Năm 2020, vì đại dịch COVID-19, chúng ta không có nhiều cơ hội đi du lịch. Bù lại, thời gian ở nhà giúp chúng ta có nhiều thời gian để “luyện” các bộ phim hay. Từ Hạ cánh nơi anh hay Điên thì có sao của Hàn Quốc. Đến Queen’s Gambit, series làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng Netflix toàn cầu.
Mỗi bộ phim đều có một cái hay riêng, một mối quan tâm riêng. Nhưng điểm chung của tất cả nhân vật nữ chính trong những bộ phim này là: Họ hiểu rõ bản thân. Họ đi tìm con đường khai mở sức mạnh riêng. Và họ không bao giờ muốn làm hài lòng tất cả mọi người.
Đôi khi xem phim, tôi cũng ao ước mình được như họ. Đủ quyền lực, đủ cứng rắn để nói không với tất cả những gì mình không thích. Tất nhiên, đời không như là phim. Nhưng tôi nghĩ, chúng ta đều có thể học một chút bản ngã của những người phụ nữ mạnh mẽ này. Tập cách đặt nhu cầu của bản thân lên trên cảm xúc muốn thỏa mãn thiên hạ.
Bao dung hay tự hạ thấp bản thân?
Trước hết, cho tôi phân biệt một chút giữa tính bao dung và thói quen tự hạ thấp bản thân khi muốn làm hài lòng thiên hạ. Phải hiểu rằng hai tính cách này có điểm khác nhau.
Những người dĩ hoà vi quý luôn muốn giữ cho mối quan hệ êm đẹp. Vì rộng lượng, họ sẽ bỏ qua một vài tiểu tiết nhỏ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ – có thể là tình bạn, tình yêu, công việc. Nhưng, họ hiểu được hạn mức của bản thân. Vượt qua giới hạn này, họ sẽ nghiêm túc nói “không”, cắt bỏ những mối quan hệ độc hại.
Còn những người thích làm hài lòng mọi người lại khác. Họ luôn luôn nhìn nhận vấn đề từ cái nhìn của người khác trong cuộc. Rồi hạ thấp bản thân, thậm chí là đè nén nhu cầu cá nhân. Họ chấp nhận mọi khó khăn nhọc nhằn nhất về mình. Khác với những người dĩ hoà vi quý, họ sợ nhất là làm mất lòng người khác. Và họ không có điểm dừng.
Vì đâu cảm xúc muốn làm hài lòng mọi người?
Theo các nhà tâm lý học, thói quen này hình thành từ thuở thơ ấu. Nó đến từ mối quan hệ không lành mạnh giữa phụ huynh và con trẻ.
Tình huống 1: Những người có thói quen muốn làm hài lòng tất cả mọi người xung quanh thường có cha mẹ quá nghiêm khắc.
Có những bậc phụ huynh vì quá mải mê với công việc mà không dành thời gian quan tâm đến con cái. Người khác thì lại không tâm lý, không biết cách truyền đạt tình cảm đến với con. Và tất nhiên cũng có những tuýp chưa đủ chín chắn làm cha mẹ, vẫn còn phải lo lắng cho bản thân mình, chẳng hơi sức đâu mà quan tâm đến đứa trẻ.
Điểm chung của các vị phụ huynh này là khi con mình có ý kiến khác với bản thân họ, họ sẽ quát tháo, mắng mỏ đứa trẻ.
Một đứa trẻ, nếu bị quát tháo quá nhiều vì có suy nghĩ khác với người khác, sẽ học thói quen thu mình lại trong vỏ ốc. Vì từ bé, nó đã bị dạy rằng suy nghĩ khác với những người xung quanh là điều gì đó sai trái. Và nó sẽ hình thành cảm nghĩ rằng suy nghĩ của cá nhân không quan trọng, không đáng được trân trọng.
Tình huống 2: Đứa trẻ sợ hãi khi bị chính bố mẹ “hành hung” về mặt tình cảm.
Đời không như là mơ. Đôi khi, nhiều tình huống xảy ra không như mong đợi. Bậc phụ huynh phải là người đứng ra che chắn cho con, làm điểm tựa vững chắc về mặt tâm lý và tình cảm, dạy bảo con. Tuy nhiên, có nhiều cha mẹ lại thiếu chín chắn, đổ lỗi về cho con mình.
Hãy thử nghĩ về ví dụ này: Khi họp lớn ở trường mẫu giáo, cô giáo chia sẻ với phụ huynh về thói quen nói chuyện trong lớp của một đứa trẻ.
Bố mẹ tâm lý sẽ hiểu rằng, con mình còn quá nhỏ để biết thói quen nói chuyện trong lớp là điều không nên. Từ đó khuyên nhủ con nên im lặng nghe giảng bài.
Còn tuýp bố mẹ thiếu chín chắn sẽ ngay lập tức mắng con rằng: “Vì con mà bố mẹ bị mắng vốn. Con khiến bố mẹ thật xấu hổ”. Hành động này đổ toàn bộ lỗi lầm lên đầu đứa trẻ, còn bản thân mình thì như đứng ngoài cuộc, không chịu trách nhiệm uốn nắn con.
Khi trường hợp này tái diễn nhiều lần, đứa trẻ sợ sệt rằng bất cứ hành động nào của mình cũng sẽ khiến phụ huynh buồn phiền. Từ đó, nó sẽ học thói quan sát phản ứng của người xung quanh. Và ngay lập tức thu mình lại nếu người khác có phản ứng không vui về hành vi của mình.
>>> Xem thêm: 4 BIỆN PHÁP NGỪNG SO SÁNH BẢN THÂN VỚI KẺ KHÁC ĐỂ SỐNG VUI VẺ HƠN
Hãy yêu bản thân mình hơn
Những đứa trẻ có tuổi thơ như hai tình huống trên thường lớn lên trở thành tuýp người hay sợ sệt, hình thành thói quen luôn muốn làm hài lòng mọi người xung quanh. Họ dễ bị bắt nạt tại trường học, công sở. Thậm chí là bị đàn áp trong tình yêu và tình bạn.
Nếu bạn cảm thấy đây là tình huống của mình, xin bạn đừng buồn. Đầu tiên, chúc mừng bạn đã nhận ra rằng mình muốn thay đổi.
Kế đến, tôi hy vọng rằng bạn sẽ tập được suy nghĩ: Bản thân mình cũng quan trọng. Để thay đổi bản thân thành công, các nhà tâm lý học đề nghị hành trình 5 bước như sau.
Bước 1: Tập đề cao nhu cầu bản thân
Người quen làm hài lòng thiên hạ nên hiểu rằng, yêu bản thân hơn không có nghĩa với việc trở nên ích kỷ. Vì vậy, trong một số tình huống quá mệt mỏi khi phải đối mặt với những người thường xuyên nài nỉ mình, bạn nên nói “không” để có thể bảo vệ tinh thần an yên.
Bước 2: Tránh giải thích dài dòng khi nói “không”
Vì sợ làm mất lòng những người xung quanh, bạn cảm thấy mình phải đưa ra một lời đề nghị thỏa đáng. Tuy nhiên, đôi khi lời đề nghị này lại tạo tiền đề để đối phương chèo kéo bạn.
Ví dụ như sau: Cuối tuần, một đồng nghiệp rủ bạn đi ăn trưa. Tuy nhiên, bạn khá mệt mỏi trong tuần làm việc và chỉ muốn nằm nhà xem phim.
Nếu bạn đưa ra một lời giải thích như: “Mình phải dọn nhà vì cả tuần bận rộn, rồi còn phải đi chợ nữa”. Thì đồng nghiệp có thể nài nỉ rằng: “Đừng lo, chúng ta có thể đi chợ cùng nhau sau khi ăn trưa. Sẽ rất vui phải không?”. Lúc này, bạn khó mở lời từ chối.
Chỉ giải thích đơn giản: “Xin lỗi, cuối tuần này nhà mình bận việc rồi. Mình hẹn lại một ngày khác trong tương lai nhé”. Lời nói quả quyết này sẽ giúp bạn khéo léo từ chối, lại không cho đối phương có cơ hội chèo kéo.
>>> Xem thêm: CƠ HỘI CỦA SỰ TỪ CHỐI: VÌ SAO NÓI “KHÔNG” CÓ THỂ GIÚP BẠN THĂNG TIẾN SỰ NGHIỆP
Bước 3: Dùng sự vui vẻ, hài hước để làm giảm căng thẳng
Tất nhiên, chẳng ai thích bị từ chối thẳng thừng. Thêm vào một câu bông đùa sẽ giúp mối quan hệ của cả hai vẫn thân thiện.
Ở tình huống trên, một cách trả lời khác có thể là: “Ôi trời, tuần này mình đi ăn bên ngoài nhiều đến mức thức ăn trong tủ lạnh muốn mốc meo cả rồi. Cho mình cuối tuần xử lý cái tủ lạnh đi nhé. Hẹn gặp bạn tuần sau”.
Bước 4: Hãy nhanh chóng và dứt khoát tìm cách xử lý những mối quan hệ khó xử
Nếu người mãi làm hài lòng thiên hạ không tập nói “không”, việc bị đè nén trong thời gian dài có thể khiến bạn tức giận, bùng nổ. Từ đó gây nên mối bất hòa không thể cứu vãn. Thẳng thắn từ chối những lời đề nghị không hợp lý từ ban đầu sẽ giúp ngăn ngừa tình huống này.
Bước 5: Tập nói chuyện trước gương để tránh gượng gạo
Việc từ chối người khác là một nguyên nhân gây stress ở những người có khuynh hướng muốn làm hài lòng mọi người xung quanh. Phải từ chối người khác khiến bạn ăn nói gượng gạo, mất tự nhiên. Thậm chí, bạn còn dễ mất bình tĩnh, cuối cùng lại quay về đường lối chấp thuận bị kẻ khác đè đầu cưỡi cổ.
Một cách giúp bạn là tập nói chuyện trước gương. Cũng như diễn thuyết trước đám đông. Thói quen này giúp tạo sự tự nhiên trong lời ăn tiếng nói. Đồng thời khắc ghi vào trong trí nhớ cách diễn đạt ý đồ của mình một cách trôi chảy.
Luôn nhớ rằng, việc yêu bản thân mình hơn không có nghĩa rằng bạn đang biến thành con người ích kỷ. Mà đây là một biện pháp giúp bạn không bị khủng hoảng tâm lý, trầm cảm.
>>> Xem thêm: LÀM SAO ĐỂ CÓ PHONG THÁI CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ QUYỀN LỰC
Harper’s Bazaar Việt Nam