Nghệ sĩ piano Lương Tố Như xây dựng sân chơi cho nghệ sỹ nhạc cổ điển

Với mong muốn lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển và xây dựng sân chơi cho các nghệ sĩ ở Việt Nam, nghệ sĩ piano Lương Tố Như ấp ủ dự án xây dựng trung tâm trao đổi âm nhạc cổ điển Esprit Musical, nổi bật là chuỗi hòa nhạc "Như những người bạn - Sống cùng âm nhạc".

Lương Tố Như và âm nhạc cổ điển

Nghệ sĩ piano Lương Tố Như biểu diễn trong buổi hòa nhạc cổ điển “Như những người bạn – Sống cùng âm nhạc”

Nhạc cổ điển là thể loại âm nhạc xuất hiện ở châu Âu từ đầu thế kỷ 15, được phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau và là cái nôi của nền âm nhạc trên toàn thế giới. Trên thực tế, các thể loại âm nhạc khác đều sử dụng những ký hiệu và lý thuyết từ âm nhạc cổ điển. Đây cũng là nền tảng để dạy trong các trường âm nhạc trên thế giới. Tuy nhiên, dòng nhạc này cũng luôn được gắn mác là “khó nghe, khó cảm nhận”. Nó đòi hỏi người nghe phải có kiến thức nhất định, sự nhạy cảm và độ tập trung để thưởng thức trọn vẹn một tác phẩm.

Tại những nước đã phát triển, nhạc cổ điển vẫn luôn là một môn nghệ thuật tinh hoa và cao cấp nhất trong số các loại hình nghệ thuật. Từ xưa đến nay, luôn có các mạnh thường quân trong giới quý tộc bảo trợ cho các nghệ sĩ phát triển nghệ thuật. Nhờ đó, nhạc cổ điển mới có thể phát triển được trong thời gian dài.

Hiện nay, trên thế giới, ngoài một phần ngân sách của chính phủ, các quỹ tư nhân tài trợ nhạc cụ, học bổng hay các buổi hoà nhạc là cách mà giới tinh hoa thể hiện sự hiểu biết và tinh thần phát triển văn hoá nghệ thuật bền vững của nhân loại. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhạc cổ điển chỉ có một chỗ đứng khiêm tốn trên thị trường âm nhạc. Dòng nhạc này vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm cũng như tin tưởng về tiềm năng của nó.

Chi phí tổ chức một buổi hoà nhạc đắt đỏ nhưng giá vé thấp, kén người nghe, cùng với đó là sự phát triển của các dòng nhạc thị trường mới của giới trẻ, thật khó để nhạc cổ điển tiếp cận đông đảo khán giả. Bên cạnh đó, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng như chất lượng thấp của các cơ sở sản xuất âm nhạc cổ điển tại Việt Nam khiến các nghệ sĩ ít có cơ hội để phô diễn tài năng, thỏa mãn đam mê của mình.

Thấu hiểu điều đó, nghệ sĩ piano Lương Tố Như đã thành lập chuỗi hòa nhạc Như những người bạn – Sống cùng âm nhạc để lan tỏa vẻ đẹp tự nhiên cùng tình yêu nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng. Chuỗi hòa nhạc này nằm trong dự án xây dựng trung tâm trao đổi âm nhạc cổ điển Esprit Musical của cô. Đó là một dự án mà cô đã ấp ủ bấy lâu với mong muốn kết nối những tâm hồn yêu nhạc cổ điển ở Việt Nam và trên thế giới.

Esprit Musical sẽ là nơi kết nối những doanh nghiệp, những tri thức hàng đầu, hiểu về giá trị đẳng cấp và trường tồn của loại hình nghệ thuật này, đóng góp cho sự phát triển bền vững của thị trường âm nhạc cổ điển tại Việt Nam.

Lương Tố Như là ai?

Lương Tố Như và âm nhạc cổ điển

Chân dung Lương Tố Như

Nghệ sĩ piano Lương Tố Như là một tài năng đặc biệt của nhạc cổ điển ở Việt Nam. Cô là hậu duệ của hai nhà yêu nước Lương Văn Can và Lương Ngọc Quyến. Năm 14 tuổi, cô nhận được học bổng toàn phần tại Anh. Sau đó lại có cơ duyên đến với một cuộc thi piano ở Pháp. Nhận thấy Pháp là nơi lý tưởng để vừa học văn hóa, vừa theo đuổi đam mê âm nhạc, cô đã quyết tâm đến Pháp và theo học tại nhạc viện Boulogne-Billancourt.

Trong suốt 15 năm học tập và làm việc tại Pháp, cô đã có cơ hội học piano và thính phòng với các nghệ sĩ hàng đầu, tham gia nhiều festival, hàng trăm buổi biểu diễn, các dự án thu âm của các công ty thu âm và nhà sản xuất âm nhạc quốc tế. Khi trở về Việt Nam, cô dành nhiều tâm huyết nghiên cứu giáo dục âm nhạc cũng như tham gia biểu diễn cho các chương trình hòa nhạc trong và ngoài nước.

Bên cạnh các hoạt động nghệ thuật, cô là người yêu khám phá cuộc sống, luôn tò mò, tìm hiểu về các lĩnh vực khác trong xã hội. Cô có bằng cử nhân và thạc sỹ kinh tế tại hai trường đại học hàng đầu của Pháp: Sorbonne và Dauphine. Đồng thời, cô còn là nhà đồng sáng lập các doanh nghiệp tại Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản và giáo dục.

Mong muốn xây dựng trung tâm trao đổi âm nhạc cổ điển Esprit Musical

Không giống với những dòng nhạc EDM hay pop, nhạc cổ điển không phụ thuộc vào những kỹ thuật biến đổi âm thanh từ máy móc. Sự tinh xảo của nghệ thuật này nằm ở cá tính và cách xử lý âm thanh tự nhiên điêu luyện của nghệ sĩ. Thế nhưng hiện nay, ở Việt Nam, thật khó để tìm được một cơ sở sản xuất âm nhạc hay một nơi biểu diễn nhạc cổ điển tạo âm thanh tự nhiên (acoustics) đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, để tổ chức một buổi hòa nhạc đòi hỏi phải có một đơn vị tổ chức, kêu gọi nhà tài trợ, thu hút khán giả. Tuy nhiên, hầu hết các nghệ sĩ không thể tổ chức một sự kiện để thực hành nghệ thuật một cách tốt nhất, bởi toàn bộ thời gian và tâm huyết của họ chỉ dành cho âm nhạc. Do đó, thật đáng tiếc khi nhiều nhân tài của Việt Nam “không có đất dụng võ”.

Lương Tố Như và âm nhạc cổ điển

Nhạc trưởng Honna Tetsuji và nghệ sĩ piano Lương Tố Như biểu diễn tại buổi hòa nhạc

Nhận thức được điều đó, Tố Như đã lên kế hoạch xây dựng một phòng thu nhạc cổ điển chuyên nghiệp tại Hà Nội. Phòng thu này sẽ đạt đủ chất lượng acoustics để các nghệ sĩ và khán giả có thể cảm nhận rõ nét, đắm chìm trong âm thanh tự nhiên và tinh tế của nhạc cổ điển. Chia sẻ về lý do thực hiện dự án này, cô cho biết:

“Để chơi nhạc hay, các nghệ sĩ cần phải có một cây đàn tốt và một không gian đạt chuẩn acoustics, như vậy họ mới có thể nghiên cứu và thực hành nhạc cổ điển một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp”. 

Không chỉ đơn thuần là một nơi để thu âm và biểu diễn, Tố Như mong muốn phát triển nó thành một trung tâm trao đổi âm nhạc cho các nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài. Cô chia sẻ: “Ở nước ngoài, vì giá thành khá cao nên thật khó để các nghệ sĩ trẻ có điều kiện làm ra một album nhạc cổ điển. Vì vậy, tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ là điểm đến lý tưởng cho các nghệ sĩ trẻ trên thế giới theo đuổi đam mê của mình, tại sao không? Hơn nữa, nghệ thuật là một bộ môn có sức mạnh cộng hưởng rất lớn. Một môi trường làm việc với những nghệ sĩ nước ngoài cũng sẽ giúp phát triển thẩm mỹ cao cho các nghệ sĩ tại Việt Nam.”

Lương Tố Như kết nối và hỗ trợ các nghệ sĩ nhạc cổ điển thông qua chuỗi hòa nhạc

Bên cạnh việc xây dựng phòng thu và biểu diễn nhạc cổ điển, Tố Như cùng nhạc trưởng Honna Tetsuji còn thành lập một dàn nhạc nhỏ có tên “Hanoi Saigon Chamber Orchestra” và tổ chức chương trình hòa nhạc hàng năm. Để tổ chức một buổi hòa nhạc không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là đối với dòng nhạc cổ điển. Bên cạnh khâu chuẩn bị hậu cần, tìm kiếm nghệ sĩ, mở rộng khán giả… điều quan trọng nhất là cần phải có nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp tư nhân. Đó cũng là thách thức lớn đối với các nghệ sĩ.

Do đó, song song với việc tổ chức chuỗi hòa nhạc, thành lập quỹ cho các nghệ sĩ, Tố Như còn hướng dẫn và giúp đỡ họ tìm kiếm nhà tài trợ để tiếp tục duy trì dự án âm nhạc này. Cô nói rằng:

“Tôi tin rằng sẽ ngày càng có nhiều người quan tâm đến dòng nhạc này, bởi con người chúng ta không thể sống thiếu nghệ thuật. Ở bất kỳ một đất nước đang phát triển nào, nhạc cổ điển sớm hay muộn cũng sẽ đi được đến đúng chỗ đứng của nó, đi cùng với sự phát triển của một xã hội văn minh”.

Lương Tố Như và âm nhạc cổ điển

Nghệ sĩ piano Lương Tố Như và tài năng trẻ Trần Gia Quang

Một dòng nhạc có tính hàn lâm như nhạc cổ điển vốn dĩ rất khó tiếp cận đông đảo khán giả. Trong quá trình thực hiện dự án này, Tố Như gặp không ít khó khăn, trở ngại. Thế nhưng, có lẽ vì xuất thân là một nghệ sĩ nên cô luôn nhìn cuộc sống với một cái nhìn tích cực, vui vẻ. Cô chia sẻ:

“Tôi luôn bình tĩnh khi thực sự gặp khó khăn, bởi tôi biết rằng cáu gắt sẽ không giúp mình giải quyết được vấn đề. Khi muốn thực hiện một việc nào đó, tôi cần phải đảm bảo mình thực sự đam mê nó, và từ đó, tôi sẽ luôn hướng suy nghĩ của mình theo hướng tích cực. Khi ấy, tôi sẽ cảm thấy thời gian và những việc mình đang làm có ý nghĩa. Nếu có gặp khó khăn, tôi cũng sẽ không nản chí, không chùn bước, thậm chí khó khăn còn là động lực cho tôi chinh phục chính bản thân mình”.

Một số buổi hòa nhạc của nghệ sĩ piano Lương Tố Như

Năm 2021, Tố Như tổ chức buổi hòa nhạc đầu tiên, nằm trong chuỗi hòa nhạc Như những người bạn – Sống cùng âm nhạc với sự tham gia của nhạc trưởng Honna Tetsuji và dàn nhạc Hanoi Saigon Baroque Orchestra. Tại buổi hòa nhạc, cô đưa khán giả vào một chuyến đi ngẫu hứng, theo đó là những quan điểm về cuộc sống của nữ nghệ sĩ. Trong chuyến đi ấy, cô muốn truyền tải đến mọi người rằng mọi thứ trong cuộc đời này đều mang tính tương đối, và từ đó, mỗi khán giả sẽ tự tìm câu trả lời cho những câu hỏi của riêng mình.

Năm nay, vào ngày 27/6/2022 sắp tới, cô tiếp tục tổ chức một buổi hòa nhạc tại Nhà hát lớn TP.HCM với chủ đề Encounter (Cuộc chạm trán).

Đặc biệt, buổi hòa nhạc lần này còn có sự góp mặt của tài năng trẻ Trần Gia Quang (đạt giải nhất concours quốc tế Hà Nội bảng A năm 2018, từng theo học tại trường âm nhạc Juilliard ở New York và hiện đang theo học tại nhạc viện thành phố Paris). Hiện tại, chương trình được tài trợ bởi Công Ty Cổ Phần Chứng Khoán Tân Việt (TVSI), công ty FLC Biscom, Ngân hàng Quân đội (MB Bank) và The Odys Boutique Hotel.

Buổi hòa nhạc “Như những người bạn – Sống cùng âm nhạc” với chủ đề “Cuộc chạm trán”

THÔNG TIN CHO BẠN

Buổi hòa nhạc Cuộc chạm trán thuộc chuỗi sự kiện âm nhạc cổ điển Như những người bạn – Sống cùng âm nhạc sẽ diễn ra vào Thứ Hai, 27/6/2022 tại Nhà hát Thành phố.

Hotline đặt vé: 082 8440985 / 086 8912470

Link sự kiện: https://fb.me/e/1Z6OPTSZb

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm