Kinh doanh thời trang online: Nên mở website riêng hay dùng Shopee, Zalo?

Khi kinh doanh thời trang online, chọn nền tảng bán hàng đúng sẽ tăng hiệu quả kinh doanh, còn sai thì sẽ khiến bạn thêm đau đầu

Kinh doanh thời trang online: Nên mở website riêng hay dùng Shopee, Zalo?

Ở thời đại công nghệ kỹ thuật số này, không bán hàng qua mạng là một sự lỗ vốn. Mở một cửa hàng thì bạn bị giới hạn địa lý khá nhiều. Trong khi đó, kinh doanh thời trang online giúp bạn mở rộng, tiếp cận khách hàng khắp đất nước. Thậm chí là cả khách hàng ở nước ngoài!

Các thương hiệu hầu hết đều có một trang Facebook hay Instagram, có nhân viên nhắn tin trao đổi với từng khách. Nhưng đây mới chỉ là hình dạng sơ khởi nhất của việc bán hàng qua mạng. Còn nhiều platform khác nữa. Bạn có thể mở một trang web riêng như Leinné. Hoặc bán hàng qua Shopee như Love Swimwear by HA ANH VU. Nếu thương hiệu đã “đủ lông đủ cánh”, bạn cũng có thể bắt tay với Lazada như Chung Thanh Phong.

Vậy, đâu là mô hình kinh doanh thời trang online phù hợp với bạn? Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu ưu và khuyết điểm của những hình thức này.

Sơ khởi nhất: Instagram/Facebook/Zalo

Tuy Instagram và Facebook là mạng xã hội, chúng dần dần tích hợp nhiều công cụ bán hàng qua mạng hơn khi nhu cầu này tăng cao (như thanh toán trực tuyến, quản lý đơn hàng). Tuy nhiên, các công cụ này chưa thật sự được áp dụng tại Việt Nam.

Việc kinh doanh thời trang online sử dụng mạng xã hội mới chỉ đang dừng ở điểm: Bạn đăng tải một tấm hình đẹp lên mạng >> khách hàng quan tâm nhắn tin >> trao đổi mua bán hoàn toàn qua hộp thư. Nó không khác gì một cuộc trao đổi mặt đối mặt tại cửa hàng.

Kinh doanh thời trang online: Nên mở website riêng hay dùng Shopee, Zalo?

Trang cá nhân của Lê Thanh Hoà. Giao diện mạng xã hội quen thuộc. Dễ kết nối với khách hàng vì rất nhiều người Việt có tài khoản Facebook.

ƯU ĐIỂM

• Không tốn nhiều thời gian và kinh phí để thành lập. Facebook, Instagram, Zalo, đều cho phép tạo tài khoản miễn phí. Giao diện chuẩn cũng rất dễ dùng. Bạn không phải thuê nhân viên IT hay tìm đến một công ty thiết kế website. Nói chung, phương án này tiết kiệm cho bạn rất nhiều chi phí và thời gian khi vừa bắt đầu thử nghiệm với e-commerce.

• Trang cá nhân trên xã hội không chỉ là một cửa hàng ảo. Nó còn có chức năng quảng cáo. Với Facebook Ads/Instagram Ads, bạn có thể tiếp cận hàng tỷ người dùng khi trả tiền quảng cáo.

• Tạo sự thân mật và riêng tư cho khách hàng. Các cuộc trò chuyện được khép kín trong hộp thư. Khách hàng được tư vấn trực tiếp, nên thương hiệu có thể đáp ứng nhanh gọn mọi băn khoăn của khách. Đồng thời, nếu thương hiệu có dịch vụ chỉnh sửa quần áo (đối với các mẫu cao cấp dùng để đi tiệc) thì những chi tiết này cũng có thể được thảo luận.

Instagram GIA STUDIOS của nhà thiết kế Lâm Gia Khang. Nền tảng Instagram sạch, gọn, và đẹp để trình làng các bộ sưu tập thời trang. Nhưng yếu điểm là ít người dùng tại Việt Nam hơn khi so với Facebook, Zalo.

KHUYẾT ĐIỂM

• Mạng xã hội kém trong khâu quản lý bán hàng. Nó không có chức năng tự động giúp bạn  kiểm soát xem hôm nay đã bán được mặt hàng nào, số lượng bao nhiêu, doanh thu tổng. Như vậy, bạn cần đầu tư cho một hệ thống kế toán riêng. Nếu như bạn cũng…không có một phần mềm kế toán chuyên nghiệp, thì cuối ngày, các nhân viên sale sẽ phải tổng hợp lại thông tin từ những cuộc trò chuyện trong hộp thư. Việc kinh doanh sẽ trở nên rất lộn xộn!

• Bạn không thể kiểm soát bộ mặt cửa hàng của mình. Giao diện của Facebook/Instagram có nhiều thay đổi qua thời gian. Nếu không thích giao diện thì bạn chẳng thể nào thay đổi theo mong muốn cá nhân.

• Bạn cần nhân viên giỏi công nghệ để túc trực, trả lời thắc mắc từ khách hàng. Việc bán hàng qua hộp thư của Facebook/Instagram có thể diễn ra vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Trả lời khách hàng tiềm năng chậm trễ có thể khiến bạn hụt doanh số.

• Hạn chế tương tác vì bị “bóp” view. Các mạng xã hội tồn tại nhờ sự trả tiền quảng cáo của các công ty. Nếu không chạy quảng cáo cho gian hàng của mình, bạn sẽ bị các gian hàng có trả tiền chèn ép.

• Có thể bị mất tài khoản nếu bị spam/report. Do không thuộc sở hữu của mình, nên nếu nền tảng quyết định cấm bạn kinh doanh, bạn không có cách nào chống trả. Trừ phi bạn là một tài khoản có hàng triệu view và trả tiền quảng cáo số lượng lớn cho mạng xã hội.

***

Có thể cá nhân hóa tốt nhất: Website cá nhân

Những ai nhắm đến việc kinh doanh một thương hiệu cao cấp sẽ yêu thích lựa chọn này. Website cá nhân là một cửa hàng ảo toàn diện nhất. Bạn toàn quyền chỉ đạo, từ bố cục, màu sắc, font chữ, cách thể hiện sản phẩm…

Nếu kinh doanh thời trang ready-to-wear online, sản phẩm đã được may và sẵn sàng bán ra, bạn có thể chọn một website tích hợp đầy đủ tính năng e-commerce như Leinné hay Nosbyn. Trong hệ thống quản lý của website e-commerce, bạn có thể đăng tải mẫu mã sản phẩm, số lượng và giá bán. Khách hàng có thể đặt mua trực tiếp nếu ưa thích thiết kế. Bạn chỉ cần giao đơn hàng và thu tiền là được.

Còn nếu kinh doanh mô hình thời trang áo cưới hay sản phẩm couture cần may đo, bạn có thể tích hợp website với chức năng đăng ký lịch hẹn. Khách vừa lòng một sản phẩm có thể báo trước để đến cửa hàng thử và chỉnh sửa đồ.

Website của Leinné. Thương hiệu phụ kiện Việt này sang trọng và đẳng cấp. Website cũng được thiết kế nghệ thuật phù hợp với thẩm mỹ của Leinné.

ƯU ĐIỂM

• Hệ thống quản lý chuyên nghiệp. Một website e-commerce thực thụ – ví dụ nền tảng Magento hay WooCommerce – có tính năng theo dõi lượng mặt hàng bán ra, doanh thu và thống kê hàng tồn. Nó sẽ giúp bạn quản lý công việc kinh doanh và bổ sung mặt hàng nhanh chóng, đơn giản.

• Hiểu nhu cầu mua sắm của khách hàng. Phần quản lý website sẽ cho bạn biết chính xác mẫu thiết kế nào được khách hàng xem nhiều nhất, thể loại mặt hàng được ưa chuộng, mẫu nào được xem nhiều nhưng có doanh số kém v.v. Từ đó, bạn có thể lên ý tưởng cho những bộ sưu tập tiếp theo phù hợp với nhu cầu của khách.

• Không cần nhân viên túc trực như Facebook hay Instagram. Êkíp bán hàng sẽ được thông báo khi có đơn hàng được đặt. Như vậy, bạn có thể tiết kiệm nhân sự khi không phải thuê một người chỉ để túc trực canh inbox mạng xã hội.

• Tuỳ ý thiết kế gian hàng. Như một cửa hàng boutique thật thụ, bạn có thể trang hoàng cho trang web cá nhân của mình với hình ảnh, màu sắc, font chữ…tuỳ ý thích.

Website của Nosbyn Studio. Thiết kế hiện đại mang phong phạm của các thương hiệu thời trang quốc tế.

NHƯỢC ĐIỂM

• Khá đắt đỏ để vận hành. Từ chi phí coding, thiết kế, xây dựng website. Đến chi phí bảo trì, nâng cấp website, và trả tiền cho tính năng bảo mật thông tin của web. Có hàng tá chi phí liên quan đến việc sở hữu một website riêng.

• Không thực sự hữu dụng nếu bạn không biết cách quảng bá cho nó. Cửa hàng thời trang, nếu nằm trong hẻm, sẽ không có khách nếu không ai biết đến nó. Website cũng vậy. Bạn sẽ phải quảng cáo cho website với công cụ của Google, Facebook để dẫn khách về mua sắm.

***

Tiện lợi mà chuyên nghiệp: Mở cửa hàng trên một hệ thống e-commerce có sẵn

Có thể ví những hệ thống e-commerce như Shopee, Tiki, Lazada, AliExpress, Amazon, Etsy… với một trung tâm thương mại. Bạn mở một cửa hàng trên ấy, cũng như thuê một gian hàng trong trung tâm mua sắm. Chủ đầu tư trung tâm thương mại sẽ lo việc kéo khách đến. Còn nhiệm vụ của bạn là trang trí cửa hàng của mình thật đẹp và bổ sung thật nhiều mặt hàng hấp dẫn khách.

Như vậy, những website này tích hợp cả tính năng bán hàng qua mạng chuyên nghiệp lẫn hiệu quả marketing của một mạng xã hội.

Shop của Chung Thanh Phong trên Lazada. Anh lựa chọn chỉ bày bán các sản phẩm ready-to-wear và mỹ phẩm. Không phù hợp với đồ couture may đo.

ƯU ĐIỂM

• Sở hữu tất cả các ưu điểm của một website e-commerce cá nhân, ngoại trừ việc có thể cá nhân hóa hình ảnh website.

• Không tốn kém về khâu quản lý công nghệ. Website e-commerce sẽ lo vận hành các yếu tố về mặt công nghệ như quản lý server, bảo trì kỹ thuật. Điều này giúp bạn tiết kiệm chi phí và thời gian giải quyết các bất cập về kỹ thuật số. Như vậy, bạn có thể toàn tâm toàn ý tập trung vào việc điều hành doanh nghiệp thời trang, thay vì phải kiêm thêm chức trách “trùm” công nghệ.

Kinh doanh thời trang online: Nên mở website riêng hay dùng Shopee, Zalo?

Trang Shopee của Love Swimwear by HAANHVU. Siêu mẫu Hà Anh sử dụng layout đơn giản, trắng tinh để tôn vinh các thiết kế áo tắm màu sắc rực rỡ.

KHUYẾT ĐIỂM

• Không thể tự thiết kế hình ảnh. Các website e-commerce cho phép thay đổi một chút xíu về layout tổng, nhưng nhìn chung bạn phải sử dụng các thiết kế có sẵn. Chi tiết này có thể khá bó buộc, đặc biệt là đối với những người thích một layout trang cá nhân thật khác lạ và sáng tạo.

• Để ý đến các phí phụ thu. Để thuê mặt bằng, bạn phải trả phí. Có thể là hoa hồng (X phần trăm của giá trị các đơn hàng), phí quản lý định kỳ hàng tháng, v.v. Các trang web lớn này cũng thường tổ chức các ngày đại hội mua sắm, bắt buộc bạn phải giảm giá mặt hàng để kích thích mua sắm. Các thương hiệu cao cấp hơn có lẽ sẽ không thích việc bị ép buộc phải giảm giá vì nó gây mất giá trị hình ảnh thương hiệu.

***

Đây là một số những ưu và khuyết điểm của việc chọn nền tảng bán hàng qua mạng. Trước khi quyết định chọn bất cứ phương thức nào, bạn hãy đọc thật kỹ các điều khoản sử dụng. Nắm rõ các quy tắc này giúp bạn bảo vệ thương hiệu cá nhân một cách trọn vẹn nhất khi kinh doanh thời trang online.

>>> Xem thêm:  QUA VIỆC CHÂU BÙI THÔNG BÁO THƯƠNG HIỆU BỊ ĐỐI TÁC CHIẾM ĐOẠT, HỌC CÁCH BẢO VỆ THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm