Hãng thời trang đại chúng Uniqlo của Nhật gần đây vừa công bố dự án hợp tác với hai nhà thiết kế Christophe Lemaire và Sarah-Linh Tran của thương hiệu Lemaire. Mọi sự chú ý dồn vào Lemaire và cặp đôi nhà thiết kế đằng sau thương hiệu này.
Lemaire, thương hiệu của cựu giám đốc sáng tạo Hermès
Lemaire là thương hiệu thời trang riêng của Christophe Lemaire, người từng gây xôn xao giới thời trang vào năm ngoái khi quyết định từ chức Giám đốc sáng tạo nhà mốt danh tiếng Hermès để tập trung cho thương hiệu riêng mang tên mình, vốn có quy mô nhỏ hơn nhiều lần.
“Đó là một quyết định không dễ”, nhà thiết kế người Pháp cho biết, “vì tôi rất yêu công việc ở đó. Nhưng đó cũng là một cách để thử thách chúng tôi với thương hiệu của riêng mình. Chúng tôi đã đi qua vài mùa và Lemaire đang ngày càng phát triển, doanh số bán hàng đang tăng. Chúng tôi được biết tới nhiều hơn”.
Christophe Lemaire từng làm việc cho Yves Saint Laurent và Thierry Mugler trước khi thành lập thương hiệu riêng vào năm 1991. Sau đó anh còn giữ chức giám đốc sáng tạo của Lacoste trong 10 năm, từ năm 2000. Năm 2010 anh nhận lời gia nhập Hermès phụ trách dòng thời trang nữ cho đến năm 2014 thì từ chức.
Christophe không phủ nhận nhờ vào Hermès mà người ta bắt đầu chú ý đến thương hiệu của anh hơn: “Các show diễn bắt đầu đông hơn, và một số người bắt đầu thích thương hiệu của chúng tôi. Điều này giúp tôi tự tin hơn và tôi chắc là Sarah-Linh cũng vậy”.
Chuyện tình của Sarah-Linh Tran và Christophe Lemaire
Sarah-Linh mà anh nhắc đến là Sarah-Linh Tran, nữ thiết kế gốc Việt, nàng thơ, bạn đồng hành của anh trong công việc lẫn cuộc sống riêng, người phụ nữ thầm lặng đứng phía sau thương hiệu Lemaire. Sarah hiện là đồng Giám đốc sáng tạo và phụ trách phần hình ảnh nhận diện của thương hiệu. Họ đã bên nhau được 8 năm và Sarah làm việc cho Lemaire được 5 năm.
Tháng Một năm nay, Christophe đã đổi tên thương hiệu của anh, từ Christophe Lemaire rút gọn thành Lemaire để công nhận rõ hơn những đóng góp của Sarah cho thương hiệu. “Chúng tôi muốn nó trở thành một cái tên gia đình”, anh nói.
Cả hai gặp nhau cách đây 8 năm khi Sarah còn là một sinh viên và Christophe đang làm việc cho Lacoste. “Rất tự nhiên và nhanh chóng chúng tôi nhận ra cả hai có cùng chung cảm nhận và đồng điệu về gu thẩm mỹ, phong cách, nghệ thuật lẫn phim ảnh”, Lemaire chia sẻ, “và rất tự nhiên chúng tôi đến với nhau, làm điều mà mọi người đều khuyên là không nên trong tình yêu: hợp tác làm việc cùng nhau”.
Tư duy thời trang cá biệt của bộ đôi nhà thiết kế
Tóc dài, hơi xoăn, thả tự nhiên, đôi khi tết thành bím lỏng lẻo. Gương mặt ít make-up, mang vẻ trẻ con đặc trưng của phụ nữ Châu Á. Đôi mắt buồn nhưng tinh anh. Vẻ ưu tư, thần thái nhẹ nhàng, mênh mang đầy cuốn hút. Sarah là minh chứng rõ nhất cho từ “effortless” trong thời trang. Không cần cố tỏ vẻ, không chạy theo trào lưu, những gì bạn chọn khoác lên người giúp tôn lên cá tính và tâm hồn bạn chứ không phù phiếm hóa con người bạn. Và đó chính là tôn chỉ trong thiết kế của Christophe Lemaire và Sarah-Linh: anti-fashion.
Các thiết kế của Lemaire đi theo chủ nghĩa tối giản, cơ bản, timeless, không theo mùa, không theo trào lưu và mang tính ứng dụng cao. “Chúng tôi thiết kế cho người phụ nữ đã định hình được phong cách riêng và có lối sống thanh nhã. Trang phục cô ấy mặc là cách đơn giản hóa cuộc sống và làm nổi bật tính cách của cô ấy”, Sarah cho biết.
Phong cách thiết kế này cũng tương đồng với lối sống khép kín của cả hai. Họ không chú trọng thu hút các khách hàng giàu có hay ngôi sao, không dùng chiêu trò PR, không lợi dụng truyền thông. Điển hình là có rất ít thông tin về cuộc hợp tác với Uniqlo từ phía nhà Lemaire.
Qua các bài phỏng vấn hiếm hoi, Christophe Lemaire thể hiện rõ anh là người không thích ồn ào và khá cực đoan trong tư duy thời trang. Anh gọi đám đông bên ngoài các show diễn thời trang là rạp xiếc. Anh phản đối xu hướng và chống lại quy luật đòi hỏi cái mới trong thời trang.
Với anh, thời trang nên chú trọng vào chất lượng hơn là trào lưu. “Mỗi mùa chúng tôi tiếp tục lặp lại những ý niệm chung nhưng theo những cách khác nhau”. Đó là ý niệm về những trang phục cao cấp nhưng phải thực tiễn, giúp khách hàng mua ít nhưng chất lượng và dùng được lâu bền. “Một người thanh lịch không cần phải chạy theo thời trang. Hiểu rõ những gì diễn ra xung quanh mình là rất quan trọng nhưng không nhất thiết phải trở thành một người quá thời thượng. Hãy là chính bạn, không cần chạy theo mốt. Mặc đẹp không có nghĩa là giả tạo. Trang phục phải mang đến cho bạn sự tự tin và giúp bạn là chính mình”.
“Chúng tôi không cố tỏ ra khác biệt. Chúng tôi chỉ đi đúng con đường của mình”, nhà thiết kế khẳng định.
Theo: nytimes.com, ajournal.co
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam