Triển lãm cá nhân của nghệ sĩ Hà Mạnh Thắng là cuộc đối thoại giữa di sản và nghệ thuật, 16 tác phẩm đương đại được đặt để trong không gian tồn tại từ thế kỷ XIX. Ngôi nhà này từng là nhà khách của ngôi đền Hindu Sri Thendayuthapani nằm phía đối diện. Những tác phẩm thể nghiệm thể hiện niềm say mê không ngừng của nghệ sĩ Hà Mạnh Thắng với tính vật chất, thời gian và những cuộc tái viếng lịch sử, di sản văn hoá.
Bút pháp giàu chất “thơ” của Hà Mạnh Thắng
Hà Mạnh Thắng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2004. Trong các tác phẩm về trước, bảng màu của anh thiên về những màu sắc sáng tươi và yếu tố nghệ thuật đại chúng (pop-art) cùng trên tấm toan. Đến triển lãm Kìa non non, nước nước, mây mây, bảng màu của anh có phần trầm lặng, trong và ngoài bức họa có một sự trao đổi năng lượng gần như chạm được, gợi lên ý niệm về sự vô thường.
Tên triển lãm mượn ý thơ trong bài Hương Sơn Phong Cảnh Ca của Chu Mạnh Trinh — một danh sĩ thời nhà Nguyễn, miêu tả các sắc thái tuyệt mĩ của thiên nhiên. Cảm xúc này cũng được thể hiện xuyên suốt qua quan sát nghệ thuật của Hà Mạnh Thắng khi anh khai thác tính đa nghĩa, sự biến đổi lịch sử cách nhìn về hình thức tranh phong cảnh trong nghệ thuật cổ cho tới hiện tại.
Là một người yêu thích và am tường những di sản văn hoá lâu đời — những giá trị trường tồn cùng thời gian, Hà Mạnh Thắng luôn ấn tượng cách người xưa nhìn và thể hiện phong cảnh qua cảnh dựng, bình phong và thi ca cổ.
Thường làm bằng gỗ hoặc đá, cảnh dựng là một tấm tranh phong cảnh nhỏ người xưa thường đặt trên bàn phòng khách để nhìn ngắm. Cấu trúc cảnh dựng, bình phong gồm có hai phần: phần khung và bệ đỡ được chạm khắc tỉ mỉ và giúp tranh đứng vững trên mặt phẳng, phần tranh được làm từ sơn mài thường mô tả phong cảnh với những hình ảnh ước lệ tượng trưng may mắn và phú quý như tứ quý (cúc, trúc, tùng, mai), bát bửu (lá đề, tù và, tàn lọng, cờ, hoa sen, nậm nước cam lộ, cá và dây kết nút), hay tam sơn. Phong cảnh trong cảnh dựng, bình phong thường giản lược về mặt chi tiết, không tuân theo quy luật phối cảnh và vì thế các chủ thể đồng hiện, hoặc đồng ẩn trên nền sơn then, sơn đỏ.
Ái mộ trước những tác phẩm của nghệ sĩ Hà Mạnh Thắng, kiến trúc sư Quốc Bình người có chiều sâu về hội hoạ đã có những nhận định
“Xem tranh Thắng, là xem nhiều chiều, nhiều khắc theo nghĩa đen. Ở mặt sau khi ánh sáng xuyên qua, mình thấy đáy băng mặt hồ le lói chuyển màu lam ngọc. Mình đã thấy ánh sáng vàng son một thuở, thấy những sợi tơ mong manh dệt thời gian thành hổ phách, đông cứng không gian thành đá núi. Thấy nước mưa len lỏi chuyển động dưới bề mặt rêu phong, thấy hoa đào rơi, thấy hơi sương thu lạnh, thấy những rợn sáng loé lên về phía lưng trời…”
Thể nghiệm trên vật liệu lụa và vải toan
Hà Mạnh Thắng sử dụng cấu trúc của các cổ vật này cho các tác phẩm của mình với phần tranh được làm từ lụa và vải toan cùng với một loạt những loại sơn khác nhau và vàng. Thắng nhìn lụa và vải toan không chỉ là những chất liệu, mà là những bề mặt thiên biến vạn hoá.
Khác với cách sử dụng truyền thống, lụa dưới tay Thắng trở thành bề mặt bền chắc cho nhiều lớp sơn phủ lên, neo đậu. Cách xử lý này, theo Giáo sư Lịch sử Nghệ thuật Châu Á Nora Taylor quan sát, đã “hoá lụa thành đá”. Nhờ đặc tính xuyên thấu của lụa, bề mặt tranh sẽ thay đổi dựa trên sự chuyển động của ánh sáng khi quan sát từ mặt sau. Mỗi tấm khung mica được xử lý mờ đi trên cả hai bề mặt, làm dịu đi nhiều sự hiện diện của lụa và đặc tính trong, xuyên sáng của nó. Cách xử lý để mặt trước tác phẩm trông như đá, khi nhìn mặt sau lại thấy lấp ló ánh sáng, cũng theo Tiến sĩ Nora Taylor, khiến người ta phải nhìn nhận lại bản chất kép của chất liệu này:
“Làm thế nào lụa có thể vừa trong suốt vừa mờ ảo? Vừa nhẹ như lông vũ, vừa trông nặng như đá? Bản chất kép của vũ trụ được bộc lộ như hai thế đối lập âm và dương. Tương đồng với Cung Thạch, tranh của Thắng mang đến cho chúng ta một cách khác để chiêm ngưỡng thế giới ở dạng vi mô.”
THÔNG TIN CHO BẠNTriển lãm Kìa non non, nước nước, mây mây của họa sĩ Hà Mạnh Thắng sắp đặt tại phòng tranh đương đại Galerie Quynh. Địa chỉ: Tầng 1, 29 — 31 Tôn Thất Thiệp, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh Thời gian: Mở cửa đến ngày 4/2/2023 Vào cửa tự do Lưu ý: Vì triển lãm đóng cửa vào các ngày lễ, bạn nên liên lạc với Galerie Quynh trước khi đến tham quan. |
>>> XEM THÊM: TRIỂN LÃM TRANH “LẮNG”: CÕI AN BÌNH CỦA NỮ DOANH NHÂN CHU THỊ HỒNG ANH
Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam