Bắt đầu từ ngày 17/10, Liên minh châu Âu đã bắt đầu công cuộc cấm vi nhựa trong mỹ phẩm và hàng tẩy rửa. Luật ban hành cấm những sản phẩm chứa kim tuyến – chính là một thể loại vi nhựa – không có khả năng phân hủy thiên nhiên.
Với đạo luật này, Liên minh châu Âu hy vọng sẽ ngăn cản khoảng nửa tấn hạt vi nhựa bị đổ ra môi trường.
CHÚ THÍCH: Vi nhựa (microplastics) có nghĩa là những mảnh nhựa li ti, đường kính nhỏ hơn 5mm. Chúng có thể đến từ sản phẩm nhựa bị rã ra trong môi trường, hoặc được thiết kế ở thể li ti như kim tuyến, sequin. |
Những loại mỹ phẩm chứa kim tuyến nào bị châu Âu cấm?
Ở giai đoạn 1, Liên minh Châu Âu bắt đầu cấm các loại kim tuyến rời, thường được dùng để đính lên mặt bằng keo hay đắp lên móng tay. Sau đó dần dần những sản phẩm khác bị cấm sẽ bao gồm mỹ phẩm có hạt polymer gốc dầu mỏ, ví dụ như sản phẩm tẩy tế bào chết vật lý chứa hạt nhựa; hàng tẩy rửa có hạt nhựa thơm như nước giặt, xả vải; các loại đồ chơi và nước hoa sử dụng hạt vi nhựa như thành phần tạo màu.
Tuyên bố chính thức cho biết: “Mục đích không phải là cấm tất cả các loại kim tuyến, mà là thay thế kim tuyến làm từ nhựa bằng kim tuyến thân thiện với môi trường hơn, không gây ô nhiễm đại dương của chúng ta.”
Như vậy, các loại kim tuyến làm từ nguồn gốc tự nhiên, có khả năng phân hủy hay hòa tan trong nước thì vẫn được cho phép bày bán như bình thường. Các loại hạt cườm làm bằng thủy tinh, pha lê; sequin cắt từ miếng kim loại dát mỏng; sản phẩm ánh nhũ lấp lánh từ khoáng chất mica đều không bị ảnh hưởng.
Với các mặt hàng đã được bày bán từ trước khi đạo luật ban hành, các nhà bán lẻ được phép thanh lý lượng hàng còn tồn trên kệ, trong kho thay vì phải đổ bỏ chúng. Tuy nhiên, các loại “mỹ phẩm trang điểm, son môi và sơn móng tay” chứa kim tuyến sẽ phải đi kèm với giấy cảnh báo “công thức chứa hạt vi nhựa”.
Những ảnh hưởng từ đạo luật mới của Liên minh Châu Âu
Việc cấm mỹ phẩm và hàng tẩy rửa chứa kim tuyến chỉ là bước đầu tiên của Liên minh Châu Âu. Mục tiêu chính là tìm ra các giải pháp thay thế thân thiện hạt vi nhựa để giải quyến vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ gốc.
Tuy nhiên, khi nghe phong thanh thông tin rằng chính phủ bắt đầu cấm mỹ phẩm chứa kim tuyến, giới yêu làm đẹp đã đổ xô đi mua sản phẩm này. Theo nhật báo The Guardian ghi nhận, ở Đức chứng kiến lượng mua sắm tăng vọt cho các mặt hàng lấp lánh.
Trong khi đó, giới chuyên môn dự đoán rằng nhiều người sẽ sang Anh Quốc để mua mặt hàng này – do Vương quốc Anh đã rời Liên minh châu Âu từ năm 2020 và không bị ảnh hưởng bởi luật cấm.
Do đó, dù các nhà bán lẻ bị châu Âu cấm bày bán mỹ phẩm chứa kim tuyến, lượng kim tuyến đổ ra môi trường chưa chắc sẽ suy giảm trong những năm tới.
Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu đăng tải trong tờ chuyên san khoa học Journal of Hazardous Materials, có lẽ không có loại kim tuyến nào thật sự thân thiện với môi trường. Cho dù nếu kim tuyến được làm từ vật liệu gốc thực vật hay mica, “nó phải được cuốn trong keo kết dính và tạo độ lấp lánh, thường là nhôm và polymer nhựa”, theo Lisa Erdle, manager chuyên nghiên cứu và phát triển tại 5 Gyres – dự án phi lợi nhuận tập trung vào việc giảm thiểu rác thải nhựa trong môi trường. Do đó, chỉ có cách cấm triệt để sản phẩm chứa kim tuyến mới có thể ngừng vi nhựa bị thải ra môi trường.
Vì sao thế giới quan tâm đến kim tuyến và vấn đề ô nhiễm vi nhựa?
Từ lâu, kim tuyến đã là một chủ đề lớn được đề cập đến tại các hội thảo về rác thải nhựa nói chung và vi nhựa nói riêng khắp toàn thế giới. Không riêng gì châu Âu, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấm hạt nhựa trong sữa rửa mặt, sản phẩm tẩy tế bào chết, và kem đánh răng tận từ năm 2015. Mỹ phẩm chứa kim tuyến cũng nằm trong lộ trình kế tiếp của việc ngăn ngừa ô nhiễm môi trường vì hạt vi nhựa ở Hoa Kỳ.
“Sau khi sử dụng chỉ một lần, hàng ngàn [miếng kim tuyến] rơi vào nguồn nước và tích tụ lại trong đất liền hay theo đường nước ra biển”, Meral Yurtsever, giáo sư về ngành kỹ sư môi trường tại trường đại học Sakarya ở Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ.
Hạt vi nhựa có thể nằm lại trong môi trường mà không phân hủy hàng trăm năm, bị ăn bởi động vật và đi vào chuỗi thức ăn, hoặc phân tán đi khắp thế giới theo những cơn mưa. Từ đó, chúng có thể thâm nhập ngược vào trong cơ thể của chúng ta qua đường ăn uống và hô hấp. Đến nay, vi nhựa đã bị phát hiện nằm trong phổi, dạ dày và ruột. Các nhà khoa học đã từ lâu khuyến cáo rằng vi nhựa tích tụ trong cơ thể có thể mang lại tác hại khó lường đến sức khỏe.
>>> ĐỌC THÊM: ĐÃ ĐẾN LÚC NGÀNH THỜI TRANG THAY THẾ SEQUIN, KIM TUYẾN, HẠT BẸT NHỰA
Trích dẫn Allure, Independent
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam