Được ra mắt lần đầu trong bộ sưu tập PopArt mùa Thu Đông năm 1966 của nhà thiết kế trẻ Yves Saint Laurent, mẫu thiết kế số 262 mang tên Le Smoking dù nhận được nhiều phản ứng tiêu cực nhưng đã kiêu hãnh trở thành một trong những biểu tượng thời trang đương đại mang âm hưởng vượt thời gian.
Cấu trúc của bộ vest Le Smoking
“Một người phụ nữ mặc suit của nam giới không hề nam tính. Đường cắt thẳng thớm, sạch gọn chỉ làm tôn lên tính nữ, vẻ quyến rũ, sự mơ hồ của họ.”
– Yves Saint Laurent –
Le Smoking vay mượn từ bộ vest ba mảnh (three piece suit, gồm áo khoác vest, áo gi-lê mặc trong, và quần tây) truyền thống của đàn ông, phối hợp với những chi tiết từ thời trang nữ. Với tài năng thiên bẩm và sự tinh tế của mình, người học trò xuất sắc của Christian Dior đã thổi vào bộ vest ba mảnh đó sự mềm mại, nữ tính tôn lên đường cong của phụ nữ nhưng vẫn giữ sự cứng cáp, lịch lãm nguyên bản.
Cái tên Le Smoking được đặt theo mẫu áo mà quý ông dùng trong “smoking room” (phòng hút thuốc), khoác ngoài để tránh tàn thuốc bị dính vào áo. Chi tiết nữ tính thể hiện qua ve áo (lapel) bằng lụa tơ tằm satin, uốn lượn mềm mại theo khuôn ngực để lộ những điểm bắt sáng gợi cảm, cùng với vòng eo được thắt chặt hơn so với vest nam.
Sự bắt đầu của một huyền thoại
Không rõ cảm hứng để Yves Saint Laurent thiết kế nên bộ suit Le Smoking bắt nguồn từ đâu. Nhiều người cho rằng nhà thiết kế gạo cội đã may đo riêng bộ cánh cho nàng thơ lâu năm Danielle Luquet de Saint Germain – một người mẫu nổi tiếng với phong cách lưỡng tính. Người khác lại cho rằng chàng trai trẻ bị ấn tượng bởi họa sỹ Pháp Niki de Saint Phalle, người thường xuyên mặc vest nam cùng giày cao gót.
Cá nhân Yves Saint Laurent lại đề cập đến Marlene Dietrich, nữ minh tinh mang phong cách nam tính lên màn bạc. “Tôi bị ấn tượng sâu sắc trước một tấm ảnh của Marlene Dietrich mặc đồ nam. Một bộ tuxedo, áo blazer hay quân phục – một người phụ nữ ăn mặc như đàn ông chắc chắn phải rất tự tin về sự nữ tính của bản thân để đấu lại trang phục không được thiết kế cho mình”.
Thiết kế gây sôi sục xã hội năm 1966
Ở thời điểm Le Smoking ra mắt, xu hướng phục sức của phụ nữ bấy giờ là những thiết kế tôn vóc dáng đồng hồ cát chuẩn mực như áo peplum chiết eo và chân váy dài – tất cả là vì sự thành công của bộ sưu tập New Look của Christian Dior. Do đó, ngay khi Yves Saint Laurent ra mắt Le Smoking, anh phải chịu sự phản ứng dữ dội từ phía công chúng khi cho rằng phụ nữ không nên ăn mặc như nam giới với quần dài, áo vest. “Người ta chê cười và la lối”, nhà thiết kế miêu tả trong một buổi phỏng vấn năm 2005. “Thật là một trò hề”.
Nhưng điều gì khiến thiên hạ càng ngăn cấm, Yves lại càng muốn thực hiện. Và trong quá trình đó thu hút một lượng fan “cứng” là những người phụ nữ có tiếng nói nhất xã hội. Đỉnh điểm là khi nhà hoạt động xã hội kiêm doanh nhân thượng lưu Nan Kempner bị nhà hàng danh tiếng Le Côte Basque ở New York từ chối phục vụ khi mặc set Le Smoking, vì cho rằng bà đang mặc đồ không phù hợp và gây khó chịu cho người khác. Thế là bà cởi quần và biến áo vest thành váy mini như một cách xỉ vả lề lối cũ kỹ của họ! Năm sau đó, Bianca Jagger đã chọn đặt Yves Saint Laurent biến set Le Smoking thành suit cưới cho bản thân mình.
Trở thành biểu tượng của làn sóng bình đẳng giới
Song hành cùng với tiến trình phong trào nữ quyền, Le Smoking đã trở thành một vũ khí lợi hại trong công cuộc thể hiện các quan điểm bình quyền, phá bỏ những định kiến về “tính nữ” và tái định nghĩa sự quyến rũ của người phụ nữ. Thông qua Le Smoking, ranh giới thời trang giữa hai phái dường như bị xóa nhòa và tác động mạnh mẽ tới tư duy thiết kế trang phục nữ cũng như cổ vũ người phụ nữ lựa chọn những món đồ phi giới tính hơn để thể hiện cái tôi, cá tính và sự hấp dẫn của mình.
Hình ảnh một người phụ nữ cao gầy, khoác lên người Le Smoking, trên tay là điếu thuốc hút dở, tóc vuốt sling back trên đường Aubriot ở Paris về đêm có thể nói là một trong những khoảnh khắc kinh điển trong lịch sử thời trang. Bức ảnh huyền thoại do Helmut Newton bấm máy năm 1975 đã thể hiện hoàn hảo tinh thần mà Monsieur Yves Saint Laurent muốn gửi gắm qua Le Smoking: táo bạo, khiêu khích, gợi cảm và hấp dẫn.
Người bạn đồng hành của Yves Saint Laurent, doanh nhân Pierre Bergé từng nói: “Nếu Gabrielle Chanel mang phụ nữ đến với sự tự do thì Yves Saint Laurent trao cho họ quyền lực”.
Thật vậy, kỹ thuật cắt dựng hơi hướm may đo riêng (bespoke) của trang phục cổ điển nam giới kết hợp với form dáng được cá nhân hóa tối đa nhằm tôn lên đường cong trên nền vải tone màu đen huyền bí – Le Smoking đảm bảo cho người phụ nữ mặc nó một diện mạo rất “chic” kín đáo mà gợi cảm, thanh lịch và quyền lực. Bộ tuxedo này đã luôn hiện diện trong hàng loạt bộ sưu tập của hãng kể từ khi ra mắt lần đầu năm 1966 cho đến khi Yves chia tay với nhà mốt mang tên mình năm 2002.
>>> TÌM HIỂU THÊM: CHIC LÀ GÌ VÀ TỪ ĐÂU THUẬT NGỮ NÀY XUẤT HIỆN TRONG THỜI TRANG
Cho đến năm 2016, di sản của ông một lần nữa trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết góp phần củng cố nhận diện thương hiệu của nhà mốt dưới bàn tay tài hoa của NTK Anthony Vaccarello. Le Smoking của Anthony có nhiều thay đổi, cải biến về thiết kế và sử dụng đa dạng chất liệu hơn nhưng tinh thần mà nhà sáng lập muốn truyền tải về cách phụ nữ nhìn nhận sự nữ tính của bản thân, sự tự do trong lựa chọn và sự tự tin thể hiện con người cũng như cách họ muốn thế giới nhìn nhận mình chưa bao giờ phai nhạt. Bên cạnh đó, với phong trào bình đẳng giới và sự phát triển của cộng đồng LGBT+, bộ vest Le Smoking lại càng được ưa chuộng hơn bao giờ hết khi không đóng khung người mặc vào bất kỳ giới tính nào.
>>> XEM THÊM: NHỮNG THĂNG TRẦM TRONG LỊCH SỬ YVES SAINT LAURENT
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam