NFT là gì? Giải mã bí ẩn của non-fungible token một cách dễ hiểu

Sau cơn sốt tiền ảo sẽ là gì? Giới đầu tư luôn săn tìm những thị trường mới cho đồng tiền mình sinh sôi nảy nở. Một số người đang ngấp nghé NFT. Hãy nghe họa sỹ Daniel Winn phân tích.

NFT là gì mà tác phẩm này đạt giá trị hàng chục triệu đô-la Mỹ? Everydays: The First 5.000 Days của tác giả Beeple • Thực hiện: Trong 14 năm • Đấu giá trên sàn Christie’s: 69,3 triệu đô-la Mỹ

Dạo này, tin tức về NFT nhan nhản khắp nơi. Không thiếu người, cả trong và ngoài nước, đang rỉ tai nhau về xu hướng đầu tư mới. Mấy tháng trước, giới đầu tư chấn động về tác phẩm ảo Everyday: The First 5000 Days của tác giả Beeple bán đấu giá được 69,3 triệu đô-la Mỹ trên sàn giao dịch Christie’s. Người mua là Metakovan (bí danh, không phải tên thật), giám đốc tài chính của Metapurse, một quỹ tiền ảo chuyên đầu tư vào NFT và các tài sản ảo khác.

Sáu mươi chín triệu đô cho một tác phẩm ảo! Thậm chí tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng như Salvador Dalí hay Paul Gauguin cũng chưa từng đạt được giá bán này. Vậy, NFT là gì? Họa sỹ và người Việt đầu tiên được phong tước hàm hiệp sỹ, ngài Daniel Winn, giải thích NFT là gì thật dễ hiểu cho độc giả của Harper’s Bazaar.

NFT là gì mà có giá thế?

NFT là viết tắt của cụm từ Non-Fungible Token (Tài chứng Không thể Đổi ngang). Nghe thật… dễ hiểu!

Đa số chúng ta không phải “dân bản địa dạng số”. Dân ngoại đạo khó mà đoán được đó là cái gì. Vì vậy hãy cùng giải mã NFT là gì khi phân tích từng phần của cái tên sản phẩm này.

Tiền giấy thuộc nhóm fungible (có thể đổi ngang). Nếu bạn và tôi mỗi người có một tờ tiền 100.000 đồng, chúng ta có thể trao đổi hai tờ này với nhau. Dù số series mỗi tờ khác nhau, nhưng giá trị của cả hai tờ là tương đương. Kết thúc cuộc trao đổi, mỗi chúng ta vẫn sở hữu giá trị 100.000 đồng – y như lúc bắt đầu giao dịch.

Một vật được gọi là non-fungible (không thể đổi ngang) khi giá trị của nó không rõ ràng và không thể dùng để trao đổi với một vật khác cùng loại.

Bạn đã hiểu thế nào là non-fungible. Thế còn token là gì? Khái niệm này rắc rối hơn. Trước mắt, hãy lấy các món có trong thực tế để làm ví dụ.

Token (bằng chứng, hoặc dấu hiệu) là một vật đại diện cho một quyền lợi hoặc giá trị cụ thể, nhưng bản thân nó không phải là tiền. Khi vào khu vui chơi điện tử, bạn phải mua xu bỏ vào máy để chơi. Những đồng xu này chỉ có giá trị trong khu vui chơi. Lúc rời khỏi đó, bạn đổi xu thừa ra tiền mặt để mang đi. Như vậy, đồng xu chơi điện tử chính là token – những bằng chứng có giá trị tiền tệ, nhưng bản thân chúng không phải là tiền. Người dịch xin tạm gọi token là tài chứng – bằng chứng cho giá trị tiền tệ.

Trong trường hợp của NFT, tài chứng (token) không phải là vật sờ nắm được. Đó là một tài sản ảo. Về bản chất, đó là một chuỗi kết hợp những chữ số 1 và 0. Chúng đại diện cho quyền sở hữu của bạn với một món đồ gì đó, y như cuốn sổ hồng chứng tỏ quyền sở hữu của bạn với một căn nhà. Bạn có quyền sử dụng, mua bán hay cho thuê căn nhà mà mình đứng tên trên sổ hồng.

Làm sao để xác nhận một NFT là thực?

Meules after Claude Monet • Họa sĩ: Matt Kane • Ngày tạo: 2021 • Đấu giá trên sàn Sotheby’s: 214.200 đô-la Mỹ

Một văn bản xác nhận quyền sở hữu chẳng có giá trị gì nếu không được một cơ quan trung ương xác nhận giá trị pháp luật. Sổ hồng của bạn do Sở Tài nguyên Môi trường Tỉnh/Thành phố xác nhận.

Với NFT, cơ quan xác nhận là blockchain. Đó chính là điểm làm cho giới ngoại đạo IT phát nhột. Không có một cơ quan chính quyền nào kiểm soát, giám sát và điều hành NFT, kể cả các loại tiền ảo có thể đổi ngang như bitcoin. Các tài sản ảo này bị chuỗi blockchain kiểm soát. Trong khi đó, về mặt lý thuyết, blockchain lại bị tất cả những ai sở hữu chúng kiểm soát.

Tính xác thực và hợp lệ của một tài chứng (token) do chính tài chứng đó thẩm tra. Đau đầu quá! Điều này làm được trên cơ sở so sánh với hàng loạt các mắt xích (node) khác trong chuỗi blockchain.

Mỗi tài chứng đều được mã hóa. Có nghĩa là người ta lập trình sao cho phải có một chìa khóa phổ cập (key) mà ai cũng biết, kết hợp với một chìa khóa mật thì mới mở được thông tin chứa trong token này.
Chìa khóa phổ cập nằm trên mọi máy tính tham gia trong chuỗi blockchain (mỗi máy tính là một node). Còn chìa khóa mật lại giấu kín trong chính token đó.

Cần biết blockchain là hệ thống có tính chất phi tập trung. Blockchain không nằm trong bất cứ kho dữ liệu riêng biệt nào. Thông tin nằm phân bổ rải rác trong toàn bộ hệ thống các máy tính tham gia vào chuỗi blockchain.

Quyền sở hữu nghệ thuật dạng số và chức năng của NFT

Crystalisation of Forest Flora • Họa sĩ: Marc Quinn • Ngày tạo: 2008 • Đấu giá trên sàn Christie’s: 62.500 bảng Anh

Như vậy, chúng ta đã hiểu khái niệm về NFT. Vậy chúng liên quan gì đến nghệ thuật? Tại sao có nhà đầu tư bỏ tới 69 triệu đô-la để sở hữu một file ảnh ở định dạng jpg có gắn đuôi NFT?

Trước tiên, hãy trả lời câu hỏi “Làm cách nào?”

Mỗi bức tranh trong hiện thực của người nghệ sĩ là bản gốc có một không hai. Ngay cả khi nghệ sĩ đó tìm cách tự sao chép tác phẩm của mình, mỗi phiên bản vẫn có chỗ khác nhau. Như vậy các bản sao chép không thực sự là bản sao. Mỗi bản sao thực tế là một bản gốc mới giống giống với bản cũ. Dù có dùng công nghệ tái sản xuất để sao chép bản gốc, phiên bản mới vẫn cứ có chi tiết khác với bản gốc, vì nó nằm trên nền tảng mới. Đó là lý do nói trong tranh của thế giới thực, không thật sự có hai phiên bản nào giống hệt nhau.

Nghệ thuật dạng số khác hoàn toàn với nguyên lý trên. Có thể copy một trăm phần trăm. Bản mới tạo ra sẽ giống chính xác như bản gốc. Tệ hơn nữa, phương pháp phân phối nghệ thuật dạng số thực ra là chia sẻ các bản sao chép – dù có được phép hay không. Điều này làm các nghệ sĩ vẽ tranh ảo rất khó kiếm sống.

Tác phẩm nghệ thuật trong hiện thực và tác phẩm dạng số đều có bản quyền. Trong thực tế, muốn copy một tác phẩm trong hiện thực thì rất khó, thậm chí tốn kém. Còn với tác phẩm dạng số, chỉ đơn giản nhấn chuột “Save As…”, thế là xong.

Đây chính là chỗ để NFT vào cuộc.

Sử dụng NFT để xác nhận tác phẩm dạng số không thay đổi được vấn nạn sao chép, nhưng nó giúp xác định quyền sở hữu của ai đó với bản gốc.

NFT không thể sao chép. Có thể có hàng ngàn file copy tác phẩm Everydays nói trên của họa sĩ Beeple, nhưng chỉ có duy nhất một NFT. Bất cứ ai sở hữu NFT này sẽ sở hữu “bản gốc” của tác phẩm này.

Tuy nhiên, không phải sở hữu các tác phẩm dạng số đắt tiền có gắn NFT là hoàn toàn an toàn.

Vấn đề thứ nhất tương tự vấn đề của tranh trong thế giới thực: tính xác thực. Tác phẩm thực thể đang bán trên thị trường thường đi kèm với văn bản xác nhận của họa sĩ hoặc đại diện của họa sĩ. Những cá nhân này là những người nổi tiếng. Họ dùng tên tuổi của mình để chịu trách nhiệm, ít nhất là với các tác phẩm có giá trị.

Tác phẩm thuộc thế giới thực cũng có thể được các chuyên gia thẩm định nếu họa sĩ và người đại diện không còn. Nhưng ý kiến của các chuyên gia không phải lúc nào cũng thống nhất.

Kẻ làm giả tác phẩm hội họa cũng có thể làm giả cả văn bản xác nhận lẫn các tài liệu khác. Nhờ đó chúng biến bản sao thành bản gốc.

May thay, các tác phẩm giả hiệu kiểu này có, nhưng khá hiếm. Đa số trường hợp đều dễ nhận ra bản sao.

Như vậy với tác phẩm trong hiện thực, người ta nói chung biết rõ ai có quyền cấp văn bản chứng nhận bản gốc. Vẫn có những kẻ tìm cách làm giả, nhưng đó là hành động tội phạm. Trong thế giới thực, dễ có khả năng truy tìm được kẻ giả mạo.

Ở thế giới ảo, cơ hội giả mạo lớn hơn nhiều.

Quá trình tạo ra một NFT được gọi là minting (đúc). Quy trình phức tạp này phải thực hiện trên một máy tính mắt xích (node) tham gia trong chuỗi blockchain chứa thông tin của NFT đó.

Hầu hết NFT sinh ra qua website hoặc sàn giao dịch – nơi họa sĩ định rao bán tác phẩm có gắn mã NFT của mình. Chỉ sau vài cú click chuột và trả lời câu hỏi xác nhận danh tính, bạn đăng ký và trả phí xong là có thể bắt đầu đúc NFT, như kiểu người ta đúc đồng xu token. Danh tính và thẩm quyền của người đúc do người đó tự khai báo.

Điều đó có nghĩa là ai cũng có thể tự tạo ra NFT gắn với bất cứ thứ gì, hoặc giả mạo tên tuổi bất cứ ai – dù không có quyền làm như vậy. Tất cả chỉ vì chẳng có ai kiểm tra.

Càng tệ hại hơn là các blockchain token thường vô danh. Không phải theo cách bạn hình dung đâu. Khi nghĩ đến người sở hữu vô danh, chúng ta tưởng tượng ngay rằng không ai biết người đó. Thực chất, người mua tài sản ảo của ai, từ đâu, có thể biết người bán. Nhưng công chúng thường không có thông tin gì về nhân vật mua và bán. Ví dụ chúng ta không rõ nhân vật mang bí danh Metakovan hiện sở hữu tác phẩm Everydays của tác giả Beeple nói ở đầu bài này là ai.

Văn bản blockchain ghi nhận quyền sở hữu của một token đúng là không thể giả được. Tuy nhiên, nó chỉ ghi nhận số tài khoản, không có các chi tiết khác của người sở hữu tài khoản.

Có thể so sánh các tài khoản blockchain với số tài khoản trong ngân hàng tại Thụy Sĩ. Chắc chắn ngân hàng Thụy Sĩ nắm rõ, dù không tiết lộ, danh tính người sở hữu tài khoản. Nhưng tài khoản blockchain gắn với một ví tiền ảo lại hoàn toàn vô danh. Không có ai, trừ chính người chủ tài khoản, biết họ là chủ tài khoản này!

Người bán nắm đằng chuôi, người mua nắm đằng lưỡi

Untitled (Self Portrait) • Họa sĩ: Andy Warhol • Ngày tạo: 1985 và đúc năm 2021 • Đấu giá trên sàn Christie’s: 870.000 đô-la Mỹ. Đây là tác phẩm do cố họa sỹ Andy Warhol thực hiện vào thập niên 1980 và lưu trữ trên một floppy disk. Chiếc floppy disk này được phát hiện năm 2014, các tác phẩm được đúc thành NFT bởi The Andy Warhol Foundation for the Visual Arts.

Việc thiếu cơ chế xác nhận quyền tạo ra NFT, cộng thêm người chủ tài khoản vô danh, làm cho quy trình truy vết kẻ chế tạo một token giả mạo trở nên gần như không thể. Chế tạo ra một NFT không phép cũng là tội phạm không khác gì giả mạo văn bản xác nhận bản gốc tác phẩm nghệ thuật. Thế nhưng khả năng tội phạm bị truy vết và bắt giữ rất thấp.

Trong thế giới thực, kẻ giả mạo phải phạm hàng loạt tội – từ giả mạo chữ ký, vẽ giả tác phẩm, đến lừa gạt, thì mới tạo ra được một tác phẩm giả. Trong thế giới ảo, tạo NFT giả chỉ cấu thành mỗi một tội. Muốn cơ quan pháp luật ra luật mới xác định các hành vi tội phạm cấu thành khi làm giả NFT? Còn phải chờ lâu.

Thế giới của tác phẩm nghệ thuật ảo còn một vấn đề riêng của nó: Bạn không nắm giữ được tài sản mình đã bỏ tiền mua.

Hãy nhớ rằng tác phẩm nghệ thuật đó không được chứa trong NFT. Thay vào đó, NFT là công cụ chỉ đường dẫn đến một địa chỉ trên Internet nơi chứa tác phẩm nghệ thuật này. Nếu server này trên Internet biến mất, tài sản của bạn cũng theo đó mà đi.

Chưa kể bên cạnh đó, file này có thể bị sao chép đâu đó, trong khi NFT của bạn trỏ đến địa chỉ nguyên bản. Nếu quyền sở hữu của bạn bị hạn chế trong địa chỉ của file gốc lưu trữ trong NFT, chứ không xác nhận bạn có quyền sở hữu mọi bản sao chép khác, rủi ro sẽ rất cao.

Thêm nữa, nếu server chứa NFT biến mất, làm sao bạn chứng minh được bản sao giống hệt bản chính nếu không còn bản chính gắn với NFT để so sánh?

Phân tích trên cho thấy: Trong giao dịch mua NFT, người mua chịu mọi rủi ro.

Câu hỏi vì sao?

Burberry là một thương hiệu thời trang nhanh chóng nhảy vào thị trường NFT khi đa số người ta vẫn đang bỡ ngỡ đặt câu hỏi “NFT là gì”. NFT của Burberry là một phiên bản Blanko giới hạn gọi là “Sharky B”. Bao trùm lên tác phẩm ảo này là hoa văn monogram TB Summer của thương hiệu. Bạn có thể giao dịch tại sàn Blankos Block Party. Burberry cũng sẽ tung ra các phụ kiện khác có gắn NFT trong các trò chơi điện tử.

Hẳn bạn không tránh khỏi phân vân: Nếu nguy hiểm như vậy, tại sao có người chi hơn 69 triệu đô la Mỹ mua một file ảnh của một họa sĩ ít tên tuổi? Sau đây là một số thông tin giúp bạn rút ra kết luận cho chính mình:

• Trước tháng 10 năm 2020, một tác phẩm nghệ thuật ảo của Beeple bán được cao nhất là 100 đô la Mỹ.

• Người trả 69,3 triệu đô la mua Everydays chuyên đầu tư tiền ảo. Người này từng mua các tác phẩm gắn NFT của Beeple trước đó với giá rẻ.

• Các tác phẩm ảo của Beeple bỗng tăng giá vùn vụt sau tháng 10 năm 2020. Được biết một nhà buôn tranh ảo từng mua một bức tranh Beeple với giá 6.000 đô la Mỹ, và bán lại sau đó vài tuần với giá 65.000 đô la!

• Về lý thuyết, phi vụ bức tranh Everydays đã giúp các tác phẩm khác của Beeple tăng mỗi bức hàng triệu đô la.

• Sàn giao dịch Christie’s đồng ý tổ chức đấu giá online cho tác phẩm Everydays nhằm xâm nhập giới “dân bản địa dạng số”. Giới này đang nhanh chóng tạo ra thị trường kinh doanh nghệ thuật khổng lồ.

• Đây không phải lần đầu tranh ảo tăng giá không rõ lý do. Chuyện tương tự đã xảy ra năm 2017, nhưng mau chóng chìm xuồng.

Nếu bạn kết luận rằng tác phẩm ảo Everydays của Beeple không quan trọng bằng NFT gắn liền với nó, và rằng đây chỉ là cơn sốt vô căn cứ, bạn không phải người duy nhất. Ngay Beeple cũng phát biểu: “Tôi cho rằng đây chỉ là bong bóng, thẳng thắn thừa nhận là thế”.

Louis: The Game là trò chơi thử nghiệm với công nghệ NFT của Louis Vuitton. Chưa biết NFT là gì, bạn có thể thử chơi game này để trải nghiệm thực tế.

Nếu thích sưu tập tranh gắn NFT của Beeple, có một cách cho bạn. Mới đây, để kỷ niệm 200 năm sinh nhật nhà sáng lập thương hiệu, Louis Vuitton đã tung ra game Louis: The Game. Có 30 tác phẩm NFT mà người chơi có thể thu được trong quá trình chơi. 10 mẫu trong đó do Beeple thiết kế.

**

Tác giả: Sir Daniel K. Winn
Lược dịch: Venus Tran

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm