Khi nói về khả năng thức thời với sự thay đổi không ngừng và có phần nghiệt ngã của thế giới thời trang, bạn chỉ cần nhìn vào nhà tiên phong về lông thú của nước Ý, Fendi.
Trong suốt 90 lịch sử Fendi, những gì xảy ra dường như sẵn sàng đưa chất liệu xa xỉ này đến thời kỳ điêu tàn: Sự đến rồi đi của hai cuộc thế chiến; sự nổi lên của phong trào nữ quyền kêu gọi chống lại chất liệu khó mua, khó mặc này; và sau đó là vấn đề bảo vệ động vật ngày càng nóng lên.
Thế nhưng, dưới sự bảo trợ của gia đình Fendi, lông thú vẫn chưa bao giờ mất đi sức hút suốt nhiều thập kỷ qua. Đặc biệt là trong thời điểm này khi những chiếc móc túi xách hình quái vật của hãng đang mê hoặc trái tim của hàng nghìn tín đồ thời trang.
Lịch sử Fendi bắt đầu từ cặp vợ chồng mê đồ lông
Fendi là nhà thời trang duy nhất sở hữu Fur Atelier của riêng mình ngay từ khi ra đời. Cặp vợ chồng Edoardo và Adele Fendi bắt đầu gầy dựng danh tiếng cho Fendi từ một cửa hàng đồ da và hành lý với xưởng lông thú nhỏ tại Via del Plebiscito, Rome. Mỗi nghệ nhân của xưởng phải trải qua 10 năm học tập để lĩnh hội nghệ thuật làm đồ lông được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Sau chiến tranh, năm chị em Paola, Anna, Franca, Carla và Alda kế nghiệp cha mẹ và biến Fendi từ một nhà làm lông thú và phụ kiện truyền thống trở thành một đế chế thời trang danh tiếng. Họ hiểu rằng, chỉ có cải tiến và bắt tay nghiên cứu mới có thể mang đến hơi thở mới mẻ cho chất liệu lông nặng nề, cứng nhắc lúc bấy giờ. Mong muốn của họ đã trở thành hiện thực và thành công ngoài mong đợi nhờ sự xuất hiện của thiên tài tóc bạch kim Karl Lagerfeld.
“Vị thần khai sáng” Fendi: Ông hoàng tóc bạc Karl
Năm 1965, Lagerfeld gia nhập nhà Fendi. Kể từ đó, dưới sự dẫn dắt của ông, lông thú bớt đi vẻ xa hoa mà trở nên thiết thực, dễ ứng dụng.
Một thời đại mới với những trang phục lông thú mang phom dáng, kiểu cách hiện đại, nhẹ hơn, mềm mại hơn và thời trang hơn bắt đầu. Sự kết hợp của khoa học kỹ thuật và nghệ thuật với khả năng tái sử dụng lông thú cũ, phương pháp thuộc da mới và những kỹ thuật xử lý chất liệu mới, tất cả đã mang lại thành công tột đỉnh cho bộ sưu tập haute couture đầu tiên của Fendi vào năm 1966.
Khi nói về tầm nhìn xuất chúng của Lagerfeld, Silvia Venturini Fendi, con gái của Anna, Giám đốc Sáng tạo dòng phụ kiện và đồ nam Fendi, không hề tiếc lời: “Ông ấy đã đem lại luồng gió mới cho đồ lông thú của Fendi, tháo bỏ lớp lót bên trong và khiến chúng nhẹ đến khó tin”.
Lagerfeld nhớ lại: “Adele Fendi là một thiên tài và với tôi, bà còn vượt trên cả sự duyên dáng. Tôi đã đến gặp bà đề nghị làm một bộ sưu tập khác gọi là Fun Fur. Dần dần, kiểu áo khoác sang trọng, quý tộc rất kinh điển ngày nào biến mất. Bắt đầu một cuộc cách mạng lông thú ở Ý! Vì họ đã đồng ý tháo bỏ lớp lót trong áo, làm những việc mà chưa ai từng làm với lông thú. Vì lông thú cần được nhìn nhận ngang hàng với những chất liệu khác”.
Fendi khai sinh khái niệm Fun Fur
Dưới sự hậu thuẫn của gia đình Fendi, Karl Lagerfeld đã kiến tạo nên một khái niệm mới về đồ lông. Khái niệm Fun Fur nhanh chóng được chào đón và đi vào logo hai chữ F trứ danh. Từ đấy, lông thú không còn chỉ là áo khoác lông mà dành cho cả đầm, túi xách, trang sức và những chiếc móc khóa đầy cám dỗ hình con rệp – Bag Bug.
Khi Fendi kỷ niệm 88 năm ngày sáng lập và gốc gác liên quan đến lông thú của mình, Karl Lagerfeld bộc bạch: “Với tôi, ra ý tưởng rất dễ dàng nhưng tìm người thừa nhận chúng lại không đơn giản. Tuy nhiên, nhà Fendi đã thực sự bỏ từng chút công sức để tìm đúng người đảm trách những việc mà tôi nghĩ họ cần làm, và cuối cùng họ đã có được tên tuổi xứng đáng. Lông thú chính là Fendi và Fendi chính là lông thú”.
Trong vòng một thập kỷ qua, nhà mốt này đã kết hợp những phân tử vàng 24k vào lông thú hay phối hợp lông với chất liệu lạ như lụa, cashmere.
Sự xuất hiện của Karlito, mẫu móc khóa cho túi xách với tạo hình của Karl Lagerfeld đã nhanh chóng gây bão trong làng thời trang. Chỉ trong khoảng một tháng mở bán hồi tháng Sáu năm nay, mẫu phụ kiện thú vị làm từ lông chồn, lông cáo, lông dê, da cừu nappa có giá đến 935 bảng Anh này đã nhận được danh sách chờ với 600 người đăng ký. Ngày nay, móc khóa Karlito tiếp tục là một item hot trong lịch sử thời trang Fendi.
Cặp bài trùng làm nên lịch sử Fendi hiện đại
Silvia Venturini Fendi luôn song hành cùng Karl Lagerfeld cuối mỗi show diễn. Bà chia sẻ:
“Cá nhân tôi biết Karl Lagerfeld khi còn là một đứa trẻ. Tôi còn nhớ như in hình ảnh ông làm việc với mẹ và các dì tôi tại Fendi Fur Atelier, vẽ phác thảo và thảo luận sôi nổi. Tôi rất tôn trọng và ngưỡng mộ ông ấy, một người khác thường và rất tài giỏi. Chúng tôi biết rõ về nhau và không cần phải nói nhiều khi cùng thực hiện các bộ sưu tập. Tôi biết những gì ông ấy thích, Karl muốn được gây ngạc nhiên, nhìn thấy những thứ mới mẻ và cũng dễ chán nản. Điều thú vị khi làm việc cùng Karl là ông ấy rất giỏi tiên liệu tương lai. Hợp tác với ông ấy là một vinh hạnh cho tôi”.
>>> Xem thêm: NHÌN LẠI CUỘC ĐỜI CỦA KARL LAGERFELD, NHÀ THIẾT KẾ TÀI DANH
Bài: Trinh Pak. Ảnh: Tư liệu
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam