Lý do Godiva thua lỗ, phải đóng cửa 128 cửa hàng tại Mỹ

Thương hiệu chocolate Bỉ đình dám Godiva vừa chính thức từ giã thị trường Mỹ

Lý do Godiva thua lỗ, phải đóng cửa 128 cửa hàng tại Mỹ

Thương hiệu chocolate Bỉ Godiva vừa thông báo sẽ đóng cửa toàn bộ địa điểm bán lẻ tại Mỹ. Chuỗi cửa hàng gồm 128 địa điểm sẽ được đóng từ từ, từ nay cho đến hết tháng 03/2021.

Sau tháng Ba, Godiva sẽ chỉ còn website bán hàng qua mạng tại Mỹ. Chuỗi cửa hàng tại châu Âu, Trung Đông, và khu vực Trung Quốc vẫn mở cửa như bình thường.

Lý do Godiva đóng cửa, theo đại diện thương hiệu, do lượng khách mua sắm giảm sút. Tuy nhiên, từ khi dịch cúm toàn cầu bắt đầu cho đến bây giờ, lượng chocolate bán ra tại Mỹ đã tăng 5%, đạt doanh số 15 tỉ đô-la Mỹ. Tại Canada thì tăng 7%, khoảng 2 tỉ đô-la Mỹ. Vậy, lý do vì sao tình hình của Godiva lại sa sút đến vậy?

Godiva phải đóng cửa khi gặp khó khăn vì COVID-19

Món dâu bọc socola nổi tiếng của Godiva

• Thiếu vắng khách du lịch và khách vãng lai

Godiva định vị bản thân là thương hiệu chocolate danh tiếng. Vì vậy, hãng không phân phối qua các siêu thị như các thương hiệu chocolate bình dân.

Godiva luôn mở boutique riêng (có kiêm thêm quán cafe) tại các trung tâm thành phố, hay trong các toà nhà trung tâm thương mại. Cửa hàng đầu tiên của hãng tại Mỹ, mở năm 2019, là tại New York, bán các loại chocolate quà tặng cùng cafe có socola nóng, salad, croissant…

Vì lý do này, 50% lượng khách hàng của Godiva là nhóm khách du lịch. 25% còn lại là những người đi chơi cuối tuần, theo ước tính từ công ty nghiên cứu thị trường NPD Group.

Tuy nhiên, do dịch cúm COVID-19, lượng khách du lịch biến mất. Các trung tâm thương mại phải đóng cửa do giãn cách xã hội, nên cũng không còn khách vãng lai cuối tuần.

Riêng điểm này đã xoá sổ hết 75% lượng khách hàng thường trực của Godiva.

• Thiếu vắng sự kiện đặc biệt khiến giảm doanh số

Vậy 25% lượng khách còn lại của Godiva đến từ đâu? Chính là đến từ các sự kiện đặc biệt. Ví dụ những bữa tiệc sinh nhật, lễ cầu hôn, đám cưới… Mà tất cả những sự kiện này cũng phải hoãn vì đại dịch.

“Không có cơ hội tổ chức tiệc tùng, hội hè, thì không có nhu cầu cho những món ăn đặc biệt. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến việc kinh doanh của chúng tôi”, trích lời CEO Nurtac Afridi.

Tất cả những yếu tố này đều khiến doanh số suy giảm trầm trọng, dẫn đến trường hợp Godiva phải đóng cửa chuỗi cửa hàng riêng.

Mô hình cửa hàng đơn lẻ không dành cho tất cả thương hiệu

Godiva tự định vị là chuỗi cửa hàng chocolate cao cấp, có cafe, bán thức ăn đi kèm. Nhưng cuối cùng, mô hình này không thành công.

Khi kỷ nguyên Internet lên ngôi, bắt đầu xuất hiện mô hình DTC (direct to consumer – bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng). Từ đó mọc lên hàng loạt các cửa hàng boutique riêng của thương hiệu. Ai ai cũng cho rằng mở chuỗi cửa hàng riêng mới là đẳng cấp. Còn bán hàng tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng đa thương hiệu thì không sang bằng.

Thế rồi đại dịch ập đến. Những chuỗi cửa hàng đa thương hiệu và siêu thị bỗng trở thành đường sống duy nhất của nhiều thương hiệu, trong đó có Godiva. Đặc biệt nếu thương hiệu ấy không có website bán hàng qua mạng được vận hành tốt.

Việc Godiva đóng cửa toàn bộ 128 cửa hàng riêng, nhưng vẫn tiếp tục bán hàng qua các chuỗi siêu thị của Mỹ (như Target, Costco, Kroger) cho thấy rằng mô hình cửa hàng boutique không phù hợp với tất cả thương hiệu, cũng như tất cả các thể loại mặt hàng.

>>> Xem thêm: BẠN ĐÃ BIẾT VỀ RUBY CHOCOLATE, LOẠI SÔCÔLA HỒNG TỰ NHIÊN?

Ảnh: Godiva
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm