Không chỉ là một nữ MC duyên dáng, Huyền Ny còn là dược sỹ được đào tạo bài bản tại Mỹ. Cô hết hồn khi thấy cộng đồng mạng Việt Nam chia sẻ thông tin rằng đã có thuốc chữa bệnh COVID-19 tại Mỹ. Với tư cách nữ dược sỹ, Huyền Ny ngay lập tức chia sẻ thông tin chính xác. Trước khi tin vào nguồn tin giả (#fakenews), bạn hãy đọc những tư vấn sau từ Huyền Ny.
Hai điều chúng ta cần hiểu rõ về thuốc chống virút corona
1. Cho đến thời điểm này vẫn chưa có thuốc chữa COVID-19.
2. Hiện tại, giới y tế thế giới đang ở trong giai đoạn tìm thuốc giải tiềm năng cho dịch bệnh.
Các loại thuốc chữa COVID-19 được đề xuất
1. Hydroxychloroquine (còn có tên là Plaquenil hay HCQ dùng chữa sốt rét, lupus và viêm khớp)
2. Một giải pháp khác là HCQ kết hợp với thuốc trụ sinh Z-pak (Azithromycin). Sự kết hợp giữa HCQ và Z-pak có thể làm giảm lượng virus trong cơ thể nhanh chóng, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh. Tuy nhiên các nghiên cứu về việc kết hợp hai loại thuốc này cho đến thời điểm này, tuy lạc quan nhưng còn tương đối nhỏ.
3. Remdesivir, một loại thuốc được dùng để ngăn chặn SARS
4. Còn rất nhiều loại thuốc khác được đề xuất. Hiện, hiệu quả của chúng đối với virút corona đang được nghiên cứu trong nhiều phòng thí nghiệm trên toàn thế giới.
Kế hoạch của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA)
Các thông tin về khả năng hiệu nghiệm của HCQ hoàn toàn đến từ dữ liệu trong phòng thí nghiệm. Chứ nó chưa được thử nghiệm sâu rộng trên cơ thể người.
Chính vì vậy, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ vừa có cuộc họp ngày hôm qua. Họ thông báo rằng tuy những loại thuốc kể trên có tiềm năng nhưng cần được nghiên cứu thêm kỹ càng.
Điều này có nghĩa rằng: Để có kết quả rõ ràng hơn, FDA sẽ cần thử nghiệm lâm sàng (clinical trial) trên diện rộng. Qua đợt thử nghiệm này, họ có thể thu thập thông tin thực tế từ những bệnh nhân COVID-19 đã qua sử dụng thuốc trên toàn thế giới.
Thường việc thử nghiệm lâm sàng mất khá nhiều thời gian để thực hiện.
Thông tin thêm về thuốc HCQHydroxychloroquine là loại thuốc được FDA duyệt cho phép sử dụng vào năm 1955 cho 3 mục đích: chữa sốt rét, lupus và viêm khớp. Một khi thuốc đã được duyệt, bác sỹ có thể cho phép bệnh nhân sử dụng cho những mục đích OFF-LABEL trong tình huống phù hợp. OFF-LABEL nghĩa là tác dụng CHƯA ĐƯỢC công nhận, chưa có nghiên cứu rõ ràng, còn trong giai đoạn tìm hiểu… Bệnh nhân có thể tự nguyện sử dụng dưới dự hướng dẫn và theo dõi của các bác sỹ. Do đó mới có sự ra đời của “Compassionate Use” program. Đây là chương trình thử nghiệm dành cho những bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch nhưng không có phương pháp chữa trị nào đã được duyệt. HCQ đang được sử dụng cho chương trình này, cho một số ca bệnh nhiễm COVID-19 tại nhiều nước trên thế giới. Không phải ai cũng có thể sử dụng HCQ. Đặc biệt những bệnh nhân có vấn đề về tim, thận và gan. HCQ cần được kê đơn, sử dụng với theo dõi của bác sỹ. Thuốc này có những tác dụng phụ cần lưu ý như giảm tiểu cầu, bạch cầu (giảm khả năng tự miễn dịch của cơ thể), tim mạch, co giật, có thể gây mất thị lực vĩnh viễn nếu dùng lâu dài … Sử dụng tràn lan dễ dẫn đến lờn thuốc và khi đó thế giới phải đối phó với nhiều vấn đề nguy hại hơn. |
Chính vì vậy, Huyền Ny khuyến cáo mọi người không nên tự tiện mua thuốc uống khi kết quả chưa rõ ràng.
“Mọi sự hấp tấp trong lĩnh vực ý tế, đặc biệt trong thời gian này sẽ gây nhiều nguy hiểm hơn là lợi ích.”
– Huyền Ny
Nguồn: Huyền Ny
Harper’s Bazaar Việt Nam