Christian Dior và Alexander McQueen: Hai tài năng đoản mệnh

Bất ngờ ra đi khi sự nghiệp thiết kế đang huy hoàng, tên của Christian Dior và Alexander McQueen cũng vì vậy đã trở thành những dấu ấn khó phai mờ trong làng mốt thế giới

CHRISTIAN DIOR (1905 – 1957, 52 tuổi)

Christian Dior sáng lập nhà mốt Dior vào ngày 16−12−1946 tại số 30 đại lộ Montaigne, Paris, với sự trợ giúp tài chính của ông trùm ngành dệt may Marcel Boussac. Tuy nhiên nhà mốt Dior lấy năm 1947 làm năm thành lập vì đó là năm Christian Dior chính thức ra mắt bộ sưu tập đầu tiên.

Với tài năng của mình, Christian Dior đã đưa thương hiệu Christian Dior (hay thường gọi tắt là Dior) trở thành một trong những thương hiệu thời trang cao cấp hàng đầu thế giới.

christian-Dior

Năm 1955, Christian Dior nhận cậu thanh niên 19 tuổi Yves Saint Laurent làm trợ lý. Năm 1957, Dior nói với mẹ của Yves Saint Laurent là sẽ chọn nhà thiết kế trẻ này làm người kế vị cho ông. Không lâu sau đó, Christian Dior bất ngờ qua đời do nhồi máu cơ tim vào ngày 24101957. 2.500 người đã đến dự tang lễ của ông, bao gồm các nhân viên của hãng và những khách hàng nổi tiếng dẫn đầu là nữ công tước xứ Windsor.

Để cứu vãn thương hiệu, Jacques Rouet đã theo di nguyện của Christian Dior chọn chàng trai 21 tuổi Yves Saint Laurent làm giám đốc sáng tạo.

Christian-Dior-New-Look

Nhà mốt Dior sau đó đã thay rất nhiều giám đốc sáng tạo nhưng bản sắc nữ tính, phom dáng New Look đầy cấu trúc và phương châm nâng niu nét đẹp người phụ nữ mà Christian Dior truyền lại vẫn được phát huy cho đến ngày nay. Tài năng sáng tạo thời trang xuất chúng của Christian Dior đã giúp ông được công nhận là một trong những nhân vật thời trang lớn nhất trong lịch sử.

 

LEE ALEXANDER MCQUEEN (1969 – 2010, 41 tuổi)

Nhắc đến Lee Alexander McQueen, người ta sẽ mường tượng đến một nhà thiết kế đầu trọc với vô số scandal và cái chết bi thảm khi gần tròn 41 tuổi.

Tuy nhiên, không ai phủ nhận rằng Lee là một trong số ít những nhà thiết kế có thể đưa thời trang lên một tầm cao mới. Người ta có thể thích hoặc không thích các thiết kế của anh, nhưng ai cũng phải ngạc nhiên và trầm trồ ngưỡng mộ trước các trang phục đậm nét quậy – quái của Lee Alexander McQueen.

alexander-mcqueen-2

Lee Alexander McQueen là một tên tuổi hiếm hoi luôn thể nghiệm các kỹ thuật điện tử để đưa những show diễn của mình thành một tác phẩm nghệ thuật đương đại. Các thiết kế của anh mang đầy cảm hứng vị lai (futuristic) nhưng luôn mê hoặc lòng người bởi những tầng lớp ý nghĩa ẩn chứa trong ấy. Cũng chính vì thế, trang phục của Alexander McQueen không chỉ hiện diện trong thời trang mà còn trở thành tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại các bảo tàng nổi tiếng thế giới.

alexander-mcqueen-museum

Một thiết kế trưng bày trong triển lãm “Alexander McQueen: Savage Beauty” tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York. Nguồn ảnh: freckafresh.wordpress.com

 

Lee Alexander McQueen cũng nổi tiếng là nhà thiết kế của những kỷ lục. Anh là tên tuổi tạo mẫu duy nhất 4 lần được Hội đồng thời trang Anh vinh danh là Nhà thiết kế của năm (1995, 1997, 2001, 2003). Đáng nói hơn, chỉ trong vòng bảy năm ngắn ngủi anh đã có đến bốn danh hiệu này. Đó không chỉ là sự tôn vinh đơn thuần mà còn là dấu son chói lọi đánh dấu những tháng ngày McQueen trở thành ông hoàng của thời trang Anh.

McQueen tự tử chỉ vài ngày trước khi Tuần lễ thời trang London diễn ra và 9 ngày sau khi mẹ anh mất vì căn bệnh ung thư. Nhiếp ảnh gia David LaChapelle, một người bạn thân của McQueen, cho biết “anh ta đang rất đau khổ”.

alexander-mcqueen-and-mother-pic-eyevine-17678693

Lee Alexander McQueen và mẹ. Nguồn ảnh: mirror.co.uk

 

Đám tang của McQueen diễn ra ngày 25–02–2010, tại nhà thờ St. Paul, Knightsbridge ở London. Sau khi hỏa táng, hài cốt của anh được đưa về Isle of Skye ở Scotland.

 Tổng hợp

Xem thêm