Ngành trang sức hàng hiệu mang tới cơ hội việc làm cho người trẻ

Các thương hiệu xa xỉ đang đầu tư mạnh tay cho địa hạt trang sức cao cấp, nhưng lại thiếu nhân tài ở lĩnh vực chế tác kim hoàn, mài giũa hay thẩm định đá quý. Đây là cơ hội việc làm mới cho các bạn trẻ khéo tay.

Bulgari đẩy mạnh các hoạt động trang sức hàng hiệu ở Việt Nam, cho thấy sự bành trướng của ngành trang sức cao cấp trên toàn cầu. Ảnh: Bulgari

Trang sức là ngành hàng cao cấp mang sức hút bền bỉ

Thời gian vừa qua, rất nhiều thương hiệu thời trang đã nhảy vào ngành hàng trang sức cao cấp.

Balmain và Saint Laurent lần đầu tiên ra mắt các dòng fine jewelry đầu tay sử dụng vàng thật. Prada ra mắt dòng trang sức vàng thật được khai thác theo phương pháp bền vững, gọi là Eternal Gold. Tập đoàn LVMH mua lại hai công ty chế tác trang sức là Platinum Invest (tháng 4/2023) và Pedemonte (tháng 11/2022) để tăng cường năng suất sản xuất cho Tiffany & Co. Bulgari thì nhân đôi khả năng sản xuất của xưởng chế tác tại Valenza ở miền Bắc nước Ý.

Vòng tay với logo YSL bằng vàng thật. Ảnh: Juergen Teller for Saint Laurent

Dường như các hoạt động của những thương hiệu này đang đi ngược lại với dự báo kinh tế của năm 2023, năm được dự báo có suy thoái kinh tế, sức mua ảm đạm do chiến tranh Nga và Ukraine, lạm phát tăng cao toàn cầu.

Nhưng các công ty đang lên kế hoạch cho 10 năm chứ không chỉ 1 năm, theo Federica Levato, một cộng sự lâu năm tại công ty phân tích tài chính Bain & Co có trụ sở ở Milan. “Trang sức đá quý được xem là một món đầu tư chứ không chỉ là phụ kiện thời trang, do đó có sức phát triển bền bỉ hơn các ngành hàng xa xỉ khác trong các thời kỳ khủng hoảng”.

Ông Jean-Christophe Babin, tổng giám đốc điều hành thương hiệu Bulgari, xác nhận: “Vàng bạc đá quý là mặt hàng xa xỉ duy nhất không bao giờ mất giá trị. Đó là yếu tố chính khiến ngành hàng này phát triển nhanh hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn bất kỳ sản phẩm xa xỉ nào khác”.

Số liệu từ đại dịch đã chứng minh quan điểm trên. Bain & Co nghiên cứu rằng vào năm 2021, thị trường trang sức xa xỉ được định giá 22 tỷ euro (22,8 tỷ USD), tăng 7% so với tổng giá trị của năm 2019.

Ngành trang sức cao cấp mang lại sân chơi màu mỡ cho các thương hiệu

cartier-love-de-cartier-bracelet-inside-4

Bộ sưu tập LOVE của Cartier là một trong những mẫu trang sức hàng hiệu có sức nhận diện cao. Ảnh: Cartier

Bên cạnh đó, ngành trang sức cao cấp còn là địa hạt màu mỡ vẫn còn nhiều đất để khai thác cho các thương hiệu. Thị trường vàng bạc đá quý khá phân tán, có nhiều thương hiệu nhỏ và các doanh nghiệp gia đình địa phương tham gia hoạt động. Ví dụ ở Việt Nam, khi có nhu cầu cho lễ dặm hỏi, đám cưới, quà tặng quý giá thì khách hàng vẫn có xu hướng ra các tiệm vàng bạc đá quý để tìm vật phẩm.

Ông Carniello, một cựu cố vấn của Bain & Co, hé lộ những số liệu: “Các trang sức từ các thương hiệu cao cấp như Bulgari, Tiffany & Co., Cartier… chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng tiêu thụ trang sức, một tỉ lệ tương đối nhỏ nếu so sánh với thời trang. Điều đó đồng nghĩa với việc 80% doanh số còn lại đang được chia đều cho các thương hiệu địa phương”.

Trang sức hàng hiệu được nhận diện bởi logo, mẫu mã đặc thù. Ảnh: Prada Eternal Gold

Jean-Philippe Bertschy, nhà phân tích chuyên về ngành hàng xa xỉ tại Vontobel, một tập đoàn quản lý đầu tư và ngân hàng tư nhân có trụ sở tại Zurich, dự đoán rằng mảng trang sức hàng hiệu sẽ chiếm hơn một phần ba thị trường trong vài năm tới. “Cơ hội là rất lớn và tôi kỳ vọng rằng những thương hiệu lớn, mạnh sẽ tiếp tục vượt trội và giành được thị phần”.

Tại sao? Ông Jean-Christophe Babin của Bulgari khẳng định: Đó là vì sự tin tưởng vào sức mạnh thương hiệu. “Các thương hiệu có mặt trên sàn chứng khoán, rất nổi tiếng và có uy tín, và có mặt ở khắp mọi nơi”.

Cài áo Bird on a Rock là một trong những món trang sức hàng hiệu biểu tượng của Tiffany & Co. Ảnh: Tiffany & Co

Các tập đoàn mang tới sự nhận diện cho trang sức hàng hiệu không khác gì cách họ đã tạo ra ở thị trường túi xách, giày dép, trang phục. Lấy ví dụ như thiết kế Bird on a Rock của Tiffany & Co. “Chúng tôi hiện đang có danh sách chờ dài sáu tháng cho thiết kế này”, ông Anthony Ledru, tổng giám đốc điều hành Tiffany & Co. cho biết.

>>> XEM THÊM: TIFFANY & CO BIẾN “BIRD ON A ROCK” THÀNH ĐỒNG HỒ ĐEO CỔ CÓ MỘT KHÔNG HAI

Chế tác trang sức, kim hoàn mang tới cơ hội tìm việc làm cho người trẻ

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của các tập đoàn là không thể tìm thấy lứa nghệ nhân trẻ sẵn sàng tham gia vào công việc chế tác trang sức đá quý. Theo nhà thiết kế trang sức Valérie Messika, “Tìm khách hàng thì dễ, sản xuất mặt hàng mới khó”.

Xưởng chế tác kim hoàn của Bulgari ở Valenza, Ý. Ảnh chụp năm 2017. Đến năm 2025, nhà xưởng này sẽ được nhân rộng lên thành 3 tầng lầu. Ảnh: LVMH

Ở nước Ý, các thương hiệu đổ dồn về Valenza, một thành phố nhỏ ở phía Bắc chỉ có vỏn vẹn 18.000 cư dân nhưng lại được biết đến là ngôi làng của nghề chế tác trang sức tại đảo quốc chiếc giày (đây là nơi đặt xưởng chế tác của Bulgari, mà thương hiệu xác nhận sẽ nhân đôi sản lượng, trở thành một trong những nhà xưởng chế tác trang sức có quy mô lớn nhất châu Âu).

Maria Carola Picchiotti, giám đốc truyền thông của thương hiệu trang sức nhỏ Picchiotti, nhớ lại: “Khi tôi còn nhỏ, nơi đây có vô số cửa hàng gia đình, mỗi nơi thu nhận và đào tạo 2,3 nhân công. Họ chế tác sản phẩm cho các thương hiệu địa phương, hoặc sáng tạo ra mẫu mã riêng để bán sỉ cho các shop ở thành phố lớn hơn”. Còn bây giờ, ngôi làng này toàn những nhà xưởng cỡ đại, “giành giật nhân công. Các shop nhỏ nay không còn nữa”.

Chế tác kim hoàn mang lại cơ hội việc làm cho giới trẻ khéo tay, cần mẫn. Ảnh: Pomellato

Trích lời giám đốc điều hành của Pomellato, thương hiệu trang sức dưới trướng tập đoàn Kering: “Khi tôi đến thương hiệu năm 2015, Pomellato có khoảng 100 thợ chế tác vàng. Nhưng khi tôi đọc CV của họ thì phát hiện nhiều người đã chuẩn bị nghỉ hưu. Tôi thảo luận với hành chánh rằng mình cần tuyển thêm người trẻ. Lúc đó chúng tôi phát hiện khó khăn về nhân lực”.

Để cải thiện tình hình, các thương hiệu Bulgari và Pomellato phải phối hợp với trường dạy nghề, như Tarì Design School hay Galdus, để đào tạo thế hệ nghệ nhân mới.

Song song với việc đào tạo, các thương hiệu còn đầu tư vào máy móc và trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence – A.I.). Đặc biệt, A.I. được ưa chuộng để phán đoán nhu cầu, điều chỉnh chuỗi cung ứng dựa trên khối lượng sản xuất eo hẹp. Vì các nghệ nhân quý hiếm cũng tựa châu báu, “chúng tôi không muốn họ phải cực nhọc quá độ”, theo ông JC Babin.

TIN KINH DOANH THỜI TRANG HÀNG HIỆU:

Trích dẫn New York Times, Jing Daily
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm