Chắc hẳn ai trong chúng ta đều ít nhiều biết về Tháp nhu cầu Maslow. Đây là một lý thuyết về tâm lý học được đề xuất bởi Abraham Maslow trong bài viết A Theory of Human Motivation năm 1943. Hệ thống nhu cầu của Maslow có dạng kim tự tháp, với những nhu cầu cơ bản nhất, lớn nhất ở phía dưới. Đỉnh của kim tự tháp là nhu cầu tự thể hiện và siêu việt.
Năm tầng của Tháp nhu cầu Maslow được thể hiện theo thứ tự: Thể chất sinh lý; An toàn; Giao lưu, Được tôn trọng; Được thể hiện bản thân. Nhu cầu thứ năm là cấp độ phát triển tâm lý cao nhất. Ở đó, tiềm năng cá nhân được nhận thức đầy đủ sau khi các nhu cầu cơ bản về thể lý và bản ngã đã được hoàn thành.
Chính vì vậy, khi cuộc sống đủ đầy, con người càng có nhu cầu khẳng định bản thân. Ngoài ra, công nghệ và truyền thông tạo điều kiện cho nhu cầu này phát triển. Đó là nguyên nhân khiến mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok… phát triển như vũ bão. Và nếu nói không quá, tiền tài, danh vọng có thể đến rất nhanh dù bạn không phải người nổi tiếng.
Bạn chỉ cần biết cách dùng mạng xã hội và một số thiết bị công nghệ. Số lượng “like” hay “thả tim” cũng giống thước đo cho sự nổi tiếng. Càng có nhiều người theo dõi, bạn càng chứng tỏ bản thân trong mắt người khác. Đó là cách thể hiện trên mạng xã hội. Thế ở ngoài đời? Giới trẻ hiện nay còn thể hiện bản thân như thế nào?
Không ngại chi tiền để tìm thấy hạnh phúc, thỏa mãn ước mong của bản thân, khẳng định thực lực
Năm 2016, Ngọc Trinh làm phim Vòng eo 56. Đây tựa như một cuốn phim tự truyện kể về cuộc đời cô: một cô gái miền Tây nghèo lên Sài Gòn lập nghiệp. Phim tạo ra nhiều ý kiến tranh cãi nhưng vẫn mang về doanh thu nhất định từ phòng vé. Không thể phủ nhận dù không thích nữ diễn viên, người ta vẫn đến rạp để “xem cô này nói gì”.
Nếu bỏ tiền ra để khẳng định mình mà vẫn thu lại lợi nhuận, đó là câu chuyện quá đỗi dễ hiểu. Thế nhưng, ở hiện tại, có nhiều dự án cá nhân với vốn đầu tư không hề nhỏ. Dù đoán được khả năng lỗ vốn là rất cao nhưng họ vẫn làm. Bởi đơn giản, nhu cầu được thể hiện mình, khẳng định bản thân là điều cần thiết mang đến nhiều màu sắc cho cuộc sống của chính họ.
Tôi biết một nữ doanh nhân (xin được phép giấu tên) bán nhà để lấy kinh phí làm phim. Bộ phim vừa hoàn thành ghi hình tại Đà Lạt vào tháng 4-2022. Cô vào vai nữ chính. Đây lại là một tác phẩm phim tiểu sử về cuộc đời… nữ doanh nhân. Cô chia sẻ: “Ngoài việc cho mọi người biết đến, bộ phim này còn là giấc mơ từ thơ bé. Em muốn làm điều em thích và ấp ủ từ lâu. Để mà sau này nếu có nhìn lại, em cũng không hối tiếc vì mình dám làm nhiều điều vượt cả giới hạn”.
Muôn kiểu khẳng định bản thân: Viết sách, triển lãm tranh, tham gia các dự án nghệ thuật không lợi nhuận…
Người mẫu Trần Quang Đại chia sẻ, khi mở triển lãm tranh How Are You These Days?, anh không đặt nặng doanh thu. Đây đơn giản là một sự kiện anh tạo ra để gặp gỡ bạn bè, chia sẻ những trăn trở sau Covid–19. Nếu có người mua tranh, càng tốt. Nếu không cũng chẳng sao. Với anh, triển lãm giống một cột mốc mà Quang Đại muốn lưu lại trong quá trình trưởng thành hơn là tính chất thương mại.
Diễn viên, người mẫu Mai Thanh Hà mới đây có thực hiện dự án ảnh Nàng Á, cộng tác cùng stylist Hoàng Ku. Nhìn vào set chụp cũng đủ biết cô đầu tư thế nào. Nhưng mục đích bộ ảnh là để tôn vinh những nét đẹp Á Đông, không mang tính quảng cáo, tiếp thị.
MAI THANH HÀ KẾT HỢP CÙNG STYLIST HOÀNG KU THỰC HIỆN BỘ ẢNH NÀNG Á
MAI THANH HÀ HỖ TRỢ ĐẠO DIỄN TRẺ, ĐÓNG PHIM KHÔNG CÁT-SÊ
Tháng Tư rồi, siêu mẫu Tuyết Lan ra mắt cuốn tự truyện Từ Phú Điền đến New York. Cuốn sách là lời tự sự của Tuyết Lan về nghề người mẫu, về cuộc đời. Cô mong muốn sách sẽ “truyền năng lượng tích cực, gửi lời cổ vũ đến với những người có cùng ước mơ đặt chân lên sàn catwalk”.
Còn Midu, bỏ qua chức danh của một diễn viên, sáng lập và kinh doanh hai thương hiệu – một mỹ phẩm, một thời trang. Cô gái trẻ cũng chính là gương mặt đại diện của các thương hiệu, xuất hiện định kỳ trong các chiến dịch quảng cáo.
Những đam mê dũng cảm
Kết lại, nhu cầu khẳng định ở thời đại nào, đối tượng nào cũng đều có. Đó cũng là động lực giúp xã hội phát triển. Thế nhưng, bạn phải chấp nhận rằng đôi khi mình sẽ nhận về những đánh giá không tích cực khi sản phẩm gắn mác bản thân không thành công.
Tôi từng đọc quyển sách tâm lý nổi tiếng của Nhật Bản Dám bị ghét. Tác phẩm khuyên bạn nên tự mình trải nghiệm cảm giác bị ghét một lần trong đời, để từ đó, ta dám sống với cá tính và nhu cầu của mình. Khi dám khẳng định cái tôi, bạn cũng nên chuẩn bị cho ý kiến đa chiều, dù đôi khi chúng không mang nhiều thiện chí.
Với tôi, những người như Quang Đại, Tuyết Lan, Midu hay cô gái doanh nhân tự làm phim là những người dũng cảm. Chính họ là những nguồn năng lượng tích cực, động lực để giới trẻ ngày càng tự tin làm điều mình muốn.
VÌ SAO THẬT KHÓ ĐỂ NỔI BẬT GIỮA ĐÁM ĐÔNG, VÀ CÁCH THỰC HIỆN SAO CHO TINH TẾ
5 BƯỚC GIÚP BẠN THOÁT KHỎI XÚC CẢM MUỐN LÀM HÀI LÒNG TẤT CẢ MỌI NGƯỜI
Ảnh: Tư liệu
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam