Mai Trung Thứ (hay còn gọi là Mai Thứ) sinh năm 1906 tại Hải Phòng. Ông nội và cha của ông đều làm quan lớn dưới triều đình nhà Nguyễn. Năm 1925, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương mới được thành lập tại Hà Nội đã mang đến một cơ hội tuyệt vời cho người họa sĩ tài năng.
Phần lớn cuộc đời ông sống và hoạt động nghệ thuật tại nước Pháp. Tên tuổi ông trong hội họa gắn liền với những tác phẩm tranh lụa về đề tài phụ nữ, trẻ em, cuộc sống thường ngày dưới cái nhìn mang đầy màu sắc văn hóa Á Đông.
Mai Trung Thứ, sinh viên khóa đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương
Năm 1925, ông thi vào khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nay là trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam. Cùng khóa với ông có Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Lê Phổ… Thời gian này, Mai Thứ theo đuổi chất liệu tranh sơn dầu vẽ cảnh sinh hoạt của nông thôn Việt Nam. Tranh của ông nổi bật với những gam màu tươi sáng, con người và cảnh vật cũng tươi sáng.
Những năm tháng ở Huế tươi đẹp của Mai Thứ
Năm 1930, sau khi tốt nghiệp, Mai Thứ được bổ nhiệm dạy vẽ tại Trường Quốc học Huế. Tại nơi đây, tài năng vẽ tranh lụa của ông đã nở rộ.
Hàng loạt tác phẩm lụa của ông ra đời mô tả nhân vật chính là những cô gái Huế dịu dàng, khung cảnh hữu tình bên dòng sông Hương, hay mái nhà cong của khu đền đài lăng tẩm. Sáu năm sống và làm việc ở kinh đô Huế đã gợi cho ông những hình ảnh, những ký ức sâu đậm, đồng thời tạo cho ông chỗ đứng vững chắc trong nền hội họa hiện đại Việt Nam.
Họa sĩ Lê Phổ từng nhận xét:
“Ít có ai tạo được thế giới sống động làm gợi nhớ quê hương Việt Nam thanh bình với bao ký ức của một tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo như Mai Trung Thứ”.
Cùng với một số họa sĩ khác, Mai Trung Thứ tham gia trưng bày tranh ở nhiều nước trên thế giới như ở Ý (Roma 1932, Milan 1934, Naples 1934), Bỉ (Brussels 1936), Mỹ (San Francisco 1937).
Cũng vào năm 1937, ông đến Pháp để tham dự Triển lãm Quốc tế Nghệ thuật và Kỹ thuật trong đời sống hiện đại ở Paris. Bỏ qua cuộc hôn nhân sắp đặt và viễn cảnh về một cuộc sống đã được vạch sẵn ở Việt Nam, Mai Thứ quyết định ở lại Pháp để hoạt động nghệ thuật.
Sự nghiệp hội họa xa xứ tại nước Pháp
Khi đến Pháp, ông phát triển phong cách hội họa của mình bằng cách từ bỏ kiểu vẽ sơn dầu trên vải canvas. Thay vào đó, ông vẽ bột màu trên lụa. Từ cuối những năm 1940 trở đi, ông đã phát triển chúng theo một phong cách riêng mà vẫn có thể nhận ra ngay lập tức.
Khi làm như vậy, ông không còn áp dụng các bài giảng được học tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương để tiếp cận phong cách Trung – Việt. Lúc này, Mai Trung Thứ đã thay đổi rất nhiều trong tư duy hội họa như sử dụng các lớp lang phẳng, không còn nhiều khối hình trong tranh.
Khi vẽ tranh, Mai Thứ có thói quen mở nhạc. Điều này nhờ vào ảnh hưởng của âm nhạc cổ điển trong thời gian ông ở Huế. Thế nên, nhiều tác phẩm sau này của Mai Thứ có những chiều không gian đa sắc, mang đậm tính nhạc họa. Xem các những bức tranh của ông, chúng ta thấy thoảng nhẹ như cơn gió xuân mát lành. Tất cả đều rất mộng mơ mà gần gũi.
Trong tác phẩm Đi vào cõi tạo hình, họa sĩ Đinh Cường viết:
“Tranh lụa Mai Thứ là những nét chắt lọc, qua suy nghiệm để đi đến một sự thanh thoát, vẽ như hư không. Những gam màu lục biếc của ông đầy chất thơ tuyệt diệu”.
Mai Trung Thứ: Người nghệ sỹ đa tài
Ngoài mỹ thuật, ông còn là một nhạc sỹ. Ông chơi đàn bầu và sáo. Ở Pháp, danh họa người Việt từng tổ chức các buổi hòa nhạc dân tộc. Có lẽ vì thế, trong các tác phẩm những năm cuối đời của ông xuất hiện hình ảnh các thiếu nữ chơi đàn tỳ bà, sáo, đàn bầu, hay đàn nguyệt.
Mai Trung Thứ có công rất lớn trong sưu tầm nhiều tư liệu quí giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong hồ sơ an ninh báo cáo về hoạt động của phái đoàn Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Pháp năm 1946, tên Mai Trung Thứ xuất hiện trong vai trò nhiếp ảnh gia và nhà quay phim. Chính ông là người ghi lại hình ảnh cuối cùng của Bác khi Người rời Pháp.
Triển lãm Mai Thứ – Dư âm của một Việt Nam mộng mơ tại Pháp
Có thể nói, triển lãm này được giới chuyên môn cũng như sưu tầm tranh đánh giá cao về quy mô và chất lượng với 140 tác phẩm. Mai Thứ – Dư âm của một Việt Nam mộng mơ diễn ra từ ngày 16/6 – 24/10/2021 tại thành phố Macon, nơi cố danh họa từng sống. Sự kiện do bảo tàng Ursulines kết hợp bảo tàng Cernuschi, chuyên về nghệ thuật châu Á tại Paris, tổ chức. Bà Mai Lam Phương, con gái ông Mai Trung Thứ, tư vấn, hỗ trợ thực hiện. Theo cơ quan truyền thông Macon, triển lãm được Bộ Văn hóa Pháp công nhận có tầm ảnh hưởng quốc gia.
Sinh thời, họa sĩ từng tổ chức ba triển lãm cá nhân: Trẻ em của Mai Thứ (1964), Phụ nữ dưới con mắt Mai Thứ (1967), Thế giới thơ của Mai Thứ (1980).
Năm 1980, ông qua đời đột ngột vì bệnh tim, hưởng thọ 75 tuổi tại Pháp.
Các tác phẩm tiêu biểu nhất của ông có thể kể đến là Chân dung cô Phương, Phụ nữ đội nón lá bên sông, Thiếu nữ chơi đàn nguyệt, Cô gái làm thơ… Trong đó, bức Chân dung cô Phương trị giá 3,1 triệu đô-la Mỹ đang giữ kỷ lục đấu giá tranh Việt.
***
Để hoàn thành bài viết, Harper’s Bazaar Vietnam cảm ơn ông Jean-François Hubert, Cố vấn Cấp cao Mỹ Thuật Việt Nam của Christie’s đã cung cấp các ảnh chân dung họa sỹ Mai Trung Thứ (Mai Thu portraits by courtesy of Mr. Jean-François Hubert, Christie’s Senior Expert, Vietnamese Art).
TRANH LÊ PHỔ, MAI TRUNG THỨ ĐƯỢC SOTHEBY’S ĐẤU GIÁ Ở SINGAPORE
LÊ THỊ LỰU, NỮ HỌA SỸ ĐẦU TIÊN CỦA NỀN MỸ THUẬT HIỆN ĐẠI VIỆT NAM
Bài: Ngọc Anh. Ảnh: Tư liệu
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam