Trong thời tiết nắng nóng thất thường này, bạn có cảm thấy cơ thể rất dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi và uể oải mà không rõ nguyên nhân? Nếu không biết cách phòng ngừa, nắng nóng còn gây ra những chứng bệnh nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Trong lịch sử nước Mỹ, thời tiết quá nóng đã làm hơn 8.000 người thiệt mạng từ những năm 1979 đến 2003. Thời gian này, số người chết vì nắng nóng còn cao hơn cả do sóng thần, động đất, núi lửa… gây ra. Vậy nắng nóng có thể mang đến những nguy cơ gì và cách phòng ngừa chúng như thế nào?
Nguy cơ từ mùa hè
Vào những lúc thời tiết bình thường, cơ thể sẽ tự làm mát bằng cách tiết mồ hôi qua da. Khi nhiệt độ càng cao, cơ thể càng phải tiết nhiều mồ hôi để tự làm mát. Kết quả, cơ thể bị mất nước và không đủ lượng nước cần thiết. Cơ thể được tạo thành từ khoảng 60% nước, bộ não từ 85% nước, phổi từ 90% nước và máu từ 83% nước. Chỉ cần mất đi một phần mười lượng nước, não và các cơ quan khác sẽ không thể hoạt động bình thường. Dưới đây là một số chứng bệnh thường gặp khi khí trời nóng bức.
+Kiệt sức vì nóng
Những người cao tuổi, có huyết áp cao hoặc làm việc, tập thể dục trong một môi trường nóng dễ bị kiệt sức vì nhiệt. Dấu hiệu nhận biết: ra mồ hôi nhiều, xanh xao, chuột rút cơ, cơ thể mệt mỏi, yếu ớt, choáng, buồn nôn, ngất xỉu…
+Đột quỵ do nhiệt
Nguyên nhân là do nhiệt độ cơ thể tăng lên nhanh chóng, cơ chế tiết mồ hôi hoạt động không tốt và cơ thể không thể tự làm mát. Nếu không được điều trị kịp thời, đột quỵ do nhiệt có thể gây tử vong hoặc tàn tật vĩnh viễn. Dấu hiệu nhận biết: nhiệt độ cơ thể tăng cao, trên 39°C, da đỏ, nóng và khô chứ không đổ mồ hôi, mạch đập nhanh, nôn, choáng, bất tỉnh…
+Chuột rút do nóng
Xảy ra do mồ hôi đổ quá nhiều làm cạn kiệt muối và nước trong các cơ. Dấu hiệu nhận biết: đau nhức hoặc co thắt cơ bắp, thường ở bụng, cánh tay hoặc chân. +Rôm sảy: Đổ mồ hôi quá nhiều làm kích ứng da, sinh ra rôm sảy trên da. Rôm sảy thường nổi ở vùng cổ, ngực, háng và trong các nếp gấp khuỷu tay. +Da cháy nắng: Ánh nắng gay gắt làm tổn thương da, đẩy nhanh quá trình lão hóa, tăng nguy cơ ung thư da, có thể dẫn đến u ác tính. Khi bị cháy nắng, làn da trở nên đỏ, bỏng rát và nóng bất thường khi ra nắng.
Làm mát cơ thể
Vào mùa hè nắng nóng, ngoài sử dụng kem chống nắng, trang phục rộng rãi, mát mẻ, bạn cần lưu ý những điều sau để đảm bảo sức khỏe cho cơ thể:
+Thay đổi chế độ ăn uống
Bạn nên tránh ăn những thức ăn quá cay, quá nóng và khó tiêu. Bạn nên ăn những món có nhiều nước như súp, canh, salad và các loại trái cây vì chúng cung cấp nhiều vitamin và nước. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên chúng ta vào mùa hè nên ăn những loại thực phẩm có vị đắng như mướp đắng, rau má, cần tây… Chúng chứa chất alkaloid làm tăng sự tuần hoàn máu, giúp bạn ăn ngon miệng và tinh thần thoải mái hơn. Đồng thời,mỗi ngày bạn nên bổ sung khoảng 2mg vitamin B1, 2mg vitamin B2 và 1g calcium. Các chất này có tác dụng giảm lượng đường trong cơ thể và sự tiêu hao protein trong tế bào, làm bạn cảm thấy sung sức hơn.
+Uống nhiều nước
Ngoài các vấn đề về tuổi tác, béo phì hay bệnh tim, cơ thể thiếu nước là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về nhiệt. Do vậy, bạn cần phải tăng lượng nước uống cho cơ thể, bất kể bản thân hoạt động nhiều hay ít. Bạn lưu ý đừng đợi đến khi cảm thấy khát mới uống nước. Khi uống, chúng ta nên uống từng ngụm, không nên uống một hơi dài và uống ừng ực.
Vào những ngày bình thường, một người cân nặng 58kg nên uống 8 ly nước có kích cỡ trung bình. Theo nguyên tắc chung, đối với mỗi 1kg trọng lượng cơ thể, bạn cần 30ml nước. Tuy nhiên, trong thời tiết quá nóng, bạn cần uống nhiều hơn lượng nước trên.
Cạnh đó, chúng ta không nên dùng thức uống có cồn hoặc nhiều đường để giải khát vì chúng sẽ khiến cơ thể bị mất nhiều nước hơn. Chúng ta cũng nên tránh các đồ uống quá lạnh vì có thể gây co thắt dạ dày. Để thay thế nước, bạn có thể chọn các loại nước giải khát không ga, nước ép trái cây như cà-rốt, dưa chuột, dưa hấu, nước táo… Một gợi ý nữa là những loại nước mát có tác dụng giải nhiệt như nước làm từ bột sắn dây, mía lau, hoa cúc, trà lạnh…
+Bổ sung muối và khoáng chất
Ra mồ hôi nhiều không những làm mất nước mà còn mất khoáng chất và các loại muối như kali, na-tri ra khỏi cơ thể. Chúng ta cần phải bổ sung chúng kịp thời để duy trì hoạt động của thận, não và tim. Nếu bạn tập thể dục trong những ngày nóng, hãy uống khoảng 2–4 ly nước mát mỗi giờ. Bạn nên uống nước dừa hoặc có thể dùng các loại nước uống dành cho người chơi thể thao, có tác dụng thay thế muối và khoáng chất bị mất khi đổ mồ hôi. Tuy nhiên, nếu bạn đang theo chế độ ăn ít muối, hãy hỏi ý kiến bác sỹ trước khi dùng nước uống thể thao hoặc viên thuốc bổ sung muối.
+Tập thể dục hợp lý
Không tập thể dục nhiều, mạnh vào thời gian nóng nhất trong ngày. Thay vào đó, bạn có thể đi bộ, tập thể dục vào lúc bình minh hay hoàng hôn. Bạn nên tập từ từ để cơ thể thích ứng với nhiệt độ tăng dần của ánh nắng mặt trời. Nếu bạn cảm thấy khó thở hoặc tim đập nhanh, hãy dừng lại ngay và cố gắng làm mát cơ thể, chẳng hạn như tắm nước mát.
+Sắp xếp lịch làm việc cẩn thận
Nếu bạn phải làm việc ngoài trời, hãy cố gắng sắp xếp các hoạt động ngoài trời vào buổi sáng và buổi tối. Chỉ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian ngắn, tranh thủ nghỉ ngơi thường xuyên trong khu vực bóng râm để cơ thể có thời gian điều chỉnh nhiệt độ. Nếu bạn bắt đầu cảm thấy mệt mỏi hoặc buồn nôn, hãy tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp càng nhanh càng tốt. Ánh nắng nguy hiểm nhất là trong khoảng thời gian từ 11 đến 15 giờ.
Bài: Thiện Phương. Ảnh: Getty Images