Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản ikebana: Các kỹ thuật cần biết

Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản ikebana có tuổi đời hàng thế kỷ. Đây là một nét văn hóa đặc trưng không chỉ phổ biến ở xứ sở mặt trời mọc mà còn được các chuyên gia thế giới yêu thích

Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản ikebana

Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản ikebana. Ảnh: Shozo Sato, Sunamono Ikebana

Ông Shozo Sata là một nghệ nhân ikebana hàng đầu Nhật Bản. Suốt 50 năm qua, ông đã chăm chỉ giới thiệu nghệ thuật cắm hoa ikebana đến với thế giới phương Tây. Dưới đây là những giải thích cơ bản nhất của ông về ikebana, để những người mới học cắm hoa vỡ lòng có thể dễ dàng nắm bắt các kỹ thuật thiết yếu.

Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản ikebana là gì?

cắm hoa nghệ thuật nhật bản

Cắm hoa nghệ thuật Nhật Bản ikebana. Ảnh: Shozo Sato, Freestyle Maple Ikebana

Ikebana (生花) có nghĩa là “làm cho hoa lá trở nên sống động”. Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản được mô tả là tinh tế và nhạy cảm hơn những phương pháp cắm hoa của các nước khác. Nghệ thuật cắm hoa ikebana được đặt ngang hàng với hội họa và điêu khắc.

Nguồn gốc nghệ thuật cắm hoa ikebana

hoa ikebana nghệ thuật cắm hoa nhật bản

Ảnh: Shozo Sato, Sunamono Rikka and Dozuka Rikka

Nghệ thuật cắm hoa ikebana đơn giản đã xuất hiện từ thế kỷ thứ VII, khi Phật giáo từ Trung Hoa du nhập vào Nhật Bản. Đó là phong tục sắp xếp hoa trước hình ảnh của Đức Phật. Theo thời gian, phong cách cắm hoa ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp.

Vào thời kỳ Heian (thế kỷ thứ VIII đến XII), người ta thường đính kèm một bài thơ vào nhành hoa nhằm biểu lộ sự ngưỡng mộ và bộc bạch tình cảm.

Với sự bành trướng của tầng lớp samurai vào thế kỷ XIV, các lãnh chúa phong kiến được tôn sùng và nắm trong tay quyền lực tối thượng. Họ muốn phô trương sự giàu có và sức mạnh của mình. Từ đó, họ sáng tạo ra phong cách nội thất tokonoma, tức một góc nhỏ dùng để trang trí, hơi hõm vào so với vách tường. Tokonoma được thiết kế trong đền đài và thái ấp để trưng bày áo giáp.

phong cách nội thất tokonoma

Tokonoma là một không gian nhỏ để đặt vật trang trí. Ảnh: nhk

Sau này khi lãnh thổ hoàn toàn thống nhất, trong thời kì hòa bình, thay vì trưng áo giáp, người ta bắt đầu bày biện đồ vật, bao gồm các bình hoa.

>>> Đọc thêm: 5 ĐIỂM KHÁC BIỆT GIỮA CẮM HOA NGHỆ THUẬT KIỂU Á ĐÔNG VÀ KIỂU TÂY ÂU

Các phong cách nghệ thuật cắm hoa ikebana

1. Phong cách cắm hoa rikka

Phong cách cắm hoa rikka

Ảnh: Shozo Sato, Rikka Flower Arrangment

Nghệ thuật cắm hoa sơ khai theo triết lý đạo Phật là lý tưởng hóa thiên đàng, do đó cách cắm tương đối xa hoa, cầu kì. Rikka là phong cách nghệ thuật cắm hoa ikebana đầu tiên. Mục đích của rikka không phải là phơi bày quá nhiều vẻ đẹp của hoa, mà dùng hoa để hình tượng hóa vũ trụ.

Luật cắm hoa rikka được gọi là các thế cắm hoa, bao gồm 9 thế then chốt. Bên cạnh đó bạn có thể thêm thắt vào các tư duy cá nhân của mình.

Luật cắm hoa rikka

Ảnh: Shozo Sato, Ikebana Positions

1. Shin: núi tâm linh
2. Uke: sự đón nhận
3. Hikae: sự chờ đợi
4. Sho shin: thác nước
5. Soe: cành nhánh hỗ trợ
6. Nagashi: suối
7. Mikoshi: sự quan sát
8. Do: cơ thể
9. Mae oki: phần thân trước

2. Phong cách cắm hoa seika

Phong cách cắm hoa seika

Phong cách seika thuộc nghệ thuật cắm hoa ikebana. Ảnh: Shozo Sato, Kenzan Seika

Trái với những quy luật nghiêm ngặt của phong cách rikka, Seika là một cách cắm hoa khá tự do. Ban đầu người Nhật gọi đó là nageire, nghĩa là “nhét vào”. Đặc trưng của phong cách nageire là hoa không nhất thiết phải dùng đạo cụ để dựng cho đứng thẳng, mà hoa nên được thả tự nhiên trong bình.

Nếu như rikka mang đặc trưng cắm hoa truyền thống của đạo Phật, thì nageire lại thiên về thiền định. Rikka là một nỗ lực triết học nhằm lột tả thế giới quan về vũ trụ, trong khi nageire là phong cách cắm hoa nhằm đạt được sự hợp nhất với vũ trụ.

Vào cuối thế kỷ XVIII, sự giao thoa giữa rikka và nageire đã cho ra đời một nguyên tắc cắm hoa mới, gọi là seika (hoa tươi sống động).

Phong cách cắm hoa seika

Ảnh: Shozo Sato, Seika Flower Arrangement

Theo phong cách seika, 3 thế được bảo tồn là: shin, soe và uke (hay còn gọi là taisaki). 3 thế này tạo thành 1 tam giác không đều.

Trước đây, phong cách seika bao gồm chỉ 1 loại nguyên liệu. Chỉ trừ dịp năm mới, người ta mới cắm nhiều loại hoa lá. Ngày nay, luật này không còn cứng nhắc như trước. Người ta thường chọn từ 1-3 nguyên liệu để tạo ra một bình hoa đẹp.

>>> Đọc thêm: 3 CÁCH CẮM HOA ĐƠN GIẢN MÀ NGHỆ THUẬT

3. Phong cách cắm hoa moribana

Phong cách cắm hoa moribana

Ảnh: Shozo Sato, Freestyle Moribana

Những năm gần đây, hốc tường tokonoma nơi thường đặt hoa ikebana, đã không còn tồn tại trong những ngôi nhà hiện đại mang phong cách Tây phương. Ngày nay, người ta muốn từ mọi ngóc ngách đều có thể chiêm ngưỡng bình hoa ikebana. Đó là kiểu trưng hoa 360 độ.

Trước đây, người ta chỉ có thể ngắm hoa khi ngồi trên sàn, đối diện bình hoa. Ngày nay, phong cách moribana mong muốn tạo ra một bình hoa 3 chiều với nguyên liệu là thực vật tự nhiên.

4. Phong cách ikebana đương đại

Phong cách ikebana đương đại

Phong cách nghệ thuật cắm hoa ikebana đương đại. Ảnh: Shozo Sato, Contemporary Ikebana

Rikka và seika tiếp tục là các nguyên tắc cắm hoa ikebana nền tảng, nhưng sự phát triển của xã hội đã dẫn tới việc sử dụng các loại nguyên liệu mới mà trước đây chưa từng thấy trong ikebana, gọi là phong cách đương đại.

Các kỹ thuật và nguyên tắc cắm hoa ikebana cơ bản

nguyên tắc cắm hoa ikebana nhật bản

Ảnh: Shozo Sato, Bamboo Arrangement

Mỗi loại hoa đều có những đặc điểm riêng. Điều cần quan tâm là cành hoa giòn hay dẻo.

• Nguyên tắc cắm hoa ikebana: dùng nhiệt để uốn cong 1 cành hoa

Một số loại cây thường xanh có lớp nhựa khá cứng. Nhựa này sẽ mềm hơn khi tiếp xúc nhiệt và cứng lại khi nguội đi. Do đó bạn có thể đặt cành hoa muốn uốn cong bên trên một ngọn nến, rồi nhẹ nhàng uốn nó theo góc mong muốn. Rồi ngay lập tức nhúng phần cành vừa uốn vào nước lạnh, cho đến khi nó hoàn toàn nguội. Khi cắm cành hoa vào bình, nên cố gắng che giấu vết cháy khỏi tầm mắt người nhìn.

nguyên tắc cắm hoa ikebana

Ảnh: Shozo Sato, Bamboo Arrangement

• Dùng kéo để tỉa cong cành hoa

Một số cành như nhánh phong hay cành hoa mận rất khó uốn cong mà thường dễ bị gãy làm đôi. Do đó nếu muốn uốn cong đẹp, bạn hãy dùng kéo cắt xéo vào một nửa đường kính nhành cây, sau đó nhẹ nhàng uốn nó để lớp vỏ chỗ thân cây vừa cắt duỗi ra.

• Dùng dây buộc

Những loại hoa có thân rỗng, bạn có thể dễ dàng duỗi thẳng chúng bằng dây mỏng. Bạn nhét dây (đồng hoặc kẽm) từ phía dưới cành hoa, rồi dựng nó thẳng đứng theo ý mình.

• Cách dùng kenzan (đế ghim cắm hoa)

Cách dùng kenzan (đế ghim cắm hoa)

Ảnh: Shozo Sato, Using Kenzan

Loại mút cắm hoa mà người phương Tây sử dụng không thích hợp với ikebana, vì mút sẽ khiến việc điều chỉnh góc độ của hoa trở nên khó khăn. Hầu hết các đế cắm kenzan đều được phủ một lớp chông bằng đồng thau ghim trên mặt đế làm bằng chì, để tạo sức nặng giúp hoa không bị lật. Nên chà rửa đế cắm kenzan sau mỗi lần sử dụng để chúng được bền lâu.

Cách dùng kenzan (đế ghim cắm hoa)

Ảnh: Ishizaki Kenzan

Bạn nên cắt cành hoa ở một góc để dễ cắm vững vào đế chông. Đối với những thân hoa lớn, hãy cắt một phần gốc để cành hoa mỏng đi, giúp dễ cắm vào đế. Dùng cả 2 tay để đủ sức cắm hoa vào đế chông cho thật chắc chắn.

• Cắm lá đối xứng

Nếu quan sát kỹ thì mỗi chiếc lá tưởng chừng đối xứng hai bên, nhưng đôi khi nó lại không cân xứng. Nếu như vậy, bên rộng của chiếc là sẽ được gọi là yang, bên hẹp gọi là yin. Bạn nên xoay phần yang hướng về phía trước, còn phần yin thì nằm ở phía sau.

Cắm lá đối xứng

Ảnh: Shozo Sato, Nishu Ike

• Sử dụng bình hoa ikebana

Với những cách cắm hoa thông thường, bình hoa thường cao và che hết cành hoa. Đó là cách cắm hoa rất máy móc. Nhưng nguyên tắc cắm hoa ikebana là các bình hoa thường cạn để có thể phô bày hết vẻ đẹp của nhành hoa.

Mỗi loại bình lại có một ý nghĩa riêng, chẳng hạn bình bằng đồng đại diện cho đất. Tuy nhiên bạn không cần phải hiểu hết ý nghĩa của các loại bình, hãy tận dụng những gì bạn có.

Sử dụng bình hoa ikebana

Ảnh: Shozo Sato, Kakisubata Iris

• Hãy để hoa rơi

Nước cũng là một nhân tố khác trong nghệ thuật cắm hoa ikebana Nhật Bản. Nếu như một cánh hoa rơi vào trong nước, vậy hãy cứ để nó ở đó. Hoa trôi nước chảy là một phần trong khái niệm wabi-sabi, tức niềm tin của đạo Phật vào sự không hoàn hảo.

Nghệ thuật cắm hoa ikebana Nhật Bản không chỉ bao gồm thành quả cuối cùng, mà đó là toàn bộ quá trình sống chậm và tận hưởng từ lúc bạn chọn hoa, hái hoa, thêm lá cho đến cắt tỉa cây cành. Bình hoa ikebana không chỉ đẹp về hương sắc mà nó còn có linh hồn. Đó là một sinh vật sống, giúp tinh thần của bạn nở hoa.

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Vietnam 

Xem thêm