họa sỹ Trần Trung Lĩnh để hiểu hơn về triển lãm lần này cũng như những kế hoạch sắp tới của anh.

HARPER’S BAZAAR: 10 năm trước anh từng chán nản với thực trạng hội họa trong nước và cho rằng “triển lãm không còn ý nghĩa gì cả”. Điều đặc biệt nào đã tạo cảm hứng, thúc đẩy anh trở lại với triển lãm Van Gogh ở Sài Gòn sau 10 năm vắng bóng?

TRẦN TRUNG LĨNH: Điều khiến tôi thay đổi tôi của mười mấy năm trước chính là cuộc sống mà tôi đang có bây giờ. Thỉnh thoảng ôn lại chuyện cũ bên bạn bè người thân, tôi thấy có lỗi bởi chưa làm được điều gì để tôn vinh. Sài Gòn, những cuộc lê la, những gì đời sống dạy tôi trưởng thành, những kỷ niệm, niềm vui nỗi buồn, gia đình, vợ con… những thứ ấy đã khiến tôi khác đi bao nhiêu, thì nên để nó hiện hình trên toan vẽ, như là cách giãi bày, và một lời cảm ơn!

HARPER’S BAZAAR: Tại sao anh lại chọn Van Gogh đưa vào tranh của mình mà không phải là một nhân vật khác?

TRẦN TRUNG LĨNH: Có lẽ bức tranh cuộc đời của Van Gogh là cảm hứng chính, lớn nhất đối với tôi chứ không chỉ những Starry Night hay Hoa hướng dương… Ông sống một cuộc đời không bằng phẳng, đau đáu với những nhân sinh kiếp người, nỗi đau buồn lại được ông vẽ bằng những nhát cọ cuồn cuộn mang hơi thở của một người yêu cuộc sống, yêu tất cả những gì nhìn thấy xung quanh.

Tôi thì chừng ấy năm, vui buồn lẫn lộn, thành công nhỏ thất bại lớn, cũng là đi trên một con đường đầy sỏi. Nên cũng cảm giác gần, gần với những gì theo mình hiểu riêng về Van Gogh, sự cô độc đến mức mãnh liệt của ông song hành cùng khát khao yêu cuộc sống. Cũng thêm rằng là tôi cuồng Van Gogh từ những ngày còn trẻ. Mê những cơn bão màu sắc trong tranh của ông. Mê cách ông rồ dại sợ vẽ không kịp tất cả những gì nhãn quan của ông tiếp nhận được. Một lần nữa tôi thấy mình cũng rồ dại yêu cuộc sống, rồ dại vẽ như ông vậy. Nên tôi mạn phép bắt cóc thần tượng của mình đem vào tranh, để ông cùng tôi vẽ về thành phố tôi yêu và sống ở đó.

Tất cả chừng đó nguyên liệu đã dẫn tôi đến loạt tranh này!

HARPER’S BAZAAR: Được biết sắp tới anh sẽ còn những triển lãm ra mắt công chúng? Anh có thể tiết lộ một chút về đề tài, phong cách của những triển lãm đó?

TRẦN TRUNG LĨNH: Sau ngần ấy năm không làm triển lãm cũng là thời gian tôi dành cho việc vẽ những dự án dài hơi hơn, của để dành, nên tôi nghĩ cũng nên cho những bức tranh ấy bước ra và hít thở. Đó là dự án TÌNH YÊU, CÁI CHẾT VÀ DỤC – TÍNH – GIẢ mà tôi đã cất công vẽ rất lâu, sẽ là một thử thách cho cả người vẽ lẫn khán giả xem. Xen kẽ đó thì tôi lại chơi đùa với pop-art tiếp bằng một triển lãm chân dung đơn sắc mình vẽ những người bạn, những người hoạt động nghệ thuật mà mình kính trọng, và thêm một cuộc chơi với tranh lụa.

HARPER’S BAZAAR: Anh từng tiết lộ rằng làm thêm những công việc khác để kiếm sống. Vậy có phải tranh của những hoạ sỹ thời hiện đại như anh khó bán được?

TRẦN TRUNG LINH: Chuyện mua bán tranh nói riêng hay nghệ thuật nói chung, khó hay dễ tôi nghĩ nó tùy thuộc vào suy nghĩ của người làm ra nó như thế nào. Tôi làm nhiều việc khác để kiếm sống nhưng đa số là những việc mình thích, còn không thì sẽ rất khó để làm. Bán tranh, là điều vô cùng khó, nếu ai đó nghĩ là dễ, thì đó là tranh bán được nhờ vận may, hoặc do sự đưa đẩy của thị trường. Tôi khác, tôi bán không nhiều, nhưng toàn những mối quan hệ “dễ thương”, những cuộc mua tranh mang tinh thần đồng điệu. Mình chỉ thấy dễ ở đoạn đó, còn lại, đều là khó.

HARPER’S BAZAAR: Anh nhận định thế nào về thị trường hội hoạ ở Việt Nam hiện tại?

TRẦN TRUNG LĨNH: Đây là một câu hỏi khó. Bởi như tôi, thì tôi thích nghĩ hội họa là cuộc chơi của bản thân thôi. Đi tìm người đồng điệu, có được số đông khán giả là mục đích lớn. Còn chuyện thương trường, nhất là thương trường hội họa, mình khó đưa ra nhận xét.

Nhưng trong thời điểm kinh tế chung khó khăn như hiện nay mà triển lãm vẫn diễn ra rất nhiều là điều đáng mừng. Mua bán cũng không phải nói là nhộn nhịp, nhưng được các nhà sưu tập, những người mê tranh còn dành sự quan tâm thì chứng tỏ thị trường hội họa Việt Nam hiện tại vậy là tạm ổn! Dần dà, tôi hy vọng nghệ sỹ làm ra tác phẩm giá trị sẽ tương xứng với một thị trường tốt hơn, qua đó giúp sự sáng tạo lên ngôi.

HARPER’S BAZAAR: Cảm ơn anh vì những chia sẻ rất thú vị!

Một số tác phẩm trong triển lãm Van Gogh ở Sài Gòn

THÔNG TIN CHO BẠN

Triển lãm Van Gogh ở Sài Gòn của Trần Trung Lĩnh diễn ra từ ngày 13 đến 23/5 tại SiLart Station

Địa chỉ: 139 Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh, TP. HCM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm