Làm sao để luôn tạo cảm hứng trong công việc cho bản thân?

Khoa học và văn minh nhân loại phát triển nhờ những đam mê sáng tạo. Nhiên liệu chính để chạy thứ động cơ đam mê ấy là nguồn cảm hứng, động lực đến từ cả bên trong lẫn bên ngoài mỗi người

Công việc không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có tuần “chốt đơn” khiến bạn tự tin vào khả năng của mình. Cũng có tuần nhiều mệt nhọc, những mâu thuẫn chưa giải quyết xong. Sau khi nghỉ xả hơi hai ngày cuối tuần, bạn đôi khi chẳng muốn đối mặt với một tuần mới.  Lúc này làm sao để tái tạo cảm hứng trong công việc cho bản thân?

Nguồn cảm hứng là gì? Đà bật vô hình, động lực tối thượng để sống tốt và thành công

hbz_boxtamlyNguồn cảm hứng kết nối con người với những điều lớn lao hơn. Nó trao cho mỗi người lòng can đảm và sức mạnh để vượt qua chướng ngại, phát huy những khả năng lạ kỳ, khiến ta dám sống để thực hiện giấc mơ.

Cảm hứng là khúc dạo đầu không thể thiếu để khơi gợi sự sáng tạo của những thiên tài hội họa như Van Gogh hay Rembrandt; là tia lửa kích hoạt dòng suối nhạc cho Mozart, Beethoven; và là nút thắt được tháo gỡ đầu tiên cho những phát minh của Thomas Edison.

Trong vụ khủng bố ở Pháp, chỉ một câu nói: “Con à! Họ có súng, còn chúng ta có hoa” giữa hai cha con gốc Việt đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người lòng lạc quan về một xã hội giữa loạn lạc.

Cảm hứng hiện diện khắp nơi. Chúng nằm ở vũ trụ, thiên nhiên, loài vật, con người xung quanh và ở trong chính mỗi người.

Nhà phân tâm học Freud chia sẻ: “Khi nguồn cảm hứng không đến với tôi, tôi phải đi tìm gặp chúng”. Nhà thiết kế thời trang Betty Tran tiết lộ cách mình đi tìm: “Nguồn cảm hứng của tôi xuất phát từ cuộc sống và những điều diễn ra xung quanh, kể cả từ phim ảnh và sách vở”.

Tuy nhiên, nguồn cảm hứng không chỉ dành cho giới sáng tạo. Tạo cảm hứng trong công việc và đời sống hàng ngày cho bản thân còn có khả năng biến đổi cả một con người bình thường.

Nhờ nhận biết, tận dụng và phát triển cảm hứng từ chính mình, ta nhìn ra hướng đi cuộc sống, lạc quan đối phó với những khó khăn, kiên trì đeo đuổi một giấc mơ và biến đổi mình thành con người mới.

Nguồn cảm hứng không nhất thiết phải khiến ta muốn thành công bằng mọi giá. Đôi khi, nó đơn giản chỉ để giúp ta yêu cuộc sống này, giúp ta nhận ra còn nhiều thứ tuyệt vời đang diễn ra mỗi ngày.

Từ thập niên 1930, Harper’s Bazaar có hẳn một chủ đề mang tên “Why don’t you?”, với châm ngôn của những người nổi tiếng, truyền cảm hứng đến bạn đọc khắp nơi trên thế giới. Chuyên mục do biên tập viên huyền thoại Diana Vreeland sáng lập.

Sự phát triển kỹ thuật số và truyền thông hiện nay đang giúp lây lan thứ “virus” tốt lành mang tên cảm hứng ra cộng đồng mạng xã hội, nơi các câu chuyện truyền cảm hứng được chia sẻ với tốc độ lan truyền nhanh chóng.

Định nghĩa cảm hứng theo triết lý học…

Nguồn cảm hứng ban đầu được xem như quyền lực siêu nhiên. Thời Hy Lạp cổ, thi thần Muse đã gieo cảm hứng sáng tạo văn chương nghệ thuật xuống cho loài người.

Tự điển Oxford định nghĩa cảm hứng là chiếc phà, giúp truyền đạt ý tưởng hay mục đích vào tâm trí theo những hình thức gợi ý, đánh thức, tạo ra cảm xúc, xung đột, đặc biệt ở những lĩnh vực cao quý.

Còn hai nhà tâm lý Todd M. Thrash và Andrew J. Elliot lại định nghĩa cảm hứng theo ba ý chính.

1. Trước hết, nguồn cảm hứng được gợi lên một cách tự nhiên và không chủ định.

2. Thứ đến, nó có tính siêu việt, là khoảnh khắc xuất thần của sự nhận biết và của những khả năng mới.

3. Cuối cùng, cảm hứng liên quan đến động lực tiếp cận, trong đó cá nhân nỗ lực phấn đấu để truyền tải, thể hiện hoặc hiện thực hóa một tầm nhìn hay một ý tưởng mới.

Nguồn cảm hứng là gì dưới định nghĩa khoa học?

Nhận rõ tầm quan trọng của thứ năng lượng tiềm ẩn là nguồn cảm hứng, các nhà khoa học đã nghiên cứu để hiểu rõ quy trình tác động từ sự phấn khích, hứng khởi tạo ra lửa đam mê cho con người.

Giới sinh hóa nhắm vào nội tiết tố dopamine. Theo họ, khi người ta vui vẻ, thoải mái, não sẽ tiết ra dopamine tăng cường sự tập trung, tăng năng suất làm việc và tác động vào nỗ lực hành động. Nó còn kích hoạt các hiệu ứng về hành vi và nhận thức, tạo ảnh hưởng tích cực, nhạy cảm, tư duy rộng và xả stress… Từ đó, dopamine giúp cảm hứng nảy sinh.

Giới thần kinh học lại nhìn vào dải tần số hay các bước sóng của não để hiểu sự phát triển của nguồn cảm hứng. Các bước sóng có dải tần số từ thấp lên cao theo thứ tự có tên Delta, Theta, Alpha, Beta và Gamma sẽ tạo nên những trạng thái tiếp nhận cảm hứng của mỗi người, từ ngủ sâu đến tỉnh táo và nhận thức cao siêu. Cảm hứng khởi động, đi dần từ bước sóng Beta với dải tần số từ 14 – 30Hz và đạt đỉnh điểm khi lên đến bước sóng Gamma, có dải tần số từ 30Hz trở lên. Kết luận từ nghiên cứu của tiến sỹ John Kounios là những khoảnh khắc tìm ra phát minh hay giải quyết được vấn đề cho đến khi dải tần số chạm ngưỡng bước sóng Gamma.

Các chuyên gia thần kinh còn dựa vào sự uyển chuyển linh hoạt của mỗi bộ não để xác định cường độ và tần xuất của cảm hứng. Theo họ, khi ta kết nối hai ý tưởng, não sẽ tự cấu trúc lại để tiếp nhận và xử lý ý tưởng phát sinh. Trí nhớ con người là sự sắp xếp và kết nối những mảng thông tin có quan hệ với nhau nên bộ não nào càng “nhựa”, tức có khả năng kết dính thông tin tốt, người đó càng dễ hình thành những suy nghĩ sáng tạo hoặc truyền cảm hứng.

>>> XEM THÊM: ĐỂ SỐNG HẠNH PHÚC HƠN: 4 HOÓC-MÔN VUI VẺ BẠN CẦN BIẾT

Làm sao để luôn tạo cảm hứng cho bản thân trong công việc và cuộc sống hàng ngày?

Thomas Edison viết: “Ở thiên tài có 1% cảm hứng và 99% mồ hôi”. Jack London lại khuyên: “Đừng chờ đợi cảm hứng mà hãy đi tìm nó”. Còn August Turak càng hình tượng hóa hơn: “Cảm hứng như mầm cây trồi lên từ mặt đất. Còn mồ hôi, nỗ lực như nước tưới cho cây lớn lên”.

Ý của cả ba học giả là lệ thuộc vào cảm hứng sẽ khiến bản thân chậm chạp trì trệ. Mỗi người cần khơi gợi nguồn cảm hứng, củng cố và khiến nó trở thành một thói quen, một phản xạ. Sau đây là một số biện pháp tạo cảm hứng cho bản thân hàng ngay:

1. Tạo cảm hứng mỗi buổi sáng

Mỗi sáng thức dậy, bạn hãy thử dành ra ít phút chọn cho mình một câu nói có thể tạo động lực và mang lại năng lượng sống.

2. Có mục đích cụ thể cho mỗi ngày

Lên danh sách các mục tiêu phải làm để hành động ngay kẻo hứng khởi nguội đi. Có mục đích để nhắm tới, ta mới nỗ lực hành động, từ đó duy trì ngọn lửa cảm hứng. Khi hoàn thành một việc, bạn gạch bỏ nó trong danh sách. Hành động này sẽ giúp bạn cảm thấy mình làm được nhiều điều hữu ích trong ngày, từ đó tạo ra dopamine hạnh phúc.

3. Chọn một môi trường làm việc đầy động lực

Được làm việc với những người nhiệt huyết sẽ luôn tiếp lửa cho bạn. Làm việc với những người có chung mục tiêu, liên tục thảo luận sẽ mang đến nguồn cảm hứng để tìm ra những sáng kiến. Trong những ngày khó khăn, đồng đội tốt sẽ giúp san sẻ gánh nặng, giúp bạn không cảm thấy cô đơn và lạc lõng.

hbz_quotetamlly

4. Bạn không nên ôm đồm quá nhiều việc vào người

Lao lực quá độ sẽ khiến bạn bị hội chứng burnout, cạn kiệt nguồn năng lượng sáng tạo. Bạn nên biết việc nào nên tự tay thực hiện và việc nào nên san sẻ với người khác, cho dù là nhân viên cấp dưới hay một cộng tác viên bên ngoài.

5. Khi làm việc, lâu lâu hãy đứng lên và thư giãn

Nhìn vào màn hình vi tính trong một thời gian dài sẽ gây đau đầu, nhức mắt, mệt mỏi và cũng khiến năng lượng của bạn suy giảm.

Thực hiện quy luật 20-20-20: Cứ 20 phút, bạn rời mắt khỏi màn hình để nhìn vào một vật thể gì đó cách bạn khoảng 20 feet (6 mét) trong vòng 20 giây. Quy luật này giúp đôi mắt bạn không mệt mỏi. Đồng thời, nếu bạn đang bị stress vì một dự án khó khăn, có một khoảng nghỉ sẽ giúp bạn tái tạo tinh thần.

6. Tìm nguồn cảm hứng cho bản thân ở thiên nhiên và xã hội

Như Harper’s Bazaar đã viết ở trên, nguồn cảm hứng xuất hiện ở khắp nơi. Sáng kiến có thể nảy sinh bất kỳ lúc nào. Do đó, dành thời gian để đi nghỉ dưỡng, ngắm thiên nhiên, hít thở không khí trong lành, quan sát những người xung quanh và trò chuyện với họ, có thể mang đến nguồn cảm hứng bất ngờ cho bạn.

>>> XEM THÊM: VÌ SAO HÍT THỞ GIÓ BIỂN TỐT CHO SỨC KHỎE VÀ TINH THẦN CỦA BẠN

7. Học một kỹ năng mới không liên quan đến công việc

Khi bạn học một điều gì đó mới, bạn đang tạo ra những mối liên kết mới giữa các dây neuron thần kinh. Trong ngôn ngữ khoa học, quá trình tác động trực tiếp đến não bộ này được gọi là Khả biến thần kinh (neuroplasticity). Quá trình này có thể chữa lành tổn thương, tăng cường khả năng thích ứng của não bộ, giúp não bộ thêm dẻo dài và dễ thích nghi.

Bạn có thể chọn học một kỹ năng như nấu ăn, cắm hoa, chơi nhạc cụ, vẽ tranh… Những kỹ năng này vừa có tính năng thư giãn vừa rèn luyện khả năng sáng tạo, do đó mang lại một nguồn cảm hứng mới hàng ngày cho bạn.

8. Đôi khi, cách tạo nguồn cảm hứng trong công việc và cuộc sống là hãy…lười một chút.

Bạn có thể từng đọc rất nhiều lời khuyên cho rằng sự chây lười, trì hoãn (procrastinate) là phí phạm thời gian, là rào cản trên con đường đến với thành công. Tuy nhiên, một số chuyên gia tâm lý lại cho rằng cảm giác lười biếng đôi khi là cần thiết. Lời khuyên của họ: Tận hưởng trước, hành động sau và hãy… lười một chút. Nghĩa là bạn hãy tận hưởng những gì mình thích trước rồi mới bắt đầu hành động dựa theo những cảm xúc ấy.

Lười tức là cố gắng giữ khoảnh khắc dừng lại, cho trí óc đi lang thang một chút để tâm trí “tiêu hóa” những gì đã nghiền ngẫm trong đầu.

**Êkíp thực hiện**

Photographer: Rielle Oase.
Model: Skye Aurelia.
Stylist: Celine Ashford.
Makeup & Hair: Carmonie Fuselier.
Lighting Director: Gerald Mangalindan.
Gaffer: Leah Garcia.
Retoucher: Anna Bel Dryden.
Designs: Mich Viray, Monica Leigh, Jewelry Bar

>>> XEM THÊM: LÀM SAO ĐỂ GIỮ BÌNH TĨNH, GIẢM LO LẮNG TRONG GIAI ĐOẠN CĂNG THẲNG?

Bài: Nghi Trần
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm