Kering, tập đoàn sở hữu các thương hiệu Gucci, Yves Saint Laurent, Bottega Veneta, Balenciaga và Alexander McQueen, đồng thời là tập đoàn xa xỉ lớn thứ hai thế giới sau LVMH, đã báo cáo kết quả kinh doanh đáng buồn trong Quý 3/2023.
Nếu cả tập đoàn LVMH và Hermès đều báo cáo tăng trưởng, thì doanh thu Kering lại sụt giảm 9% (sau khi điều chỉnh tỉ suất và mức lạm phát), từ 5,4 tỉ đô-la Mỹ cùng kỳ năm trước xuống còn 4,7 tỉ đô-la Mỹ năm nay.
Trong bối cảnh ngành xa xỉ phẩm gặp nhiều khó khăn vì tình hình lạm phát và bất ổn kinh tế, các nhà đầu tư đã biết rằng kết quả kinh doanh sẽ không khả quan. Họ ước tính rằng doanh thu sẽ giảm khoảng 6,2%. Nhưng họ không ngờ số liệu thực tế lại thấp hơn mức dự đoán này.
Báo cáo chi tiết về doanh thu tập đoàn Kering trong Quý 3/2023
Ngoại trừ hạng mục sản phẩm mắt kính tăng 34%, tất cả các hạng mục sản phẩm khác đều giảm mạnh. Tuy nhiên, mắt kính chỉ là hạng mục vi mô, đóng góp ít hơn 10% tổng doanh thu của tập đoàn. Do đó điểm sáng này không đủ để trấn an các nhà đầu tư.
Gucci, đóng góp khoảng hơn phân nửa tổng doanh số thường niên của Kering, đang trong quá trình cải tổ. Vì vậy, các nhà phân tích tài chính không cho rằng Gucci sẽ tăng trưởng trong thời điểm hiện tại. Đúng với ước đoán, doanh thu của thương hiệu sụt giảm khoảng 7%. Mức độ giảm đồng đều ở Bắc Mỹ (giảm 22%), châu Âu (giảm 5%) và châu Á (xuống 3%).
Nhưng các thương hiệu khác trong portfolio của tập đoàn Kering, vốn dĩ đang có đà phát triển tốt trong năm qua, cũng đã công bố số liệu không khả quan. Saint Laurent, đóng góp khoảng 20% tổng doanh thu tập đoàn, đã có mức sụt giảm 7%. Bottega Veneta giảm 13%. Phân khúc các thương hiệu nhỏ hơn như Balenciaga và Alexander McQueen giảm 19%.
Những suy giảm phản ánh trong Quý 3/2023 một phần đến từ điều kiện kinh tế vĩ mô ngày càng tồi tệ, một phần đến từ chính động thái của Kering. Tập đoàn bắt đầu hạn chế bán hàng qua các kênh bán buôn (wholesale) thứ ba, nhằm cắt giảm các chương trình khuyến mãi làm ảnh hưởng đến danh tiếng của các thương hiệu, và tăng cường việc tự phân phối để kiểm soát giá. Theo Phó Giám đốc điều hành Kering, Jean-Marc Duplaix, biện pháp này sẽ ảnh hưởng tới doanh số tạm thời, nhưng là lựa chọn tốt để cải thiện hình ảnh của thương hiệu và ngăn ngừa tình trạng săn hàng khuyến mãi.
Gucci tiếp tục là đề tài thảo luận chính trong buổi báo cáo
Do Gucci đóng góp hơn phân nửa tổng doanh thu tập đoàn, và việc thay thế Alessandro Michele bằng nhà thiết kế trẻ Sabato de Sarno đã gây bão dư luận trong năm 2023, nên thương hiệu nghiễm nhiên trở thành tâm điểm của buổi báo cáo tài chính Quý 3/2023 từ tập đoàn Kering.
Ông Jean-Marc Duplaix cho rằng những thay đổi trong phong cách thời trang của thương hiệu, đến từ tân giám đốc sáng tạo Sabato De Sarno, sẽ là làn gió tươi trẻ mang lại sức hút mới cho Gucci. Nhưng ông cũng nói rằng còn quá sớm để có thể nhận thấy những thay đổi. Vì bộ sưu tập mà Sabato de Sarno ra mắt sẽ chỉ lên kệ vào dịp đầu năm 2024.
Dẫu vậy, tập đoàn Kering đang gặp khó khăn lớn trong công cuộc cải tổ Gucci. Vì nhận xét chung về bộ sưu tập đầu tay từ tân giám đốc sáng tạo không quá khả quan. Cụ thể:
- Phong cách của Sabato de Sarno đánh dấu sự thay đổi đáng hoan nghênh, giúp thương hiệu thoát khỏi thẩm mỹ rườm rà của cựu giám đốc sáng tạo Alessandro Michele.
- Bộ sưu tập Xuân Hè 2024 cho thấy rõ tính ứng dụng trong ready-to-wear, có tính thương mại cao, và có cách styling tối giản trên sàn diễn để nhấn mạnh vào khả năng dễ mặc của sản phẩm.
- Dẫu vậy, tầm nhìn chưa đủ độc đáo, chưa mang lại tiếng vang lớn như cách Tom Ford và Alessandro Michele đã làm được trước đó.
- Việc chuyển sang thẩm mỹ cổ điển, vượt thời gian khiến Gucci phải cạnh tranh với các nhóm các thương hiệu quiet luxury, dù Gucci trong quá khứ đã xây dựng tên tuổi như một nhà tiên phong trong phong cách trendy, logomania.
Do đó, giới chuyên môn trong ngành thời trang chưa đánh giá quá cao bộ sưu tập Xuân Hè 2024 từ thương hiệu và không cho rằng Gucci có thể tăng tốc trở lại ngay khi các sản phẩm lên kệ.
>>> XEM THÊM: GUCCI XUÂN HÈ 2024: BST ĐẦU TAY TỪ SABATO DE SARNO
Để trấn an các nhà đầu tư, ông Jean-Marc Duplaix đã đưa ra bốn giải pháp Kering đang áp dụng để củng cố nền tảng cho Gucci.
Đầu tiên là tăng cường quảng bá. Có thể thấy trong thời gian vừa qua, Gucci đã liên tiếp bổ nhiệm các đại sứ khắp toàn cầu. Tại Việt Nam, thương hiệu đã bắt tay với hai ngôi sao có sức ảnh hưởng là Sơn Tùng M-TP và Hồ Ngọc Hà. Tại Thái Lan là Mai Davika Hoorne. Còn ở Trung Quốc, Gucci liên tiếp đẩy mạnh hình ảnh phối hợp với Người phát ngôn toàn cầu Tiêu Chiến. Anh trở thành gương mặt chính trong chiến dịch quảng bá giày lười Gucci Horsebit, gây viral mạng xã hội khắp châu Á thời gian qua.
>>> XEM THÊM: FAN TIÊU CHIẾN ĐỔ XÔ ĐẾN CỬA HÀNG GUCCI CHECK-IN VỚI ẢNH THẦN TƯỢNG
Thứ nhì là thu gọn mạng lưới phân phối, giảm bán buôn và tăng cường lượng cửa hàng được vận hành bởi tập đoàn. Theo ông tiết lộ, Gucci có đến 1.722 cửa hàng, nhưng chỉ có 534 do chính tập đoàn điều hành. Điều này sẽ giúp hỗ trợ hạng mục thứ ba.
Thứ ba là ổn định giá cả. Trong khi các tập đoàn đối thủ đang không ngừng tăng giá, ông Jean-Marc Duplaix lại hé lộ rằng mức giá sẽ bình ổn tại Gucci trong quá trình cải cách. “Chúng tôi đã phải nâng giá một chút để đối phó [với lạm phát], nhưng việc tăng giá để [khẳng định vị thế thương hiệu] đang không phải là chiến lược.” Chí ít, cho đến khi thương hiệu có thể tìm hiểu rõ rệt sự quan tâm của người tiêu dùng với sản phẩm do Sabato de Sarno thiết kế.
Cuối cùng là tăng cường sự hiệu quả trong chi phí.
Chưa rõ liệu các phương án này sẽ hiệu quả đến thế nào. Chính ông François-Henri Pinault, Tổng giám đốc tập đoàn Kering, đồng ý rằng có lẽ sẽ mất vài năm trước khi Gucci thực sự hồi phục.
BÁO CÁO TÀI CHÍNH QUÝ 3/2023 CỦA LÀNG XA XỈ PHẨM:
HERMÈS TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG TRONG QUÝ 3/2023, DÙ CÓ PHẦN CHẬM LẠI
DOANH SỐ TẬP ĐOÀN LVMH QUÝ 3/2023 DƯỚI MỨC DỰ ĐOÁN, CHO THẤY NHU CẦU XA XỈ PHẨM CHẬM LẠI
Trích dẫn Reuters, Forbes, Business of Fashion
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam