Telfar tiếp tục chiến dịch “chống xa xỉ” bằng mô hình định giá trực tiếp (live price)

Với trọng tâm là giữ cho các sản phẩm của mình có giá cả phải chăng và dễ tiếp cận, Telfar tiếp tục làm rung chuyển thị trường túi xách xa xỉ bằng mô hình định giá thời trang ra mắt ngày 27/03 vừa qua.

Chiếc túi Telfar trở thành một It bag giá mềm. Nối tiếp, Telfar áp dụng mô hình Live Price gây bão giới mộ điệu. Ảnh: Telfar

Nổi lên như một hiện tượng vào năm 2019, những chiếc túi Telfar phom dáng tote đơn giản và chỉ có logo dập nổi, bằng cách nào đó, lại trở thành một trong những chiếc túi “It” lớn nhất của thập kỷ. Không chỉ xuất hiện trong những lời ca trong bài hát Summer Renaissance của nữ hoàng nhạc đương đại Beyoncé, chiếc túi còn khiến các gương mặt lão làng trong làng mốt phải chú ý, bởi dù sở hữu mức giá hợp lý vẫn có thể cạnh tranh với các nhà mốt xa xỉ.

>>> XEM THÊM: IT BAG LÀ GÌ, VÀ NHỮNG CHIẾC TÚI XÁCH CHẲNG AI NGỜ SẼ TRỞ THÀNH IT BAG

Mô hình định giá Telfar Live Price

Nhờ mục đích luôn giữ mức giá phải chăng và dễ tiếp cận, NTK Telfar Clemens đã từng bước làm rung chuyển thị trường túi xách xa xỉ. Bây giờ, anh lại có ý tưởng táo bạo hơn. Thương hiệu có trụ sở tại New York thông báo rằng họ tung ra bộ sưu tập Telfar Live Price mới với công cụ định giá trực tiếp. Mô hình định giá trực tiếp này hứa hẹn có thể thay đổi cuộc chơi trong ngành bán lẻ thời trang.

Những thiết kế từ BST mới nhất “Telfar Live Price”. Ảnh: Telfar

Bộ sưu tập này không có giá bán cố định! Ngược lại, tốc độ bán hàng quyết định giá bán cuối cùng của sản phẩm. Mức giá khởi điểm là giá bán buôn (wholesale, thường chỉ khoảng 50% so với giá bán lẻ). Theo đồng hồ đếm giờ, cứ mỗi khắc thời gian trôi qua thì giá lại tăng nhẹ, cho đến khi đạt mức giá bán lẻ niêm yết (MSRP – Manufacturer Suggested Retail Price).

Nếu người tiêu dùng vô cùng yêu thích một món đồ và nhanh tay mua hết nó trước khi thời gian trôi qua hết, Telfar sẽ dùng mức giá cuối cùng mà sản phẩm được bán ra để định giá bán sản phẩm trong tương lai. Ví dụ: Nếu một chiếc áo có giá bán khởi điểm là 100 đô-la Mỹ và cháy hàng ở điểm 200 đô-la Mỹ, mặc dù giá bán lẻ là 300 đô-la Mỹ, thì trong tương lai nó sẽ được bày bán với mức giá đạt cột mốc sold out là 200 đô-la Mỹ.

Hoạt động này như một cách để vừa thu thập dữ liệu về thói quen mua sắm của khách hàng, nhằm biết được đâu là sản phẩm yêu thích nhất của họ, như vậy để thương hiệu có thể tăng cường sản xuất mặt hàng/nhóm hàng ấy trong tương lai. Telfar Live Price cũng là biện pháp thôi thúc khách hàng nhanh tay mua sản phẩm yêu thích vì “bạn càng nhanh tay, bạn càng chộp được giá tốt”.

Bước tiếp theo để Telfar viết lại cuộc chơi thời trang

Telfar Clemens, cha đẻ của Telfar bên cạnh những chiếc túi làm nên thương hiệu. Ảnh: Sue Kwon cho Harper’s Bazaar

Mô hình Telfar Live Price còn phơi bày hoạt động bên trong của mô hình định giá truyền thống của ngành, như một cách khiêu khích những thương hiệu khác mạnh dạn thay đổi cách định giá. “Rất nhiều thương hiệu [xa xỉ] dùng giá cả như cách để hạn chế người mua. Tôi không bao giờ muốn điều đó xảy ra với thương hiệu cá nhân”, NTK Telfar Clemens nói.

Công thức định giá mới lạ Telfar Live Price là một động thái phù hợp với cách vận hành của Telfar, thương hiệu định vị mình là sang trọng mà không cần mức giá cao ngất ngưởng. Nhằm thay đổi các tiêu chuẩn của ngành thời trang, việc áp dụng một mô hình khác biệt là tối quan trọng. Thông thường, một thương hiệu thường áp đặt hạn mức đối với sản phẩm được săn lùng nhất của mình – có thể là hạn mức về sản phẩm bán ra (chỉ dành cho khách VIP) hay giới hạn về giá cả (có giá khởi điểm cao). Nhưng với Telfar Live Price, mặt hàng phổ biến nhất, bán chạy nhất của thương hiệu lại có giá rẻ nhất.

Telfar Clemens chia sẻ rằng mình và Babak Radboy, giám đốc sáng tạo đã nảy ra ý tưởng này dựa trên việc thương hiệu của mình chưa bao giờ phát triển dựa trên khái niệm độc quyền. Telfar luôn giúp sản phẩm của mình trở nên dễ dàng tiếp cận hơn với bất kỳ ai mong muốn sở hữu chúng. Trên thực tế, điều này đã làm đảo lộn trật tự kinh doanh của các thương hiệu xa xỉ, thông thường sẽ tăng giá khi nhu cầu cao hoặc biến những món đồ thời trang thành vật phẩm hiếm hoi để tăng giá trị.

Chiếc túi mới nhất từ màn collab của Telfar và UGG cũng được mở bán trong đợt này. Ảnh: Telfar

Có thể thấy, mô hình định giá vừa là chiến dịch giúp Telfar lần nữa nhấn mạnh định hướng khác biệt trong giới thời trang khiến cả thế giới phải chú ý. Đây còn là một phần của chiến lược marketing thông minh giúp Telfar đẩy mạnh doanh số bằng mức giá có thể tiếp cận nhiều đối tượng nhất có thể.

Có thể bạn quan tâm:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm