Lớn lên ở Vastervik, Thụy Điển, cặp chị em sinh đôi Emma và Sara Koponen sở hữu vóc dáng gầy với bộ ngực lép kẹp. Họ cố nuôi tóc thật dài để che bộ ngực chẳng có gì hấp dẫn của mình. Ám ảnh vì bộ ngực nhỏ bao nhiêu, Emma và Sara Koponen càng ghen tỵ với cô bạn cùng lớp có vòng một lớn bấy nhiêu. Họ bắt đầu tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ.
“Nếu bắt đầu, bạn sẽ không bao giờ muốn dừng lại”
Đó là chia sẻ đúc kết của chị em nhà Koponen khi kể về hành trình đi tìm vẻ đẹp hoàn hảo của mình.
Ở tuổi 16, Emma và Sara bắt đầu suy nghĩ về việc nâng ngực để trở nên đẹp và hấp dẫn hơn. Năm 2009, bước vào tuổi 19, cặp sinh đôi này không thể cưỡng lại ý nghĩ phải phẫu thuật thẩm mỹ để tăng kích cỡ vòng một. Họ đã vay tiền ngân hàng và cùng đi nâng ngực từ cup A lên cup C.
“Ngay sau khi dao kéo lần 1, chúng tôi lập tức cảm thấy cơ thể tuyệt vời hơn và rất nhiều người đã chú ý đến chúng tôi. Mặc dù bố không đồng tình nhưng mẹ tán thành và bạn bè tỏ ra ghen tỵ với chúng tôi ”, Sara nói.
Tuy nhiên, vòng một lớn hơn kích cỡ “cha sinh mẹ đẻ” vẫn không khiến chị em nhà Koponen hài lòng. Chỉ một năm sau, họ bày tỏ nguyện vọng với bác sỹ: “Chúng tôi muốn bộ ngực lớn hơn nữa, một bộ ngực siêu cỡ” và đề nghị bác sỹ thực hiện dao kéo lần 2, đưa ngực từ cúp C lên cup D.
Vẫn cảm thấy chưa hài lòng, chỉ 12 tháng sau, khi 21 tuổi, cặp sinh đôi lại tìm đến bác sỹ. “Tôi có thể nâng ngực lên cup E thôi và không thể nâng lớn hơn được nữa”, bác sỹ nói. Và thế là cặp đôi tiếp tục dao kéo lần thứ 3. Cùng với việc nâng ngực, họ cũng thường xuyên tiêm chất làm đầy để biến môi mỏng trở nên đầy hơn.
Không bao giờ hài lòng với cơ thể mình
Nhìn bộ ngực khổng lồ của cặp sinh đôi, ai cũng cho rằng Emma và Sara đã dao kéo quá tay. Bố và bà của cặp sinh đôi ghét, không muốn nhìn vóc dáng khác lạ của con, cháu. Một số người xung quanh còn sỉ nhục hai chị em họ là “con điếm”. Tuy nhiên, với những người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ như Emma và Sara, sự nhìn nhận của người khác chẳng “xi nhê” gì.
Sau khi có được bộ ngực lớn đến không thể lớn hơn, Emma và Sara thực hiện những dự định phẫu thuật khác như độn mông, chỉnh sửa răng và mũi để hướng đến mục tiêu đặt ra là có thân hình lý tưởng như những cô búp bê.
Cặp chị em này không ngại thừa nhận mình nghiện phẫu thuật thẩm mỹ. “Việc chúng tôi đã làm là vì chính bản thân mình, vì cảm thấy cần phải có một thân hình hoàn hảo chứ không phải vì đàn ông có thích chúng tôi hay không”. Họ chưa có ý định dừng phẫu thuật thẩm mỹ dù biết trước rằng, sẽ không bao giờ tìm được sự hài lòng tuyệt đối với cơ thể mình. “Không bao giờ hài lòng và hạnh phúc với cơ thể mình”, đó chính là vấn đề mấu chốt khiến những người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ như Emma và Sara liên tục bước lên bàn phẫu thuật, bất chấp hình dạng của mình biến đổi ngày một quái đản.
Bệnh tâm lý của thời hiện đại
Nghiện phẫu thuật thẩm mỹ thật ra là một bệnh tâm lý gọi là Rối loạn ám ảnh về vóc dáng cơ thể (Body Dysmorphic Disorder – BDD).
Khác với người bình thường, người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ thường không cảm thấy hài lòng với những gì đạt được. Họ luôn lo lắng, căng thẳng, phiền lòng vì vẻ ngoài chưa hoàn hảo, thậm chí tưởng tượng ra những khiếm khuyết trên cơ thể và quyết tâm chỉnh sửa để đạt đến vẻ đẹp hoàn hảo tự vẽ ra trong đầu.
Rối loạn ám ảnh về vóc dáng cơ thể khiến họ có thể bỏ ra hàng giờ mỗi ngày để soi gương, trang điểm, diện áo quần, phụ kiện… nhằm che giấu những vị trí họ cho là khiếm khuyết. Ám ảnh tâm lý này làm họ mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống, các mối quan hệ, tiền bạc, thậm chí đặt nhan sắc, tính mạng mình vào vòng nguy hiểm. Không chỉ phải đối diện với rủi ro trong phẫu thuật, họ cũng có nguy cơ tự tử cao hơn 45 lần so với dân số nói chung. Theo ước tính, cứ 100 người sẽ có một người mắc BDD, nhiều hơn cả số người mắc bệnh tâm thần phân liệt.
Vì sao lại có hiện tượng này?
Theo tiến sỹ, bác sỹ David Mataix-Cols, Thụy Điển, người ta chưa tìm thấy nguyên nhân thực sự gây ra BDD. Một giả thuyết cho rằng, BDD có thể do vùng não xử lý thông tin về diện mạo cơ thể gặp trục trặc. Nó có thể mang tính di truyền hoặc là hệ quả của tình trạng bệnh nhân bị trêu chọc, bắt nạt. Tiến sỹ Katharine Phillips, Mỹ, lại cho rằng tỷ lệ BDD đang tăng lên khi phụ nữ “bị tấn công” bởi những hình ảnh hoàn hảo trên các phương tiện truyền thông. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi bạn càng nhìn thấy nhiều hình ảnh hoàn hảo xung quanh mình, bạn càng so sánh nhiều bản thân mình với “người hoàn hảo” và cảm thấy mình xấu, cần phải chỉnh sửa.
Ở Việt Nam, phẫu thuật thẩm mỹ không còn là điều đáng phải che giấu. Những hình ảnh công khai phẫu thuật thẩm mỹ biến vịt thành thiên nga, người bình thường trở thành hot girl hay quý bà xinh đẹp đã “chạm” vào mơ ước được nổi tiếng ẩn chứa sâu xa trong tiềm thức của mỗi người.
Bên cạnh đó, ngày nay, nhiều người quan niệm về vẻ đẹp khá sai lệch. Một số cho rằng mình chỉ đẹp khi có chiếc mũi, chiếc cằm… tương tự như những diễn viên điện ảnh thần tượng. Một số lại cho rằng có sắc đẹp mới dễ thành công. Những áp lực từ công việc, xã hội và nhu cầu của bản thân đó đã góp phần làm gia tăng BDD.
Ngoài ra, cũng phải kể đến sự phát triển của ngành công nghiệp thẩm mỹ khắp thế giới. Khi có sự cạnh tranh gay gắt, sự dễ dãi của các bác sỹ vô tình tiếp tay cho người bệnh BDD nặng hơn và lôi kéo không ít người bước vào hành trình của BDD.
Biết làm đẹp thông minh
Sẽ là bình thường nếu bạn tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ nhằm chỉnh sửa những khiếm khuyết chính đáng để sở hữu vẻ đẹp hài hòa, cân đối. Tuy nhiên, nếu bạn “ảo tưởng sức mạnh” cái đẹp chỉ có nhờ phẫu thuật thì bạn không nên đến bác sỹ thẩm mỹ mà phái đến khám ở bác sỹ chuyên khoa sức khỏe tâm thần. Các chuyên gia y tế cho biết, điều trị BDD đòi hỏi thời gian, sự kết hợp của liệu pháp nhận thức hành vi và uống thuốc chống trầm cảm nhằm ngăn chặn ám ảnh diễn ra trong đầu bệnh nhân.
Phải thừa nhận, hình thức ưa nhìn giúp bạn có nhiều thuận lợi trên con đường sự nghiệp và tạo lập các mối quan hệ. Tuy nhiên, năng lực, đạo đức mới là sự bù đắp hoàn hảo và vững chắc giúp bạn hạnh phúc, tự tin và thành công. Nói như nhà triết học người Anh, Francis Bacon thì “Vẻ đẹp giống như trái cây giữa mùa hè, rất dễ bị hư thối, khó bảo quản. Trên đời có nhiều người đẹp, họ có tuổi trẻ phóng đãng, nhưng cuối đời phải hối hận. Vì vậy cái đẹp của tướng mạo và cái đẹp của đạo đức kết hợp lại làm một, chỉ có như vậy, cái đẹp mới có thể phát ra ánh sáng thực sự”.
Harper’s Bazaar