Mùa vàng Tây Bắc

Dù không phải lần đầu tiên lên thăm Mù Cang Chải vào mùa thu, khi những thửa ruộng bậc thang đã được nhuộm vàng bởi màu lúa chín, tôi vẫn không hết kinh ngạc trước vẻ đẹp mê hoặc của nơi đây

Tây Bắc, một địa danh mà khi nhắc đến chúng ta đã có thể liên tưởng đến một vùng rừng núi xa xôi, nơi có nhiều cảnh sắc hùng vỹ, có bản làng dưới những dãy núi. Chúng ta cũng nghĩ tới những ngôi nhà đơn sơ chênh vênh trên sườn đồi, nơi mà cuộc sống đồng bào Mông sinh ra, gắn bó và lớn lên rồi trở về với núi rừng. Đó là mảnh đất đã nuôi dưỡng họ, nơi cuộc sống luôn bình yên giữa lưng chừng trời.

Huyện Mù Cang Chải nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.000 mét so với mặt nước biển. Đây là một trong những huyện miền núi Tây Bắc còn khó khăn nhưng thiên nhiên lại mang tới cho du khách cảm giác choáng ngợp bởi sự kỳ vỹ.

Với tinh thần lao động miệt mài, người Mông đã biến những sườn núi, sườn đồi thành những thửa ruộng bậc thang mênh mông ngút ngàn. Tôi nhớ đã có ai đó so sánh Mù Cang Chải tựa như một chiếc đàn piano khổng lồ mà mỗi thửa ruộng là một phím đàn. Đó quả là một so sánh thú vị. Tuy nhiên, đối với tôi, khung cảnh ấy tựa như những nấc thang đưa tôi thoát khỏi thế giới ồn ào để bước tới thiên đường của những cảnh sắc, để được lặng mình trước vẻ đẹp của tự nhiên và con người.

Những ngày đầu tháng Mười, Tây Bắc khoác lên mình một chiếc áo mới. Khi những tia nắng đầu tiên rọi xuống báo hiệu một ngày nắng chan hòa, trước mắt chúng tôi hiện ra một khung cảnh bao la, tuyệt đẹp. Do quá trình chọn và ngâm ủ hạt giống, gieo mạ của đồng bào và thời gian trổ đòng của những bông lúa khác nhau, tới lúc chín, lúa tạo ra nhiều sắc vàng quấn quýt, đan xen vào nhau như một bức tranh trừu tượng.

201112_escape-mu-cang-chai-02

 

Tâm hồn của núi rừng

Dù đã tới đây nhiều lần, bức tranh mùa thu vàng vẫn luôn khiến tôi xúc động. Tôi đứng lặng trước sự kỳ diệu của những thửa ruộng bậc thang ngút tầm mắt, nơi mà máy móc không thể đến, trâu bò khó có thể đi, chỉ còn lại công sức của con người. Bản chất cần cù từ bao đời nay biến sự cằn cỗi của núi rừng thành những hạt gạo dẻo thơm, nơi đã nuôi sống biết bao thế hệ người Mông. Tôi vô cùng thán phục sự cần lao, can trường của con người nơi đây. Tuy nhỏ bé trước thiên nhiên nhưng họ quả thực đã làm nên những điều phi thường.

Không khí nhộn nhịp của ngày mùa đến với từng mái nhà, đem niềm vui tới những người già, em bé. Họ háo hức và chờ đợi thành quả lao động trên những thửa ruộng, nơi mà sự gian truân, những giọt mồ hôi đã thấm xuống đất để cho những sắc vàng báo hiệu một mùa bội thu. Trên đường đi, tôi bắt gặp bao nụ cười không chút âu lo.

201112_escape-mu-cang-chai-03

Người dân chào đón chúng tôi, những người khách dưới xuôi chưa một lần gặp, với sự ấm áp, nhiệt thành. Mọi rào cản, mọi toan tính không có chỗ trong tâm hồn họ. Tới đây, mọi bất an, mọi tất bật của cuộc sống ở chốn thị thành đã nhường chỗ cho sự thanh thản, bình yên và hạnh phúc. Tất cả tựa như món quà quý giá mà thiên nhiên và con người Mù Cang Chải đã mang lại. Tôi cứ vừa bước đi vừa mỉm cười mà chẳng cần tới lý do cụ thể nào.

Đối với trẻ con ở đây, chúng tôi là những người khách vui tính. Mọi thôn bản chúng tôi ghé thăm đều rộn vang tiếng nói, tiếng cười không ngớt của những đứa trẻ có đôi mắt sáng long lanh. Xúc động với sự quan tâm của các em, chúng tôi hào hứng vẫy tay chào và không quên chia kẹo cho chúng.

Càng ở đây lâu, tôi càng cảm thấy được sự hồn nhiên trong tâm hồn họ. Khi gặp một phụ nữ Mông, tôi vui vẻ hỏi:

“Năm nay nhà mình gặt được bao nhiêu tấn lúa?”.
“Không nhiều đâu, ít lắm… còn nghèo lắm, không giàu bằng dưới xuôi đâu”.
“Thế nhà chị có tổng cộng bao nhiêu mẫu ruộng?”.

Thay lời đáp là tiếng cười và khuôn mặt quay đi trong e thẹn. Tôi thầm chúc cho họ có một vụ mùa bội thu. Tôi cũng mong vẻ đẹp thật thà, chân thành và hồn nhiên này cũng còn lại mãi. Nghe nói đã có nhiều người dưới xuôi tính lên đây làm ăn, chưa kể số lượng du khách ngày càng đông đúc, biết đâu…

 

201112_escape-mu-cang-chai-05

 

Bức tranh văn hóa đa màu

Mù Cang Chải vào mùa xuân, những cây đào rừng trổ hoa, làm ánh lên sắc hồng tươi vui giữa bạt ngàn núi rừng. Tuy nhiên, sắc màu ở đây không chỉ là màu hồng của hoa, xanh của lá hay vàng của lúa mà còn ở đời sống văn hóa con người. Ngoài những hoạt động của ngày mùa, ở đây còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống thú vị khác. Vào bản vùng cao ở Mù Cang Chải, bạn có thể cùng người dân pha sáp ong vẽ lên vải đay. Bạn cũng có thể tham gia vào công việc nấu và đúc bạc cũng như quan sát họ chế tác thủ công thành các món nữ trang bằng bạc xinh xắn như vòng tay, vòng đeo chân hay khuyên tai.

Ở nơi đây, mỗi dân tộc lại góp thêm một phần vào vẻ đẹp văn hóa đa dạng. Người Dao ở Mù Cang Chải hát giao duyên vào ngày hội, ngày lễ mừng cơm mới, ngày lễ hội Đông Cuông, ngày lễ Tết Nhảy… Trong khi đó, múa khèn là một trong những nếp giao lưu độc đáo của người Mông, thường được tổ chức ào mùa xuân, dịp Tết hay đám cưới. Âm thanh của khèn ngân lên vừa như trách, vừa như hờn giận, vừa như mời gọi…

Âm thanh ấy cũng mạnh mẽ như chính hơi thở của cuộc sống người Mông, giúp họ vượt qua những khó khăn để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cây khèn của người Mông có thể ví như một báu vật truyền lại cho các thế hệ sau, trở thành âm thanh của thời gian và là một phần văn hóa không thể thiếu của dân tộc này.

201112_escape-mu-cang-chai-06

Hương vị và dư âm

Ghé thăm nhà một người bạn làm quen từ lần đi trước, tôi được mời ăn cơm nếp, hịt gác bếp đặc sản nơi đây. Món ăn quen thuộc của người Mông là thịt trâu, bò, lợn sau khi giết mổ, tẩm muối và gác lên bếp cho khói củi bao bọc quanh năm. Hương núi rừng cùng với hơi lửa ấm đã mang lại cho thịt hương vị thơm ngon có một không hai.

Không chỉ vậy, đến với Mù Cang Chải bạn còn được thưởng thức cốm xanh, mật ong lấy từ trong rừng với hương vị đặc trưng. Và chắc chắn, bạn cũng không nên bỏ qua chè Tuyết San, đặc sản nổi tiếng được hái từ các búp non của cây chè cổ thụ trên những đỉnh núi quanh năm sương phủ.

Mang theo những món quà từ rừng núi, chúng tôi trở về xuôi cùng nỗi niềm “chưa đi đã nhớ”. Giờ đây, chỉ cần nhắm mắt lại là tôi có thể hình dung ra bức tranh ruộng bậc thang vàng óng, dáng người H’Mông vượt đèo trèo núi. Tôi nhớ cả nụ cười e thẹn của người phụ nữ Mông, tiếng cười giòn tan của những đứa trẻ. Bằng trái tim và bàn tay, họ đã biến những cằn cỗi thành mùa màng, biến sườn đồi thành tấm thảm vàng khi mùa thu tới, biến tiếng gió tiếng suối thành điệu khèn, lời hát.

Tôi nghĩ chắc chắn ai đã lên đây một lần đều khó có thể ra về với sự dửng dưng. Những màu sắc, giai điệu Mù Cang Chải sẽ ở lại mãi trong lòng mỗi du khách. Và rồi khi trở lại với cuộc sống hàng ngày, họ có cho riêng mình sự yên lành và cả niềm nuối tiếc về một cuộc sống thanh bình vẫn diễn ra từ ngàn đời nay giữa lưng chừng trời. Chắc chắn họ sẽ thầm hẹn với nơi đây một ngày gặp lại.

201112_escape-mu-cang-chai-07

 Bài: Chiến Bầu – Ảnh: Khoa Trần

Xem thêm