Có một người phụ nữ giỏi đến thế, xinh đẹp đến thế, sở hữu nhiều đam mê, hoài bão với những vốn sống tựa cánh đồng mênh mông, bát ngát. Và người phụ nữ được nhiều người ngưỡng mộ ấy chính là nhà văn, họa sĩ kiêm luật sư nổi tiếng Amanda Huỳnh. Có lẽ chính dòng máu chịu thương chịu khó của người Việt Nam, giao thoa với phong cách nhẹ nhàng, thanh lịch mà quý phái khi sinh sống và làm việc tại Paris đã giúp cho cái nôi thi sĩ của cô được vỗ về và ngày càng bay bổng.
Người họa sĩ luôn tự phác họa cuộc đời
Tuổi thơ không mấy êm đềm khiến người phụ nữ này trở nên mạnh mẽ, kiên cường và độc lập. Cô biết chỉ có thành công là cách an toàn nhất để phủ lên mình lớp vỏ bọc chống lại những giông tố ngoài kia.
Sở hữu tài năng hội họa thiên bẩm, cô tự vẽ nên chính bức tranh cho tương lai bản thân. Ở tuổi 28, nhà văn Amanda Huỳnh đã truyền cảm hứng đến giới trẻ bởi thành tích học tập đáng nể và có bằng Tiến sĩ tại Pháp. Điều đó mở ra cho cô muôn vàn cơ hội làm việc tại nhiều tập đoàn danh tiếng với vị trí quản lý cấp cao. Năm 2013, cô trở thành gương mặt Tài năng trẻ do tổ chức nghệ thuật đa quốc gia Art 3F của Châu Âu vinh danh đưa những tác phẩm của mình được trưng bày tại các phòng triển lãm ở Pháp và Dubai.
Amanda Huỳnh đã đặt bút ký họa và cho ra đời 2 quyển sách Lam và Có hẹn với Paris. Đối với cô, những bản thảo này không chỉ là cuốn nhật ký ghi lại cuộc đời, những gì mình từng trải và góp nhặt từ những vụn vặt xung quanh, nó còn là tri kỷ luôn lắng nghe những tâm sự chất chứa, những nỗi niềm đang mang để khi xem lại còn thấy bản thân mình vẫn yêu mình và được ôm lấy bởi những người thân thương. Và những ký ức của tuổi xuân ấy được cô phác họa kỹ càng qua từng nét vẽ mềm mại, thể hiện những khát khao mãnh liệt của một kẻ mộng mơ. Chính vì thế, khi những quyển sách được lên kệ, cô luôn chạm đến trọn vẹn trái tim người đọc và cho họ biết thế nào là mộng mơ.
Kẻ mộng mơ luôn “biết ơn” những nơi mình thuộc về
Nhà văn với nhiều mơ mộng này dạo quanh khắp mọi nẻo đường của Pháp để tìm dư vị của tình yêu và vẫn không quên “đi đi về về” đất nước Việt. Nhưng những thành phố rực rỡ đèn màu của những New York, Paris, Sài Gòn chưa bao giờ ngủ, đêm đấy có hai người say trên tầng thượng của tòa tháp chọc trời; những buổi chiều hoang hoải đi dọc triền đồi, là người đặt vào bàn tay người một nhành hoa dại; nơi người nhủ trái tim sẽ ở lại thế rồi cuối cùng người lại ra đi đều chưa phải là đích đến cuối cùng.
Khi bất chợt được hỏi nơi nào mình thuộc về? Amanda tâm sự:
“Thật ra Nơi chúng ta thuộc về không phải là một nơi, một chốn. Đêm say ấy, bạn choàng tỉnh giữa bao người và tự hỏi ta đang ở đâu. Giữa những cuộc vui rộn ràng, bóng người tiếng nói vây quanh, bạn thấy như xung quanh không còn ai nữa. Bạn tự hỏi bạn có thuộc về nơi này?
Bạn tôi bay nửa vòng trái đất trở về, trước khi tôi lại lên một chuyến bay nhiều giờ khác đi đến một vùng đất xa xôi, trong hai tiếng đồng hồ ngắn ngủi kịp gặp nhau, ôm nhau, bạn tôi kể anh sẽ bắt đầu một dự án lớn của cuộc đời, vì một nụ cười chỉ vài giây của một phụ nữ nghèo khó chưa từng mua được cho con mình một chiếc bánh sinh nhật trong đời, niềm vui duy nhất của bà là những tấm giấy khen của con mình mà bà không ngừng vân vê trong đôi bàn tay chai sạm.
Tôi trở về xăm trên tay dòng chữ «Biết ơn ». Một đêm nào đấy trên chuyến bus từ Reykjavík, con đường xa lộ ngút ngàn, phía đường trời ánh tím ửng hồng, hai bên là những triền núi lửa trắng xoá, bài hát của Asgeir trong In the Silence vang vang, tôi đặt tay phải trên dòng chữ « Biết ơn» trên tay trái mình và thấy tim mình hạnh phúc. Cũng là những chuyến đi, nhưng khác những chuyến đi tuổi trẻ, đã từ lâu, tôi biết nơi trái tim tôi thuộc về”.
Có rất nhiều nơi ta đi qua, nhiều nơi khiến chúng ta mãi thao thức về một bóng hình nhưng những nơi ta cảm thấy lòng an yên và thuộc về luôn khiến chúng ta biết ơn và nhiều hơn thế. Chính những cảm xúc như thế đã khiến nhà văn trẻ chắp bút quyển sách “Nơi chúng ta thuộc về”. Đây là một quyển sách mang nội dung chữa lành gồm 3 chương: Yêu – Thương – Tha Thứ. Chúng ta rồi phải học tất cả, nuôi dưỡng đứa con bên trong của mình để thật hạnh phúc.
Đồng thời, ở quyển sách này, nhà văn muốn nói với bạn đọc rằng:
“Con đường đi tìm nơi chúng ta thuộc về, tôi đã đi và vẫn đang đi. Viết Nơi chúng ta thuộc về, vì tôi biết tôi cần phải viết ra, đầu tiên là cho chính mình.Biết đâu trong những gì tôi sắp kể ra đây, bạn đã từng hoặc đang chuẩn bị trải qua những gì gần giống như vậy. Biết đâu ở một khoảng khắc nào đó chúng ta đã rất giống nhau. Trong khoảng trắng giữa hai dòng chữ, biết đâu ta hiểu nhau. Trong giây phút ngắn ngủi ấy, bạn có tôi và tôi có bạn. Và mong muốn lớn nhất của tôi đó là bạn biết bạn không chỉ có một mình”.
Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam