Chiếc túi xách Lady Dior được xem là một biểu tượng của phong cách quý phái không logo. Dù không cần in logo Dior, phom dáng và họa tiết Cannage chần bông đã đủ để giúp định hình phong cách của Lady Dior.
Họa tiết Cannage là một nhân tố rất quan trọng giúp tạo nên sức hấp dẫn của chiếc túi Lady Dior. Tuy nhiên, bạn có biết rằng họa tiết này lại được lấy cảm hứng từ một món đồ rất quen thuộc đối với người dân chúng ta: Chiếc ghế mây tre đan?
Nhà mốt Pháp tìm cảm hứng từ nội thất mây tre đan Á Châu
Chiếc túi xách Lady Dior lần đầu tiên ra đời vào năm 1994. Thiết kế đầu tiên là một mẫu túi xách bằng da bê mềm, chần bông với những hình thù hình học. Nhà mốt Pháp cho biết rằng họa tiết này được lấy cảm hứng từ những chiếc ghế từ thời Napoleon mà quý ngài Christian Dior đã sử dụng trong show diễn New Look.
Nhưng khi tìm hiểu kỹ hơn, hóa ra những chiếc ghế Napoleon này lại được làm bằng mây tre đan có xuất xứ từ châu Á.
LỊCH SỬ CHIẾC TÚI XÁCH LADY DIOR, CHIẾC TÚI ƯA THÍCH CỦA CÔNG NƯƠNG DIANA
CÙNG ĐẾN HÀN QUỐC THAM QUAN TRIỂN LÃM TÚI XÁCH “LADY DIOR AS SEEN BY”
Mây tre là thứ nguyên liệu không phù hợp thổ nhưỡng châu Âu. Chúng chỉ mọc ở châu Phi và châu Á. Từ cách đây cả ngàn năm, chất liệu này đã được sử dụng để làm nội thất cho vua chúa Ai Cập. Trong lăng tẩm vua Tutankhamen, các nhà khảo cổ học từng phát hiện ra chiếc trường kỷ làm bằng mây tre đan có tuổi đời từ năm 1325 trước Công Nguyên.
Nội thất làm bằng mây tre đan lần đầu tiên xuất hiện vào thập niên 1660 ở châu Âu khi được các thương lái xuất khẩu từ Indonesia. Chúng được ưa chuộng vì nhẹ, dễ lau chùi và kháng ẩm mốc tốt. Trong môi trường ẩm thấp ở châu Âu (trước khi máy lạnh và máy sưởi được phát minh), đây là một lợi thế lớn khi so sánh với các loại ghế gỗ bọc nhung, nỉ hay gấm.
Do nội thất mây tre lá được quá ưa chuộng, các nghệ nhân châu Âu đã học cách đan chúng để tạo ra sản phẩm địa phương. Loại nội thất này từng xuất hiện trong phòng ngủ của Marie Antoinette và Napoleon Bonaparte.
MARIE ANTOINETTE MỘT TAY HỦY HOẠI NỀN CÔNG NGHIỆP TƠ LỤA PHÁP VÌ CHIẾC ÁO CHEMISE À LA REINE
MARIE ANTOINETTE: BIỂU TƯỢNG THỜI TRANG VÀ SẮC ĐẸP TAI TIẾNG CỦA CHÂU ÂU THẾ KỶ 18
Họa tiết Dior Cannage biến tấu kiểu đan mắt cáo
Có nhiều kiểu đan mây tre khác nhau. Mẫu sử dụng trong chiếc ghế trong show diễn đầu tay của quý ngài Christian Dior được đan kiểu đan mắt cáo. Trong tiếng Pháp, cách đan mắt cáo gọi là cannage – và do đó họa tiết của Dior được đặt tên theo kiểu đan lát này.
Tuy họa tiết mây tre đan nổi tiếng nhất khi gắn liền với chiếc túi xách Lady Dior, đây không phải là lần đầu tiên loại họa tiết này xuất hiện trong các sản phẩm Dior.
Năm 1953, quý ngài Christian Dior từng dùng họa tiết mây tre đan sợi dọc (slewing) cho bao bì nước hoa Eau Fraiche. Qua đến thập niên 1960, giám đốc sáng tạo Marc Bohan áp dụng một số kiểu đan mây tre thành kiểu dệt vải tweed cho nhà mốt Pháp. Còn Gianfranco Ferré, người đã cho ra đời dòng túi xách Lady Dior, thì thêu hẳn mẫu họa tiết này lên trang phục.
Khi họa tiết Cannage được chần bông trên túi Lady Dior, khó nhìn ra được kiểu đan mắt cáo này. Tuy nhiên, khi nó được thêu phẳng lên các mẫu túi Lady D-Lite thì dễ nhận ra hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, giám đốc sáng tạo mảng thời trang nam Kim Jones từng thiết kế hẳn những mẫu túi da thuộc đan mô phỏng mây tre trong BST Dior Men Xuân Hè 2019 phối hợp cùng KAWS.
Họa tiết Cannage chứng tỏ sức sáng tạo vô bờ bến của êkíp thiết kế tại Dior. Từ một kiểu đan mây tre lá truyền thống của châu Á, nó được chần bông lên da thuộc và vải vóc trên túi xách, thêu dệt lên trang phục, và tái hiện bằng kim loại trong các bộ sưu tập trang sức. Ở mỗi cách thể hiện, nó đều toát lên vẻ đẹp thủ công, đủ khác biệt với cảm hứng khởi điểm, và giúp Dior thể hiện cách nhận diện tinh tế không logo.
TÚI XÁCH GUCCI BAMBOO: KHI TRE LÀ CHẤT LIỆU CHẾ TÁC THỜI TRANG CAO CẤP
SẢN PHẨM THỜI TRANG KHÔNG LOGO, MẬT MÃ CỦA GIỚI THƯỢNG LƯU
Trích dẫn Apartment Therapy, Smithsonian Institute,
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam