Gắn liền với những tên tuổi như Humphrey Bogart, Audrey Hepburn hay Kate Moss, chiếc áo trench coat được xem là đại diện cho sự thanh lịch của giới thượng lưu.
Tuy nhiên, có lẽ vì hình ảnh hiện đại của chiếc trench coat đi đôi với các minh tinh màn bạc nên giới fashionista thường quên mất lịch sử đẫm máu khai sinh trang phục này: giữa những chiến hào đầy bùn, đất và đau khổ thời Thế chiến thứ nhất.
“Các tạp chí thời trang thường bầu chọn áo trench coat là một trang phục cần có trong tủ quần áo, cùng với quần jeans và áo khoác bomber bằng da,” Amber Jane Butchart, giảng viên môn văn hóa và lịch sử thời trang tại trường Cao đẳng Thời trang London, cho biết. “Nhiều người thường ngạc nhiên về nguồn gốc và xuất xứ của trench coat, nhưng âu cho cùng đây cũng chỉ là một ví dụ cho việc thời trang dân dụng bị ảnh hưởng bởi trang phục quân sự, và ngược lại”.
Khai sinh trong chiến hào
Quay ngược dòng thời gian về những năm 1914–1918 của Thế chiến thứ nhất tại châu Âu. Dọc các chiến tuyến chạy dài từ biển Bắc qua đến Thụy Sỹ, quân Đồng Minh và quân đội Đức đã đào các chiến hào sâu, nơi binh lính ăn, ngủ, ẩn náu và chống chọi không chỉ với quân địch mà còn với thời tiết khắc nghiệt. Những chiến hào này, gọi là trench, chính là mầm mống khai sinh cho chiếc áo khoác trứ danh.
Lúc bấy giờ, binh lính thường mặc những chiếc áo khoác dài và dày, làm từ vải len. Chất vải dễ thấm nước và sự nặng trịch không phù hợp với điều kiện sống và thời tiết khắc nghiệt tại các chiến hào. Độ dài chấm đất khiến binh lính khó di chuyển khiến nhiều người phải tự dùng dao cắt bỏ đoạn vải dài bê bết bùn này. Chính vì vậy, chiếc áo trench coat có thiết kế ngắn ngang đầu gối với chất vải nhẹ và chống thấm bắt đầu được binh sỹ ưa chuộng.
Thiết kế đậm chất quân sự
Hãy thử tưởng tượng bạn là một người lính chuẩn bị ra trận. Rồi bắt đầu quan sát chiếc áo trench coat ưa thích của mình. Bỗng nhiên bạn nhận ra rằng tất cả những chi tiết thiết kế trên chiếc áo khoác này đều nhằm phục vụ mục đích quân sự (tuy những chiếc trench coat tân thời đã được lược bỏ bớt nhiều chi tiết xa xưa này), ví dụ:
- Epaulette: Phần cầu vai vốn được dùng để gắn quân hàm thể hiện cấp bậc của binh sỹ
- Gun flap: Miếng vải che một vạt ngực, giúp nước mưa không bị xả ngược vào trong áo khi bắn súng
- D-ring: Móc sắt ở dây nịt được dùng để đeo các vật dụng, như bao đựng bản đồ, súng, gươm hay đồ vật cá nhân khác
- Storm shield: Phần vải ngắn che sau lưng như một tấm bạt giúp xả nước mưa
- Back vent: Thiết kế xẻ chữ V ở phía sau tạo độ rộng cho áo khoác, giúp binh sỹ dễ di chuyển nhưng vẫn không bị ướt
Giải mã màu sắc của chiếc áo khoác trench coat
Chiếc trench coat truyền thống luôn được làm bằng vải màu khaki vì đây là sắc màu trung tính giúp binh sỹ ngụy trang vào đất đá. Trong tiếng Hindi, khaki có nghĩa là bụi. Thực dân Anh Quốc đã mượn sắc màu này từ Ấn Độ từ những năm 1850.
Trước thời chiếc trench coat, quân phục vốn luôn mang màu sắc sặc sỡ. Từ thời Trung Cổ, trang phục chói lọi giúp phân biệt địch–ta trong những trận xáp lá cà. Các nguyên liệu thiên nhiên tạo màu nhuộm chói như đỏ và xanh dương tương đối rẻ tiền, nên chúng được dùng đại trà cho quân phục.
Tuy nhiên, cuối thế kỷ thứ 19 xuất hiện các loại vũ khí tối tân hiệu nghiệm trong việc tấn công từ xa. Trang phục sặc sỡ với các chi tiết rườm rà bắt đầu trở thành điểm yếu khi biến binh sỹ thành những mục tiêu dễ lọt tầm ngắm. Sự đơn giản mà tiện lợi của chiếc trench coat đã khắc phục tất cả những điểm yếu của quân phục đương thời.
Từ quân phục đến trang phục thường dân
Khi quân Đồng Minh chiến thắng trong Thế chiến thứ nhất, hình ảnh người sỹ quan trong chiếc trench coat lấm tấm bùn đã trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước và sự dũng cảm.
“Từ trước khi chiến tranh kết thúc, Burberry đã quảng cáo rầm rộ hình ảnh các mẫu trench coat cho cả nam lẫn nữ trong tờ tuần san Illustrated London News,” Amber Jane Butchart cho biết. Chiếc trench coat mau chóng được lòng dân chúng vì thiết kế unisex dễ mặc.
Sau đó, nhiều mẫu quảng cáo tiếp tục khơi gợi mối liên kết giữa trench coat và xuất xứ hào hùng. Tuy nhiên, chính Hollywood lại là chất xúc tác giúp đưa trang phục này lền một tầm cao mới khi kết nối hình ảnh chiếc áo khoác với những vai nam chính gai góc mà lịch lãm của những bộ phim noir.
“Những năm 1930, các sản phẩm Hollywood được ưa chuộng đến mức trang phục trong phim luôn dấy lên những phong trào thời trang mới, khiến công chúng điên đảo,” bà Butchart giải thích. “Trong giai đoạn này, hãng phim Warner Bros đặc biệt sản xuất nhiều bộ phim hình sự, trinh thám với những anh chàng gangster trong áo trench coat. Chỉ trong 15 năm ngắn ngủi, áo trench coat đã trở thành là một biểu tượng gắn liền với phim noir và Humphrey Bogart trong Casablanca.”
Chiếc áo trench coat vẫn tiếp tục chinh phục Hollywood đến tận thập niên 1960. Không ai có thể quên được cảnh phim Breakfast at Tiffany’s: nàng Holly Golightly (Audrey Hepburn thủ vai) thật mong manh trong chiếc áo trench coat xám, đứng run rẩy dưới cơn mưa New York.
Đôi nét vui vui về chiếc áo trench coat
Ai là người đã sáng chế ra mẫu mã chiếc trench coat? Đến tận bây giờ, hai thương hiệu Burberry và Aquascutum vẫn còn tranh cãi.
Năm 1879, Thomas Burberry sáng chế ra vải gabardine. Đây là loại vải chống thấm được dệt từ sợi cotton. Lúc bấy giờ, người ta tạo ra vải chống thấm nước bằng cách bôi sáp hoặc cao su lên bề mặt vải, khiến chúng nặng trịch. Đối nghịch với những chất vải dày cộm này, gabardine mau chóng được ưa thích vì độ nhẹ và thoáng khí. Burberry bắt đầu thiết kế chiếc áo trench coat từ năm 1895 và bán ra khoảng 500.000 chiếc trong giai đoạn Thế chiến thứ nhất.
Aquascutum của London lại cho rằng mình tung ra mẫu trench coat sớm hơn, từ những năm 1850. Chất vải của áo khoác Aquascutum được dệt bằng vải len chống thấm.
Trong Thế chiến thứ nhất, nhiều thương hiệu thời trang Anh Quốc khác cũng may đo, bày bán và quảng bá trench coat. Ví dụ như Thresher and Glenny, Gerrish Ames and Simpkins, Kenneth Durward và David Moseley and Sons.
>>> Xem thêm: BURBERRY – KỴ SỸ VÀ ÁO TRENCH COAT
Nguồn: BBC, ArtofManliness, Gentlemen’s Gazette
Harper’s Bazaar Việt Nam