Búp bê Barbie thay đổi lịch sử đồ chơi trẻ em
Búp bê thời trang Barbie do tập đoàn Mattel ở Mỹ sản xuất. Sản phẩm ra mắt lần đầu tại Hội chợ American International Toy Fair năm 1959. Đây là một sáng tạo của Ruth Handler sau khi quan sát cô con gái Barbara chơi với búp bê.
Điểm làm nên sự khác biệt cho Barbie chính là thân hình mô phỏng thiếu nữ thật. Nó không giống với những món búp bê cho con nít khác cùng thời.
Mẫu búp bê Barbie đầu tiên trên thế giới xuất hiện trong một bộ đồ bơi sọc đen trắng. Giày cao gót màu đen. Hoa tai dạng tròn. Mái tóc vàng óng ả cột đuôi ngựa đặc trưng. Đó là một người mẫu thời trang kiêu kỳ.
Sau đó, nàng búp bê nhanh chóng thay đổi hàng loạt diện mạo khác nhau. Barbie còn xuất hiện với tư cách phi hành gia, bác sĩ và vận động viên…
Chưa dừng lại ở đó, theo sự phát triển của thế giới, Barbie ra mắt trong hàng loạt hình mẫu khác nhau – từ màu da đến màu mắt. Thậm chí có cả phiên bản nam. Kể từ đó, Barbie trở thành món đồ chơi bán chạy nhất lịch sử, phá bỏ quan điểm “búp bê chỉ dành cho bé gái”. Sản phẩm đồng thời mở ra cánh cửa mới cho ngành thời trang.
Trở thành một biểu tượng thời trang
Barbie mang đến những cảm hứng trong thời trang, thậm chí còn là bệ phóng của các tài năng thời trang. Việc mê “chưng diện” cho nàng búp bê của mình khiến nhiều người khi lớn lên đã theo đuổi ngành thời trang chuyên nghiệp.
Từ năm 1985, hàng loạt thương hiệu thời trang lớn như Oscar de la Renta, Christian Louboutin, Moschino, Yves Saint Laurent… cũng hợp tác thiết kế phục trang cho nàng búp bê này.
“Tôi đã thử nghiệm những thiết kế đầu tiên của mình trên búp bê Barbie. Tôi nghĩ rằng nhiều nhà thiết kế cũng thực hiện tác phẩm đầu tiên của mình theo cách đó”.
– Nhà sáng lập CULTNAKED, Mary Furtas –
Barbie được quảng cáo là “Người mẫu thời trang dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên”. Ảnh hưởng của Barbie đã vượt ra ngoài phạm vi của một món đồ chơi. Nó trở thành một biểu tượng văn hóa và được vinh danh trong nhiều lĩnh vực. Bằng cách tạo ra một con búp bê với đặc điểm của người trưởng thành, Mattel “cho phép các cô gái trở thành bất kỳ thứ gì mà họ muốn”.
“Barbie được truyền cảm hứng từ văn hóa đại chúng và thời trang. Và giống như nhiều người trong chúng ta, phong cách của Barbie phát triển để phản ánh xu hướng và văn hóa ngày nay”, Kim Culmone, phó chủ tịch kiêm trưởng bộ phận thiết kế thời trang và búp bê Barbie tại Mattel, chia sẻ.
Nhà thiết kế thời trang Betsey Johnson lưu ý, Barbie là biểu tượng của một tờ giấy trắng. Mời mọi người thể hiện phong cách riêng mình, mặc kệ xu hướng. Barbie đại diện cho sự trao quyền, tích cực và tự tin. Không chỉ dùng tông hồng ngọt ngào, cam, xanh lá, và các màu sắc tươi sáng thể hiện được tính cách đều có thể đại diện cho một Barbie hoàn hảo.
Barbie, tiêu chuẩn vẻ đẹp và công cuộc phục hưng thương hiệu
Mattel thoạt tiên công bố Barbie không gây ảnh hưởng đến quan điểm về cơ thể tiêu chuẩn của phái nữ. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu năm 2006 công bố trên tạp chí Tâm lý học Phát triển cho thấy: Những cô gái tiếp xúc với Barbie khi còn nhỏ quan tâm hơn để có cơ thể gầy. Theo nghiên cứu, trung bình một cô gái Mỹ sở hữu 10 búp bê Barbie. Hình ảnh phi thực tế của Barbie về tiêu chuẩn sắc đẹp của phái nữ có thể gây tổn hại đến lòng tự trọng ở cả bé gái lẫn bé trai.
Đồ chơi được tạo ra để giúp trẻ em xây dựng trí tưởng tượng và cho chúng được thực hành bất cứ ngành nghề nào chúng muốn. Đồ chơi ảnh hưởng không nhỏ đến ý thức và quan điểm của trẻ trong suốt quá trình trưởng thành. Ken và Barbie truyền thống có số đo cơ thể không thực tế, gây hại cho tâm lý. Do đó, Mattel đã nghiên cứu và cải cách búp bê Barbie.
Mattel tuyên bố rằng họ “có trách nhiệm với các cô gái và bậc phụ huynh trong việc phản ánh một tầm nhìn rộng hơn về cái đẹp”.
Các mẫu Barbie mới không có thân hình mảnh dẻ nữa. Đùi to hơn, những đường cong lớn hơn bình thường. Không dễ thay trang phục cho búp bê như trước nữa. Váy bị kẹt ngay ngực. Nhà thiết kế trang phục cho Barbie nói: “Hãy thử mặc từ chân lên”. Thân hình của Kim Kardashian, Beyoncé và Christina Hendricks là những ví dụ cho biểu tượng “tiêu chuẩn hình thể mới” mà Barbie giới thiệu.
Mattel hy vọng rằng những mẫu búp bê mới sẽ gần gũi hơn với những chủ nhân trẻ tuổi. Đương nhiên, chiến dịch cải cách này của Barbie đã vấp phải rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như ngay tại những bước thực hiện đầu tiên, chỉ mỗi việc dịch các thuật ngữ “petite, tall and curvy” (tạm dịch: nhỏ nhắn, cao và cong) sang hàng chục ngôn ngữ khác nhau mà không gây phản cảm đã mất hàng tháng trời. Hơn nữa, sở hữu búp bê bản mới đồng nghĩa với việc phải thay thế tủ quần áo cũ. Các bộ váy nhỏ nhắn của Barbie bản cũ không dùng cho búp bê mới được.
Những nỗ lực thay đổi của Barbie đã được ghi nhận. Năm 2015, trong một quảng cáo, hình tượng Barbie gợi cảm hứng để bé gái có thể trở thành bất cứ hình mẫu nào mà bé muốn. Công ty nghiên cứu thị trường NPD đã vinh danh Barbie là sản phẩm đồ chơi toàn cầu hàng đầu năm 2020.
Bianca Guimaraes, Giám đốc Sáng tạo Điều hành Công ty quảng cáo Mischief, bình luận: “Phục hưng một thương hiệu 60 năm tuổi không dễ. Barbie thành công vì họ đã nhận ra vấn đề. Và họ đã thực hiện từng bước cụ thể để giải quyết những vấn đề đó”.
BÚP BÊ BARBIE – NGÔI SAO STREET STYLE TẠI CÁC TUẦN LỄ THỜI TRANG
BÚP BÊ BARBIE ĐOẠT GIẢI CỐNG HIẾN TẠI CFDA 2019
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam