NGHỆ THUẬT VÀ THỜI TRANG: MỐI NHÂN DUYÊN KHÔNG ÍT SÓNG GIÓ

Những sáng tạo từ cuộc hôn phối giữa nghệ thuật và thời trang luôn tạo ra kết quả đầy sức thuyết phục, nhưng lắm lúc nghệ thuật cũng quay ra đả kích thời trang không thương tiếc. Cùng Bazaar lật lại lịch sử của thời trang để thấy mối duyên của hai lĩnh vực này đã từng thăng hoa và trái khoái như thế nào

Đây là chín bức tượng người mẫu cao 4,5m trong những trang phục và phụ kiện thời trang màu sắc của nghệ sỹ Mỹ John Baldessari. Triển lãm diễn ra tại Prada Foundation ở Milan, Ý vào tháng 10–2010 đã đưa sự kết hợp giữa nghệ thuật và thời trang lên một nấc thang mới.

Sự kết giao giữa hai lĩnh vực nghệ thuật và thời trang luôn làm mãn nhãn những ai yêu cái đẹp. Có thể nhắc đến trước tiên là sự hỗ trợ từ nghệ thuật trình diễn cho sân khấu thời trang. Năm 1999, Alexander McQueen đã gây bất ngờ với màn biểu diễn: dùng hai cánh tay robot phun màu lên chiếc đầm trắng của cô người mẫu đang đứng giữa.

Năm 2011, tác phẩm của Hussein Chalayan cũng gây nhiều ấn tượng tại triển lãm Aware: Art Fashion Identity ở Viện Hàn lâm Anh. Tác phẩm của anh trông như một bức điêu khắc lấy cảm hứng từ nghệ thuật múa rối Bunraku có lịch sử 300 năm của Nhật Bản. Cô người mẫu trong tạo hình một mannequin mặc chiếc đầm trắng nhiều tà đang tung bay. Chuyển động mềm mại của tà váy thực chất là nhờ tác động của ba người mặc trang phục đen.

Nguồn cảm hứng bất tận

Bên cạnh việc khiến show diễn thêm sống động, nghệ thuật, đặc biệt là hội họa, còn truyền cảm hứng sáng tạo không ít cho thời trang. Ở đây chúng ta không nói đến những bông hoa đơn giản in trên váy áo. Hãy xem sự kết hợp hoàn hảo giữa nhà thiết kế Erdem Moralioglu và nghệ sỹ Marc Quinn. Với cảm hứng từ các sắc màu sống động của tròng mắt, họ đã cho ra đời bộ đầm dài ấn tượng trên nền satin bóng. Cách phối màu khiến người xem có ảo ảnh như các màu đang chuyển biến về sắc độ trong không gian ba chiều. Theo Erdem: “Đó là quá trình thôi miên để nhìn tác phẩm hai chiều và tưởng tượng nó thành ba chiều”.

Với sưu tập Thu Đông 2010 cho Fendi, nhà tạo mẫu Karl Lagerfeld cũng tìm nguồn cảm hứng từ hội họa. Cụ thể là những bức tranh sơn dầu của họa sỹ Edward Hopper (1882–1967), một trong những nghệ sỹ nổi tiếng nhất của nền hội họa Mỹ thế kỷ XX. Hopper thường vẽ một phụ nữ dáng vẻ cô đơn, đi du lịch một mình, ngồi trên tàu đọc sách hay khỏa thân trên giường nhìn về nơi xa xăm. Màu sắc thường dùng là vàng đất, vàng nhạt và đỏ gạch. Tuy tranh có vẻ cô tịch nhưng sự kết hợp những màu sắc ấy lại không hề u buồn.

Thiết kế của Fendi nắm bắt tối đa sự pha trộn màu sắc Hopper ưa dùng, đặc biệt là màu vàng với sắc độ khác nhau. Chẳng hạn như chiếc váy màu vàng đất kết hợp với áo khoác nhung màu xanh áo lính, lúc sáng lúc tối, mang lại cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Các thiết kế ấy không cần điểm xuyết những nét cọ nhưng trông tựa như tranh vẽ của Hopper. Tất cả đều tuyệt đẹp.

Mối duyên không ít sóng gió

Như những cặp đôi chung sống lâu năm, thời trang và nghệ thuật có lúc “yêu thương nồng nàn“ và tương trợ nhau nhưng khi “cơm không lành, canh không ngọt” cũng có thể quay ra đả kích nhau không thương tiếc.

Có thể tinh tế nhận ra điều đó qua bức thảm thêu The Walthamstow Tapestry ra mắt ở London năm 2009 của nghệ sỹ người Anh Grayson Perry. Ông gọi tác phẩm của mình là “Madonna của chiếc xắc tay hiệu Chanel”. Nó khắc họa sinh động một nạn nhân của thời trang mang vẻ mặt buồn bã đang choàng khăn và ôm túi xách của những hãng danh tiếng. Ông mỉa mai: “Có thể cô ta đã nhận ra đỉnh điểm của việc mua sắm là cảm giác trống trải ra sao”. Dẫu sao, cặp đôi thời trang và nghệ thuật vẫn tiếp tục đồng hành và sẽ còn mang đến nhiều điều thú vị.

Bức thảm The Walthamstow Tapestry

Bức thảm The Walthamstow Tapestry

Theo dòng lịch sử

1908: Paul Poiret nhờ họa sỹ vẽ minh họa Paul Iribe làm cuốn booklet cho sưu tập của mình. Tác phẩm của Iribe sau đó rất phổ biến, đến nỗi Chanel và Lanvin cũng muốn hợp tác với Iribe.

BZ_ArtFashion_3

Những năm 1920: Đoàn múa ballet Nga của Diaghilev sử dụng áo tắm bằng len trong sưu tập năm 1924 của Chanel làm trang phục biểu diễn vở Le Train Bleu. Phông màn cho vở diễn còn có bức họa của thiên tài Picasso.

1937: Elsa Schiaparelli thiết kế một chiếc mũ hình giày sau khi chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa siêu thực của họa sỹ Tây Ban Nha Salvador Dalí.

1965: Yves Saint Laurent mang những hình khối màu sắc trừu tượng của Piet Mondrian vào chiếc đầm suôn không eo tạo nên chiếc đầm Mondrian nổi tiếng.

la_importancia_de_llamarse_mondrian_84929118_800x1200

BZ-ArtFashion-LV

Louis Vuitton

Từ 1993 trở đi: Không gian triển lãm Milanese của Miuccia Prada ấn tượng nhờ nghệ thuật sắp đặt đương đại của các nghệ sỹ nổi tiếng Marc Quinn, Louise Bourgeois, Anish Kapoor và Sam Taylor-Wood.

2001, 2003, 2007, 2012: Sự cộng tác của nhà thiết kế Marc Jacobs với các nghệ sỹ Takashi Murakami, Stephen Sprouse, Richard Prince và nữ hoàng chấm bi Yayoi Kusama đã tạo nên những phụ kiện có màu sắc sống động cho Louis Vuitton bên cạnh các thiết kế truyền thống.

2010: Stella McCartney làm việc với nghệ sỹ người Anh Barry Reigate để có những thiết kế hoạt họa ngộ nghĩnh trên các hình ảnh cho chiến dịch quảng cáo mùa thu đông 2010.

BZ_ArtFashion_1

Stella McCartney

2014: Karl Lagerfeld đã biến sảnh triển lãm ở cung điện Grand Palais thành không gian mang phong cách một hội chợ nghệ thuật cho buổi diễn Spring – Summer 2014 của Chanel. Một số bức vẽ được trang trí bằng những tấm ván theo phong cách của nghệ sỹ John McCracken, một số khác được đóng khung như tác phẩm của các danh họa bậc thầy.

APTOPIX Paris Fashion Chanel

2015: Chanel tiếp tục mang đến những thiết kế in họa tiết màu nước sặc sỡ trong bộ sưu tập Xuân Hè 2015 RTW. Những bức tranh nổi tiếng thuộc bộ sưu tập Nymphéas (Hoa súng) của danh họa Claude Monet xuất hiện trong bộ sưu tập Andrew Gn. Ngoài ra, nhiều nhà mốt đã lấy cảm hứng từ các bức vẽ phối màu độc đáo của danh họa Mondrian để làm nên các bộ sưu tập Xuân Hè 2015.

Bài: Quỳnh Hương – Ảnh: REUTERS, Tư liệu
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm