Burberry Knight Blue: Daniel Lee phủ xanh tuần lễ thời trang London

Sau khi tạo nên sắc xanh lá cây Bottega từng gây sốt giới mộ điệu thời trang, Daniel Lee khi về với Burberry lại "bổn cũ soạn lại" với sắc xanh Burberry Knight Blue

Màu xanh mới của Burberry, gọi là Burberry Knight Blue, tại cửa hàng của thương hiệu. Ảnh: Burberry

Kết hợp màu xanh dương (blue) và tên thương hiệu Burberry thì ta sẽ có gì? Đó là blueberry, món việt quất ngọt ngào dinh dưỡng có màu xanh tím đặc thù. Màu xanh tím này, với tên gọi Burberry Knight Blue, cũng là sắc xanh nhận diện mới của thương hiệu nước Anh dưới sự lèo lái của giám đốc sáng tạo Daniel Lee.

Áp lực cho Daniel Lee, người tạo ra trào lưu

Daniel Lee trong màu xanh Burberry Knight Blue. Ảnh: Burberry

Nói đến cái tên Daniel Lee là nói đến những trào lưu làm sôi sục giới yêu thời trang. Đó là những chiếc túi  mềm mại và êm ái, bắt nguồn từ Bottega Veneta và khiến hàng loạt thương hiệu sau đó phải có một mẫu cho riêng mình. Và cả màu xanh lá cây Bottega (Bottega Green), một biểu tượng không logo mà cứ nhìn thấy là phải nghĩ đến thương hiệu Ý.

Bây giờ, về đến Burberry, Daniel Lee bị áp lực phải tạo ra những điều ngoạn mục không kém. “Tôi nghĩ rằng sự mong đợi lớn hơn”, nhà thiết kế 37 tuổi nói. “Trước kia, chẳng ai biết tôi là ai. Bắt nguồn từ con số không đôi khi dễ hơn tự chiến đấu với bản thân mình. Bởi vì chắc chắn tôi muốn làm tốt hơn những gì mình đã làm được”.

Chiến dịch quảng cáo Thu Đông 2023 của Burberry tập trung vào tính chất “Anh” của thương hiệu, như hoa hồng (hàm nghĩa English Rose, có nghĩa là người đẹp), họa tiết kẻ sọc carô và logo kỵ sĩ

Ban quản lý Burberry hy vọng ma thuật của Daniel Lee sẽ giúp thương hiệu Anh phát triển vượt bậc. Lần cuối Burberry bùng nổ trên các diễn đàn thời trang là tận từ thập niên 2000, khi thương hiệu được lèo lái bởi giám đốc sáng tạo Christopher Bailey và giám đốc điều hành Angela Ahrendts.

Có khá nhiều điểm tương đồng giữa Christopher Bailey và Daniel Lee. Cả hai đều là những người đi đầu, tạo ra trào lưu.

Cụ thể, cựu giám đốc sáng tạo Christopher Bailey đã dẫn đầu làn sóng chọn ngôi sao thay vì người mẫu cho các chiến dịch quảng cáo; là người đầu tiên áp dụng công nghệ livestream để trình chiếu các sàn runway; đã biến áo khoác của Burberry thành một sản phẩm phải có trong tủ đồ của giới sành điệu, đồng thời tăng doanh số cho thương hiệu 13% với riêng item này.

Daniel Lee được kỳ vọng sẽ tạo được những cú đột phá cho Burberry không kém cách Christopher Bailey đã từng.

Màu xanh Burberry Knight Blue, chiến thuật của Daniel Lee

Daniel Lee tái sinh logo hình kỵ sĩ cho Burberry. Ảnh: Burberry

Làm sao để Burberry bứt phá trở lại? Daniel Lee cho rằng cần tập trung vào bản chất rất Anh của thương hiệu. Do đó, anh đã khai thác hết cỡ những đường kẻ caro tartan – một họa tiết không chỉ quan trọng với Burberry mà còn với cả văn hóa Anh, đưa logo kỵ sĩ (equestrian knight logo) trở về với bộ mặt thương hiệu, cũng như nhấn mạnh đẳng cấp của dòng chữ “Made in England”.

Song song, anh còn thực hiện lại chiến dịch mình từng xây dựng thành công ở Bottega Veneta, đó là tạo ra một sắc màu kinh điển cho Burberry.

Màu xanh Blue Knight Burberry kết hợp với sọc carô quen thuộc của nhà mốt Anh. Ảnh: Burberry

Trước khi Christopher Bailey đến với Burberry, họa tiết kẻ sọc caro của nhà mốt Anh xuất hiện khắp nơi, làm loãng giá trị nhận diện thương hiệu. Christopher Bailey đã ngay lập tức xóa sổ họa tiết này trong các bộ sưu tập suốt nhiều năm, trước khi từ từ mang chúng trở lại ở một diện mạo trang trọng hơn.

Daniel Lee cũng phải cẩn thận trước việc khai thác họa tiết kẻ carô tartan của Burberry. Do đó, tạo ra một sắc màu nhận diện không logo cho thương hiệu là chiến thuật hay. Anh gọi màu xanh biển rất chói, lai giữa xanh cobalt và xanh tím, là Burberry Knight Blue.

Con phố Bond Street được đổi tên ngắn hạn thành Burberry Street. Ảnh: Burberry

Màu xanh Burberry đã được nhà mốt sử dụng để “phủ xanh” London xuyên suốt dịp tuần lễ thời trang. Nhiều biển hiệu và bảng biển trên phố đã được sơn lại trong giai đoạn này. Thương hiệu thậm chí đổi tên con đường thời trang Bond Street thành Burberry Street, khiến các du khách và dân địa phương sử dụng tàu điện ngầm bị bối rối khi không nhận ra trạm dừng chân của mình!

Sau London, màu xanh Burberry cùng kỵ sĩ cưỡi ngựa đổ bộ Seoul, Thượng Hải, và New York, thông qua chiến dịch Burberry Streets.

Bên trong cửa hàng ở phố Bond, nội thất cũng áp dụng màu xanh Burberry Knight Blue. Ảnh: Tom D Morgan

Bên cạnh đó, màu xanh Burberry cũng đã kịp xuất hiện trên các trang phục, túi xách, và gần đây nhất – trong bộ sưu tập Xuân Hè 2024 – là đế giày. Nếu Christian Louboutin có đế giày đỏ, vậy Burberry có đế giày xanh, quả thật hợp lý.

Giày đế xanh sẽ là nhận diện mới của Burberry? Ảnh: Burberry

Vui vui: Vì sao màu xanh được gọi là Burberry Knight Blue thay vì Burberry Blue?

Có lẽ vì Burberry không muốn màu xanh đặc trưng mới bị trùng tên với phân nhánh nhỏ gọi là Burberry Blue Label, được chế tác độc quyền ở Nhật thông qua màn nhượng quyền thương hiệu với nhà phân phối Sanyo Shokai trong giai đoạn 1970 – 2015.

Vì hợp đồng nhượng quyền này, Nhật Bản xuất hiện nhiều sản phẩm gắn nhãn Burberry Blue Label kèm dòng chữ “Made in Japan” không hề xuất hiện trên catalogue của công ty mẹ tại Anh.

Bên cạnh đó, chữ “knight” còn có nhắc nhớ đến logo Equestrian Knight của thương hiệu và gợi cảm giác vương giả, xa xỉ cho sắc màu này.

TỪ ĐIỂN MÀU SẮC THỜI TRANG:

Trích dẫn Financial TimesJapan Strategy
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm