Có gì tượng trưng cho một bậc nữ đế vương tốt hơn chiếc vương miện của bà? Thậm chí, hậu thế có thể quên đi gương mặt của nữ hoàng, nhưng vẫn nhớ mãi về chiếc vương miện. Câu chuyện về chiếc vương miện truyền đời của các nữ hoàng Anh sau đây chính là một trong những trường hợp ấy.
Đó là chiếc vương miện đã được hoàng hậu Elizabeth đội trong lễ đăng quang của chồng, vua George VI năm 1937 . Đây là chiếc vương miện đầu tiên của hoàng gia Anh được làm từ bạch kim. Tuy nhiên, điều khiến chiếc vương miện trở thành huyền thoại là vì nó gắn viên kim cương nổi tiếng thế giới: Koh-i-Noor, được truyền lại từ thời nữ hoàng Victoria thế kỷ 19. Nó là tâm điểm của những tranh cãi giữa Anh Quốc và Ấn Độ về quyền sở hữu.
Koh-i-Noor, ngọn núi ánh sáng…hay ngọn núi bất hạnh
Koh-i-Noor, hay còn viết là Koh-i-Nur hoặc Koohinoor, hiện nặng gần 106 carat. Khi mới phát hiện, viên kim cương có kích thước lớn hơn một quả trứng chim.
Một trong số các phu nhân của hoàng đế Nader Shah, người từng sở hữu Koh-i-Noor, từng nói: “Nếu một người đàn ông mạnh khỏe quăng một viên đá về phía Bắc, một viên đá về phía Nam, một viên đá về phía Tây, một viên về phía Đông và một viên lên trời, thì toàn bộ châu báu lấp đầy khoảng không gian giữa năm viên đá ấy mới đánh đổi được với viên kim cương này”.
Vì thế, các hoàng đế, thủ lĩnh đều khao khát có được viên đá quý có một không hai này. Nó trở thành nguồn cơn của không ít xung đột, binh biến.
Qua dòng chảy của lịch sử, viên kim cương này truyền tay qua những đế chế Ấn Độ, Mông Cổ, Ba Tư, Afghanistan, và Anh Quốc. Để sở hữu nó, con người lao vào những cuộc chiến đẫm máu. Và bất kỳ ai sở hữu nó đều thua cuộc chiến và mất mạng.
Tất cả những bi kịch ấy được người xưa giải thích bằng một giai thoại lạ lùng. Khi viên kim cương này được phát hiện, đã có một lời tiên tri tiếng Phạn gắn liền với nó:
“Người đàn ông sở hữu viên kim cương này sẽ sở hữu cả thế giới, nhưng cũng nhận về toàn bộ nỗi bất hạnh của nó. Chỉ có Chúa trời hoặc phụ nữ mới có thể đeo nó một cách bình yên”.
Lời tiên tri thành sự thật bởi khi Koh-i-Noor đến tay nữ hoàng Victoria của nước Anh, mọi vận đen xui rủi cũng kết thúc. Sau bao nhiêu thăng trầm, tắm trong máu và nước mắt, viên kim cương đã được vị nữ hoàng cho gọt cắt lại, trở nên lung linh, rực sáng. Thoạt đầu, nó được nữ hoàng gắn lên ghim cài áo, rồi sau đó được đặt ở đúng vị trí đế vương của mình: Trên chiếc vương miện.
Dẫu vậy, hoàng gia Anh chỉ để nữ hoàng và đương kim hoàng hậu được đội chiếc vương miện quý giá này. Phải chăng chỉ có trái tim người phụ nữ mới có thể thuần hóa được viên đá quý?
Koh-i-Noor đã đến với Anh Quốc ra sao?
Nguồn gốc đích thực của viên kim cương này vẫn đang còn là một đề tài tranh cãi. Nhưng chắc chắn, nó đến từ Ấn Độ.
Từ hàng nhiều thế kỷ, Ấn Độ là nguồn khai thác kim cương duy nhất trên thế giới – cho đến tận năm 1725, khi một quặng mỏ mới được phát hiện ở Brazil.
Tại Ấn Độ cổ đại, không có kỹ thuật khai thác kim cương phức tạp. Người ta chỉ cần đi ra bờ sông là sẽ tìm được những viên đá trôi nổi theo làn nước. Tuy vậy, số lượng cực kỳ ít ỏi khiến người Ấn Độ cổ đại đã biết về giá trị của kim cương từ thuở xa xưa.
Lần đầu tiên viên kim cương Koh-i-Noor xuất hiện trong sách sử là vào năm 1628.
Lúc này nó thuộc sở hữu của Shah Jahan, vị vua của đế quốc Mughal thống trị miền Bắc Ấn Độ 330 năm.
Ông đặt nghệ nhân khảm nó vào trong ngai vàng, được chế tác theo hình dáng của ngai vàng truyền thuyết của vua Solomon. Ngai vàng của Shah Jahan mất bảy năm để chế tác, đắt gấp bốn lần so với điện Taj Mahal ngày nay. Nó được dát toàn đá quý, trong số đó hai viên to cực đại là hồng ngọc Timur Ruby và kim cương Koh-i-Noor.
Sự giàu sang của đế quốc Mughal khiến những vị vua ở xung quanh nhòm ngó.
Thèm khát sự thịnh vượng này, hoàng đế Nader Shah của Ba Tư đã tấn công thủ phủ Delhi của đế quốc Mughal năm 1739.
Ông ta đã mang theo đội quân hùng hậu để bóc lột tài sản của Delhi. Sách sử ghi chú đoàn quân gồm 700 con voi, 4.000 con lạc đà và 12.000 con ngựa dùng để vận chuyển vàng bạc châu báu. Nader Shah cũng gỡ hai viên hồng ngọc Timur Ruby và kim cương Koh-i-Noor khỏi ngai vàng, biến nó thành trang sức đeo tay.
Suốt 70 năm sau, viên kim cương Koh-i-Noor ngụ lại tại đế quốc Ba Tư (Iran, Afghanistan ngày nay). Nó truyền tay nhau qua những cuộc chiến giành ngôi báu đẫm máu. Tương truyền, có một vị vua đã móc mắt con trai mình chỉ vì nó thèm khát viên kim cương này!
Khi Đế quốc Anh xâm chiếm Ấn Độ vào thế kỷ 19, thực dân Anh đã để ý tới viên kim cương này.
Lúc này, viên kim cương Koh-i-Noor đã trở về Ấn Độ, dưới sự cai trị của đế chế Sikh do vua Ranjit Singh đứng đầu. Ông xem nó như một biểu tượng cho quyền lực và sự tự hào, vì đã có thể đưa nó về mảnh đất khai sinh sau nhiều năm lưu lạc ở những đế quốc khác.
Người Anh đã bị mê hoặc trước biểu tượng của quyền lực này. Nếu họ có thể sở hữu nó, viên kim cương sẽ chứng tỏ cho sức mạnh không gì sánh bằng của đế quốc Anh!
Người Anh rất khôn ngoan. Họ không đánh nhau trực diện với đế chế Sikh. Mà họ chờ cho đến khi ông hoàng Ranjit Singh qua đời năm 1939. Sự chuyển giao quyền lực khiến nội bộ đế chế Sikh đấu đá lẫn nhau, tan rã và trở nên yếu ớt.
Năm 1849, ngai vàng lúc này thuộc về cậu bé Duleep Singh, con trai út của vua Ranjit Singh quá cố với vợ Rani Jindan. Nhân cơ hội này, người Anh tổng tiến quân, giam cầm người mẹ Rani Jindan, bắt Duleep Singh phải ký hiệp ước giao quyền lực cho đế chế Anh, cùng với viên kim cương Koh-i-Noor. Lúc ấy, cậu bé mới 10 tuổi.
Viên kim cương Koh-i-Noor lúc này được chuyển về cho nữ hoàng Victoria.
Nó được trưng bày năm 1851 ở Triển lãm Thế giới ở London. Tuy vậy, sự thô mộc của viên kim cương chưa qua mài giũa khiến đám đông xem thường. “Họ cho rằng nó chỉ là thủy tinh”, viết The Times năm 1851.
Để thay đổi suy nghĩ của đám đông, Vương tế Albert, chồng của nữ hoàng Victoria, quyết định mang viên đá đi cắt lại. Quá trình này giảm kích cỡ của Koh-i-Noor xuống còn một nửa, nhưng lại tăng độ lấp lánh quý giá cho nó.
Sau đó, nữ hoàng Victoria đã dùng nó cho cài áo. Nhưng rồi cuối cùng bà thay đổi quyết định, gắn nó lên vương miện. Và nó vẫn yên vị ở đó từ thế kỷ 19 cho đến bây giờ.
Người Anh có tin vào lời đồn đoán mê tín về sự nguyền rủa của viên kim cương Koh-i-Noor?
Có lẽ là có. Vì từ khi về tay nữ hoàng Victoria đến bây giờ, hoàng gia Anh chỉ cho phép viên Koh-i-Noor đến tay các quý nữ. Sau nữ hoàng Victoria, nó được đeo bởi hoàng hậu Alexandra (vợ Edward VII, con trai cả của Victoria); hoàng hậu Mary (vợ George V, cháu trai Victoria); hoàng hậu Elizabeth và bây giờ là nữ hoàng Elizabeth II.
Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc
Tuy không còn bị coi là viên đá mang lời nguyền cho chủ nhân, nhưng số phận của Koh-i-Noor thực ra vẫn chưa ngã ngũ. Từng là thuộc địa của Anh, nhưng Ấn Độ đã giành được độc lập hơn 60 năm nay. Với người Ấn, điều ấy có nghĩa là mọi báu vật của dân tộc họ phải được trả về với chủ, bao gồm cả viên kim cương Koh-i-Noor.
Ấn Độ đã tham gia một chiến dịch quốc tế được Liên hiệp quốc hậu thuẫn nhằm đòi lại các báu vật lịch sử cho vài quốc gia. Từ nhiều năm nay, người dân Ấn lại lên tiếng đòi lại viên kim cương quý giá.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của bộ ngoại giao Anh tại Ấn Độ tuyên bố rằng nước Anh sở hữu hợp pháp viên đá quý này. Còn riêng nữ hoàng Anh, từ trước đến sau, bà vẫn chỉ giữ nụ cười nhẹ nhàng. Viên kim cương vẫn ở trên vương miện thuộc quyền sở hữu của nữ hoàng, như một sự khẳng định cho quyền lực của nước Anh. Xem ra, dù không còn trở thành nguyên nhân gây ra chiến tranh, nhưng số phận kỳ lạ của Ngọn núi ánh sáng vẫn chưa đến hồi ngã ngũ.
>>> Xem thêm: NHỮNG MẪU VƯƠNG MIỆN ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI TRONG LỊCH SỬ HOÀNG GIA ANH
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam