Tự hào với bề dày truyền thống và ngành công nghiệp thời trang lâu đời, Paris đã ảnh hướng đến các xu hướng quốc tế kể từ thế kỷ 17. Cho đến ngày nay, Paris vẫn là một trong những thành phố diễn ra tuần lễ thời trang quan trọng nhất trong năm, cập nhật những xu hướng mới nhất và là nơi ươm mầm tương lai cho ngành công nghiệp thời trang.
Sự ra đời của kinh đô thời trang Paris bắt đầu với Louis XIV
Người Pháp cho rằng, khí chất thanh lịch và sang trọng mà họ có được là nhờ ảnh hưởng của ông hoàng mặt trời Louis XIV.
Louis XIV còn được biết đến là vị Vua của thời trang cao cấp (King of Couture). Ông tin rằng sự sang trọng không chỉ cần thiết đối với thời trang mà sẽ còn ảnh hưởng đến nền kinh tế của Pháp. Thời trang trở thành một công cụ chính trị của Louis XIV.
Khi Louis XIV nắm quyền trị vì nước Pháp, kinh đô thời trang của châu Âu lúc ấy là Madrid, Tây Ban Nha. Phong cách thời trang thịnh hành lúc bấy giờ là phong cách tăm tối. Nguyên nhân vì chất liệu nhuộm vải màu đen thời đó vừa khan hiếm vừa đắt đỏ. Do đó, triều đình Tây Ban Nha đề cao lối ăn mặc màu u tối như một cách phô trương thế mạnh.
Tuy nhiên, với các chiến lược khôn ngoan của Louis XIV, Paris dần soán ngôi Madrid. Với nhu cầu may mặc thời trang xa xỉ của người dân Paris ngày càng gia tăng, từ đó mang lại công ăn việc làm cho các nghệ nhân ngành thời trang tại đây. Ông thiết lập hội các nhà may trang phục, thúc đẩy sản xuất các mẫu vải vóc mới hai lần một năm, từ đó tạo ra hai mùa Xuân Hè và Thu Đông. Ông thậm chí áp đặt các đạo luật, ban lệnh cấm những thành viên của hoàng gia không được “ăn mặc thiếu thời thượng” (unfashionable).
Song song, Louis XIV cũng liên tục nghĩ ra những sáng kiến về thời trang. Phong cách của ông trái ngược với sự tối tăm của thời trang Tây Ban Nha: Phục trang luôn đầy màu sắc, có kích cỡ đồ sộ, yêu cầu may vá kỳ công, và liên tục thay đổi. Do đó, ông luôn dẫn đầu thiết lập những xu hướng mới, điều mà mãi sau này vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp thời trang.
>>> XEM THÊM: VUA LOUIS XIV ĐÃ THAY ĐỔI LỊCH SỬ THỜI TRANG NHƯ THẾ NÀO?
Paris trở thành kinh đô thời trang vì có thể thiết lập những xu hướng
Một xu hướng thời trang được thiết lập khi nhiều nhà thiết kế đồng lòng tạo nên những trang phục có chi tiết na ná nhau, và người tiêu dùng muốn mặc những trang phục giông giống nhau. Số lượng sản xuất cao là điều kiện tiên quyết giúp một xu hướng thời trang trở nên thành công.
Từ thế kỷ 17 đến nay, Paris thành công kiến tạo các xu hướng do có triều đình ăn mặc xa hoa, diêm dúa. Vua chúa, hoàng hậu đặt may đo riêng một trang phục mới lạ cho mình. Giới quý tộc học theo và đặt may đồ giống với nhà vua và hoàng hậu. Còn giới bình dân thì học theo giới quý tộc. Khi thiết kế trở nên bão hòa, vua chúa sẽ đặt may một kiểu dáng phục trang mới, và vòng xoáy xu hướng lại bắt đầu. Sự giới thiệu của các mẫu vải vóc mới hai lần/năm cũng giúp duy trì các xu hướng.
Ví dụ, Vua Louis XIV thành công tạo nên xu hướng đội tóc giả. Còn hoàng hậu Marie Antoinette lại là người đã tạo nên sự phổ cập của phong cách Rococo.
Vào cuối thế kỷ 18, tầng lớp quý tộc ra sức trau chuốt bề ngoài theo phong cách Rococo, được truyền cảm hứng từ nữ hoàng Marie Antoinette. Mục đích chính của phong cách này là để biểu thị sự giàu có. Phục trang đắt đỏ phải có hàng tá lớp vải tuyn, lụa, nhung, cùng với những hình thêu phức tạp, trang trí dày đặc. Thời trang của phụ nữ thể hiện địa vị của họ trong giới thượng lưu và là hình ảnh hóa cho câu ngạn ngữ “women should be seen and not heard” (Tạm dịch: phụ nữ chỉ nên được ngắm nhìn, không được lắng nghe).
Cái nôi của haute couture – thời trang cao cấp
Sự thèm muốn vô độ của hoàng gia Pháp đối với trang phục sang trọng đã thúc đẩy hoạt động thương mại dệt may của đất nước. Và từ đó đặt nền móng cho Haute Couture (thời trang cao cấp).
Đến khoảng đầu thế kỷ 19, NTK người Anh làm việc tại Paris mang tên Charles Frederick Worth đã trở thành cha đẻ của thời trang cao cấp hiện đại. Ông đã thiết kế ra những bộ trang phục dựa trên sở thích và ý tưởng của bản thân, sau đó trưng bày chúng lên các mô hình để khách hàng có thể lựa chọn thay vì may theo ý kiến của họ.
Sự mới lạ của mô hình này nhanh chóng lan rộng đến khắp nơi và kể từ đó, các NTK mới thật sự sở hữu “quyền lực” trong ngành thời trang. Dần dà, thuật ngữ “haute couture” trở nên phổ biến. Các thương hiệu cũng thích tự nhận họ là thời trang cao cấp.Chính vì vậy, Chambre Syndicale de la Haute Couture – Hiệp đoàn bảo vệ thời trang cao cấp, phải đưa ra những quy chuẩn cụ thể để một thương hiệu được công nhận là Haute Couture.
>>> XEM THÊM: HIGH FASHION / HAUTE COUTURE LÀ GÌ?
Bề dày lịch sử là nền tảng tạo nên ngành công nghiệp thời trang vững bền
Đến thế kỷ 19, Paris và khu vực lân cận đã có hai thế kỷ xây dựng ngành công nghệ thời trang. Các nghệ nhân cha truyền con nối hoàn thiện những kỹ thuật gia truyền, từ chế tác đồ da, chế tác trang sức, thêu và dệt, làm nón v.v. Với một nền tảng kỹ thuật vững mạnh, Paris trở thành cái nôi nuôi dưỡng những nhà thiết kế thời trang thay đổi lịch sử. Và họ luôn ra mắt các bộ sưu tập mới nhất ở Paris. Do đó, giới mộ điệu toàn cầu muốn đặt mua sản phẩm mới nhất thì phải đổ xô về Paris, từ đó biên thành phố này thành một kinh đô thời trang không chỉ của châu Âu mà còn của cả thế giới.
Một số các nhà thiết kế làm thay đổi lịch sử thời trang
Năm 1906, Paul Poiret tạo nên một cuộc cách mạng: giải phóng cơ thể phụ nữ khỏi những chiếc corset. Các thiết kế rộng rãi, thoải mái và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa phương Đông chính là đặc điểm nhận dạng cho những tác phẩm của Paul Poiret. Ông đặt điểm thắt của chiếc váy từ dưới ngực xuống đến eo, rồi từ đó kéo dài tà váy mềm mại chạm đất. Những đường cắt đơn giản tỉ mỉ, chân váy lụa mềm mại bắt đầu phủ sóng khắp Paris. Tên tuổi của Paul Poiret cũng từ đó vang xa.
Coco Chanel thành lập thương hiệu riêng năm 1910 và từ đó khai sinh một trong những biểu tượng đáng tự hào nhất của ngành công nghiệp thời trang nước Pháp. Thoát khỏi những quy tắc ăn mặc đã cũ, trang phục của Chanel ưu tiên cảm giác thoải mái, mang vẻ đẹp sang trọng và ứng dụng cao.
Bà tạo ra những xu hướng thời trang khi liên tiếp giới thiệu các tạo tác phá vỡ quy tắc ăn mặc truyền thống. Ví dụ như tạo ra chiếc đầm đen Little Black Dress, ứng dụng vải jersey thun vào thời trang cao cấp, vay mượn vải tweed của nam giới may suit cho nữ giới…
>>> XEM THÊM: 5 CÂU NÓI KINH ĐIỂN CỦA COCO CHANEL VỀ LÀM ĐẸP VÀ SỐNG TỰ TIN
Năm 1961, khi Yves Saint Laurent thành lập thương hiệu thời trang riêng mang tên chính mình, ông đã khởi xướng cho xu hướng thời trang may sẵn (ready to wear).
Mang bản sắc mạnh mẽ riêng biệt, YSL lật đổ định kiến về thời trang phái nữ khi cho ra mắt bộ suit “Le Smoking” vào năm 1966. Tiếp đó là các thiết kế xuyên thấu, chiếc safari jacker đi săn, những chiếc quần âu cách tân mà trước đây được mặc định chỉ dành cho nam giới. YSL cũng là người đầu tiên thuê người mẫu không phải da trắng cho các buổi diễn ở Paris.
Tam Giác Vàng: Khu vực mua sắm xa xỉ hàng đầu Paris
Tại khu vực Tam giác vàng – giữa đại lộ Champs-Elysées, đại lộ Montaigne và đại lộ Marceau – du khách có thể tìm thấy những nhà thiết kế hàng đầu thế giới. Từ Chanel, Dior, Yves Saint Laurent, Louis Vuitton, Hermès… Tam giác vàng cũng là khu mua sắm tập trung dành riêng cho thời trang cao cấp.
Đến thời điểm hiện tại, Paris vẫn duy trì vị thế của một kinh đô thời trang bên cạnh Milan, New York và London.
>>> XEM THÊM: 3 NHÀ THIẾT KẾ CÓ ẢNH HƯỞNG SÂU SẮC ĐẾN THỜI TRANG HAUTE COUTURE
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam