Nên chọn nhẫn cưới bằng vàng, vàng trắng hay vàng hồng?

Bạn có bao giờ tự hỏi, sự khác biệt giữa vàng, vàng trắng và vàng hồng là gì? Và nên chọn loại nhẫn cưới bằng chất liệu nào cho hợp lý?

Nên chọn nhẫn cưới bằng vàng, vàng trắng hay vàng hồng?

Thị trường có rất nhiều mẫu nhẫn cưới để bạn chọn lựa, từ chất liệu đến kiểu dáng. Ảnh: Cartier Love

Khi mua trang sức cao cấp hay nhẫn cưới, chúng ta thường bắt gặp những thuật ngữ như: vàng hồng 14K, vàng trắng 18K, vàng 18K… Về mặt căn bản, chúng ta dễ hiểu rằng vàng trắng, vàng hồng và vàng khác nhau ở tông màu. Đôi khi có sự chênh lệch về giá cả.

Nhưng bạn có biết: Sự khác biệt lớn nhất giữa vàng trắng, vàng hồng và vàng còn nằm ở việc liệu nó có an toàn cho làn da bạn, và ở khâu bảo dưỡng. Nếu chưa rõ sự khác biệt của các loại vàng này, hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu trước khi chọn mua nhẫn cưới.

Nhẫn bằng vàng nguyên thủy

Nên chọn nhẫn cưới bằng vàng, vàng trắng hay vàng hồng?

Nhẫn cưới Love bằng vàng 18K và kim cương, CARTIER

Bạn có biết: Thực ra món trang sức vàng của bạn không được làm từ vàng nguyên chất 100%? Lý do là vì vàng nguyên chất rất mềm, khó giữ hình dáng được đúc của món nữ trang. Các nhà kim hoàn phải pha vàng với các hợp kim khác như kẽm và đồng để tăng độ cứng cáp lên cho món trang sức.

Để mô tả độ tinh khiết của vàng trong trang sức, các nhà kim hoàn dùng ký hiệu Karat (K).

24 Karat = 99.9% vàng tinh khiết
22 Karat = 91.7% vàng tinh khiết
18 Karat = 75% vàng tinh khiết
14 Karat = 58.3% vàng tinh khiết

Thoạt nhiên, bạn có thể muốn mua trang sức vàng càng nguyên chất càng tốt. Tuy nhiên, điểm yếu của vàng tinh khiết là vô cùng dễ trầy xước, méo mó, hư hỏng. Vì vậy, các nhà kim hoàn thường khuyên bạn chọn nhẫn cưới bằng vàng 14K đến 18K để phù hợp nhất với điều kiện hoạt động hàng ngày.

***

Nhẫn cưới vàng hồng

Nên chọn nhẫn cưới bằng vàng, vàng trắng hay vàng hồng?

Nhẫn B.Zero 1 bằng vàng hồng 18K đính kim cương, BVLGARI

Nếu mua nhẫn cưới vàng hồng từ các thương hiệu uy tín, bạn có thể đảm bảo rằng đây là vàng thật chứ không phải một loại kim loại giả vàng. Màu hồng của hợp kim này đến từ đồng. Lượng đồng càng cao thì sắc hồng đỏ càng rõ rệt và nồng thắm. Vàng hồng ngày càng được ưa chuộng, do màu sắc thời trang ngọt ngào.

Có thể thấy, vàng hồng 14K cũng tương đương vàng 14K về hàm lượng vàng tinh khiết sử dụng. Điểm khác biệt nằm ở khâu chọn kim loại phối cùng để tạo hợp kim. Vàng hồng 14K sẽ sử dụng hàm lượng đồng cao hẳn hơn khi so với vàng 14K.

ƯU ĐIỂM CỦA VÀNG HỒNG

• Trendy hơn vàng nguyên chất. Gam màu này đang trở nên trendy thời gian gần đây. Màu vàng hồng không ấm và già như vàng, không lạnh như bạc/vàng trắng, nên được nhiều cô gái ưa chuộng.

• Chống trầy tốt cực kỳ tốt. Để có được màu hồng đỏ, hợp kim phải có tối thiểu 25% đồng. Đồng có tính bền tốt hơn vàng nguyên chất. Vì vậy trang sức vàng hồng sẽ khó bị trầy xước, không xỉn và ngả màu.

NHƯỢC ĐIỂM CỦA VÀNG HỒNG

• Có thể gây dị ứng. Vàng hồng là hợp kim có thể chứa niken (tuỳ thuộc vào nhà sản xuất). Vì vậy, nếu bạn là tuýp người dễ bị dị ứng với niken, hãy đảm bảo chiếc nhẫn cưới của mình là hợp kim chỉ chứa vàng và đồng.

***

Vàng trắng

Nên chọn nhẫn cưới bằng vàng, vàng trắng hay vàng hồng?

Nhẫn Oui (Vâng, em đồng ý) bằng vàng trắng 18K đính kim cương, DIOR

Sở dĩ nó được gọi là vàng trắng vì vẻ bề ngoài trắng bạc. Để có được màu trắng bạc này, vàng được pha với các loại kim loại khác. Có thể là bạc, kẽm hay niken. Bề ngoài được mạ với rhodium cho thêm cứng cỏi. Chính lớp phủ rhodium mang lại màu trắng sáng cho vàng trắng. Khi lớp rhodium bị mài mòn bớt, nó sẽ để lộ ra lớp hợp kim vàng bên trong màu vàng nhạt.

Khi chọn nhẫn cưới bằng vàng nguyên thủy, bạn có thể đắn đo giữa vàng 14K hay vàng 18K vì độ bền của nó. Tuy nhiên, vàng trắng lại không gặp trường hợp này. Vì vốn lớp rhodium phủ bên ngoài đã tăng độ bền cho hợp kim này lên rất nhiều lần.

ƯU ĐIỂM CỦA VÀNG TRẮNG

• Chống trầy tốt hơn vàng. Vàng nguyên chất khá mềm dẻo, dễ trầy xước. Khi được pha thành hợp kim, vàng trắng trở nên cứng cỏi hơn. Lớp Rhodium phủ bên ngoài cực bền nên khó trầy xước như vàng nguyên thủy.

• Trắng sáng hơn khi so với bạc. Vàng trắng cũng sẽ không bị xỉn, ngả màu như bạc.

NHƯỢC ĐIỂM CỦA VÀNG TRẮNG

• Cần được bảo dưỡng thường xuyên. Lớp rhodium phủ bên ngoài của vàng trắng về lâu dài sẽ mài  mòn. Nhẫn cưới, là trang sức đeo ở tay, dễ bị mài mòn hơn khi so với bông tai hay mặt dây chuyền vàng trắng. Khi thấy món nữ trang của mình bắt đầu ngả vàng, bạn nên đưa nó đi bảo dưỡng và phủ lại rhodium. Quá trình này không đắt đỏ, nhưng chỉ tốn thời gian.

• Có thể gây dị ứng. Vàng trắng là hợp kim được pha với các kim loại khác, trong đó có niken. Khi lớp mạ rhodium bị mài mòn bớt, hợp kim vàng trắng bên trong sẽ cạ vào da. Và nó có thể gây dị ứng nếu chứa niken. Nếu biết mình là tuýp bị dị ứng niken, bạn có thể tìm đến loại vàng trắng được pha với palladium thay vì niken.

***

Một lựa chọn cao cấp hơn hẳn: Bạch kim

Nhẫn cưới Love bằng bạch kim, CARTIER

Có một lựa chọn nữa cho bạn khi mua nhẫn cưới, đó là nhẫn bằng bạch kim. Thực ra, bạch kim vốn là thứ kim loại được ưa chuộng để làm nhẫn cưới màu trắng bạc cao cấp. Mãi đến khi chúng trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn, thì vàng trắng mới được chế tác để thay thế.

ƯU ĐIỂM CỦA BẠCH KIM

• Chống trầy tốt hơn vàng. Bạch kim có độ cứng là 4,5 trên thang điểm Moh. Trong khi đó vàng 18K là 2,75, vàng 14K là 3–4. Như vậy, một chiếc nhẫn cưới bằng bạch kim sẽ khó trầy xước nhất.

• Không gây dị ứng. Trang sức bạch kim thường chứa đến 95% bạch kim. 5% còn lại là các nhóm kim loại tương đồng – ví dụ như palladium, osmium, đồng hay cobalt, và không có niken. Vì vậy, đây là món trang sức rất an toàn cho làn da nhạy cảm.

NHƯỢC ĐIỂM CỦA BẠCH KIM

• Vô cùng đắt đỏ. Bạch kim có độ đặc cao hơn khi so sánh với vàng trắng. Để làm nên cùng một chiếc nhẫn cưới, các nhà kim hoàn cần nhiều bạch kim hơn vàng. Ngoài ra, kim loại này cũng cứng hơn vàng, nên nó khó tạo hình hơn. Vì vậy, chiếc nhẫn sẽ nặng hơn về cả mặt trọng lượng lẫn giá cả.

• Sự đổi màu theo năm tháng. Tuy Harper’s Bazaar nói rằng bạch kim là một loại kim loại cứng, tất nhiên nó không thể so sánh với sắt thép hay thậm chí là kim cương. Nó vẫn có thể bị trầy xước. Bạn sẽ phải đưa nhẫn cưới bằng bạch kim đi đánh lại cho bóng nếu muốn giữ độ sáng bóng nguyên thủy. Tất nhiên thì nhiều người cũng thích vẻ ngoài thay đổi theo năm tháng của chiếc nhẫn cưới, khi cho rằng nó đại diện cho một tình yêu chung thủy và vững bền.

Trái: nhẫn bạch kim vintage. Phải: nhẫn cưới bạch kim mới coong. Ảnh: With Clarity

Màu của đá quý cũng là yếu tố quyết định chọn nhẫn cưới

Nhiều người chọn nhẫn cưới có đính đá quý, thường là kim cương. Mà kim cương cũng có sự phân loại theo màu sắc.

Những viên kim cương có màu trong suốt (Colorless, màu D-E-F) hoặc gần trong suốt (G-H-I-J) sẽ tiệp màu với sắc lạnh của vàng trắng hoặc bạch kim. Trong khi đó, kim cương màu, hoặc những loại ngả vàng hơn (K hoặc L) sẽ đồng điệu hơn với sắc vàng nguyên thủy.

Nếu bạn là tuýp thích tự thiết kế nhẫn cưới của mình từ A đến Z – tự chọn đá, lên mẫu và tạo kiểu – thì bạn nên nhờ nhà chế tác kim hoàn phối màu đá và kim loại trước để dễ bề hình dung sản phẩm cuối cùng.

Ảnh: Cartier

>>> Xem thêm: LỊCH SỬ NHẪN ĐÍNH HÔN: MẪU NHẪN CẦU HÔN NÀO HỢP VỚI BẠN?

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm